41. KHANG MẪN

41.
KHANG MẪN 
Thèm khát áo hoa

Vợ và tình nhân của vương gia phong lưu nước Đại Lý Đoàn Chính Thuần toàn là những người không được thỏa mãn về ham muốn tình cảm, thành ra mắc bệnh tâm thần, rõ ràng là tác giả diễn dịch đạo lý "hữu tình giai nghiệt" của Phật gia. Có điều là trong số đó Khang Mẫn, phu nhân của Mã Đại Nguyên, cần được nói riêng. Chuyện mụ này tuyệt đối không đơn giản là vì tình sinh nghiệt, mà rõ ràng là biến dạng tâm lý, tự yêu thành cuồng, một loại tướng nhân sinh điển hình.

I

Nhìn chung, trong văn hóa Trung Quốc truyền thống, dục vọng cá thể vốn không được coi là có giá trị đáng kể. Do đó mọi dục vọng cá thể đều đáng được thông cảm, đồng tình. Nữ giới đáng thương gấp đôi. Nữ giới xuất thân từ gia đình bần hàn, đáng thương gấp ba. Nữ giới xuất thân từ gia đình bần hàn, lại bị thiên tai địch họa bất khả kháng, đáng thương gấp bốn. Khang Mẫn xem ra thuộc loại cuối cùng này. Khang Mẫn xuất hiện lần thứ nhất, là trong rừng hạnh đào gần Vô Tích, nhờ Từ trưởng lão chủ trì công đạo cho ả, vì chồng ả là Mã Đại Nguyên phó bang chủ Cái Bang, bị giết hại. Khang Mẫn cơ hồ khăng khăng bảo thủ phạm là bang chủ Kiều Phong.

Bấy giờ mọi người chưa nhìn rõ diện mạo của ả. Mãi đến khi ở Tụ Hiền trang, Khang Mẫn tái xuất hiện, chính thức uống rượu tuyệt giao với Kiều Phong, Kiều Phong mới nhìn kỹ, thì ra nhân này dung mạo thanh tú, rất xinh đẹp, e lệ nhút nhát, hết sức đáng yêu. Với vẻ e lệ nhút nhát hết sức đáng yêu này, chỉ số đáng thương của Khang Mẫn được tăng gấp năm lần. Thế nhưng, khi nhận ra chân tướng của Khang Mẫn, tôi tin chắc độc giả sẽ phải há hốc miệng kinh ngạc. Khi đó, chỉ số đáng thương của Khang Mẫn sẽ biến thành chỉ số kinh ngạc của độc giả. Tiếp đó, chúng ta sẽ còn thấy rằng chỉ số đáng thương của ả sẽ biến thành chỉ số đáng ghét, đáng sợ của ả. Trước tiên, Khang Mẫn lừa Kiều Phong và A Chu, bảo rằng Đoàn Chính Thuần nước Đại Lý ngày trước đã suất lãnh anh hùng Trung Nguyên tại Nhạn Môn quan sát hại "đại ca đối đầu của cha mẹ Kiều Phong, khiến cho A Chu đi giết phụ thân vô tội của Đoàn Chính Thuần.

Bất ngờ hơn, Đoàn Chính Thuần bị Khang Mẫn hãm hại như vậy trong khi chàng ta hoàn toàn không phải là kẻ thù của Khang Mẫn, mà ngược lại, còn là tình nhân của ả. Tiếp đó, khi Tiêu Phong lần theo tưng tích tìm đến, thì phát hiện Đoàn Chính Thuần đang nằm trên giường của Khang Mẫn, còn Khang Mẫn đã pha thuốc mê "Thập hương mê hồn tán" vào rượu cho chàng ta uống, đang thong thả cắn chàng ta từng miếng và chém chàng ta từng nhát một. Mà nguyên nhân chỉ là vì trách Đoàn Chính Thuần quên ả, không mang ả về làm vương phi nước Đại Lý. Thứ hai, Khang Mẫn bán mình, lần lượt mua trưởng lão Cái Bang Bạch Thế Kính, Toàn Quán Thanh, bày kế sát hại chồng ả là Mã Đại Nguyên, sau lấy đó làm cớ để vạch rõ thân thế người Khiết Đan của Kiều Phong, đuổi bang chủ Kiều Phong khỏi Cái Bang, biến Kiều Phong thành kẻ tử thù của người Hán ở Trung Nguyên.

Khang Mẫn sở dĩ sát hại chồng ả, chỉ vì Mã Đại Nguyên không nghe lời ả lo đại sự, là một kẻ nhu nhược vô dụng, không dám vạch rõ thân thế người Khiết Đan của Kiều Phong. Cuối cùng, Khang Mẫn sở dĩ căm tức Kiều (Tiêu) Phong đến thế, tìm trăm phương ngàn kế dồn chàng ta vào chỗ chết, không phải vì ả có thâm cừu đại hận gì với Kiều Phong, mà chỉ vì năm trước tại Bách Hoa hội Ở Lạc Dương, Kiều Phong đã không chú ý đến ả? "..: Hừ, Bách Hoa hội có hơn một ngàn nam nhân, chỉ có mình ngươi từ đầu chí cuối không nhìn ngắm ta. Ngươi đứng đầu Cái Bang, là anh hùng hảo hán lừng danh thiên hạ, tại Bách Hoa hội này, ngươi đứng đầu đám nam tử, còn nữ giới thì dĩ nhiên ta đứng đầu. Ngươi không thèm ngắm ta, thử hỏi ta tự phụ xinh đẹp còn có ý nghĩa gì kia chứ? Hơn một ngàn người vì ta mà thần hồn điên đảo, ngươi như thế ta sao chịu nổi (Xem Thiên long bát bộ ).

Mỗi việc của Khang Mẫn hầu như đều làm cho người ta há miệng kinh ngạc. Chỉ vì một nam tử không ngắm ả, mà ả để bụng căm hận, coi như kẻ tử thù, làm cho người ấy thân bại danh liệt, ả không tiếc bất cứ giá nào. Kiều Phong tuy không bị ả hại chết, nhưng chồng ả, Mã Đại Nguyên đã vì thế mà bị mất mạng trước. Cái chết của Mã Đại Nguyên chút nữa thì dẫn đến cuộc đại chiến giữa Nam Mộ Dung với vợ chồng Bắc Kiều Phong, rồi ả gây lục đục trong nội bộ Cái Bang, cũng chút nữa dẫn đến bùng nổ nội chiến. Cuối cùng, vì thân thế Kiều Phong bị lộ ra, mà vợ chồng Kiều Tam Hòe, Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm tự, gia đình Đơn Chính, Từ trưởng lão của Cái Bang, Triệu Tiền Tôn và vợ chồng họ Đàm, với vô số anh hùng hảo hán lừng Nguyên có mặt tại Tụ Hiền trang phải bỏ mạng.

Bao nhiêu tai họa đẫm máu đều do cái ả Khang Mẫn "e lệ nhút nhát gây nên, đâu có thua gì hậu quả tàn khốc của cuộc tranh chấp võ lâm Tống-Liêu mà Mộ Dung Bác xúi bẩy gây ra với ý đồ khôi phục vương triều Đại Yên. Do vậy, chúng ta buộc phải nhìn Khang Mẫn bằng con mắt khác. Không chịu ngắm ả, Kiều Phong bị ả dồn vào đường chết; ngắm ả, mê ả, Đoàn Chính Thuần chỉ vì có nỗi khổ không nói ra được, bất đắc dĩ phải xa ả, thế là ả chộp được cơ hội, quyết định trả thù, muốn đem đối phương ra mà lăng trì tùng xẻo. Không ngắm ả, không được, làm nhân tình của ả cũng không được; làm chồng ả cũng chết thảm; yêu ả gắn bó với ả, nhưng chỉ vì một lần không đáp ứng đòi hỏi vô lý của ả, không làm cái việc mất lý trí, thế là phải trả giá bằng tính mạng. Hành động và tâm lý của Khang Mẫn thực là hiếm có chốn nhân gian, không thể hiểu nổi.

II

Hành động và tâm lý kỳ quặc của Khang Mẫn có thể xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Trước hết cần thấy rằng, bất kể động cơ chủ quan của Khang Mẫn là gì, chúng ta cũng không thể qui kết mọi tai họa kể trên vào đầu Khang Mẫn. Nếu Mộ Dung Bác không xúi bẩy cuộc tranh chấp võ lâm Tống-Liêu đẫm máu, thì Khang Mẫn có muốn hãm hại Kiều Phong cũng chẳng làm gì nổi. Vợ chồng Kiều Tam Hòe và nhiều người chết thảm, chỉ e không đơn giản chỉ do Khang Mẫn gây nên.

Nếu Bạch Thế Kính không hiếu sắc có ý đồ xấu với Khang Mẫn, thì ả chẳng thể dụ hắn giết chồng ả. Nếu Toàn Quán Thanh không hiếu sắc nảy sinh dã tâm, cuộc nội loạn của Cái Bang đã chẳng xảy ra. Nếu anh hùng Trung Nguyên không tích lũy thù hận, mà chịu khó suy nghĩ một chút, thì Tụ Hiền trang đã chẳng máu chảy thành sông. Nếu Đoàn Chính Thuần đừng đi đâu cũng trăng gió, để lại nghiệt trái, thì thể xác đâu có bị hành hạ khổ sở, con gái A Chu của Đoàn Chính Thuần đâu có phải chết thay cha? Nếu Tiêu Phong và A Chu không cải trang đánh lừa Khang Mẫn để bị ả phát hiện, thì ả muốn bới móc cũng chẳng được.

Chúng ta cũng không thể chê trách có người đứng trên lập trường bênh vực phụ nữ, cho rằng Khang Mẫn là nạn nhân của sự bức hại và khinh miệt, nện ả phẫn nộ mới chống lại và trả thù. Nếu không ngại cưỡng từ đoạt lý, thì cứ coi cái việc Tiêu Phong không để ý đến Khang Mẫn tức là đã khinh miệt hoặc làm nhục ả; quan hệ tình cảm giữa Đoàn Chính Thuần với Khang Mẫn là một trò chơi vô trách nhiệm; Mã Đại Nguyên là chồng của Khang Mẫn mà không thể bảo vệ nhân cách của vợ, còn mắng vợ sai trái v.v...Đương nhiên, đứng trên góc độ nữ quyền chủ nghĩa mà bào chữa cho Khang Mẫn, bảo Tiêu Phong, Đoàn Chính Thuần, Mã Đại Nguyên là bọn đáng chết, thì đấy không phải là ý đồ của tác giả.

Bởi lẽ, dẫu gì đi nữa, tại Bách Hoa hội ở Lạc Dương, Tiêu Phong không để ý đến Khang Mẫn hoàn toàn không phải là có ý miệt thị ả, huống hồ Khang Mẫn lúc ấy đang là phu nhân của phó bang chủ Cái Bang Mã Đại Nguyên, việc Tiêu Phong làm như không để ý đến ả là điều bình thường. Đoàn Chính Thuần tuy phong lưu hiếu sắc, nhưng quan hệ dựa trên sự tình nguyện của cả đôi bên, cũng không đến nỗi đáng chết. Mã Đại Nguyên không muốn chỉ vì sự tức giận của vợ mà vạch ra thân thế của Tiêu Phong để nguy hiểm cho Cái Bang, càng không đáng gọi là sai trái hoặc tội lỗi gì. Điều cốt yếu là tính cách và tâm lý của Khang Mẫn, mọi hành động của Khang Mẫn đều do ả quá mẫn cảm và cố chấp, nói trắng ra đó là một thứ bệnh tâm thần, bắt nguồn từ "giấc mơ áo hoa" của Khang Mẫn bị tan vỡ, theo lời ả kể cho Đoàn Chính Thuần nghe.

Câu chuyện như sau : hồi Khang Mẫn lên bảy tuổi cô bé bắt đầu nuôi gà và cừu; cha cô bé đồng ý rằng đến cuối năm sẽ bán gà và cừu, may cho Khang Mẫn một bộ quần áo hoa mới. Không ngờ cuối năm ấy ba con gà và mười mấy con cừu đều bị chó sói bắt mất sạch. Cha cô bé đuổi theo chó sói, đã không lấy lại được cừu còn bị thương. Bé Khang Mẫn khóc lóc, nhất định cứ đòi cha may áo hoa cho nó. Chuyện tiếp theo là Khang Mẫn chưa có áo hoa, thì một chị nhà họ Hồng láng giềng mặc một bồ quần áo hoa mới rất đẹp khiến Khang Mẫn vừa thèm thuồng, vừa ghen tức, ban đêm đã lẻn sang nhà láng giềng, dùng kéo cắt nát bộ quần áo hoa của chị kia.

Ý nghĩa câu chuyện thật hay. Bấy giờ Khang Mẫn phát hiện "Sau khi cắt nát bộ quần áo hoa của chị kia, thiếp cảm thấy sung sướng hơn cả việc chính mình được mặc áo hoa mới. Thiếp muốn nói để chàng biết rõ tính nết của thiếp, từ nhỏ đã thế, cái gì thiếp mong ước đêm ngày mà không có được, kẻ khác lại may mắn hơn, thì thiếp nhất định sẽ phá huỷ thứ đó đi Hồi nhỏ thiếp sử dụng cái kẻo thô thiển, càng lớn dần, thiếp sử dụng cách thức càng khôn khéo hơn".(Xem Thiên long bát bộ ).

Rõ ràng, đối với Khang Mẫn, bang chủ Cái Bang Tiêu Phong, hoặc Đoàn Chính Thuần vương tử nước Đại Lý, đều là “bộ quần áo hoa của kẻ khác". Tiêu Phong không buồn ngắm ả, Đoàn Chính Thuần không thể thuộc sở hữu của một mình ả, thì đương nhiên ả phải "cắt nát" chiếc áo hoa ấy mới hả dạ. Hồi nhỏ cha của ả bị thương, ả cũng mặc kệ, cứ đòi bằng được áo hoa; thế thì sau nay chồng ả không chịu giúp ả lấy cái áo hoa của người khác, ả còn thiết gì mà chẳng giết quách đi. Chuyện trên tạm gọi là "tâm trạng áo hoa" của Khang Mẫn hoặc "tâm trạng Khang Mẫn”, có thể giúp ta lý giải Khang Mẫn là người thế nào. Cái "tâm trạng áo hoa" đặc thù ấy chắc là có giá trị và ý nghĩa phổ biến nhất định dưới con mắt các nhà tâm lý học và bệnh lý học tâm thần.

III

Hình tượng Khang Mẫn và "tâm trạng áo hoa", ngoài ý nghĩa phổ biến về mặt tâm lý học và bệnh lý học tâm thần, còn có một giá trị khải thị văn hóa không nên xem thường. "Chỉ số đáng thương" gấp năm lần của Khang Mẫn biến thành "chỉ số đáng sợ" mang một ý nghĩa văn hóa sâu xa. Một phụ nữ nghèo bị tai họa, lại xinh đẹp, bị kìm nén, trên ý nghĩa chung, đáng được thông cảm. Bởi vì sự kìm nén sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn và phát triển của người ấy, không để cho họ được hưởng hạnh phúc. Lẽ thường ấy khỏi cần bàn thêm. Điều cần nói là, giống như lực tác dụng và lực phản tác dụng trong vật lý học, sức ép từ bên ngoài sẽ gặp sức chống đối của bản năng cá thể.

Sự đối kháng giữa bản năng với hoàn cảnh phần lớn trường hợp là vô hiệu, song không thể nói rằng sức ép của hoàn cảnh có thể thật sự triệt tiêu bản năng của cá thể, mà thực ra chỉ làm cho bản năng bị kìm nén ấy ngấm ngầm phát triển. Cũng tức là nói sự xung đột giữa bản năng với hoàn cảnh có "chính quả" (là sinhmệnh và ý thức tâm lý của cá thể bị co hẹp lại), song cũng có "ác quả" (là sinh mệnh và ý thức tâm lý của cá thể bị biến dạng, bành trướng méo mó). "Tâm trạng áo hoa" của Khang Mẫn là tình trạng bản năng sau khi bị kìm nén rất mạnh, từ một bông hoa đẹp biến thành một "đoá hoa tà ác" kinh người. Nguyên nhân vô cùng đơn giản, bởi ai ai cũng có cái tâm tự ngã, tự tư, tự lợi, tự yêu, trong hoàn cảnh bình thường, bản năng tự ngã được thỏa mãn đến mức độ nhất định, nhân quyền cá thể được bảo đảm đến mức độ nhất định, thì xã hội sẽ là một vườn hoa lý tưởng.

Còn trong hoàn cảnh bất thường, cái tâm tự ngã, tự tư, tự lợi, tự yêu, của cá thể sẽ biến thành mãnh thú, hồng thủy, kết quả không ngoài hai thứ, một là trạng thái bị kìm nén thường gặp, hai là sự đột phá kìm nén mà biến dạng méo mó, tiến đến chỗ cực đoan tà ác. Tính cách và tâm lý của Khang Mẫn, theo qui tắc lực tác dụng và lực phản tác dụng, sẽ đem "chỉ số đáng thương" biến thành "chỉ số đáng sợ". Thiếu nữ khát vọng áo hoa, đó là bản năng của con người, không có gì khó hiểu, cũng có thể thông cảm. Nhưng khi cái bản năng ấy không được thỏa mãn một cách bình thường, lại phát triển thành sự đố kỵ quá mạnh đối với người khác, lại đi căm hận số phận của chính mình và của thế giới bên ngoài, đồng thời đẩy cái tâm tự ngã, tự tư, tự lợi, tự yêu đến chỗ cực đoan, thì "tâm trạng áo hoa" sẽ làm cho cá thể phát điên, đi cắt nát áo hoa của người khác.

Hình ảnh Khang Mẫn trước lúc chết thế này : "Chỉ thấy một bộ mặt bê bết máu và bụi, hốt hoảng, thảng thốt độc ác oán hận, đau đớn, tức giận, bao nhiêu cảm xúc tệ hại tập trung ở mắt mũi môi miệng, còn đâu là khuôn mặt thanh tú, xinh xắn khả ái của một giai nhân? Khang Mẫn một đời tự phụ xinh đẹp, nhưng trước lúc tắt thở nhìn trong gương chỉ thấy mình quá đỗi xấu xí (Xem Thiên long bát bộ). Thực tế ấy đương nhiên là mang tính tượng trưng. Một mỹ nữ xuất thân nghèo hèn như Khang Mẫn, biến thành một kẻ tự tư tự yêu đến mức cực đoan, hóa điên, quả có một ý nghĩa sâu xa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến