CHỮ VÀ NGHĨA

CHỮ VÀ NGHĨA



Y phục của phụ nữ miền Bắc xưa. Ảnh Internet.

Ít hôm nay bận việc nhà không có thời giờ vào mạng, hôm nọ gặp bạn hỏi về câu thành ngữ "Ăn Bắc mặc Kinh" thì "Bắc" và "Kinh" ở đây là chỉ nơi nào? Bạn đã thử vào mạng tra thì thấy mỗi nơi giải thích một khác, ngay cả những trang của những giáo sư, tiến sĩ... khá nổi tiếng về chữ nghĩa cũng không có câu giải đáp khiến bạn hài lòng, người thì nói Bắc là vùng Kinh Bắc, tức là Bắc Ninh, còn Kinh là Kinh thành, Kinh đô Thăng Long còn gọi là Kẻ Chợ, họ giải thích, người vùng Kinh Bắc (Bắc) ăn uống ngon, còn người ở Kinh đô (Thăng Long, Kẻ Chợ) thì mặc đẹp.

Bạn nói có người giải thích Bắc đây là miền Bắc, còn Kinh là Kinh đô nhưng là Kinh đô xứ Huế, và đại khái cũng giải thích là người miền Bắc nấu nướng ăn uống thường ngon, còn người ở Kinh đô Huế thì thường mặc đẹp... Đại khái là như thế.

Nghe bạn nói tôi... toát mồ hôi hột. Trang của những người có tiếng giải thích mà bạn chưa hài lòng thì lấy chi tôi có thể lý giải được hơn. Tôi đành hẹn để về xem lại sách vở đã, coi tôi có tìm ra được cách giải thích nào có thể khiến bạn hài lòng hơn chăng? Quả thật tôi đã thử tra trên những trang mạng, và cả vài quyển sách, từ điển về thành ngữ, tục ngữ mình có thì cũng như bạn nói bên trên, chẳng thấy một trang nào giải thích câu thành ngữ này rõ ràng.

Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào giải thích câu trên như sau: Ăn Bắc mặc Kinh: [Ăn xứ Bắc mặc xứ Kinh] (Bắc: phía Bắc kinh đô Thăng Long, tức xứ Kinh Bắc, nay là Hà bắc; Kinh: Kinh Kì, tức kinh đô Thăng Long, nay là Hà Nội). Những nơi có truyền thống nấu ăn ngon, mặc đẹp.

Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân giải thích: ăn Bắc, mặc Kinh: Xưa kia người ta cho rằng người miền Bắc có những món ăn ngon, còn người Huế thì ăn mặc đẹp. (Cũng có người cho Bắc là Bắc Ninh, còn Kinh là Kinh đô Hà Nội cũ).

Những câu giải thích kể cả 2 quyển từ điển như trên rất chung chung, không nêu được lên cái nổi bật của ý nghĩa "ăn" và "mặc", "ăn Bắc" có phải là ăn ngon như người Kinh Bắc (Bắc Ninh), hay người miền Bắc nói chung. Còn"mặc Kinh", có phải là mặc đẹp như người ở Kinh đô Thăng Long (Kẻ Chợ - Hà Nội), hay như người Kinh đô Huế hay không? Người Kinh Bắc (Bắc Ninh) (*), quê hương quan họ chỉ có ăn ngon mà không mặc đẹp hay sao? Cụ thể là qua những bộ quần áo của họ khi hát quan họ?

Cũng như thế người Kinh đô (như Thằng Long - Hà Nội), hay Huế chẳng lẽ chỉ có mặc đẹp mà không ăn ngon? Người Thăng Long - Hà Nội xưa nay ngoài chuyện thanh lịch về mặc đã có tiếng về chuyện ăn ngon (**). Xứ Huế cũng nổi tiếng với những món ăn cầu kỳ của vua chúa ngày xưa, mà người dân Huế cũng rất sành điệu trong cái ăn, chỉ riêng món muối, mắm... của người Huế thôi cũng đã rất phong phú (***)... Ở xứ sở nào và thời nào cũng thế, người dân ở Kinh đô, Thủ đô (là những nơi có điều kiện), nên chắc chắn là những người rất sành về cả chuyện ăn lẫn chuyện mặc hơn các nơi khác.

Tuc ngữ và thành ngữ của Việt Nam thường rất cô đọng trong ngữ nghĩa, một câu thường có nhiều cách hiểu, Trong câu "Ăn Bắc mặc Kinh", nêu trên nếu"ăn" không phải là "ăn ngon" và "mặc" không phải là "mặc đẹp", thì "ăn" và"mặc" ở đây có ý nghĩa gì khác? Đang phân vân đặt câu hỏi và không biết trả lời sao, thì tình cờ tôi đọc được một bài viết ngắn dưới dạng hỏi đáp trong quyển Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, một người dân Huế và cũng là một nhà nghiên cứu về Huế. 

Trong câu hỏi "Y phục thời Nguyễn thay đổi vào những thời kỳ nào?". Tác giả cho biết, ban đầu người dân của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn mặc theo như người Chăm hay người miền Bắc (là nơi chúa Nguyễn đã ra đi). Đến đầu triều chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát) khoảng năm 1743-1744, có câu sấm "Bát đời thời hoàn Trung đô". Người ta cho rằng: Tám đời thì sự nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong sẽ trở lại Thăng Long. Đời thứ tám ứng vào chúa Nguyễn Phúc Khoát. Để hóa giải câu sấm, chúa Võ Vương bèn cho "đổi y phục, thay phong tục cùng dân đổi mới". Chúa châm chước áo quần của người Trung Hoa và người Chăm, chế ra chiếc áo dài và quần hai ống cho dân xứ Đàng Trong. Nhưng người dân từ Quảng Bình trở ra vẫn mặc theo như lối cũ.

Mãi đến tận đời vua Minh Mạng lối mặc của người miền Bắc vẫn thế, phụ nữ mặc áo vạt khép và váy, đàn ông con trai thường đóng khố, chứ không mặc quần hai ống như Đàng Trong. Đời Minh Mạng thứ 18 nhà vua xuống dụ quở trách, hạn trong năm phải thay đổi cách mặc, nếu năm sau còn có người mặc như cũ thì trị tội. Y phục là một tập quán không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều, bởi thế trong dân chúng miền Bắc có nhiều người tỏ thái độ không đồng tình với chủ trương "mặc quần có đáy" của vua Minh Mạng bằng mấy câu ca dao:

Tháng tám có chiếu vua ra,
Mặc quần có đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang?
Có quần ra đứng ngoài đường,
Không quần ta đứng đầu giường xem quan.

Vì thế từ cuối triều Minh Mạng cho đến về sau, ở người phụ nữ miền Bắc vẫn có hai kiểu y phục, Y phục truyền thống (mặc váy), và y phục quần hai ống của Kinh kỳ (Huế).

Như vậy câu "Ăn Bắc mặc Kinh" ở đây có thể hiểu theo một nghĩa nữa là: "về chuyện ăn thì theo kiểu cách của người miền Bắc" (ăn Bắc), nhưng còn "về chuyện mặc thì theo kiểu cách của người Kinh đô Huế" (mặc Kinh). Nguyên câu này nói về chuyện chiếu của vua Minh Mạng bắt người dân Đàng Ngoài mặc theo kiểu quy định của nhà vua, cũng là kiểu mặc của người Kinh đô xứ Huế (Đàng trong), chứ "ăn" ở đây không có nghĩa là "ăn ngon", và"mặc" ở đây không có nghĩa là "mặc đẹp". Bản thân tôi nghiêng về cách giải thích này.

(Sưu tầm)

Ghi chú:
(*) Ngày xưa xứ Đông Kinh (Tonkin - Đàng Ngoài), được chia thành 11 tỉnh gọi là "xứ", gồm có: 1. Sơn Nam xứ, còn gọi là xứ Nam. 2. Hải Dương xứ, còn gọi là xứ Đông. 3. Kinh Bắc xứ, còn gọi là xứ Bắc. 4. Sơn Tây xứ, tức xứ Đoài. 5. Yên Quang xứ, tức xứ Yên Quang. 6. Lạng Bắc xứ, tức xứ Lạng. 7. Thái Nguyên xứ, tức xứ Thái. 8. Tuyên Quang xứ, tức xứ Tuyên. 9. Hưng Hóa xứ, tức xứ Hưng. 10. Thanh Hóa xứ, tức xứ Thanh. 11. Nghệ An xứ, tức xứ Nghệ.

Riêng Kinh thành (Kinh đô), là nơi nhà vua đóng đô , tục gọi là Kẻ Chợ, có tên là Thăng Long thì không thuộc xứ nào trong 11 xứ kể trên mà được xem là trung tâm, với bốn xứ là xứ Nam, xứ Bắc, xứ Đông và xứ Đoài. Bốn xứ trung tâm này được gọi là Tứ trấn. Mười một xứ kia được gọi là Phiên trấn. Theo những tên gọi các xứ vừa kể thì ta thấy có 2 xứ được gọi trùng tên xứ Nam và xứ Bắc, là Sơn Nam xứ thuộc Phiên trấn và xứ Nam thuộc Tứ trấn đều được gọi là xứ Nam, và Kinh Bắc xứ thuộc Phiên trấn và xứ Bắc thuộc Tứ trấn đều được gọi là xứ Bắc.

(**) Có nhiều sách của nhiều tách giả nói về món ăn ngon Hà Nội, chẳng hạn quyển Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng. Hay quyển Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, trong sách viết về rất nhiều món ăn ngon ở Hà Nội.

(***) Trong sách Văn hóa ẩm thực Huế, tác giả là một bác sĩ gốc người Huế sống tại Hoa Kỳ cho biết chỉ riêng về món mắm, và muối, người Huế đã chế biến ra rất nhiều món mắm và món muối. Chẳng hạn mắm gạch cua, mắm tôm chua, mắm cà pháo, mắm cá ngừ, mắm ruột, mắm thính, mắm cá chuồn, mắm mòi, mắm nêm cá nục... về món chế biến từ muối có, muối sống, muối rang, muối tiêu, muối hầm, muối ớt, muối sả, muối ruốc, muối thịt, muối riềng, muối gừng...


Tham khảo:
- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin - 1998.
- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, NXB Văn Học - 2010.
- Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Trẻ - 2001.
- Văn hóa ẩm thực Huế, Bùi Minh Đức, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ - 2011.
- Thư của các Giáo sĩ Thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, NXB Văn Học - 2013.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến