ĐÃ “TỐI ƯU” CÒN “NHẤT” ĐÃ “TỐT NGHIỆP” CÒN “RA TRƯỜNG”!

ĐÃ “TỐI ƯU” CÒN “NHẤT”
ĐÃ “TỐT NGHIỆP” CÒN “RA TRƯỜNG”!

Gõ cụm từ tốt nghiệp ra trường trong dấu ngoặc kép và sử dụng công cụ tìm kiếm Google, ta được khoảng 248.000 kết quả.
1.
Con số này cho thấy cụm từ đang xét được khá nhiều người sử dụng. Nhưng liệu nó có phải là một cách diễn đạt ngắn gọn?

Ra trường có thể dùng theo nghĩa hẹp trong cụm từ lễ ra trường cho học sinh lớp 12. 

Trong trường hợp này, học sinh lớp 12 sẽ rời trường (về mặt khoảng cách địa lý) nhưng không hẳn tất cả đều tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Tuy nhiên, khi nói một bác sĩ mới ra trường, ta hiểu đó là một bác sĩ vừa tốt nghiệp đại học y khoa. 

Trong trường hợp này, ra trường được dùng theo nghĩa rộng và đồng nghĩa với tốt nghiệp.

Như vậy, tốt nghiệp ra trường là một cách diễn đạt dài dòng.
2. 
Tiếp tục sử dụng công cụ tìm kiếm Google với cụm từ tối ưu nhất cũng bằng cách gõ cụm từ trong dấu ngoặc kép, ta được hơn 1,5 triệu kết quả.

Liệu có cần phải thêm nhất sau từ tối ưu?

Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn dưới sự chủ biên của Hoàng Phê giảng nghĩa tối ưu là "tốt nhất, đưa lại hiệu quả tốt nhất" và cho ví dụ "phương án tối ưu; mô hình tối ưu; giải pháp tối ưu" (trang 1010). 

Như vậy, trong tối ưu đã có nhất. Ta chỉ dùng từ tối ưu thay vì tối ưu nhất.
3. 
Dù xuất hiện ít hơn tối ưu nhất, cụm từ tái lập lại vẫn được dùng khá nhiều với khoảng 103.000 kết quả hiển thị trên Google, đặc biệt là gắn với sự kiện nóng tái lập lại tình trạng mất trật tự lòng lề đường.

Từ điển tiếng Việt giảng nghĩa tái lập là "lặp lại, xây dựng lại" (trang 885). Như vậy, trong tái lập đã có lại. Ta dùng tái lập thay vì tái lập lại.
4. 
Bằng kỹ thuật tìm kiếm tương tự, Google cho ta khoảng 10.900 kết quả với cụm từ cùng nhau cộng tác và 93.500 kết quả với cụm từ cộng tác cùng nhau. Hai cụm từ này có gì đặc biệt về mặt ngôn ngữ?

Cộng (6 nét, bộ bát) có nghĩa là cùng, chung. Tác (7 nét, bộ nhân) có nghĩa là làm, tạo nên. 

Từ điển tiếng Việt giảng nghĩa cộng tác là "cùng góp sức làm chung một công việc" và nhấn mạnh "nhưng có thể không cùng chung một trách nhiệm" (trang 212) để phân biệt với hợp tác là "cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó, nhằm một mục đích chung" (trang 466).

Như vậy, ta có thể dùng từ cộng tác thay cho cùng nhau cộng tác hoặc cộng tác cùng nhau.
5. 
Trái với việc diễn đạt thừa từ, việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp ý thích hợp lại tạo nên những tuyệt tác văn học.

Bài Đằng Vương Các tự của Vương Bột (650-676) thời nhà Đường có hai câu nổi tiếng:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
Nghĩa hai câu này là:
Ráng chiều với cánh vịt trời đơn chiếc cùng bay; nước thu cùng bầu trời dài một sắc.
Trần Trọng San dịch thành:
Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cò đơn chiếc đều bay;
làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc.

Tương truyền, có người chê câu của Vương Bột thừa chữ dữ và cộng vì trong tề phi (cùng bay) đã có dữ (với), trong nhất sắc (một màu) đã có cộng (cùng). 

Thật ra, nếu bỏ đi các từ dữ và cộng, ta được hai câu mới cô đọng hơn nhưng âm hưởng lại không bằng hai câu cũ.

Ở một góc độ khác, điệp từ trong Tỳ bà của Bích Khê không làm bài thơ dở đi mà ngược lại, khiến Hoài Thanh (1909-1982) và Hoài Chân đánh giá là "hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam": 
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.


TRƯỜNG LÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến