Từ LÃNH đến LÃ


Từ LÃNH đến LÃ

Phương ngữ Nam bộ có danh ngữ nước lạnh mà trước đây không phải người miền Bắc nào cũng có thể hiểu đúng, còn bây giờ thì không chắc người miền Nam ai cũng hiểu.

Đó không phải là “nước có bỏ đá” hoặc “nước đã để trong tủ lạnh”. Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng một cách ngắn gọn là “nước lã”; Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “nước lã, nước thường dùng để uống hằng ngày, không nấu, không pha chế”; xưa hơn nữa, Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huình-Tịnh Của thì giảng là “nước tự nhiên, không hâm, không nấu”.

Còn nước lã thì được Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là “nước tự nhiên như nước mưa, nước giếng”; từ điển cùng tên của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên thì giảng là “nước ngọt tự nhiên, chưa qua đun nấu, xử lý”. Cứ như trên thì nước lạnh hiển nhiên là “nước lã”, mà nước lã vốn là một danh ngữ của phương ngữ Bắc bộ, nay trở nên phổ biến trong ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ toàn dân. Nó đã tồn tại từ xưa trong thành ngữ người dưng nước lã, nước lã mà vã nên hồ và trong câu tục ngữ Một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhưng ngày nay hầu như không có một quyển từ điển nào có ghi nhận riêng vị từ tĩnh (tính từ) lã. Đây là một từ cổ đã “chết”, chỉ còn sống ký sinh trong danh ngữ nước lã mà thôi. Vậy lã nghĩa là gì?

Xin thưa rằng lã vốn có nghĩa là “lạnh” và chính vì thế nên nước lạnh trong Nam mới đồng nghĩa với nước lã ngoài Bắc. Chẳng những thế mà lã và lạnh còn là hai từ đồng nguyên vì đều là hai từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [] mà âm Hán Việt hiện hành là lãnh, có nghĩa là “lạnh”. Nhưng lãnh [] còn có thể đọc là lã, như đã cho trong tự điển. Đúng như thế nên đây mới là chuyện oái oăm. Oái oăm ở chỗ có một số quyển từ điển đã thiết âm cho nó bằng chữ [].

Âm tiên khởi của chữ [] là đảnh/đánh, còn âm hậu phát của nó là đả, nhưng chính đả mới là âm thông dụng hiện nay. Thuộc loại rất xưa như Quảng vận (1008) đã ghi thiết âm cho nó là [魯打切]; hiện đại và có tính chất tập đại thành như Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) thì cũng ghi [魯打切]. Từ thiết âm này, với âm đả của chữ [], người ta đã suy ra đẳng thức: L[ỗ] + [đ]Ả = LÃ.

Cứ như trên thì chữ [] có hai âm: lãnh và lã, mà lãnh là âm của một hình vị không độc lập, còn lã là âm của một từ độc lập đã “chết”.

Đặc biệt thú vị là với âm lã, chữ/từ [] còn là nguyên từ của lạ trong lạ lùng và là trong lơ là nữa. Trong trường hợp đầu, lã [] có nghĩa là “ít được biết” như đã cho trong Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, với ví dụ “lãnh tự (chữ ít gặp, ít dùng, ít người biết)”. “Ít gặp, ít dùng, ít người biết” mà không lạ mới là kỳ. Trong trường hợp sau, lã [] có nghĩa là “không nhiệt tình”,“không quan tâm”, như trong lãnh đạm, lãnh nhãn bàng quan... Đây cũng chính là nghĩa của là trong lơ là. Vậy là ở đây là một từ có nghĩa chứ không phải yếu tố vô nghĩa, như có thể bị một số nhà Việt ngữ học quy oan chỉ vì chính họ không biết nghĩa của nó mà thôi.

AN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến