40. ĐINH XUÂN THU

40.
ĐINH XUÂN THU 
Đòi soạn "Xuân Thu”


Tôi suy nghĩ một thời gian dài, rồi mới quyết định bàn về Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu. Sở dĩ phải suy nghĩ lâu, vì câu chuyện về nhân vật châm biếm này được tác giả viết bằng bút pháp khoa trương giản lược, một khi "hoàn nguyên", thì hầu như không còn gì đáng nói. Nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định nói, bởi trong cuộc sống của chúng ta, những kẻ như Đinh Xuân Thu có quá nhiều.

I

Trước khi Đinh Xuân Thu xuất hiện, trong giang hồ đã có nhiều lời đồn đại về nhân vật này. Tinh Tú lão quái và môn "Hóa công đại pháp" của lão, làm cho các nhân vật hai phái chính tà trong võ lâm đều phải cau mày, đúng là tiếng dữ đồn xa. Nữ đệ tử A Tử của lão vừa xuất hiện đã làm cho người ta cảm thấy tà khí bức nhân, da đầu ngứa ngáy; các đệ tử phái Tinh Tú, như Trích Tinh Tử, Thiên Lang Tử còn tàn bạo độc ác đáng ghét, thì có thể suy ra sư phụ của chúng, Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu chắc không ra gì. Độc giả đoán rằng Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu lánh nạn lâu năm ở Tây Vực, làm bạn với các loại độc vật, hẳn phải là kẻ đầu trâu mặt ngựa kỳ hình quái trạng. Đến khi ta thấy Đinh Xuân Thu xuất hiện :"Đấy là một lão ông tay cầm cây quạt lông ngỗng, ánh nắng chiếu vào mặt, thấy da mặt lão hồng nhuận, mái tóc bạc phơ, râu dài ba thước cũng bạc trắng, thật như một vị tiên ông trong tranh", (Xem Thiên long bát bộ),

thì ai cũng cảm thấy bất ngờ. Ở con người này, nội dung và hình thức chênh nhau quá xa, khiến những ai quen "trông mặt mà đặt hình dong" phải kinh ngạc. Chúng ta không thể ngờ tên ma đầu của Tây Vực này lại không chỉ là đệ tử đích truyền của phái Tiêu Dao, mà còn sinh trưởng tại Khúc phụ, Sơn Đông, quê hương của hai vị thánh Nho Khổng, Mạnh. Cuối cùng Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu bị nhốt vào chùa Thiếu Lâm, sẽ chết ở đó. Cuộc đời Đinh XuânThu, sinh trưởng ở đất Nho học, chết ở thánh địa Phật giáo, quãng giữa là năm tháng tiêu dao theo Đạo gia. Cũng có nghĩa là Đinh Xuân Thu rốt cuộc có mối quan hệ thần bí với tam giáo Nho, Đạo, Phật. Trên ý nghĩa đó, nhân vật này được coi là một điển hình con đẻ của văn hóa Trung Quốc, đương nhiên là một điển hình không ngờ. Nói nôm na, lão không phải là thứ "chính quả" của nền văn hóa, mà là một kẻ phản nghịch. Cái "ác quả" phản nghịch này rõ ràng chưa được nền văn hóa Trung Quốc cải hóa, nhưng liệu nó có phải là sản phẩm tất nhiên của nền văn hóa ấy hay không, cần được phân tích cụ thể.

Đinh Xuân Thu tuy sinh trưởng ở đất Nho học, nhưng ngoài cái tên còn giữ lại kinh điển Nho gia và ngoại hình nho nhã mô phạm, nội tâm của lão không hề tiếp thụ sự dạy dỗ của thánh nhân Nho học. Bằng chứng là Đinh Xuân Thu không chỉ chui vào phái Tiêu Dao của Đạo gia làm đệ tử, mà cuối cùng trở thành tên phản nghịch sư môn. Để tranh đoạt chức chưởng môn phái Tiêu Dao, Đinh Xuân Thu đã đẩy sư phụ của mình xuống vực, bức sư huynh phải làm kẻ câm điếc mấy chục năm. Như vậy, Đinh Xuân Thu phút chốc thành tên phản đồ của Nho giáo và Phật giáo. Là đệ tử phái Tiêu Dao, song cuộc sống của Đinh Xuân Thu chẳng có chút gì là tiêu dao cả. Bảo Đinh Xuân Thu là một kẻ xấu, đương nhiênkhông sai. Kẻ này khi sư diệt tổ, tàn hại đồng môn, hành vi độc ác, thủ đoạn xấu xa, vô tình vô nghĩa, ai ai cũng biết.

Nhưng nếu đi sâu hơn, thấy mọi hành động của Đinh Xuân Thu đều là do dục vọng sai khiến, sự thoái hóa biến chất của lão đều là vì xung đột giữa dục vọng cá nhân với qui tắc sư môn, thì chúng ta sẽ thấy hình tượng nhân vật này mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Suy cho cùng, Đinh Xuân Thu chẳng qua chỉ là tượng trưng cho "dục vọng cá nhân". Thời đại Đinh Xuân Thu, ngoài nỗi lo thù trong giặc ngoài theo nghĩa thông thường, còn có sự băng hoại lễ nhạc về mặt văn hóa, tương ứng với nó lại là sự manh nha và hưng thịnh của Lý học; những Chu Đôn Di, Trình Hao, Trình Di lần lượt xuất hiện giảng học, hoàng dương Nho giáo, sáng lập Lý học, sử gọi là "dĩ lý sát nhân”.

Trong vòng văn hóa chủ lưu, hiển nhiên không thể có tự do và tiêu dao. Trong bối cảnh đó Đinh Xuân Thu quay lưng lại Lý học, né tránh Nho giáo, chui vào làm môn hạ phái Tiêu Dao Đạo gia, là hành động bị bắt buộc, đáng được thông cảm. Đạo gia luôn được coi là một thứ đối lập và bổ sung quan trọng đối với lễ giáo Nho gia, có khi thậm chí trở thành nơi ẩn náu tinh thần của nhiều phạm nhân Nho giáo. Lý tưởng của Đạo gia là bắt chước tự nhiên, là tự do. Trong sách, Đạo gia được mang tên phái Tiêu Dao trong võ lâm, có sức hấp dẫn rất lớn đối với một kẻ không muốn đè nén dục vọng cá nhân như Đinh Xuân Thu. Nhưng Nho gia đã không hợp, thì Đạo gia liệu có thể dung nạp? Ở trong phái Tiêu Dao không hề có sự tiêu dao, chính là nội dung quan trọng được miêu tả trong bộ tiểu thuyết này.

Đạo gia cùng phái Tiêu Dao của nó không hề thật sự vì con người, vì cá nhân, vì dục vọng và giá trị của cá nhân mà tìm cái "đạo” tiêu dao chân chính. Đinh Xuân Thu rõ ràng chỉ có hứng thú với võ công, nhưng sư phụ của Đinh Xuân Thu, ngoài võ công, còn muốn học cầm kỳ thư họa, y công. Đinh Xuân Thu thèm muốn chức chưởng môn, nhưng sư phụ lại bảo chỉ có người nào đạt kết quả ưu tú các môn mới được tiếp nhiệm chức vị đó. Thấy chức vị chưởng môn là vô vọng, Đinh Xuân Thu mới tính cách ra tay trước, đoạt lấy chiếc nhẫn chưởng môn từ tay sư phụ.

II

Về bất cứ phương diện nào, cũng không thể coi Đinh Xuân Thu là một vị anh hùng, nhưng cũng không nên vì thế mà bảo dục vọng cá nhân và việc lão ta truy cầu thực hiện giá trị tự thân là sai, là xấu. Đinh Xuân Thu rời bỏ Trung Nguyên, đi xa tìm chân trời mới, sáng lập phái Tinh Tú, kể cũng là một nhân vật xuất chúng. Vấn đề là sau khi rời bỏ dòng chủ lưu Nho gia, rồi lại từ bỏ chính thống Đạo gia, Đinh Xuân Thu đã sáng lập ra hệ thống giá trị như thế nào? Có thể "tự soạn ra bộ Xuân Thu mới" hay chăng? Nói nôm na, ngoài dục vọng cá nhân của mình và nhận định giá trị tự thân ra, Đinh Xuân Thu chẳng tìm ra được tài nguyên văn hóa gì mới - ở Tây Vực, giữa đại tự nhiên rộng lớn, lão chỉ tìm thấy độc vật, chỉ dấn sâu vào con đường hắc ám.

Chúng ta thấy Đinh Xuân Thu tìm ra một lối đấu tranh trần trụi, tức là để cho đệ tử môn hạ ngay từ lúc nhập môn đã học cách cạnh tranh tàn khốc giữa người này với người kia, ai có bản lĩnh cao hơn thì người ấy được làm đại đệ tử, cứ vậy mà xếp hạng trở xuống. Cuộc chiến xếp hạng không chỉ quyết định ngôi thứ cao thấp, mà còn quyết định sự sống chết mất còn của cá nhân. Cuộc đấu giữa Trích Tinh Tử với A Tử là một ví dụ điển hình. Triết lý của sự tranh giành cố nhiên có thể kích thích dục vọng sinh tồn và bản năng đấu tranh, nhưng cũng vì thế mà biến con người thành dã thú, hướng nền văn minh nhân loại sang đấu trường dã man. Đinh Xuân Thu sở dĩ làm như vậy, bởi vì hồi còn ở phái Tiêu Dao, lão đã bị văn hóa văn minh dày vò, làm nhục, khiến lão chán ghét hết thảy. Lão cho rằng ai có bản lĩnh võ công cao hơn, thì sẽ làm đại đệ tử là lẽ đương nhiên.

Kẻ có vũ lực mạnh làm chủ thiên hạ, từ cổ đã thế. Lão không nghĩ rằng cái chủ nghĩa mới ấy, cái tư tưởng mới, lý luận mới, trật tự mới ấy chẳng qua chỉ tái diễn thứ chính trị cường quyền bá đạo cổ lỗ. Trong triết lý tranh đấu một mất một còn và thực tiễn bá đạo ấy, Đinh Xuân Thu không chỉ bồi dưỡng những tài năng kế tục lão, mà còn bồi dưỡng nên những kẻ tham sống sợ chết đê hèn vô sỉ. Trong đám đệ tử của mình, Đinh Xuân Thu thích nhất, quí nhất A Tử. Song chính A Tử là kẻ phản bội sư phụ sớm nhất, lấy cắp vật quí nhất của Đinh Xuân Thu, sau lại dựa thế của bang chủ Cái Bang Du Thản Chi, công khai trước mặt anh hùng thiên hạ giương ngọn cờ đả kích "chưởng môn phái Tinh Tú”, cuối cùng làm cho vị tông sư sáng lập môn phái thân bại danh liệt, đau khổ phát điên. Đương nhiên, làm cho Đinh Xuân Thu đau khổ phát điên thực ra không phải A Tử, thậm chí cũng không phải là phù chú sinh tử của Hư Trúc, mà chính là cái triết lý tàn khốc của Đinh Xuân Thu.

Rất đơn giản, khi Đinh Xuân Thu gặp kẻ võ công cao hơn lão, lão sẽ được nếm mùi vị tàn khốc của cái triết lý kia. Võ công của Đinh Xuân Thu dĩ nhiên cũng có ngụ ý văn hóa nhất định. Tuy xuất thân từ phái Tiêu Dao, song võ công của Đinh Xuân Thu là do lão tự sáng tạo nên. Đinh Xuân Thu có hai môn võ công lợi hại nhất, một là môn "Hóa công đại pháp" được cải biến từ "Bắc Minh thần công” của phái Tiêu Dao mà ra; hai là môn "Hủ thi công” đầy độc tính do lão sáng tạo ra. Cải biến, sáng tạo võ công, một mặt chứng tỏ Đinh Xuân Thu quả có thiên tài võ học, mặt khác chứng tỏ giới hạn nhân cách và bản tính văn hóa của Đinh Xuân Thu. "Bắc Minh thần công” bắt nguồn từ ý của Trang Tử, muốn người ta nhìn thấy sự nhỏ bé của cá nhân, đồng thời thấy cái đạo tự nhiên là trăm sông đổ ra biển Bắc Minh.

Còn từ đó cải biến thành "Hủ thi công”, nghĩa là sẽ "hóa" hết thảy, phủ định, quét sạch, hủy diệt toàn bộ nội lực của kẻ khác, ta gọi là "vũ khí phê phán" tuyệt đối. "Hủ thi công” của Đinh Xuân Thu làm cho người ta ghê sợ, chẳng qua chỉ là một thứ văn hóa lịch sử thối tha, mang hơi độc của xác chết mà thôi. Suy cho cùng, Đinh Xuân Thu tuy sáng lập phái Tinh Tú, nhưng kỳ thực chẳng sáng tạo ra được sự vật mới mẻ nào vượt qua hạn chế văn hóa lịch sử. Hùng tâm đại chí cải thiên hoán địa, viết bộ Xuân Thu mới của lão chỉ là lời nói mê sảng mà thôi.

III

Thế nhưng cái kẻ sống lâu năm ở Tây Vực, ếch ngồi đáy giếng này, không biết trời đất bao la, anh hùng thiên hạ đông đảo, sau khi lật đổ sư phụ, cứ tự cho mình là người kiệt xuất nhất thế gian. Tức cười nhất là lão không chỉ nghĩ thế, mà còn thích mọi người nói như thế. Mọi người không chịu nói, thì lão sai đồ đệ của mình dán biểu ngữ, hô khẩu hiệu diễu hành tứ xứ mà tuyên cáo. Cho nên, Đinh Xuân Thu đi đến đâu, đều có đám đông đệ tử khua chiêng gióng trống, phất cờ, trên cờ viết nào là "Tinh Tú Lão Tiên", nào là "Thần thông quảng đại, nào là "Pháp lực vô biên", nào là "Uy chấn thiên hạ"; đồng thời hô to tán tụng mọi lời nói, việc làm của Đinh Xuân Thu, coi lão như một đại kỳ quan trong võ lâm vậy.

Thế rồi khi Đinh Xuân Thu ở chùa Thiếu Lâm bị Hư Trúc đánh bại, thì rất nhiều đệ tử phái Tinh Tú lâu nay nhất mực trung thành, ca tụng công đức Đinh Xuân Thu, giờ đây không chút do dự chạy sang đầu hàng Hư Trúc, dùng những lời lẽ xấu xa nhất mà chửi rủa Đinh Xuân Thu, rồi dùng những lời trước đây ca ngợi Đinh Xuân Thu, nay ca ngợi Hư Trúc, khiến cho Hư Trúc "không khỏi cảm thấy lâng lâng khó tả".(Xem Thiên long bát bộ).

Nghĩ một chút, ta thấy chuyện ấy có cái lý của nó. Về môn phong kỳ quặc của phái Tinh Tú, Bao Bất Đồng từng nói trắng ra như sau : muốn có được thành công ở môn phái này, chí ít phải luyện thành thạo ba thần công. Một là Nịnh bợ công. Không luyện thành môn này, e rằng không sống nổi ở quí môn nửa ngày. Hai là Khoác lác công, nếu không thổi phồng võ công và đức hạnh của quí môn, thì sẽ bị cả sư phụ lẫn đồng môn khinh rẻ, không có chỗ đứng. Ba là công phu mặt dày. Nếu không xóa sạch lương tâm, mặt dày mày dạn, thì không thể luyện thành hai đại kỳ công Nịnh bợ và Khoác lác". (Xem Thiên long bát bộ).

Bao Bất Đồng nói toạc ra như tế, mà lạ thay, các đệ tử phái Tinh Tú chẳng những không tức giận, lại còn gật gù, thậm chí khen phải. Tác giả dùng bút pháp châm biếm, khoa trương, ngụ ngôn miêu tả Đinh Xuân Thu và các đệ tử phái Tinh Tú, thậm chí trực tiếp nói thẳng ra điều đó khỏi cần bàn thêm. Đinh Xuân Thu muốn viết nên lịch sử vinh quang của lão, song lão chỉ trở thành trò cười của lịch sử. Lý do rất đơn giản. Một lãnh tụ vô đức vô hạnh, dĩ nhiên có thể dùng võ lực cường quyền khi thế đạo danh, tụ tập và bồi dưỡng đám đồ đệ đê hèn; còn đám đồ đệ đê hèn thì tất nhiên là "nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền".

Có lẽ Đinh Xuân Thu không biết, rằng ngay từ lần xuất hiện "lóe sáng đầu tiên", lão đã được lịch sử dành cho một vai hề. Đinh Xuân Thu càng không biết, vở hài kịch mà lão sắm vai, chẳng có gì mới lạ cả. Suy cho cùng, Đinh Xuân Thu cũng chỉ là một thứ nhọt độc trên cái xác truyền thống đang thối nát mà thôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến