5-CĂN CỨ REAM CỦA CAMPUCHIA quan trọng thế nào nếu Việt Nam rơi vào xung đột quân sự? [B]

 
5
CĂN CỨ REAM CỦA CAMPUCHIA quan trọng thế nào nếu Việt Nam rơi vào xung đột quân sự?[B] 

Trong thời gian qua, Việt Nam luôn ra sức gìn giữ mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với Campuchia.
 
Cựu Thủ tướng Hun Sen và con trai mình, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, luôn gọi Việt Nam là "láng giềng tốt".
 
Rõ ràng, lợi ích của cả hai quốc gia là duy trì hòa bình, hợp tác cùng phát triển.
 
Tuy nhiên, Việt Nam và Campuchia vẫn trầm tích nhiều mâu thuẫn ngầm, từ lịch sử xa xưa cho tới thời kỳ Việt Nam đóng quân tại Campuchia trong cuộc chiến với Khmer Đỏ.
 
Gần đây, căng thẳng lại dâng cao liên quan siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo, mà Campuchia tuyên bố là sẽ khởi công vào ngày 5/8.
 
Theo website của Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung trên đất liền dài khoảng 1.255 km, kéo dài từ cặp tỉnh Kon Tum - Rattanakiri đến cặp tỉnh Kiên Giang - Kampot.
 
Đường biên giới này đi qua 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và 9 tỉnh của Campuchia là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo và Kampot.
 
Trên tuyến biên giới này, 1.045 km đã được cắm mốc, theo số liệu từ Việt Nam tính đến tháng 11/2023.
 
Cho đến nay, phân định ranh giới cho vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm giữa hai nước.
 
Xung đột giữa Việt Nam và Campuchia cũng là một khả năng được Giáo sư Vuving nhắc đến. Ông nhấn mạnh khả năng này còn "cao hơn" là một cuộc xung đột trên Biển Đông.
 
Ông đánh giá một cuộc xung đột quân sự giữa Campuchia và Việt Nam "sẽ nằm trong lợi ích của Bắc Kinh" với hai lý do sau đây:
 
"Thứ nhất, khi đó Campuchia sẽ ngả hoàn toàn vào Trung Quốc, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc và Trung Quốc cung cấp quân sự, vũ khí, lương thực… Đây không phải là gánh nặng quá lớn vì nước Campuchia chỉ khoảng bằng một tỉnh của Trung Quốc."
 
"Thứ hai là Trung Quốc sẽ không bị cấm vận vì Trung Quốc không phải là bên tham gia."
 
"Trung Quốc sẽ nói là tôi không tham gia, tôi chỉ giúp đỡ thôi, như phương Tây giúp đỡ Ukraine hiện nay. Khi đó thì hai anh sứt đầu mẻ trán là anh Việt Nam và Campuchia. Và Trung Quốc rất vui khi Việt Nam bị sứt đầu, mẻ trán, chảy máu."
 
Hiện nay, chủ nghĩa dân tộc vẫn âm ỉ tại Campuchia, trong đó có một lập luận nổi bật là Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ) từng thuộc Vương quốc Kampuchea và đã bị thực dân Pháp cắt khỏi quốc gia này rồi cho sáp nhập vào Việt Nam. Lập luận này dẫn đến việc chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
 
Trong chính trị, những tuyên bố rằng đảo Phú Quốc, mà người Khmer gọi là Koh Tral, thuộc về Campuchia luôn tạo sức hấp dẫn đối với lòng tự hào dân tộc của không ít dân chúng xứ sở chùa tháp.
 
Giáo sư Vuving đánh giá: "Mục đích biện minh cho phương tiện. Đối với những phe phái chính trị Campuchia thì một cuộc xung đột với Việt Nam, tuy rằng là điều mà họ muốn tránh, nhưng nếu cần thì họ không tránh làm gì."
 
Giáo sư Alexander L Vuving nhắc đến làn sóng dân tộc chủ nghĩa, bài Việt Nam ở Campuchia góp phần kéo quốc gia này ngày càng xa rời tầm ảnh hưởng của Việt Nam và đã được giới chính trị gia tận dụng để khuếch trương tầm ảnh hưởng và lôi kéo sự ủng hộ.
 
"Những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thì họ sẽ có mối thù, là Việt Nam và Thái Lan chiếm đất của họ, rồi biến nước họ từ nước lớn thành nước nhỏ."
 
"Với các nhà lãnh đạo của Campuchia cưỡi lên được làn sóng của chủ nghĩa dân túy, rồi chủ nghĩa dân tộc, thì rất có lợi cho họ trong vấn đề bầu cử."
 
"Họ thường xuyên đưa vấn đề người Việt Nam ra làm con dê tế thần. Tất cả các cuộc bầu cử của Campuchia, kể cả phe đối lập, phe cầm quyền của ông Hun Sen, đều muốn chứng tỏ cho dân chúng Campuchia rằng họ là người bảo vệ quyền lợi của Campuchia trước sự chèn ép, bắt nạt, bành trướng của Việt Nam và Thái Lan."
 
"Tôi sợ là vì việc các phe đấu nhau thế nào đó, mà họ mang Việt Nam ra làm con dê tế thần và dẫn đến gây ra xung đột với Việt Nam, có thể là một sự khiêu khích nào đó của họ đối với Việt Nam dẫn đến xung đột," ông đánh giá.
 
'Con ngựa thành Troy' của Trung Quốc?
Giới quan sát cho rằng mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc đã ấm lên nhanh chóng từ năm 2015.
 
Cả Lào và Campuchia đều đang rất cần nguồn vốn từ Trung Quốc để phát triển đất nước, và Bắc Kinh không thể bỏ qua cơ hội này để kéo hai quốc gia "anh em, đồng chí" với Việt Nam về dưới tầm ảnh hưởng của mình.
 
Hiện Lào và Campuchia đã trở thành những mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
 
Bắc Kinh là nhà đầu tư FDI số một tại Campuchia, hậu thuẫn mạnh mẽ cho Đảng Nhân dân (CPP) của cựu Thủ tướng Hun Sen và người kế nhiệm ông là con trai cả Hun Manet.
 
Theo Ngân hàng Quốc gia Campuchia, FDI từ Trung Quốc đạt 45,86 tỷ USD và chiếm 45% tổng FDI tại Campuchia tính tới thời điểm hết quý 1/2023, tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
 
Nhà nghiên cứu Gregory B Poling đánh giá "rõ ràng" Campuchia đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc.
 
"Chuyện Campuchia đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc là từ chế độ do CPP lãnh đạo và hiện nay thì Hun Manet căn bản là theo chế độ đạo tặc trị [kleptoracy]."
 
"Đó là một mạng lưới đi tìm kiếm nhà bảo trợ và cần tiền để nuôi hệ thống này. Nếu cạn tiền, CPP sẽ sụp đổ.
 
"Trung Quốc là nơi duy nhất mà họ có thể kiếm tiền. Và miễn là Trung Quốc còn bơm tiền cho Campuchia thì dù là Hun Sen hay Hun Manet có thích hay không, họ cũng không có lựa chọn nào khác, ngoài việc ngày càng tiếp tục là một khách hàng của Bắc Kinh."
 
"Điều này không có nghĩa Campuchia sẽ bị Trung Quốc dồn vào chân tường vĩnh viễn. Nhân dân Campuchia thì tôi nghĩ là họ ngày càng ngờ vực Trung Quốc, xem Trung Quốc là tha hóa."
 
"Do đó, mạng lưới này chỉ có thể sống được khi Hun Sen và Hun Manet còn nắm quyền."
 
Giáo sư Vuving đánh giá về sự chọn lựa địa chính trị của Campuchia hiện nay:
 
"Từ góc độ địa chính trị của một nước như Campuchia thì họ có xu hướng dựa vào một anh to ở xa một chút, đó là Trung Quốc."
 
"Trên thực tế thì Trung Quốc cũng rất muốn đóng vai trò là người bảo trợ cho Campuchia trước sự chèn ép của Việt Nam và Thái Lan."
 
Ông đánh giá Campuchia đang quay trở lại "vai trò con ngựa thành Troy" của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
 
"Tiếp theo là sự trở lại của Trung Quốc với vai trò là người bảo trợ cho Campuchia, và dùng Campuchia như là chiến binh hàng đầu cho họ. Chiến lược để khống chế ba nước Đông Dương và sau đó là đến Đông Nam Á."
 
"Sự trở lại của Campuchia với vai trò là con dao găm mà Trung Quốc thủ vào đấy, để cần thì dí vào sườn Việt Nam, dí vào sườn Thái Lan," chuyên gia quan hệ quốc tế Vuving nhận định.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến