37. ĐOÀN DIÊN KHÁNH

37
ĐOÀN DIÊN KHÁNH
Thay đổi hoàn toàn


Vượt ngoài dự liệu của mọi người với các tình tiết đan xen nhau vừa ý vị vừa sâu sắc, đó chính là câu đố về thân thế của ba nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ : Tiêu Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự. Có một điểm giống nhau là cả ba nhân vật chính có tấm lòng hiệp nghĩa từ bi này nguyên đều là con của những "ác nhân". Thực là kinh ngạc khi biết "Đại ác nhân" mà Tiêu Phong đang ra sức truy tìm cuối cùng lại chính là cha ruột của y. Lại càng chấn động hơn nữa khi phát hiện Hư Trúc chính là con của thiên hạ đệ nhị ác nhân Diệp Nhị Nương; sau nữa khi biết Đoàn Dự là con của thiên hạ đệ nhất ác nhân Đoàn Diên Khánh thì không ai là không sững sờ ngạc nhiên. Rõ ràng trong mỗi người bọn họ đều có lưu chảy dòng máu ác nhân, theo như truyền thống văn hóa Cơ Đốc giáo phương Tây gọi là "nguyên tội”.

Nhưng cũng thật rõ ràng, chỉ cần một ý niệm thiện là có thể cứu vớt được người trong biển khổ, thay đổi nhân cách, số phận, và đây cũng chính là tinh thần tinh túy Đông phương. Trước khi Đao Bạch Phụng bị ép buộc bất đắc dĩ phải khai ra thân thế của con mình là Đoàn Dự, thiên hạ đệ nhất ác nhân Đoàn Diên Khánh luôn khiến cho người ta phải căm ghét thù hận. Ngay trước đó gã đã tàn nhẫn vô tình giết hại người bạn từng nhiều năm vào sinh ra tử cùng gã là Nam hải ác thần Nhạc Lão Tam, chỉ vì Nhạc Lão Tam không chịu nghe lời gã giết chết Đoàn Dự, lại còn muốn cởi trói cho Đoàn Dự. Bao nhiêu đó đủ thấy biệt danh “Ác quán mãn doanh" của gã quả thật danhbất hư truyền. Nhưng sau khi Đao Bạch Phụng nóira sự thật _về thân thế của Đoàn Dự, chúng ta kinh ngạc thấy rằng, hình tượng Đoàn Diên Khánh đã lập tức thay đổi bộ mặt.

I

Trên thực tế, bản thân Đoàn Diên Khánh cũng có một câu đố về thân thế của mình. Ở tập một của bộ sách, quân thần nước Đại Lý đều biết rằng, Đoàn Diên Khánh chính là người con trai bị mất tích nhiều năm của Thượng Đức Hoàng đế Đoàn Liêm Nghĩa, từng là Thái tử Diên Khánh của nước Đại Lý. Vào năm Thượng Đức thứ năm, trong triều xảy ra đột biến, Thượng Đức Hoàng đế bị gian thần Dương Nghĩa Trinh giết chết, không biết lưu lạc nơi đâu, sau đó cháu của Thượng Đức Hoàng đế là Đoàn Thọ Huy được sự giúp đỡ của trung thần Cao Trí Thăng và chư vị cao tăng chùa Thiên Long, dẹp yên Dương Nghĩa Trinh, lên ngôi Hoàng đế, xưng là Minh đế.

Minh đế chỉ ở ngôi một năm thì xuất gia tu ở chùa Thiên Long, truyền ngôi lại cho em họ là Đoàn Chính Minh, hiệu là Bảo Định Hoàng đế. Thời gian qua đi, người dân nước Đại Lý cơ hồ như đã quên hẳn Thái tử Diên Khánh của họ. Cho đến khi Diên Khánh xuất hiện trở lại thì ngôi vị Thái tử đã không còn, có còn chăng thì chỉ là cái danh xưng Thiên hạ đệ nhất ác nhân “Ác quán mãn doanh". Đúng như đại thần Ba Thiên Thạch của nước Đại Lý đã nói, "Tên ác nhân này nếu không phải là Thái tử Diên Khánh thì sẽ không dám táo bạo nghĩ tưởng đến ngôi báu, còn nếu là Thái tử Diên Khánh mà hung ác gian hiểm như thế này thì làm sao có thể để cho y trị vì muôn dân thiên hạ?" (Xem Thiên long bát bộ).

Nói tóm lại, nước Đại Lý đã hoàn toàn xóa tên Thái tử Diên Khánh, thay vào đó là phải tìm cách đối phó với tên đại ác nhân này. Độc giả có lẽ sẽ nghĩ rằng cái con người có danh xưng Ác quán mãn doanh này thực đáng tội chết, nhưng ngoài ra không biết có còn cách nghĩ nào nữa không? Liệu có ai thay đổi cách nghĩ, đứng trên lập trường của Diên Khánh, đặt mình vào trong hoàn cảnh của Diên Khánh? Ai sẽ nghĩ rằng, Đoàn Diên Khánh làm sao đến nỗi ngày hôm nay lại trở thành một quái khách áo xanh với khuôn mặt bị hủy hoại toàn diện như vậy, với ác danh rành rành thiên hạ đệ nhất ác nhân? Chỉ có tác giả Kim Dung trả lời được câu hỏi này mà thôi. Rất ít người nghĩ đến câu hỏi Đoàn Diên Khánh liệu có phải là một tay tà ác gian hiểm bẩm sinh hay không.

Nếu như không có cuộc phản loạn của Dương Nghĩa Trinh năm xưa, nếu như Đoàn Diên Khánh vẫn là Thái tử Diên Khánh của nước Đại Lý, thì liệu y có trở nên cái hình dạng như bây giờ không, có trở thành thiên hạ đệ nhất ác nhân hay không? Đương nhiên là không thể giả định lịch sử, Đoàn Diên Khánh sinh ra trong hoàng gia, đã nhận được sự tôn vinh vô thượng và cũng nhận luôn sự nguy hiểm vô lượng. Đại Lý tuy là Phật quốc nhưng cũng chỉ là ở chốn nhân gian, mà đã là chốn nhân gian thì tránh không khỏi việc các đế vương chuyên quyền sinh bạo loạn, hoặc có người vì quá thèm muốn ngôi vị đế vương mà sinh chính biến. Rất ít người nghĩ rằng, chỉ trong một đêm, Đoàn Diên Khánh không những bị mất đi thân phận Thái tử, mất quyền kế tục ngôi vua, mất đi quốc gia, mà phụ hoàng và gia nhân còn bị giết hại thảm khốc, còn tính mạng bản thân thì lúc nào cũng bị đe dọa. Thân phận của chim phượng hoàng giờ đổi thành chó hoang, từ cửu trùng thiên đường bỗng rơi xuống mười tám tầng địa ngục, nỗi đau khổ này ai có thấu chăng? Tâm lý, tính cách của một người trẻ tuổi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước sự dày vò hành hạcủa mối đau khổ này?

Đoàn Diên Khánh thất chí báo thù, không những không nhận được sự chiếu cố hay bồi thường nào của số phận, lại còn liên tiếp bị sát thương tàn hại. Đợi cho đến khi y luyện xong võ công, từ Đông Hải trở về Đại Lý, muốn dựa trên thực lực võ công của chính mình để giết kẻ kình địch báo mối thù xưa, giành lại đất nước giang sơn của chính mình, không ngờ khi mục đích chưa đạt được, trên đường giang hồ đã gặp kẻ thù hùng mạnh hơn bao vây tấn công. Sau trận huyết chiến, mặc dù đã tận diệt được kẻ địch, nhưng bản thân y cũng bị trọng thương, gãy hai chân, khuôn mặt bị tổn hoại, yết hầu bị kẻ địch chém ngang một nhát, không thể phát âm được nữa. Dựa vào một nguồn nghị lực siêu phàm, ngoan cường kiên trì đến Đại Lý, "y thực sự đã không còn giống một con người nữa, toàn thân ô uế hôi hám, trên miệng vết thương toàn là dòi bọ, mấy chục con ruồi xanh cứ bay vù vù quanh y". (Xem Thiênlong bát bộ).

Lúc này, thân y như đã đang ở cửa địa ngục. Điều làm cho y tuyệt vọng hơn nữa là Hoàng đế Đại Lý lúc này không những không phải là kẻ thù Dương Nghĩa Trinh của y, cũng không phải là vị hoàng đế đã dẹp yên Dương Nghĩa Trinh Đoàn Thọ Huy, mà là Đoàn Chính Minh nối ngôi Đoàn Thọ Huy. Nhân gian có mới quên cũ, ác mộng ngày trước nay đã không còn ai nhắc đến, y muốn báo thù, nhưng lại tìm không ra kẻ thù. Hơn nữa, y còn biết rằng, đương kim Hoàng đế Đoàn Chính Minh khoan dung nhân ái, yêu thương con dân, được lòng tất cả bàn dân thiên hạ cho đến văn võ bá quan, người người ai cũng thành tâm ủng hộ, không ai còn nhắc nhở hoài niệm gì đến Thái từ của triều đại trước. Lúc này, nếu y tùy tiện xuất hiện ở Đại Lý, không biết chừng tính mạng thực đáng lo, không biết chừng có kẻ muốn lấy lòng đương kim Hoàng đế, lập tức giết luôn Thái tử dư thừa là y.

Hy vọng sau cùng của y là muốn tìm đến Đại sư Khô Vinh, chú ruột của y tu trong chùa Thiên Long, hy vọng ông có thể chứng minh thân phận của y, lập lại công bằng, nhưng không ngờ, Đại sư Khô Vinh đã bế quan tham thiền, muốn gặp cũng không gặp được! Lúc đó, Đoàn Diên Khánh thực sự rơi xuống tầng sâu nhất của mười tám tầng địa ngục, hoàn toàn không còn hy vọng khôi phục vương vị, còn bản thân thì lúc nào cũng phải lo sợ cho tính mạng. Với cả thân lẫn tâm đều bị thương tổn tàn hại như vậy y còn sống ở trên đời cũng chẳng còn ý nghĩa gì Nhưng nỗi đau nặng nề hơn cả đó là khi y muốn sống cũng không được, định đập đầu vào gốc cây bồ đề mà chết, nhưng sức tàn lực kiệt, muốn chết cũng không xong. Đường dây số mệnh của Đoàn Diên Khánh đã xuống đến điểm thấp nhất, cũng như sự giận dữ và căm hận của y đối với số phận lại dâng lên đến mức cao nhất. Tạo hóa sao lại có thể bất công với Vương tử tiền triều Đoàn Diên Khánh đến như vậy?

Lúc đó nếu còn đủ sức lực và có một cây bút trong tay, Đoàn Diên Khánh nhất định sẽ viết một bản "Thiên vấn" đầy phẫn nộ. Nếu y không thể phục hồi sức lực, cuối cùng chết dưới cội bồ đề, thì y cũng chỉ giống như một con chó hoang không ai ngó ngàng tới, thậm chí chỉ như một hạt bụi bé nhỏ không đáng kể, theo gió bay đi, vô hình vô ảnh. Thái tử Đoàn Diên Khánh ngày nào đã thực sự chết đi, sống lại chỉ còn là một con người lòng đầy thù hận với cái tên Đoàn Diên Khánh. Từ Nam Hoang Tích Địa dưỡng thương luyện công trở về, Đoàn Diên Khánh trước tiên là đi qua lưỡng hồ, giết sạch tất cả kẻ thù của mình, thủ đoạn hung bạo tàn ác nghe rợn cả người, thiên hạ từ đó mới xuất hiện một kẻ đệ nhất đại ác nhân. Trong giang hồ người người chỉ nghe đến tên y đã sợ mất mật, nghiến răng căm hận y nhưng không ai lại có thể nghĩ rằng, cái con người "Ác quán mãn doanh" này kỳ thực là tạo vật của số mệnh, bởi tất cả những gì vừa qua đã sớm không còn ai biết đến nữa.

II

Lần xuất hiện đầu tiên trong sách, Đoàn Diên Khánh đã sớm không còn thể diện. Khi Mộc Uyển Thanh phát hiện ra y bên bờ sông, y trông giống như một bức tượng kỳ quái, hơi thở như có như không, gò má lúc nóng lúc lạnh, tim lúc đập lúc ngừng, áo xanh cùng màu với núi rừng, miệng không mở mà có thể phát ra âm thanh. Âm thanh đó không biết phát ra từ chỗ nào, nói những câu "ta không phải là người, ta cũng không phải là ta, thế gian này không có ta nữa rồi". (Xem Thiên long bát bộ).

Mộc Uyển Thanh trẻ tuổi ngây ngô, đương nhiên không thể hiểu được những lời y nói. Còn độc giả thì làm sao có thể hiểu được những gì nằm ngoài ngôn từ của quái nhân áo xanh này? Chúng ta nhanh chóng biết được rằng con người tàn tật này chính là "thiên hạ đệ nhất ác nhân" lừng danh, tên gọi là Đoàn Diên Khánh. Từ đây trở đi không yên lòng làm người tốt nữa, gã muốn lừa dụ cho Mộc Uyển Thanh loạn luân cùng anh ruột của cô là Đoàn Dự, hòng gây tiếng xấu cho hoàng gia Đại Lý, tìm kiếm cơ hội phục hồi vương vị cho mình. Đã vậy, giờ đây tất cả mọi người ngoài thù hận ra còn căm ghét gã hơn nữa. Không ai nghĩ rằng, lúc này trong lòng Đoàn Diên Khánh vẫn còn nỗi đau "ta không phải là người"; thậm chí chính trong lúc này gã lại càng thấy đau xót hơn nỗi đau "ta không phải là ta". Đã lừng danh đầu sỏ "Ác quán mãn doanh" nhưng gã cũng chỉ như một cái xác biết đi không hơn không kém, bởi vì "trên thế giới này không còn có ta nữa rồi".

Lúc này, Đoàn Chính Minh là một vị vua nhân từ muôn dân ủng hộ, nước Đại Lý biển yên sóng lặng, ca múa thanh bình, Đoàn Diên Khánh mưu đồ xằng bậy ngông cuồng muốn phục hồi ngôi vị cho mình thì chỉ là đi ngược đường, chỉ tổ chuốc họa vào thân. Gã đến tìm Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần để báo thù rõ ràng vô căn cứ, bởi hai người em họ này của gã đều không phải là kẻ phản loạn đã giết vua năm xưa. Hơn nữa, nếu vì việc báo thù của gã mà dẫn đến tai họa, chiến tranh tràn lan thì gã chính là kẻ tội đồ ngàn năm của nước Đại Lý. Lại nói, cho dù gã thành công thì những việc ác gã đã làm không thể là cội phúc cho muôn dân; còn tiếng ác gã đã tạo làm sao có thể nhận được sự kính trọng ngưỡng mộ của dân chúng? Với hình tướng tàn tật, làm sao y có thể đối diện với thần dân của mình?

Điều này có lẽ Đoàn Diên Khánh cũng có nghĩ qua, nhưng đứng trên lập trường của gã, càng nghĩ đến điều này thì lại càng căm giận oán thù số phận độc ác, lại càng muốn làm ngược lại ý trời, kiên trì tới cùng, kiên quyết đấu tranh với số phận có mắt như mù. Bởi vì quan trọng hơn nữa, vì sự tồn tại của mình, gã phải tìm cho được một loại mục tiêu, một loại lý do, một loại căn cứ và chứng minh. Nếu không thì y còn sống để làm gì, hà tất phải sống ? Ác quả của số phận đã biến thành một hạt giống cừu hận, mà tất cả các mầm nụ chỉ cóthể nở ra một bông hoa độc ác khiến người ta phải rùng mình run sợ. Nhưng mặt khác, Đoàn Diên Khánh cũng thường chuẩn bị để thỏa hiệp với số phận, chỉ cầu mong một sự rõ ràng, cho dù phải nhận kết cục đau thương. Trong sách có một chi tiết, rất có thể bị độc giả xem thường, đó là khi đương kim hoàng đế Đoàn Chính Minh lần đầu gặp mặt gã, gã đã nói thẳng ra kế hoạch độc ác của mình, nhằm kích động Đoàn Chính Minh động thủ với gã. Lúc động thủ, chỉ thứ nhất (trong Nhất Dương chỉ) của Đoàn Chính Minh bị gã chặn được, nhưng đến chiêu thứ hai, gã chỉ "cười mấy tiếng hì hì, không né tránh mà cũng không chống đỡ". (Xem Thiên long bát bộ).

Lúc đó, Đoàn Diên Khánh đang muốn mượn tay Đoàn Chính Minh để kết thúc mạng sống của mình. Hoặc là phục hồi ngôi vị, hoặc là chết dưới tay đối phương, Đoàn Diên Khánh không có con đường thứ ba, mà gã cũng không muốn đi con đường thứ ba nào nữa. Thực tế, hai chân đã gãy, cổ họng bị đứt, miệng không nói được, mặt mũi thay đổi hoàn toàn, không chỉ là ngoại hình tàn phế của Đoàn Diên Khánh, mà còn là tượng trưng tinh thần và thân phận của gã. Kẻ chém đứt cổ họng gã, tước mất quyền nói năng của gã, chưa tàn bạo bằng số phận; kẻ hủy hoại mặt mũi của gã, làm thay đổi nhân dạng của gã, chưa độc ác bằng lịch sử.

Vấn đề là, kẻ chém đứt cổ họng gã, kẻ hủy hoại mặt mũi của gã, Đoàn Diên Khánh đều đã giết, đã trả xong mối thù; nhưng còn số phận vô hình và lịch sử vô tình, Đoàn Diên Khánh dẫu có bản lĩnh đến mấy cũng đành bó tay. Tôi muốn nói rằng cái diện mạo "không ra hình người" của Đoàn Diên Khánh chỉ là sản phẩm hợp tác của số phận, lịch sử và các kẻ thù tạo nên; còn "chân tướng" thế nào, cần đi sâu nghiên cứu. Tôi cho rằng cái ngoại hiệu "Ác quán mãn doanh" thực ra chỉ là phóng đại, thậm chí là lòe bịp. Chưa nói gì khác, cái việc Đoàn Diên Khánh dẫn đồng bọn hiệu xưng "Tứ đại ác nhân" đến nước Đại Lý, chẳng qua cũng chỉ gây nên một trò đùa. Chúng bắt Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh nhốt vào một chỗ, nhưng rốt cuộc chuyện loạn luân không hề xảy ra, mà dẫu chuyện huynh muội loạn luân có xảy ra chăng nữa, mọi người cũng biết là do bọn chúng sắp đặt, sẽ chỉ càng căm ghét gã, chứ đâu có tổn hại đến thanh danh của hoàng huynh Đoàn Chính Minh, ngự đệ Đoàn Chính Thuần?

Sau đấy, Đoàn Diên Khánh thật ra còn nhiều dịp để sát hại Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự; nhưng gã đều bỏ qua. Đoàn Diên Khánh tuy tu luyện được đầy mình võ công chính tà, song lại không có hùng tài đại lược của kẻ báo thù. Tôi cho rằng Đoàn Diên Khánh tu luyện võ công kỳ tài, nhưng lại không đến Trung Nguyên mà học quyền mưu chính trị tương truyền mấy ngàn năm. Đoàn Diên Khánh căn bản không biết, nền văn minh mấy ngàn năm của Trung Nguyên đã tích lũy được bao nhiêu "kinh nghiệm quí giá" về việc tranh quyền đoạt vị, khi sư diệt tổ, giết cha giết anh, lẫn lộn trắng đen, huynh đệ tương tàn, máu chảy thành sông, thây chất như núi. Gã cũng không biết, nền văn minh mấy ngàn năm của Trung Nguyên có một tuyệt chiêu, ấy là khôn khéo gộp tất cả những tội ác vừa kể thành cái gọi là "trên theo ý trời, dưới hợp lòng dân", để rồi kẻ chiến thắng leo lên ngai vàng rồi, sẽ tùy ý viết lịch sử theo ý mình.

Đoàn Diên Khánh không biết rằng, theo kinh nghiệm nền văn minh mấy ngàn năm của Trung Nguyên, kẻ cùng hung cực ác được mô tả thành người đạo đức hiền lành như cừu non; đằng này Đoàn Diên Khánh làm ngược lại, đi phất ngọn cờ "Thiên hạ đệ nhất đại ác nhân" khiến cho người ta kinh sợ, tránh né. Trong khi thật ra nhiều lúc Đoàn Diên Khánh hiền lành và ngây thơ như một chú cừu non. Ví dụ, sau khi bắt Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh nhốt vào một buồng, thấy có người của đối phương đến, lẽ ra phải đánh chết ngay, thì Đoàn Diên Khánh lại đi chơi cờ với họ, trong lúc chơi cờ cứ nhường đối phương đi trước, dễ dàng để bị lừa, mình thắng rõ ràng mà lại nhận thua v. v...

III

Chúng ta không có cách gì bào chữa cho tội ác của Đoàn Diên Khánh, bởi vì gã đáng tội, và chính gã cũng không muốn có sự bào chữa. Có điều là Kim Dung tiên sinh đến phút cuối cùng lại đại xá cho tên "Thiên hạ đệ nhất đại ác nhân" ấy, không trừng phạt gì cả, khác hẳn phần kết trong các tiểu thuyết võ hiệp là kẻ ác cuối cùng đều bị ác báo. Điều này ngoài dự liệu của độc giả, đáng để ta suy ngẫm. Khởi nguyên của sự tình là đúng lúc Đoàn Diên Khánh vung cây thiết trượng định giết Đoàn Dự, thì mẫu thân của Đoàn Dự là Đao Bạch Phụng đột nhiên đứng dậy, nói : "Ngoài chùa Thiên Long, dưới cây Bồ đề, Quan âm tóc dài". (Xem Thiên long bát bộ).

Nghe câu niệm chú ấy, Đoàn Diên Khánh lập tức dừng tay, đưa mắt kinh ngạc nhìn Trấn Nam vương phi xinh đẹp kia. Gã liền nhớ ngay vị Trấn Nam vương phi kia không phải ai khác, mà chính là "Bạch y Quan âm" năm xưa ở bên ngoài chùa Thiên Long, dưới cây Bồ đề, đã chủ động hiến thân cho gã ăn mày Đoàn Diên Khánh tàn tật, nhơ bẩn không ra hồn người, đang ở giây phút tuyệt vọng nhất ! Bấy giờ, chính nhờ sự hiến thân của Quan âm mà Đoàn Diên Khánh mới có được dũng khí và sức sống, cho nên bây giờ nhìn thấy Quan âm hiện hình, gã nhớ đến ơn cũ, không thể ra tay. Tiếp đó, Đao Bạch Phụng nói cho Đoàn Diên Khánh biết một bí mật ghê gớm, ấy là để cho gã nhìn thấy chiếc tiểu kim bài đeo trên cổ Đoàn Dự, trên đó ghi ngày sinh của Đoàn Dự.

Nhẩm tính, Đoàn Diên Khánh hiểu rằng Đoàn Dự không phải ai khác, chính là con đẻ của y. Đoàn Dự tỉnh lại, không chịu nhận cái kẻ "Ác quán mãn doanh" trước mặt mình là cha. Đoàn Diên Khánh tuy hết sức giận dữ, nhưng không nỡ hạ thủ, buông Đoàn Dự ra, cười hô hô một tràng mà bỏ đi, không biết về sau thế nào. Đoàn Diên Khánh còn nhớ đến ân tình mưa móc của Đao Bạch Phụng, không nỡ sát hại đứa con của mình, phải coi là gã chưa táng tận lương tâm, chưa mất hết nhân tính, nên tác giả đại xá cho tên "Thiên hạ đệ nhất đại ác nhân" ấy. Đoàn Diên Khánh thừa biết Đao Bạch Phụng hoàn toàn không phải là "Quan âm", chẳng yêu thương gì gã, chỉ mượn gã để phát tiết nỗi oán hận trong lòng, song một chút tình âu yếm dịu dàng ấy, Đoàn Diên Khánh cũng nhớ mãi bao năm trong đầu, không thể bảo là gã không còn tính người.

Mặc dù số phận quá nghiệt ngã đối với Đoàn Diên Khánh, làm cho y biến dạng ngoại hình và đau đớn về tinh thần, mặc dù đứa con ruột thà chết không nhận gã là cha, đã thế còn coi gã như rắn độc như mãnh thú; song vào giây phút quyết định cuối cùng, Đoàn Diên Khánh vẫn nghĩ :"Ta đã khổ cả một đời, trên thế gian không có lấy một người thân, dễ gì có được một đứa con, nỡ nào tại đang tâm giết nó? Nó nhận ta thì tốt, nó không nhận ta cũng không sao, rốt cuộc nó vẫn cứ là con trai ta".(Xem Thiên long bát bộ). Đủ thấy, chỉ cần dành cho Đoàn Diên Khánh một tia hi vọng, cũng đủ rọi sáng thế giới tâm linh của gã, đủ để gã không bị tuyệt vọng, không còn hành ác trên đời. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến