ĐỂU - ĐỂU CÁNG -ĐỂU GIẢ

ĐỂU - ĐỂU CÁNG - ĐỂU GIẢ
Một hôm tình cờ tôi bị cuốn vào cuộc tranh luận của một nhóm bạn trẻ. Trong lúc tranh cãi,A nói: Mày là thằng đểu giả! B lặng giây lát rồi đáp: Đúng, tao đểu giả, chỉ đểu giả thôi còn mày mới là thằng đểu thật! Rồi họ ngoảnh sang tôi: Cô ơi, Vậy thì thằng nào xấu hơn ạ?” Thật khó cho tôi, vì bọn trẻ chơi chữ tài quá! Người nói tiếng Việt đều biết đểu giả không phải là đểu giả vờ, nó không đối lập với đểu thật.

Vậy giả trong đểu giả là gì, bắt nguồn từ đâu?- Tôi quay ra đố bọn trẻ. Một tốp cho rằng đểu giả, học giả, sứ giả, thính giả, khán giả... chữ giả đều có nghĩa là “người”? Phía đối lập cười ầm lên coi thường người vận dụng từ Hán-Việt sai. Tranh luận một hồi tốp 2 kết luận “giả trong đểu giả chỉ là tiếng đệm vô nghĩa?” Đến đây tôi đành phải hoãn binh và về tìm hiểu nhóm từ “đểu”.

Ở bài này tôi đi vào nguồn gốc, ý nghĩa và sử dụng của các từ đểu, đểu cáng, đểu giả trong tiếng Việt..

Cơ sở phân tích của tôi là dựa vào tư liệu của các cuốn Từ điển Tiếng Việt có thu thập từ đểu, cuốn đầu tiên là GEN cuối TK 19 cho đến các cuốn hiện nay, đầu TK 21. Đây là những cuốn từ điển thông dụng, có uy tín.
1.
Ý nghĩa của đểu, đểu giả, đểu cáng

a. Từ ĐỂU được ghi lại trong 11 từ điển (có ghi danh mục và tên tắt cuối bài)
GEN 1898 đểu d. Người khuân vác.
KT 1931 đểu. Phu gánh thuê. Nghĩa rộng: hạng người hèn mạt, vô hạnh Không chơi với đồ đểu.
ĐVT 1951 đểu. 1. (tcu.) Phu gánh. 2. Trái với luân-thường, trái với đạo làm người. thẳng đểu; nói đểu.
TN 1954 đểu. tt 1. Vô học, vô giáo dục Hành động ấy đểu quá! 2. Đồ đểu. Nói đểu.
VT 1967 đểu. 1. dt. Người đi gánh thuê (cũ). 2. tt Hèn mạt, xỏ xiên, mất dạy. Đồ đểu. Nói đểu.
LVD 1970 đểu. 1. tt Điêu-ngoa, lừa-đảo, xảo-quyệt, lưu-manh Đồ đểu, hạng đểu. 2. dt Phu khiêng cáng, phu gánh.
HP 1988 đểu. tt. (thgt.).Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức (thường dùng làm tiếng mắng). Đểu với cả bạn bè. Quân đểu hết chỗ nói! Đồ đểu!
DTD 1999 đểu tt Xỏ xiên, dối trá đến mất hết nhân cách nói đểu. đồ đểu. chơi đểu.
NL 2000 đểu. A. trgt. Nói người đi gánh thuê. Mới lớn lên đã phải gánh đểu để kiếm sống B. tt Xỏ xiên; Hay lừa đảo; Mất dạy (thtục) Trong hai chúng tôi, nó mới là thằng đểu (NgKhải). Đồ đểu.
VL 2001 đểu dt.Phu gánh thuê (KT)
NKT 2005 đểu tt.Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức. đồ đểu. chơi đểu đối với bạn bè.

b. Nhận xét:
- Từ đểu trong tiếng Việt xuất hiện từ cuối TK 19 (TĐ GEN1898), tức là Truyện Kiều hay thơ văn thời Nguyễn Khuyến, Tú Xương… chưa dùng từ đểu.
- Nghĩa gốc của đểu là “phu gánh thuê, người khuân vác”, tức là một danh từ (dt) chỉ người. Đây là nghĩa rất cũ, không tìm được ví dụ sử dụng nào. Có 7/11 TĐ đưa nghĩa này.
- Nghĩa mở rộng, nghĩa 2 của đểu là “hèn mạt, xỏ xiên lừa đảo, mất hết nhân cách”. Đồ đểu. Trong hai chúng tôi, nó mới là thằng đểu (NgKhải). Chơi đểu bạn bè. Đây là nghĩa tính từ (tt).

Có thể hình dung sự chuyển nghĩa, chuyển loại từ dt sang tt như sau:
Đểu dt: phu gánh (người lao động tay chân, bị coi là hèn mạt) → đểu tt: (hạng người) hèn hạ, xỏ xiên lừa đảo, mất nhân cách.
Sự chuyển nghĩa, chuyển loại từ dt sang tt thường gặp trong tiếng Việt, như:
con gấu dt → thằng cha rất gấu tt,
mùa xuân dt → trông còn xuân chán! tt.

Nhưng nghĩa tt mới là nghĩa chính của từ đểu hiện nay (Có 9/11 TĐ thu thập nghĩa tt. Có 2/11 TĐ chỉ có nghĩa danh từ (không có nghĩa tính từ); đó là những từ điển rất cũ (hoặc chỉ thu thập từ cổ), chưa diễn ra quá trình chuyển loại dt → tt: (GEN, VL).

c. Từ đểu cáng có nghĩa đơn giản là “phu gánh và phu cáng” (đểu là phu gánh, còn cáng là phu cáng); đây là nghĩa gốc (nghĩa dt.; chỉ 4/11 TĐ đưa); còn nghĩa 2 của đểu cáng là “rất đểu”. Cũng như đểu, nghĩa 1 của đểu cánghiện không dùng, người ta chỉ dùng nghĩa 2 (9/11 TĐ đưa nghĩa này). Đồ đểu cáng. Giở bộ mặt đểu cáng.

d. Từ đểu giả khác với đểu vàđểu cáng, các từ điển thu thập (8/11 TĐ) đều coi đểu giả là “đểu, rất đểu”. Như vậy đểu giả không có nghĩa gốc là danh từ chỉ người như hai từ trên? Nhưng đểu giả lại làm người ta thắc mắc nhất về cấu tạo: giả trong đểu giả có phải là “người”, như các từ học giả, sứ giả, thính giả, khán giả? Hay giả là “từ đệm vô nghĩa”, như vãnh, vỏn trong vặt vãnh, vỏn vẹn?

Phần sau sẽ trình bày giả thiết của chúng tôi về đểu giả.
2.
Nguồn gốc và ý nghĩa của từ đểu giả

a.    Giá và giả
b.     
Giả và giá là hai cách đọc khác nhau của một từ mượn Hán với nghĩa “giả định, giả như, giả sử”. Giá trong tiếng Việt nêu điều kiện giả thuyết như giá dụ, giá như, giá phỏng, giá sử, giá thử. Các từ này có nghĩa tương đương giả dụ, giả như, giả nhược, giả phỏng, giả sử, giả thử. Vậy là có hiện tượng biến âm giữa giá và giả, giá là cách đọc chệch của giả, “giá + x ← giả + x”. Nói chung hơn, có sự đọc chệch sang nhau của giá và giả: “giá + x → giả + x”  và “giá + x ← giả + x”
c.    Võng giá Võng giá là từ có nghĩa “Cái võng và cái giá đỡ võng để khiêng quan lại thời xưa; tức là “cái để khiêng đỡ”. Ra đường võng giá nghênh ngang (cd.). Liên hệ với phần trên, đểu là phu gánh; cáng là phu cáng, thì giá có thể là phu khiêng đỡ. Nhưng giá và giả lại có thể đọc chệch sang nhau mà nghĩa không đổi. Nên tôi giả thiết là đểu giả đã đọc chệch từ đểu giá? Lúc này, đểu giá sẽ có nghĩa gốc, nghĩa danh từ là “phu gánh và phu khiêng giá” (đểulà phu gánh, còn giá là phu khiêng giá, khiêng đỡ). Mặt khác, đểu giá,- tức đểu giả; còn có nghĩa tt là “rất đểu”. đồ điểu giả. con người đểu giả. thủ đoạn đểu giả.
d.     
Coi đểu giả là đọc chệch của đểu giá, còn dựa vào một cơ sở thứ hai, đó là sự đẳng cấu nghĩa của 3 từ đểu, đểu cáng, đểu giả. Cơ cấu nghĩa chung của cả 3 từ này là:
[I dt. phu gánh / phu cáng / phu khiêng giá – II tt.hèn hạ, xỏ xiên lừa đảo, mất nhân cách]

 Trên thực tế, chưa tìm được ví dụ cách dùng của đểu giả nghĩa dt. Cóthể khi biến âm từ đểu giá sang đểu giả thì nghĩa dtcũng bị mất đi? Dù sao giả thiết về đểu giá cũng là cái cầu để chúng ta tìm ra nguồn gốc của đểu giả.
3.
Tình hình sử dụng nhóm từ đểu hiện nay

Hiện nay, tuy là từ khẩu ngữ, thông tục nhưng đểu được dùng rất nhiểu. Ngoài ba từ đểu, đểu cáng, đểu giả người ta còn dùng các tổ hợp như chơi đểu, nhìn đểu, nói đểu,… Đây là các tổ hợp mới xuất hiện nhưng hay gặp. Là cách dùng khẩu ngữ rất đắt, nhưng các tổ hợp mới này không quá thông tục, thô lỗ nên báo chí, loại bài viết về văn hoá, thể thao hay dùng. Hiện nay chưa TĐ nào thu thập và giải thích những tổ hợp mới này. Tôi xin đưa ra vài trường hợp.

chơi đểu 
Dùng mánh khoé để lừa lọc, hại người. Chơi đểu cả bạn bè. Bị tiểu nhân chơi đểu. Dám chơi đểu người đẹp à! ĐT shock vì bị DM chơi đểu.

cười đểu 
Cười mỉa mai, khinh miệt, xúc phạm nặng nề. Bị chém nứt sọ vì “cười đểu”. Nhếch mép cười đểu một cái. Chuyên gia cười đểu để che giấu dã tâm.

nhìn đểu 
Nhìn một cách xúc phạm, tỏ ra khinh bỉ, miệt thị. Chém người chỉ vì bị nhìn đểu. 22 học sinh ra toà sau vụ ‘nhìn đểu’. “Nhìn đểu”, “cười đểu”... giống như một thái độ thách thức, kiểu “kênh xì bo” với đối tượng được nhìn, gây nên những hiểu lầm hết sức đáng tiếc.Một cái nhìn đểu, 12 năm tù và 45% thương tật.

nói đểu 
Nói xỏ xiên, xấc xược, xúc phạm người khác. Thi nói điêu, nói đểu, nói sốc. Pele nói đểu Maradona? Mất mạng người vì câu ''nói đểu''. Làm thơ "nói đểu" thầy cô giáo.

xin đểu 
Gây áp lực buộc phải đưa tiền ngay cho mình. Nạn “xin đểu” xuất hiện và lộng hành ở nhiều bến xe, khu vực gần trường học, công viên. Truy bắt nhóm côn đồ “xin đểu” rồi giết người. Nhiều lần doạ đánh để ‘xin đểu’ tiền của bạn học.

hàng đểu 
Hàng dởm, hàng nhái, hàng giả… để lừa lọc; không phải hàng chính hãng, hàng xịn. Cứ tưởng hàng ngon hoá ra hàng đểu. Danh sách các cửa hàng bán hàng đểu. Giúp phân biệt hàng đểu và hàng xịn.1

PGS, TS NGUYỄN NGỌC TRÂM

TÀI LIỆU THAM KHẢO
(Kèm theo tên viết tắt trên đầu)
[1] (GEN) J.F.M. Génibrel, Từ điển Việt - Pháp, Sài Gòn, 1898
[2] (KT) Hội Khai trí tiến đức, Việt Nam tự điển, S. - H., 1931; tái bản 1954.
[3] (ĐVT) Đào Văn Tập, Tự điển Việt Nam phổ thông, Nhà sách Vĩnh Bảo, S., 1951.
[4] (TN) Thanh Nghị, Việt Nam tân từ điển, S., 1954.
[5] (VT) Văn Tân (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, H., 1967; tái bản 1977.
[6] (LVĐ) Lê Văn Đức, Tự điển Việt Nam, S., 1970.
[7] (HP) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, H., 1988; tái bản có sửa chữa bổ sung, H., 1992,… 2006.
[8] (ĐTĐ) Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hoá Thông tin, H., 1999.
[9] (NL) Nguyễn Lân,Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 2000.
[10] (VL) Vương Lộc, Từ điển từ cổ, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001.
[11] (NKT) Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Đức Dương, Từ điển tiếng Việt, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2005.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến