QUỐC TẾ HAY THẾ GIỚI?


QUỐC TẾ HAY THẾ GIỚI?
Trong buổi học chuyên đề "Ngôn ngữ và thực hành báo chí" mà tôi phụ trách tại Khoa Ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, một số sinh viên hỏi: “Chúng em đọc báo Hà Nội Mới, thấy có trang ghi là “Thời sự thế giới”, nhưng chúng em thường nghe người ta nói (và viết) là “Thời sự quốc tế”. Chúng em muốn biết hai từ “thế giới” và “quốc tế” có giống nhau không?”.

Các báo của ta đưa tin tức (tin, vấn đề khái quát), thời sự (những sự việc được coi là quan trọng, đáng quan tâm trong một lĩnh vực nào đó) bao giờ cũng phân ra thành 2 mảng: trong nước (Việt Nam) và ngoài nước. Nếu là ngoài nước, báo chí ta thường đặt tên mục khác nhau: Thời sự quốc tế (các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân), Việt Nam & Thế giới (Lao động), Thế giới hôm nay (Tuổi trẻ), Quốc tế/Thời sự quốc tế (Thanh niên, Sài Gòn giải phóng), Thời sự thế giới (Hà Nội Mới)... Đúng là tổ hợp từ “thời sự thế giới” ta ít thấy và có thể có người cho là dùng không đúng.

“Quốc tế” và “Thế giới” là hai từ Hán Việt. Quốc tế (quốc: nước, tế: tiếp xúc, giao thiệp, được dùng với tư cách danh từ và tính từ), có nghĩa là “các nước trên thế giới” hoặc là “thuộc về quan hệ các nước trên thế giới”. Còn thế giới (thế: đời, giới: cõi bờ; nghĩa đen: những gì tồn tại trên cõi đời, trong vũ trụ) có khá nhiều nghĩa, nhưng nét nghĩa của từ "thế giới" mà ta đang nói là “Trái đất, về mặt là nơi toàn thể loài người đang sinh sống”. Như vậy, trong một chừng mực nào đó, thế giới gần nghĩa với thế gian (cõi đời). Trong cách sử dụng để phân chia tin tức như báo chí ta vừa nói hiện nay, vô hình trung "quốc tế" và "thế giới" cùng được dùng để chỉ “phần còn lại của nhân loại, trừ Việt Nam” (sau tin trong nước - Việt Nam, là tin thế giới/tin quốc tế, mặc dù Việt Nam nằm trong thế giới, là một phần của thế giới).

Tuy nhiên, thế giới có nội hàm rộng hơn (thế giới vật chất, thế giới tinh thần, thế giới tư bản, thế giới nội tâm...) còn quốc tế lại hàm chỉ các quốc gia trong quan hệ với nhau. Vì vậy, nếu ta dùng một cách chung chung, thì hai từ này có thể hoán vị: tin thế giới/tin quốc tế, trang thế giới/trang quốc tế, thể thao thế giới/thể thao quốc tế... Nhưng trong nhiều kết hợp thì việc thay đổi như vậy lại không được. Chẳng hạn nói Giải vô địch bóng đá thế giới (giải bóng đá dành cho tất cả các quốc gia trên trái đất tranh tài theo một thể thức nhất định, 4 năm/lần), Kỷ lục thế giới (kỷ lục được xác nhận cho tất cả những ai đang sống trên trái đất). Đó là những vấn đề bao quát toàn nhân loại, không trừ một ai. Còn khi nói Giải bóng đá quốc tế thì chỉ là “nhiều nước trên thế giới tham gia chứ không hẳn là tất cả các nước”, như Việt Nam từng tham gia các giải bóng đá quốc tế thì giải đó có khi chỉ trong phạm vi khu vực châu Á hoặc một số nước bất kỳ hưởng ứng theo đề xuất của một quốc gia, một tổ chức nào đó, Giải cầu lông quốc tế (giải của một tổ chức do nhiều nước tham gia, có thể nhiều quốc gia khác châu lục, có thể chỉ là một nhóm nước), v.v..

Có những trường hợp, sự phân biệt giữa thế giới và quốc tế không quá rạch ròi, chẳng hạn, báo chí thế giới/báo chí quốc tế, các nhà khoa học quốc tế/các nhà khoa học thế giới, nhìn ra thế giới/nhìn ra quốc tế... Nhưng nhiều trường hợp thì cách dùng này còn do thói quen, chẳng hạn dùng “Câu chuyện quốc tế” chứ không dùng “Câu chuyện thế giới”, dùng “nổi tiếng thế giới” chứ không dùng “nổi tiếng quốc tế”, “quốc tế ngữ” chứ không nói “thế giới ngữ”, “du lịch thế giới” chứ không dùng “du lịch quốc tế”...

Như vậy, việc báo Hà Nội Mới dùng tổ hợp “Thời sự thế giới” không thể coi là sai về ngữ nghĩa. Chỉ có điều báo chí tiếng Việt ít dùng tổ hợp này mà đa số dùng “Thời sự quốc tế” nên nghe có vẻ lạ tai thôi.

Phạm Văn Tình

Nhận xét

Bài đăng phổ biến