Hôn nhân và những từ liên quan

 
Hôn nhân và những từ liên quan

Hôn nhân là từ Hán Việt, rất nhiều người hiểu nghĩa, song không phải ai cũng biết từ nguyên của thuật ngữ này. Dưới đây là nguồn gốc của "hôn nhân" và nhiều từ khác liên quan.
 
Trong Hán ngữ, hôn nhân (婚姻) có nghĩa là "việc trai gái lấy nhau làm vợ chồng". Chữ hôn (lấy vợ hoặc chồng) gồm có 2 chữ, kết hợp theo lối hài thanh, đó là: nữ (: con gái) + hôn (: trời chạng vạng tối). Vào thời cổ đại, ở Trung Quốc, việc lấy vợ lấy chồng thường diễn ra vào lúc hoàng hôn. Trong quyển Nghi Lễ, thiên Sĩ Hôn Lễ, Trịnh Huyền viết: "Sĩ thú thê chi lễ dĩ hôn vi kì. Nhân nhi danh yên", nghĩa là "Lễ cưới của kẻ sĩ, lấy lúc hoàng hôn làm thời gian. Nhân đó mới đặt tên là hôn". Còn Thuyết văn giải tự của Hứa Thận cho biết: "Thủ phụ dĩ hôn thời, cố viết hôn" (Lấy vợ lúc trời tối, cho nên gọi là hôn). Tục lệ người nam thường đến nhà vợ vào lúc hoàng hôn để đón cô dâu, còn người nữ thì theo người nam ra ngoài chính là nguồn gốc của thuật ngữ "hôn nhân" (Nam dĩ hôn thì thời nghênh nữ, nữ dĩ nhân nam nhi lai).
 
Chữ nhân () kết hợp theo lối hình thanh và hội ý (Lục Thư), gồm 2 chữ: nhân () + nữ (, nghĩa gốc là gia đình nhà trai hoặc cha chú rể; hôn () còn có nghĩa là gia đình nhà gái hoặc cha cô dâu).
 
Tân hôn (新婚) là thuật ngữ chỉ người mới cưới; có nguồn gốc từ bài thơ Tân hôn biệt (新婚) của Đỗ Phủ thời nhà Đường. Song, từ này đã từng xuất hiện trong Kinh Thi (Bội phong. Cốc phong): "yến nhĩ tân hôn như huynh như đệ" (vui duyên tình vợ chồng như anh em vậy - Khổng Tử).
 
Ở miền Nam VN, bảng Tân Hôn thường được treo trước cửa hoặc cổng nhà đàng trai, dùng để chỉ lễ đón cô dâu và lễ kết hôn diễn ra tại nhà chú rể; còn bảng Vu Quy thường treo trước cửa hoặc cổng nhà đàng gái, dùng để chỉ lễ kết hôn, đưa cô gái về nhà chồng.
 
Vu quy (于歸) có nguồn gốc từ Kinh Thi (Chu nam. Đào yêu), trong đó Khổng Tử viết: "Chi tử vu quy, nghi kỳ thất gia" (Người con gái về nhà chồng, ắt gia đình hòa thuận).
 
Thành hôn (成婚) có nghĩa là làm lễ cưới để trở thành vợ chồng. Chữ "thành"cho thấy vào thời cổ đại, cần phải hoàn thành một số lượng lớn các thủ tục chính thức hoặc pháp lý khi kết hôn. Chữ thành hôn (成婚) có nguồn gốc từ quyển Tả truyện. Hoàn Công tam niên với cách viết ban đầu là 成昏 (thành hôn).
 
Về việc kỷ niệm ngày cưới, Bách khoa thư Baidu cho biết: năm nhất gọi là đám cưới giấy (chỉ hôn); năm 2 là đám cưới bông (miên hôn); năm 3 đám cưới da (bì cách hôn); năm 4 đám cưới hoa trái (hoa quả hôn); năm 5 đám cưới gỗ (mộc hôn); năm 6 đám cưới sắt (thiết hôn); năm 7 đám cưới đồng (đồng hôn); năm 8 đám cưới gốm (đào hôn); năm 9 đám cưới liễu (liễu hôn), năm 10 đám cưới nhôm (lữ hôn); năm 11 đám cưới thép (cương hôn); năm 12 đám cưới tơ (ti hôn); năm 13 đám cưới đai/dải (đái hôn); năm 14 đám cưới ngà (tượng nha hôn); năm 15 đám cưới pha lê (thủy tinh hôn); năm 20 đám cưới sứ (từ hôn); năm 25 đám cưới bạc (ngân hôn); năm 30 đám cưới ngọc trai (trân châu hôn); năm 35 đám cưới san hô (san hô hôn); năm 40 đám cưới hồng ngọc (hồng bảo thạch hôn); năm 45 đám cưới sapphire (lam bảo thạch hôn); năm 50 đám cưới vàng (kim hôn); năm 55 đám cưới ngọc lục bảo (lục bảo thạch hôn); năm 60 đám cưới kim cương (toản thạch hôn); năm 70 đám cưới bạch kim (bạch kim hôn).
Vương Trung Hiếu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến