CẦN CÓ SỰ NHẬN THỨC LẠI VỀ TỪ HÁN-VIỆT

CẦN CÓ SỰ NHẬN THỨC LẠI
VỀ TỪ HÁN-VIỆT

Trong một bài viết đăng trên báo Một Thế Giới, tôi từng nêu vấn đề tiếng Anh, tiếng Pháp đã xâm thực, khiến cho tiếng Việt bị thất bại, làm cho người Việt bị vong bản trên đất nước mình. Có bạn comment chê trách tôi vì kêu ca tiếng Anh thì lại thay vào đó bằng từ Hán-Việt. Tôi đã dự cảm, nhất định có ý kiến như vậy bởi vì rất nhiều người còn hiểu sai về kho tàng từ Hán Việt của ta.

Thứ nhất, xin khẳng định từ Hán-Việt không phải từ ngữ của Trung Quốc, mà đó là từ Việt. Có điều, do nguồn gốc hình thành của nó mà người ta gọi nói là Hán-Việt. Và chính cách gọi này, khiến cho nhiều người lầm tưởng, hắt hủi nó cho rằng nó không phải Việt Nam.

Thứ hai, kho tàng từ Hán-Việt hình thành hơn 2.000 năm nay, đó là bộ phận không thể thiếu được của tiếng Việt. Điều này khỏi phải chứng minh, nó biểu hiện trong đời sống quá rõ. 

Nay bàn thêm về điều thứ nhất trên đây.

Người Tàu mang chữ viết của họ sang Việt Nam, dùng chữ viết ấy làm văn tự hành chính chính thức. Nhưng các cụ Việt không uốn lưỡi đọc theo họ, thành ra hình thành nên vốn từ mà người ta gọi là Hán-Việt. Thực chất đó là tiếng Hán bồi. Mở ngoặc thêm là không nhất định gốc nó là từ Hán, mà phần nhiều là từ tiếng Quảng. Chắc chắn là 200 năm nước Nam Việt, sau đó thuộc Ngô, thì lãnh thổ nước ta đều tiếp xúc với tiếng Quảng, thứ tiếng mà người Hán Bắc Kinh cũng gọi là Việt ngữ. Vậy tóm lại, người Việt Nam đã sáng tạo tiếng nói căn cứ vào hệ thống chữ và âm của chữ Hán, tiếng Hán, tiếng Quảng Đông. Đó dứt khoát là tiếng Việt, không thể là tiếng của ai khác. Vì đơn giản rằng, người Quảng, người Hán không nói như vậy.

Ví dụ người Việt có từ "to lớn", chữ Hán có chữ , phát âm Hán (theo phiên âm) là "dà" (tương tự từ ta), còn người Việt đọc là "đại". Và tất cả những từ đồng âm người Trung Quốc đọc như thế, người Việt đều đọc là "đại".

Như vậy hình thành một ánh xạ 1-1 giữa các từ Hán đọc chữ Hán và từ Việt đọc chữ Hán. Đó là ứng xử riêng biệt của người Việt cổ, để lại kho tàng từ ngữ cho các thế hệ sau. 

Từ Hán-Việt không thể thiếu để diễn tả từ trừu tượng, bóng bẩy, văn chương, có ý nghĩa triết học, hoặc hành chính, kinh tế, khu vực ngữ nghĩa mà từ Việt gốc (Nôm) không diễn tả được, vì lịch sử phát triển của nó đã bị chặn khi có kho tàng từ Hán-Việt.

Ví dụ: "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc", có nghĩa đen là "Một mình, tha hồ, sung sướng", nhưng chỉ hiểu theo nghĩa đen thì quá hẹp thành ra không ổn.

Trong đời sống, cụ Hồ ngày xưa có ý thức thay từ Hán-Việt bằng từ thuần Việt, cụ bảo từ nào tiếng Việt đã có rồi thì nên dùng từ thuần Việt. Có trường hợp được, ví dụ phi cơ, thay bằng máy bay. Cũng có nhiều trường hợp không ổn, ví dụ phi công thay bằng "người lái máy bay" thì lại dài dòng, hay như "nữ dân quân" thay bằng "dân quân gái" thì lại không được, bởi "nữ" và "gái" khác nhau.

Tóm lại, kho tàng từ Hán-Việt chính là từ Việt, đừng nên rẻ rúng nó. Có thể các nhà ngôn ngữ nên đề nghị một cái tên khác để gọi, thay cho cách gọi "từ Hán-Việt" lâu nay để nhiều người khỏi hiểu lầm. 

Sau này, khi thuộc Pháp, các cụ ở thế kỷ 19 đã ứng xử với tiếng Pháp truyền thống tương tự cổ xưa người Việt ứng xử với tiếng Hán, nhưng hai thứ tiếng khác nhau quá xa, nên chỉ hình thành lối "Pháp bồi", và một số từ kỹ thuật, ví dụ "xà phòng", nhà "ga"... Bây giờ ai bảo từ "ga" không phải từ Việt?

Nguyễn Xuân Hưng


Nhận xét

Bài đăng phổ biến