Năm 1984 là
năm chiến sự xảy ra ở huyện Vị Xuyên và huyện Yên Minh (Hà Tuyên) - “điểm nóng”
nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Ngày
12/7/1984, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 2 (Mặt trận Vị Xuyên) tổ chức trận
đánh mở màn cho chiến dịch “MB84” nhằm thu hồi một số vị trí bị phía Trung Quốc
chiếm giữ trong các ngày 28/4 và 15/5/1984 ở khu vực hai bên bờ Tây và Đông
Sông Lô cận kề cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên. Tuy nhiên, do bất lợi về địa hình
và hỏa lực nên “việc thực hiện chiến dịch “MB84” ngày 12/7/1984 của 3 sư đoàn:
356, 316, 312 tấn công đánh chiếm lại các cao điểm 772, 233, 1030 đều không
thành công. Quân ta
thương vong nặng, có thể nói đây là ngày “đẫm máu nhất”, thương vong nhiều nhất
trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm, bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên từ
năm 1984 đến năm 1989. Do đó, cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu ở Mặt trận Vị
Xuyên - Hà Tuyên gọi ngày 12/7/1984 là ngày “Giỗ trận” các liệt sĩ đã hy sinh tại
Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên. Từ sau thất
bại này, nhất là từ khi Thiếu tướng Hoàng Đan được cử lên làm Tư lệnh Mặt trận
Vị Xuyên, sau khi điều tra thực tiễn chiến trường, ông đã thay đổi chiến thuật
tác chiến của quân ta, chuyển từ “công đối công” sang chiến thuật đánh “phòng
ngự và lấn dũi”. Con trai
ông cho biết: “Việc đầu tiên ba tôi làm khi lên đến Vị Xuyên là thay đổi toàn bộ
cách đánh trước đó. Không cho quân dàn hàng ngang đấu tay đôi với Trung Quốc nữa,
ông yêu cầu bộ đội quay trở về chiến thuật thời Điện Biên Phủ. Ông lệnh cho bộ
đội đào hầm để tránh pháo kích của địch; đào hào sát đến tận công sự địch, sử dụng
tất cả các hang hốc để bố trí lực lượng, rồi tổ chức những nhóm nhỏ cấp trung đội,
tiểu đội để tấn công bất ngờ. Thực tế là những tổn thất về con người từ đó đến
năm 1985 cộng lại cũng không nặng nề bằng vài tuần đầu của chiến dịch”. Trung tướng
Đặng Quân Thụy -nguyên Tư lệnh mặt trận
Vị Xuyên (Hà Giang) - nhận định: “Như vậy, mặt trận Vị Xuyên lúc đầu là điều
quân ồ ạt, đánh chớp nhoáng giành lại điểm cao trên biên giới bị đối phương lấn
chiếm, nhưng công tác chuẩn bị gấp gáp nên chưa thành công. Sau đó ta chủ
trương đánh lâu dài, củng cố công sự trận địa, kiên quyết giữ vững trận địa, đồng
thời tổ chức đánh trả đích đáng, gây cho chúng tổn thất. Chúng bị tổn thất nhiều,
lại không đạt được ý đồ đẩy ta xuống phía Nam suối Thanh Thủy, vẽ lại đường
biên giới, ý chí bị lung lay. Cuối cùng đến năm 1989, cùng với những yếu tố
chính trị, họ phải rút quân về”. Thay đổi
chiến thuật tác chiến như vậy đã giúp quân và dân ta đẩy lui các đợt tấn công lớn
của địch vào đầu và giữa năm 1985. Việc thay đổi chiến thuật tác chiến cũng đã
làm cho cục diện của cuộc chiến tranh có sự thay đổi dần và chuyển sang một một
giai đoạn mới, giai đoạn vừa đánh, vừa đàm.
Nhận xét
Đăng nhận xét