BÚT MỰC THUỞ NÀO


BÚT MỰC THUỞ NÀO

Có lẽ ngành sản xuất dụng cụ học tập cho trẻ em là vững bền nhất trong các ngành công nghiệp nhẹ.

Mỗi thời mỗi khác, tùy điều kiện xã hội mà việc sản xuất dụng cụ học tập thay đổi về chủng loại và chất lượng hàng hóa, nhưng chắc chắn đây là một ngành sản xuất luôn phát triển bởi nhu cầu cả về số lượng và chất lượng ngày một tăng.

Những năm hòa bình mới lập lại sau 1954 trên miền Bắc, có khá nhiều cơ sở sản xuất đồ dùng học tập cho trẻ. Những đồ dùng đơn giản như cây bút sắt, cái thước kẻ, quyển vở kẻ ô li, chiếc compa, bàn tính, cái túi đựng sách vở là mặt hàng do các hợp tác xã thủ công nghiệp sản xuất.

Cao cấp hơn là chiếc bút máy, ê ke, thước đo độ được chế tạo ở Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà với độ chính xác cao hơn.

Càng ở những cấp học dưới, đồ dùng học tập càng đơn sơ. Nhưng cái thước kẻ làm bằng gỗ sơn đỏ dập số bằng màu nhũ trắng bán ở Bách hóa tổng hợp chỉ với giá 1 hào mà không phải gia đình nào cũng mua được cho con.

Đám trẻ ở phố lang thang lên mạn Hàng Hòm, Hàng Quạt - nơi có những gia đình làm nghề đóng đồ gỗ sinh hoạt - xin về những thanh gỗ thẳng làm thước. Xin được thước rồi còn kỳ kèo mấy bác thợ đánh véc-ni hộ, dĩ nhiên miễn phí.

Đứa nào gia đình có người đi nước ngoài mang về những chiếc thước nhựa trong suốt in chữ số rõ ràng, chính xác thì được coi như có một báu vật, muốn mượn cũng không dễ.
Thuở tôi đi học, chiếc compa được sản xuất thủ công bằng vỏ hộp sắt tây cuộn lại, một đầu gắn chiếc ghim nhọn, đầu còn lại là một ống rỗng nhét vừa đoạn bút chì.

Để quay được một vòng tròn khép kín bằng chiếc compa này không dễ bởi nó rất lỏng lẻo. Những chiếc compa do nhà máy văn phòng phẩm làm tốt hơn một chút, nhưng tất cả đều bằng sắt có nước mạ kém, chỉ hết năm học đã rỉ ngoèn, gãy kim.

Những đồ dùng đắt tiền hơn cho học sinh lớn như ê ke, thước đo độ… dĩ nhiên chẳng bao giờ đủ. Giờ học nào cũng nghe thấy chúng lao nhao hỏi mượn nhau là vì vậy, nên nhiều đứa làm bài kiểm tra chờ mượn được thước đo độ thì đã hết giờ, ấm ức buồn bã mất mấy ngày.

Chiếc bút máy Trường Sơn của học sinh lớp lớn là tài sản bất ly thân. Đấy là loại bút mua về mà chưa dùng ngay được, lũ trẻ phải mài hạt gạo đầu ngòi xuống sàn nhà đá hoa khá lâu mới có thể viết trơn tru. Thế nên đứa nào có chiếc bút máy hiệu Anh Hùng hay Kim Tinh mua về viết trơn tru ngay được đều rất lấy làm hãnh diện.

Loại bút này mỗi năm chỉ được mang ra dùng lúc cả lớp viết sổ lưu bút tặng nhau. Và bởi đó là cây bút máy nhập ngoại hiếm hoi, nên người lớn đi làm cũng hãnh diện cài nó lên túi áo ngực. Đôi khi, những anh chàng đi tán gái cũng mượn cây bút máy ấy cài lên lấy oai chữ nghĩa, chẳng cô nào biết việc hằng ngày của anh ấy là leo cột điện sửa đường dây.

Những năm chiến tranh sơ tán, không mấy học sinh Hà Nội có chiếc cặp sách cho ra hồn. Đứa thì dùng túi vải bạt đựng đồ nghề của bố. Đứa thì túi nhựa đi chợ của mẹ. Vài đứa xách chiếc túi cói thùng thình đến lớp.

Thương nhất là nhiều đứa ôm nguyên chồng sách vở trên tay. Những dụng cụ học tập khác nhét túi quần. Cái thước kẻ thòi lòi trên mép túi. Cái compa thỉnh thoảng chích đầu kim vào đùi đau điếng. Bút máy nhiều khi quên ngồi đè lên vỡ nắp chảy mực be bét. Cục tẩy bỏ quên trong túi quần mang giặt vò nát bét.

Giờ thì dụng cụ học tập cho trẻ bán đầy trong các cửa hàng, hằng hà sa số mặt hàng, chất lượng được nâng cao về thẩm mỹ lẫn độ chính xác. Và hơn thế, mọi thứ đều rất rẻ, nên trẻ con đầu năm học mới mua hàng chục chiếc bút dùng dần.

Ê ke, thước kẻ, compa, thước đo độ, máy tính nhỏ được làm chính xác không kém đồ nghề chuyên nghiệp của người lớn. Nhiều trường học còn mang cả những thứ này vào căngtin trường bày bán. Trẻ con làm mất, làm hỏng đồ dùng học tập, chạy xuống mua ngay trong ấy, chẳng cần phải mượn ai. Bút mực thuở nào giờ nhạt mất một phần quý giá nâng niu.

ĐỖ PHẤN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến