HẠT – HỘT – TRỨNG


HẠT – HỘT – TRỨNG
Chữ hạch [] không còn được dùng với nghĩa gốc của nó (là “hạt/ hột”) trong tiếng Việt hiện đại nữa.

Trong nam, từ 'hột' được dùng với nghĩa là 'trứng' trừ trứng ngỗng lại không gọi là 'hột' -ẢNH: Đ.N.THẠCH
Nhưng có một điều là, bên cạnh âm “hạch”, nó còn có một âm nữa là “hột”, như đã được ghi nhận trong Tập vận và Chính vận, mà Khang Hy tự điển đã dẫn lại: “hồ cốt thiết” [胡骨切]. Từ hải (bản cũ) và Từ nguyên (bản cũ) đều phiên: “hồ ngột thiết” [胡兀切]. Thì cũng là hột; và tương ứng với âm hột Hán Việt thì khẩu ngữ Bắc Kinh hiện đang còn có hú, bên cạnh hé tương ứng với hạch. Cứ như trên thì, trong tiếng Việt hiện đại, hột hiển nhiên là một từ Hán Việt chính tông chứ không phải Hán Việt Việt hóa, càng không phải là “thuần Việt”, như nhiều người có thể lầm tưởng.

Từ điển Việt Bồ La của A.de Rhodes (1651) chỉ ghi nhận “hột” mà không có “hạt”, giúp ta có cơ sở để khẳng định rằng chữ [] đã đi thẳng vào nước Đại Việt với âm “hột”, để tiếp tục sống một cách bền bỉ cho đến hiện nay trong phương ngữ miền Nam (hột đậu, hột gạo, hột lúa, hột mè, hột bụi, hột cát, hột cườm, hột xoàn...) trong khi ở miền Bắc thì nó đã trở thành “hạt”, trễ nhất cũng là trước cuối thế kỷ XIX.

Dictionarium Latino -Annamiticum của M.H.Ravier (Ninh Phú, 1880) đã đối dịch granum là “hạt”, granatim là “từng hạt một”, granatus (danh từ) là “sự sinh hạt”, granatus (tính từ) là “có hạt”, granifer là “sinh nhiều hạt”, granosus là “đầy hạt”. Quyển từ điển này không có “hột” vì từ này không còn được dùng trong phương ngữ của miền Bắc nữa. Như thế, trong khi ngoài Bắc người ta đã chuyển hột thành hạt thì người trong Nam vẫn giữ đúng cái âm nguyên thủy của chữ [] (là “hột”) mà dùng. Vì vậy ở đây ta có một sự đối ứng về phương ngữ giữa “hạt” (Bắc) và “hột” (Nam) để chỉ cùng một khái niệm mà Từ điển tiếng Việt của Vietlex giảng là “bộ phận nằm trong quả, do noãn cầu của bầu hoa biến thành, nảy mầm thì cho cây con” (nghĩa 1). Người Bắc không nói “hột mè, hột đậu” mà người Nam cũng không nói “hạt mè, hạt đậu”; chứ không phải “hạt” và “hột” có thể thay thế cho nhau mọi lúc mọi nơi ở cả hai miền. Nhưng đây chỉ là chuyện “đời xưa”, chứ sau 1954 (lần thứ nhất), rồi sau 1975 (lần thứ hai) thì đã có sự “hòa nhập” trong một số cách dùng từ.

Trong Nam, người ta chỉ dùng từ “hột” với nghĩa là “trứng” trong hai danh ngữ sau đây mà thôi: “hột gà”, “hột vịt”; rồi “ăn theo” hai danh ngữ này là mấy cấu trúc “hột vịt lộn”, “hột vịt muối”, “hột vịt bắc thảo”, “hột vịt ung”... “Hột gà lộn” cũng ít dùng vì ít ăn. Đến như ngỗng, cũng là một loài gia cầm quen thuộc cùng với gà, vịt nhưng trong Nam người ta cũng không hề gọi trứng của nó là “hột ngỗng”. Chỉ có “trứng ngỗng” và học trò mà “ăn trứng ngỗng” tức là bị điểm “không” (zéro). Vậy tất cả chỉ có thế chứ ngay ở trong Nam thì “trứng cá”, “trứng chí (chấy)”, “trứng chim”, “trứng cút”... cũng không bao giờ được thay bằng “hột cá”, “hột chí”, “hột chim”, “hột cút”... cả. Nghĩa là, ngoài mấy trường hợp kể trên, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều thống nhất dùng “trứng”.

AN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến