VỀ ĐỀ THI NGỮ VĂN THPT 2017

VỀ ĐỀ THI NGỮ VĂN THPT 2017

Trưa nay tôi đọc được đề thi tốt nghiệp PTTH môn Văn, vừa vui vừa thất vọng. Vui vì thấy đề thi trích dẫn một tác giả mới, là anh Đặng Hoàng Giang, thay vì cứ xoay quanh những tác giả cũ hàng chục năm. Như vậy là có tiến bộ. Nhưng thất vọng vì những người ra đề đã hiển-nhiên-đờ-đẫn với nội dung mình chọn, nên nội dung văn bản được chọn để đọc-hiểu có nhiều vấn đề sai lệch về tri thức và lỏng lẻo trong lập luận. Có thể nêu một vài chi tiết như sau:
1.
Suy nghĩ, cảm xúc của một người là một vấn đề thuộc về chủ quan của người đó. Cái gì đã thuộc về chủ quan của một người thì chỉ mình người đó mới cảm nhận và biết được, người ngoài không có cách nào truy nhập được. Vì thế cho rằng: "Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm" là sai. Ý kiến này viết để đọc chơi thì được, nhưng mang ra làm đề thi cho học sinh cả nước làm bài thì là sự non tay và mụ mị của những người ra đề.

Lưu ý rằng, không ai có thể hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một người khác. Cũng không ai có thể hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Vì sao? Vì suy nghĩ và cảm xúc của người khác là những thứ diễn ra bên trong tâm trí và cơ thể họ, nên ta không có cách nào truy nhập và hiểu được. Cho đến nay không có bất kỳ ai, cũng không có công nghệ nào có thể giúp ta hiểu được thấu đáo, trọn vẹn suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Những chiếc máy kiểm tra nói dối hiện đại nhất cũng không thể đọc được suy nghĩ của kẻ phạm tội. Những kẻ được coi là mẫn cảm nhất cũng không hiểu tâm hồn của người chung sống cùng mình. Những bác sĩ tâm lý giỏi nhất cũng không hiểu được suy nghĩ của bệnh nhân của mình. Vì thế, cho rằng mình hiểu được suy nghĩ của người khác, cảm được cảm xúc của người khác thực ra chỉ là một sự suy diễn quá tay. Còn nói có thể đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác thì không chỉ là suy diễn mà còn có chút ảo tưởng.
2.
Hiểu thấu đáo, trọn vẹn suy nghĩ và cảm xúc của người khác không chỉ là bất khả, mà còn là dấu chấm hết cho nhân tính. Vì sao? Vì chính thế giới chủ quan, chính những suy nghĩ và cảm xúc không ai có thể truy nhập và hiểu trọn vẹn thấu đáo nào là nơi nuôi dưỡng tự do và nhân tính. Một ngày nào đó, nếu con người đọc được suy nghĩ của người khác, thấu hiểu được cảm xúc của người khác, thì ngày đó con người không còn là con người nữa, mà trở thành robot. Sở dĩ con người khác robot là vì con người có một thế giới riêng, thế giới chủ quan không thể thấu hiểu như thế. Còn với robot, chúng ta thấu hiểu mọi “suy nghĩ” và “cảm xúc” của nó. Nếu đến một lúc nào đó, ai đó, hoặc công nghệ nào đó, có thể thấu hiểu trọn vẹn suy nghĩ và cảm xúc của ta, thì khi đó, chúng ta không còn chút riêng tư nào, cũng không có tự do nào.

Khi đó, những kẻ mạnh hơn sẽ sử dụng ưu thế về phương tiện và nhân sự để thấu hiểu cả suy nghĩ và cảm xúc của ta, và vì thế sẽ điều khiển được ta. Đó là thời khắc bi kịch của nhân loại. Viễn tượng đó không có gì hay mà cổ vũ. Một viễn tượng đúng đắn hơn, nhân văn hơn là mỗi chúng ta được tự do sống với thế giới chủ quan của riêng mình, và người khác phải tôn trọng nó, chứ không phải thấu hiểu, hoặc tỏ ra thấu hiểu nó. Nếu không tin, bạn cứ thử tưởng tượng có ai đó đọc được toàn bộ suy nghĩ của mình là sẽ thấy rùng mình. Và tệ hơn, có ai đó tự cho rằng mình thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của kẻ khác, dù đó là những người mà ta tin tưởng và kính trọng, và làm việc đó nhân danh lòng trắc ẩn, thì trước sau gì họ cũng sẽ chỉ đạo ta phải sống theo ý họ. Khi đó cuộc đời ta sẽ đen tối đến nhường nào.
3.
Nếu nói rằng văn chương thì không cần phải có tính xác thực, văn chương chỉ để cảm nhận, thì điều đó đúng. Nhưng trong trường hợp này, đây là bài đọc hiểu, nên đoạn văn bản cần được hiểu như một bài luận, dùng để đánh giá việc đọc-hiểu của thí sinh. Vì thế nó cần phải có sự đúng đắn về tri thức và vững chãi trong lập luận. Nếu không, việc yêu cầu thí sinh đọc hiểu là vô nghĩa và có phần nhảm nhí. Vì thế, tôi thấy tiếc cho những người đã chọn đoạn văn bản này cho thí sinh đọc-hiểu. Có lẽ họ đang ở trong trạng thái hiển-nhiên-đờ-đẫn, về chính nội dung đoạn văn bản, và về nguồn gốc của lòng trắc ẩn, nên đã chọn một đoạn văn bản không có tính xác thực về tri thức, không thuyết phục và lỏng lẻo trong lập luận, để làm bài đọc-hiểu cho một kỳ thi tú tài quốc gia. Lưu ý rằng, đề thi tú tài là thước đo chất lượng và bộ mặt của giáo dục phổ thông. Thật là đáng tiếc!


TS. GIÁP VĂN DƯƠNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến