TIẾNG VIỆT VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI THÚ VỊ

TIẾNG VIỆT
VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI THÚ VỊ

Trong chuyến công tác mới đây của đoàn cán bộ, giáo viên trường tôi, khi đặt chân đến sân bay Nội Bài, nhiều người tỏ ra thắc mắc trước những bảng chỉ dẫn ghi hàng chữ: “Cửa ra tầu bay”.

Cuộc tranh luận liền “nổ” ra giữa hai “phe”: nhóm thì cho rằng viết “tầu bay” là ổn rồi, là chấp nhận được vì xưa nay vẫn thấy viết như thế; nhóm còn lại thì quả quyết viết như vậy là sai chính tả, cần phải viết đúng là “tàu bay”.

Di chuyển thêm một đoạn nữa – cũng tại sân bay Nội Bài, bất chợt chúng tôi nhìn thấy một số biển chỉ dẫn khác lại ghi là “tàu bay”.

Cuộc tranh luận đang bất phân thắng bại, đến đây tạm thời nhanh chóng kết thúc - kết quả không thể ôn hòa hơn, với sự nhất trí trong sự lúng túng của cả hai “phe”: hóa ra là ghi cách nào cũng được!

Vậy, “tầu” hay “tàu” - thực ra cách ghi nào đúng?

Viết “tầu bay” có sai không? 

“Tàu” là “tên gọi chung các phương tiện vận tải lớn và hoạt động bằng máy móc phức tạp. Tàu thủy. Bến tàu. Đường tàu. Tàu vũ trụ.” [Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê].
Nhưng, theo tập quán sử dụng của người Việt, từ “tàu” xưa nay vốn ít dùng để chỉ máy bay. Người ta thường hỏi nhau “Bạn đi xe hay đi tàu?”.

Rõ ràng, hàm ý trong câu hỏi mặc nhiên chỉ nhằm đến hai khái niệm phương tiện giao thông đường bộ “ô tô” và phương tiện giao thông đường sắt “tàu lửa” chứ không hề hàm ý chỉ phương tiện giao thông đường thủy “tàu thuyền” và phương tiện giao thông đường hàng không “máy bay”.

Nhan đề các ca khúc “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Tàu về quê hương”, “Tàu anh qua núi”... cũng đều hoàn toàn đề cập đến tàu lửa.

Đồng âm với từ tàu (thuyền) trong tiếng Việt còn những từ khác như: tàu (lá), tàu/chuồng (ngựa), (mực) tàu,... và đây chính là dạng phổ thông, toàn dân.
Còn trong những trường hợp trên, nếu viết thành từ “tầu” (tầu bay, tầu dừa, tầu ngựa, thịt kho tầu,...) là không sai, nhưng tất cả đều ở dạng phương ngữ.

Tuy viết “tầu bay” là không hề sai nhưng rõ ràng trong trường hợp biển ghi ở nơi công cộng, mang tính phổ dụng cho tất cả mọi người ở mọi vùng miền, thì nếu cân nhắc giữa hai cách ghi từ toàn dân hay từ địa phương thì có lẽ không nên ghi ở dạng phương ngữ.

Tương tự, trường hợp trong văn bản hành chính “kính gửi/ gởi”, ta nên ghi “kính gửi” (từ toàn dân) hơn là “kính gởi” (từ địa phương).

Viết “tàu bay” có sai không? 

Như trên đã dẫn các từ “tàu”, hầu hết là từ toàn dân, nhưng riêng từ “tàu bay” thì vẫn không phải là từ toàn dân, mà được xác định là từ phương ngữ, lại còn là từ cũ [Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, tr.861] và nhà soạn từ điển khuyến nghị nên dùng từ toàn dân đồng nghĩa là từ “máy bay” với giải nghĩa "máy bay" là phương tiện vận tải hay chiến đấu bay trên không nhờ động cơ”.

Vậy, đến lượt mình, cách viết “tàu bay” trên biển chỉ dẫn ở sân bay vẫn là cách viết phương ngữ, chứ chưa phải từ toàn dân. Nếu cho chọn cách viết tối ưu có lẽ các cơ quan hữu quan nên ghi biển chỉ dẫn theo như ở một số sân bay khác (Cam Ranh, Tân Sơn Nhất) hiện đang ghi là “Cửa ra máy bay” là phù hợp nhất.

Lại càng nên tránh lối viết không nhất quán ở các biển chỉ dẫn hành khách, lúc thì ghi “tầu bay”, lúc lại viết “tàu bay” như ở sân bay Nội Bài.

Nguyên nhân dẫn đến “tàu – tầu”

Trong từ vựng tiếng Việt, hiện tượng từ toàn dân và phương ngữ cùng song song tồn tại là hiện tượng bình thường, người dùng tùy theo trường hợp sử dụng mà lựa chọn từ nào cho phù hợp với ngữ cảnh và mục đích sử dụng.

Nhìn chung, vì phương ngữ Bắc Bộ thường có xu hướng “â hóa” các nguyên âm /a/ giữ vị trí âm chính trong một số âm tiết, như các trường hợp: cày → cầy (ruộng), màu → mầu (sắc), giàu → giầu (sang); mày → mầy (mò) ... mà dẫn đến các trường hợp dùng từ địa phương như trên.

Tuy nhiên cũng có trường hợp “bất quy tắc” khá thú vị trong xu hướng “â hóa” này, đó là tất cả các từ: mầu sắc, mầu mè, mầu mỡ, hoa mầu, đất bạc mầu đều là từ phương ngữ, muốn viết chuẩn theo từ toàn dân thì phải viết là “màu”.

Trong lúc đó, ngược lại, trong trường hợp từ “nhiệm mầu” thì đây chính là từ toàn dân, còn “nhiệm màu” thì lại là phương ngữ; hoặc như từ địa phương “thày giáo” viết chuẩn phải là “thầy giáo”. Còn như từ “bánh giầy” là dạng chuẩn từ toàn dân hiện đang bị viết sai thành “bánh giày/dày/dầy”.

Ngoài ra, một số trường hợp khác được xác định là dạng cặp từ tương đương, “lưỡng khả”, cả hai cách viết đều là từ toàn dân song song tồn tại chứ không xác định từ nào là từ địa phương (không có từ nào viết sai chính tả) như: giầy/giày (dép); gầu/gàu (múc nước); … 

Xem ra, càng đi sâu tìm hiểu, quả nhiên càng thấy tiếng Việt còn tiềm ẩn biết bao nhiêu điều thú vị!


Thạc sĩ ĐỖ THÀNH DƯƠNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến