CHỮ NGHĨA THUỞ TRƯỚC

CHỮ NGHĨA THUỞ TRƯỚC

Ngày xưa khi nói tới những nơi xa xôi hẻo lánh, mà bây giờ ta gọi là vùng sâu vùng xa, người ta hay nói là nơi khỉ ho cò gáy, nơi rừng thiêng nước độc, hay nơi chó ăn đá gà ăn muối. Khi nói khỉ ho cò gáy ta thường liên tưởng tới vùng quê sông nước, khi nói rừng thiêng nước độc ta nghĩ tới vùng rừng núi thâm u ở cao nguyên, còn nghe nói nơi chó ăn đá gà ăn muối (cũng có sách ghi "gà ăn sỏi"), thì lại nghĩ đến miền khô cằn có biển, có sỏi đá, có muối.

Các bạn trước đây ở miền Nam nói chung hay ở Saigon nói riêng, cỡ tứ tuần, ngũ tuần trở lên chắc không quên hai câu nói có ý nghĩa tương tự, chắc cà đao và hóc bà tó. Ngày xưa làm công chức hay đi lính mà bị thuyên chuyển tới những nơi xa mút tí tè*, xa mút chỉ** là thấy sầu đời, người ta hay nói bị đày đichăc cà đao hay đày đi hóc bà tó. Ngoài nói lên nơi xa xôi, hẻo lánh, hai từ này còn có ý nghĩa chỉ sự quê mùa, cù lần lửa***. Chẳng hạn người ta nói "gia**** này ở chắc cà đao mới lên", hoăc "tướng gia đó trông như dân hóc bà tó".

Người ta nói thế, và nghĩ chắc cà đao hay hóc bà tó có lẽ là để chỉ một địa danh, nơi chốn xa xôi đâu đó ở Nam bộ, nhưng ít ai biết chắc cà đao hay hóc bà tó nằm ở đâu? Trong sách của học giả Vương Hồng Sển có giải thích hai từ này. Ông viết:

- Chắc Cà Đao: một địa danh ở tỉnh An Giang (từ Long Xuyên đi Châu Đốc) nổi danh vì thời Ngô Đinh Diệm, tướng của Hòa Hảo, Lê Quang Vinh, ngoài đời kêu Ba Cụt, bị bắt tại đây để chịu xử tử bằng gươm máy tại sân vận đông Cần Thơ.
Chắc Cà Đao, theo lời ông Nguyễn Văn Đính, có lẽ do Cháp Cà Đam, nói trại đến nay thành danh luôn, sửa lại không được.
Cháp: bắt (như bắt cá), tiêng Cơ Me.
Kdam, ke đam, cà đam: crabe (lexique Pannetier): cua.
(Cái tật người mình, không chịu hỏi cho thấu đáo kỹ càng, nên thường nghe lầm hiểu lộn, và khi thành danh thành tục rồi, làm sao sửa lại được, tỷ dụ: bàu bèo nói ra bà bèo, và cháp kdam (cháp cà đam) hóa ra chắc cà đao là vậy).

- Hóc Bà Tó: hóc xa lắm (chỗ xó, kẹt, ít ai đi tới), chưa ai biết bà Tó này ở đâu và có thật không.

Như ta đã thấy, trong Chắc Cà Đao cụ Vương Hồng Sển giải thích rõ là nơi tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh có biệt danh là Ba Cụt bị bắt, nhưng về địa điểm chỉ ghi chung chung là ở An Giang, từ Long Xuyên đi Châu Đốc, còn Hóc Bà Tó thì không rõ ở đâu, và bà Tó cũng không rõ là ai.

Theo cách giải thích của PGS. TS. Lê Trung Hoa trên trang Văn học & Ngôn ngữ của Đai học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, về địa danh Hóc Bà Tó như sau:

- Hóc Bà Tó: là hóc (rạch nhỏ) ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau. Bà Tó có lẽ là người Khmer. Vì ngày xưa hóc (hói) ở giữa rừng vắng, xa xôi nên từ tổ hóc bà tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ.


Ghi chú:

* Xa mút (mú) tí tè: nơi rất xa.

** Xa mút chỉ: cũng như xa mút tí tè, nơi xa lắm. Cũng có một từ khác mà ngày trước người dân Nam bộ hay xài, là "mút chỉ cà tha", "mút chỉ", có nghĩa là xa, rất xa, như khi hỏi đường được trả lời: "Đi mút chỉ đến cuối đường thì tới nơi". "Mút chỉ còn có nghĩa là biệt tăm, biệt tích, mất mặt", như trong câu: "hồi này nó đi mút chỉ chẳng thấy mặt mũi đâu". Người ta cũng nói: "Nó đi mút chỉ cà tha rồi", có nghĩa là ai đó đi đến nơi nào đó xa lắm không thấy tăm hơi, và cũng không biết bao giờ mới trở về.

Trong từ này ta thấy có chữ "mút chỉ" và "cà tha". "Mút chỉ" là tiếng Việt, phương ngữ Nam bộ nghĩa như vừa nói. Còn từ "cà tha", học giả An Chi trong Chuyện Đông chuyện Tây trích dẫn theo Lê Ngọc Trụ, và từ điển Căm Bốt-Pháp của J. B. Bẻnard giải nghĩa là "bùa" (bùa chú), phiên âm từ chữ Căm Bốt"katha".

Học giả và sách vở giải thích như thế, nhưng tại sao "mút chỉ" và "cà tha" với những nghĩa như trên lại đi đôi với nhau? Xét ra nghĩa của 2 từ này chẳng ăn nhập gì đến nhau cả. Hay "cà tha" là phiên âm của tiếng Khmer, để chỉ một địa danh xa xôi ở đâu đó, cũng như "Chắc Cà Đao"?

*** Cù lần lửa: cù lần là loại thú nhỏ, họ cu li, còn gọi là con cu li, con xấu hổ, con mắc cở, là loại thú hiền lành, chậm chạp sống trên cây, ăn sâu bọ, ban ngày lo ngủ, ban đêm thức đi kiếm ăn. Người bị ví như cù lần là có ý chê chậm chạp, khờ khạo. Còn khi bị chê cù lần lửa là siêu cù lần, đại cù lần.

**** Gia: va, phương ngữ miền Nam nói theo giọng Nam bộ, có nghĩa là anh, ông, anh ta, ông ta, có lẽ từ tiếng Tây "vous" mà ra?


Tham khảo:
- Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ-1999.
- Từ điển phương ngữ Nam bộ, Nguyễn Văn Ái chủ biên, NXB Tp. HCM-1994
.


Phạm Ngọc Hiệp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến