TOÀN CẢNH CHIẾN TRƯỜNG VỊ XUYÊN

TOÀN CẢNH CHIẾN TRƯỜNG VỊ XUYÊN

Năm 1984: Trung Quốc xâm lấn biên giới ở Vị Xuyên
Từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 4 năm 1984, để hỗ trợ cho các lực lượng phiến quân tại Campuchia, Trung Quốc tiến hành đợt pháo kích lớn nhất nhằm vào khu vực biên giới Việt Nam kể từ sau năm 1979, với 60.000 quả đạn pháo bắn vào 16 huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên và Hoàng Liên Sơn. Phối hợp với cuộc pháo kích này là hàng loạt đợt tấn công bộ binh ở cấp tiểu đoàn vào các vị trí của Việt Nam trong ngày 6 tháng 4. Cuộc tấn công lớn nhất diễn ra tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, với nhiều tiểu đoàn quân Trung Quốc đánh vào các cao điểm 820 và 636 gần đường tiến quân năm 1979 tại Hữu Nghị Quan. Dù lực lượng hùng hậu, nhưng tới ngày hôm sau, các đợt tấn công của họ đều bị đánh lui hoặc phải bỏ các vị trí đã chiếm được.[7][21] Các tài liệu Trung Quốc sau này công bố rằng các đợt tấn công bộ binh này chủ yếu mang ý nghĩa nghi binh, và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với mô tả của nguồn tin phương Tây.[22]
 
Tại Hà Tuyên, trong tháng 4 đến tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đánh vào dải đồi thuộc huyện Vị Xuyên, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn (老山 hay Laoshan), gần cột mốc biên giới số 13. Lão Sơn thực ra là một dãy đồi chạy từ tây sang đông, từ ngọn đồi ở bình độ 1800 ở phía tây tới đồi bình độ 1200 ở phía đông. Ngọn đồi 1200 này phía Trung Quốc gọi là Đông Sơn (东山 hay Dongshan) hoặc với tên gọi khác là Giả Âm Sơn (者阴山 hay Zheyinshan), và đây cũng là ngọn đồi duy nhất nơi chiến sự xảy ra ở phía đông sông Lô. Tất cả các cuộc giao tranh khác tại Vị Xuyên đều diễn ra ở phía tây của sông Lô chảy vào Việt Nam.[23]
 
Trung Quốc mở màn cuộc tấn công lúc 5 giờ sáng ngày 28 tháng 4 năm 1984 sau một đợt pháo kích ác liệt. Sư đoàn 40 thuộc Quân đoàn 14 của Trung Quốc vượt biên giới theo bờ tây sông Lô, còn Sư đoàn 49 (có lẽ thuộc Quân đoàn 16 từ Quân khu Nam Kinh), tấn công và đánh chiếm Cao điểm 1200.[24] Lực lượng phòng ngự Việt Nam bao gồm bộ binh từ Sư đoàn 313 và khẩu đội pháo binh từ Lữ đoàn pháo binh 168 đành rút lui khỏi các ngọn đồi này.[25]
 
Quân Trung Quốc chiếm được ấp Na La và các cao điểm 226, 685 và 468,[26] tạo nên một vùng lồi kéo dài khoảng 2,5 km hướng về phía Việt Nam. Vị trí này được bảo vệ bởi vách đá dựng đứng có rừng bao phủ và dòng suối Thanh Thủy ở phía nam, chỉ có thể tiếp cận được bằng cách băng qua khoảng đất trống thung lũng sông Lô ở phía đông, và như vậy rất thuận lợi cho phòng ngự.[23][27] Tuy nhiên tại các nơi khác, chiến sự diễn ra giằng co từ ngày 28 tháng 4 cho tới 15 tháng 5, và các cao điểm 1509 (tức Núi Đất, Trung Quốc gọi là Lão Sơn[28]), 772, 233, 1200 (tức Giả Âm Sơn) và 1030 liên tục đổi chủ. Từ ngày 15 tháng 5, chiến sự tạm dừng sau khi phía Trung Quốc bước đầu kiểm soát được các ngọn đồi này; đến ngày 12 tháng 6 và sau đó là 12 tháng 7, giao tranh lại bùng lên khi quân Việt Nam tổ chức phản công tái chiếm các vị trí đã mất.[23] Sau đó chiến sự dừng hẳn, chỉ có các cuộc chạm trán hoặc đọ pháo lẻ tẻ.[23]
 
Theo tin tình báo Hoa Kỳ, Việt Nam không thành công trong nỗ lực tái chiếm 8 mỏm núi.[29] Kết quả, quân Trung Quốc chiếm được một số ngọn đồi thuộc dải đồi này, gồm 29 điểm trong lãnh thổ Việt Nam. Trong số các vị trí mà quân Trung Quốc chiếm được có các cao điểm 1509, 772 ở phía tây sông Lô và các cao điểm 1250 (Núi Bạc[28]), 1030 và đỉnh Si Cà Lá ở phía đông sông Lô. Chiến sự diễn ra dọc tuyến biên giới dài khoảng 11 km, và nơi quân Trung Quốc chiếm được sâu nhất trong lãnh thổ Việt Nam là các cao điểm 685 vầ 468, nằm cách biên giới khoảng 2 km.[7] Giao tranh kéo dài dai dẳng, nhưng không có nơi nào quân Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5 km, dù quân đông hơn nhiều.[23] Hai bên vẫn tiếp tục giành giật các cao điểm này trong một loạt các đợt xung đột diễn ra sau đó cho đến tận năm 1986.[8]
 
Để phòng ngự các khu vực chiếm được, Trung Quốc duy trì hai quân đoàn tại khu vực Vị Xuyên, bao gồm bốn sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn pháo binh và vài trung đoàn xe tăng. Sư đoàn pháo binh Trung Quốc bố trí tại khu vực này gồm pháo 130 mm và lựu pháo 152 mm, cũng như hỏa tiễn 40 nòng. Các trung đoàn bộ binh có pháo 85 mm và súng cối loại 100-D. Trong một số trận đụng độ, Trung Quốc đưa cả xe tăng vào giao chiến.[30]
 
Theo công bố chính thức của Việt Nam vào tháng 6, họ đã tiêu diệt một trung đoàn và 8 tiểu đoàn quân Trung Quốc, "loại khỏi vòng chiến đấu" 5.500 quân Trung Quốc.[31] Tới tháng 8, Việt Nam tuyên bố nâng tổng số quân Trung Quốc bị loại ra khỏi vòng chiến đấu lên đến 7.500 quân trong vòng 4 tháng.[32] Đổi lại, Trung Quốc tuyên bố loại khỏi vòng chiến khoảng 2.000 quân Việt Nam, còn về phía mình có 939 lính và 64 dân công chết trong vòng 5 tuần của chiến dịch tiến công Lão Sơn.[30] Họ cũng tuyên bố thêm khoảng 1.080–3.000 quân Việt Nam tử trận sau trận đánh ngày 12 tháng 7.[33] Phía Việt Nam xác nhận trong ngày này, Sư đoàn 356 của họ đã có gần 600 binh sĩ thiệt mạng.[34][35] Ngoài ra còn có 820 binh sĩ Việt Nam khác bị thương trong đợt xung đột này.[36]
 
Năm 1986-1987: "Chiến tranh giả"
Nếu như trong năm 1985, Trung Quốc bắn khoảng 800.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, trong tổng số khoảng 1 triệu phát đạn pháo trên toàn biên giới, thì số vụ bắn phá trong năm 1986 cho tới đầu năm 1987 giảm hẳn, chỉ còn chừng vài chục ngàn viên đạn pháo một tháng. Đây có lẽ là kết quả của việc Liên Xô, mà cụ thể là Tổng bí thư Gorbachev kêu gọi bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bài diễn văn tại Vladivostok. Tới tháng 10 năm 1986, Trung Quốc cũng thành công trong việc thuyết phục Liên Xô tiến hành đàm phán về vấn đề Campuchia trong vòng đàm phán thứ 9 giữa Liên Xô và Trung Quốc.[37]
 
Tuy nhiên, giữa lúc các tín hiệu ngoại giao đang có xu thế trở nên tích cực, thì tình hình biên giới đột nhiên trở lại căng thẳng. Ngày 14 tháng 10 năm 1986, Việt Nam tố cáo Trung Quốc bắn 35.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, và có những hành động lấn chiếm lãnh thổ. Việt Nam cho biết đã đẩy lui ba đợt tấn công của quân Trung Quốc tại Cao điểm 1100 và cầu Thanh Thủy. Đây có thể là phản ứng của Trung Quốc trước việc Liên Xô từ chối gây sức ép đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia,[38] hoặc để đáp lại các hoạt động quân sự mùa khô mà Việt Nam đang chuẩn bị tại Campuchia. Trong tháng 1 năm 1987, Việt Nam cho biết Trung Quốc tăng cường bắn phá và đưa quân xâm lấn lãnh thổ. Quân Trung Quốc đã bắn hàng chục ngàn phát đạn pháo (60.000 phát pháo riêng trong ngày 8 tháng 1) và mở 15 đợt tấn công với lực lượng tham gia cỡ sư đoàn đánh vào các vị trí quân Việt Nam tại các mỏm 233, 685, 1100 và 1509. Phía Việt Nam cho biết đã gây 1.500 thương vong vào quân Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng tuyên bố đã gây 500 thương vong vào quân Việt Nam; họ cũng phủ nhận con số do phía Việt Nam đưa ra nhưng thừa nhận các lực lượng Trung Quốc đã chịu "tổn thất đáng kể".[7][39] Ngày 5 tháng 10 năm 1987, một máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắn rơi trên vùng trời huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây.[40]
 
Theo Carlyle A. Thayer nhận định, giao tranh lần này chỉ mang tính một cuộc "chiến tranh giả". Dù chiến sự diễn ra kịch liệt tại Vị Xuyên, tình hình tại các tỉnh biên giới khác của Việt Nam khá yên tĩnh, và quân Trung Quốc không huy động các đơn vị quân chủ lực trong suốt thời gian xung đột bùng nổ. Tương quan quân sự của hai nước tại vùng biên giới không thay đổi trong thời gian này.[7]
 
Năm 1988: Hải chiến Trường Sa
Bài chi tiết: Chiến dịch CQ-88 và Hải chiến Trường Sa 1988
Từ năm 1978, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiến hành Chiến dịch CQ-88 nhằm "chạy đua" trong việc kiểm soát các đảo đá trên quần đảo Trường Sa. Trong thời gian này, Hải quân Việt Nam thường né tránh việc xảy ra xung đột quân sự với các lực lượng hải quân nước khác, trong đó có Trung Quốc.
 
Xung đột quân sự nổ ra trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa quân chiếm đóng một số đảo, đảo chìm, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa và Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Kết quả là phía Việt Nam mất 3 tàu vận tải hải quân, 64 thủy thủ Việt Nam đã hy sinh, mất Gạc Ma nhưng giữ được cụm đảo Cô Lin và Len Đao.
 
Kết quả
Kể từ tháng 4 năm 1987, quân Trung Quốc giảm quy mô các hoạt động quân sự tại Việt Nam, dù quân của họ tiếp tục tuần tra tại Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Từ tháng 4 năm 1987 tới tháng 10 năm 1989 họ chỉ tiến hành 11 cuộc tấn công, chủ yếu là pháo kích. Tới năm 1992, Trung Quốc chính thức hoàn tất việc rút quân khỏi Lão Sơn và Giả Âm Sơn.[9]
 
Trung Quốc dần thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng của Việt Nam trong thời gian trước. Từ năm 1989, Trung Quốc rút khỏi một số điểm ở phía bắc suối Thanh Thủy. Ngày 13 tháng 3 năm 1989, họ rút khỏi 20 vị trí và đến tháng 9 năm 1989, họ rút khỏi 9 điểm còn lại. Tại Cao điểm 1509 mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn (lưu ý có 2 cao điểm cùng tên là 1509, 1 mỏm thuộc Việt Nam và 1 thuộc Trung Quốc theo Hiệp ước Pháp - Thanh), họ cho tiến hành xây cất công sự bê tông tại các vị trí thuộc phần lãnh thổ của mình sau khi chiến sự kết thúc, chỉ để lại các công sự đất tại phần thuộc Việt Nam, được trao trả theo hiệp định biên giới năm 2009 giữa hai nước.
 
Hàng nghìn người thuộc cả hai phía thiệt mạng trong cuộc chiến. Tại nghĩa trang quân đội Vị Xuyên ở tỉnh Hà Giang, có hơn 1.600 ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong suốt các giai đoạn cuộc chiến cho tới tận năm 1990.[41][8] Số liệu Việt Nam công bố gần đây ghi nhận khoảng 4.000 bộ đội hy sinh và hơn 9.000 người khác bị thương tại khu vực này trong giai đoạn từ năm 1984 đến 1989.[42] Phía Trung Quốc tuyên bố con số thương vong tương ứng của họ là 4.100 lính , trong đó có hơn 2.000 lính tử trận.[43]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến