ĐÂU – ĐÂY – ĐẤY


ĐÂU – ĐÂY – ĐẤY
Lấy một câu đơn giản trong tiếng Việt:
(1) Tôi đi.

Phủ định, chúng ta có:
(2) Tôi không đi.

Khẳng định, chúng ta có:
(3) Tôi có đi.

Như vậy, chúng ta có ba kiểu câu. Câu (1) là một câu có thể gọi là câu trần thuật đơn giản, nêu sự việc; câu (2) là câu phủ định; câu (3) là câu khẳng định.

Thêm “đâu” vào cuối câu (2) và cuối câu (3), chúng ta có hai câu (4) và (5):

(4) Tôi không đi đâu.
(5) Tôi có đi đâu.

Câu (4) vẫn là một câu phủ định như câu (2). Nhưng câu (5) không còn là một câu khẳng định như câu (3) nữa, mà đã trở thành một câu phủ định. Hai câu (4) và (5) này về hình thức chỉ khác nhau ở hai từ “không” và “có”, là hai từ trái nghĩa, thế mà hai câu này lại không trái nghĩa nhau, cả hai đều là câu phủ định. Tại sao vậy?

Trước hết, ta xét nghĩa của câu (4). “Tôi không đi đâu” khác “Tôi không đi”. Nói “Tôi không đi đâu” tức là không chỉ đơn giản bảo “Tôi không đi” mà còn có ý (còn hàm ý) nói rằng:

1/ “Anh (hoặc nó) tưởng là tôi đi à? Tôi không đi đâu” - “Tôi không đi đâu” không chỉ đơn giản phủ định, mà là phủ định - bác bỏ.

2/ “Anh bảo (hoặc: anh rủ) tôi đi à? Tôi không đi đâu” - “Tôi không đi đâu” không chỉ đơn giản phủ định, mà là phủ định - từ chối.

“Đâu” trong “Tôi không đi đâu” không phải là một đại từ chỉ nơi chốn (như trong trường hợp: Nó đi đâu, không ai biết). Dùng ở cuối câu phủ định, nó là một loại từ đặc biệt (thường gọi là trợ từ). Bản thân nó không có nghĩa, nhưng nó có chức năng tạo ra cho cả câu một sắc thái nghĩa, biểu thị thái độ của người nói đối với cái điều vừa được nói đến (“tôi đi”) và đối với người nghe (người đối thoại), đó là thái độ bác bỏ, hoặc từ chối, như ở thí dụ trên, hoặc có khi là thuyết phục, như trong thí dụ sau đây:

(6) Anh không nên đi đâu. (“Nó bảo anh đi à? Anh không nên đi đâu”; hoặc: “Anh định đi à? Anh không nên đi đâu”).

Ta lại xét nghĩa của câu (5). “Tôi có đi đâu” cũng khác “Tôi không đi”. Nói “Tôi có đi đâu” thường có ý nói rằng “Tôi có đi đâu, mà anh (hoặc: nó) bảo là tôi đi”. “Tôi có đi đâu” không chỉ đơn giản phủ định, mà là phủ định - bác bỏ. Có điều khác với “Tôi không đi đâu”, ở đây là sự phủ định - bác bỏ về một điều mà người khác khẳng định là đã có xảy ra.

Nhưng “Tôi có đi” là câu khẳng định. Tại sao thêm “đâu” lại biến thành câu phủ định? “Đâu” ở đây không phải là trợ từ, nó là một phụ từ phủ định, biểu thị ý phủ định dứt khoát đối với điều người khác đã khẳng định hoặc có thể nghĩ là đã có, đã xảy ra. Thí dụ: “Đâu phải thế”, “Tưởng thế chứ chắc đâu”. Trong “Tôi có đi đâu”, từ “đâu” có chức năng đặc biệt, biến một câu khẳng định (Tôi có đi) thành một câu phủ định - bác bỏ, biểu thị thái độ bác bỏ đối với điều mà người khác cho là đã có xảy ra:

Nếu đặt “đâu” trước “có” thì sắc thái bác bỏ càng mạnh hơn. Chúng ta so sánh “Tôi có đi đâu” với:

(7) Tôi đâu có đi (mà anh lại cứ bảo là tôi có đi).

Trong tiếng Việt, “đâu” vốn là đại từ chỉ nơi chốn. Ngoài “đâu” ra, còn có “đây”, “đấy”, “đó”. Điều lí thú là cũng như “đâu” những từ này đều có thể dùng làm trợ từ, với chức năng đặc biệt tạo ra một sắc thái nghĩa cho cả câu, biểu thị thái độ của người nói. Chúng ta so sánh “Tôi đi” và “Tôi có đi” với:

(8) Tôi đi đấy.
(9) Tôi có đi đấy.

Nói “Tôi đi đấy” hoặc “Tôi có đi đấy” người nói khẳng định với người nghe (người đối thoại) rằng cái điều vừa nói đến (sắp tới) “tôi đi” hoặc (vừa rồi) “tôi có đi” là xác thực, đích xác, đúng như vậy. Đây là những lời khẳng định - thuyết phục, với hàm ý: “anh hãy tin như thế”, như ở các thí dụ trên; hoặc với hàm ý: “không có gì phải nghi ngờ”, như trong:

(10) Như thế đấy.

Trong trường hợp sau, “đấy” có thể thay bằng “đó”:

(11) Như thế đó.

Chúng ta lại so sánh “Tôi đi” với:

(12) Tôi đi đây.

Nói “Tôi đi đây”, người nói khẳng định với người đối thoại rằng cái việc “tôi đi” là một hiện thực trước mắt, như có thể thấy ngay được.

“Đây” còn dừng ở cuối câu có sắc thái như câu hỏi, như:

(13) Biết làm sao đây?
(14) Chắc là có chuyện gì đây!

Trong những trường hợp này, người nói muốn nói với người đối thoại hoặc như muốn tự nhủ với mình rằng cái việc “biết làm sao” hoặc “chắc là có chuyện gì” là việc cụ thể đang được đặt ra, có gì đó đáng phải suy nghĩ, phải băn khoăn.

“Đâu”, “đây”, “đấy” là những từ nho nhỏ, nhưng là những từ quan trọng ở chỗ nó biến câu thành những lời cụ thể dùng trong đối thoại, có ý nghĩa gọi là ý nghĩa tình thái, tức là có biểu thị thái độ của người nói đối với điều được nói đến và đối với người đối thoại. Nó làm cho lời nói thành “có hồn”. Ngoài “đâu”, “đây”, “đấy”, chúng ta còn có “à”, “ư”, “nhỉ”, “nhé”, “cho”, “chứ”, “mà”, v.v., cũng dùng ở cuối câu. Thí dụ:

(15) Tôi đi à?
(16) Tôi đi ư?
(17) Tôi đi nhé!
(18) Tôi đi nhỉ.
(19) Tôi đi cho.
(20) Tôi đi chứ.
(21) Tôi đi mà!

Những từ này thường có thể dùng kết hợp với “đấy”, đôi khi với “đâu”, “đây”:

(22) Tôi đi đây nhé!
(23) Tôi có đi đấy chứ!
(24) Anh đi đấy ư?
(25) Anh đi đấy à?
(26) Nó về đấy nhỉ.
(27) Tôi đi đây mà.
(28) Tôi có đi đâu mà.

Cho hay những từ nho nhỏ nhưng lại có thể có sắc thái nghĩa rất tế nhị.

HOÀNG PHÊ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến