Trận đánh ác liệt trên “đồi thịt băm” ở mặt trận Vị Xuyên

 
Trận đánh ác liệt trên “đồi thịt băm” ở mặt trận Vị Xuyên
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những chiến trường trọng điểm. Đặc biệt, từ năm 1984 đến năm 1989, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt ở phía Bắc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
 
Tại mặt trận này đã có hàng chục Sư đoàn của các Quân đoàn, Quân khu tham gia chiến đấu, trên từng chiến hào, từng điểm cao để bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc.
 
Sư đoàn 356 - đơn vị mà cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (hiện ở P.Minh Tân, TP.Yên Bái) từng tham gia chiến đấu là một trong những đơn vị chịu tổn thất nặng nề nhất ở mặt trận này.
 
Những trận đánh ác liệt không thể quên
Anh Kim quê ở xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nhưng lại sinh ra và lớn lên tại Lào Cai. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 3/1984, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Kim lên đường nhập ngũ, sau đó được vào biên chế của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876 thuộc Sư đoàn 356 đóng tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai.
 
Đầu tháng 5/1984, Sư đoàn 356 được tăng cường lên chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Tại đây, anh Kim được phân công nhiệm vụ làm chiến sĩ truyền đạt kiêm bảo vệ chỉ huy tiểu đoàn. Trong cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên, đơn vị của anh là một trong những đơn vị chịu tổn thất nặng nề nhất.
 
Anh Kim bồi hồi xúc động kể về trận đánh chiếm lại Đ3, điểm cao 772 Bắc Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
 
“Vào tối 10/7/1984, đơn vị của chúng tôi hành quân từ làng Pinh đến chiếm lĩnh trận địa chân điểm cao 772. Chuyến hành quân vô cùng khó khăn và vất vả, cả đội hình đi mò trong đêm tối không có đèn, mang vác đủ cơ số đạn và các hàng hóa, quân tư trang bảo đảm khác, thi thoảng pháo binh địch lại bắn từng loạt dài vào các mục tiêu đã định vị sẵn.
 
Trời vẫn mưa không ngớt cho dù được trang bị áo mưa, tăng võng, nhưng chúng tôi ai cũng ướt hết. Trong đội hình hành quân dù thèm thuốc lá nhưng không ai dám hút, cũng không nói chuyện, đề phòng thám báo địch phát hiện.
 
Gần 5 giờ ngày 11/7, chúng tôi vào đến chân điểm cao 772. Trời sương mù và mưa vẫn dày đặc, đứng cách nhau có vài mét mà không nhìn thấy gì cả. Chúng tôi tranh thủ đào mỗi người một cái hầm, dùng tăng, áo mưa che tạm và chui vào đó chờ đợi...”.
 
Đến ngày 12/7/1984, đơn vị của các anh tổ chức tiến công đỉnh Đ3 hay còn gọi là “đồi thịt băm”. Trong trận đánh ác liệt này, gần 600 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 876 hy sinh anh dũng. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh (quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bị trúng đạn địch nên hy sinh cách anh Kim chỉ 15 mét…
 
Trận đánh chiếm lại đồi E2 và E5, điểm cao 685 vào ngày 11/3/1985 cũng khiến đơn vị của các anh tổn thất nặng nề. Khi đó, anh Kim nằm trong đội hình chiến đấu gồm 22 cán bộ, chiến sỹ do anh Phạm Khắc Mã, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 chỉ huy. Trận đánh này diễn ra rất ác liệt.
 
Anh Kim kể lại: “Chúng tôi vừa xuất hiện ở hang Suối Cụt thì bị địch phát hiện, chúng dội pháo cấp tập xuống hang Suối Cụt, đất đá bay bụi mù. Theo phản xạ tự nhiên, tôi bật người lăn từ hang trên xuống hang dưới, người đau ê ẩm, bẹp cả bình tông đựng nước, rất may người không việc gì, nhưng 8 đồng đội của tôi người thì hy sinh, người thì bị thương”.
 
Đến đêm 11/3, anh Kim, anh Mã, và anh Bùi Minh Đệ (Tham mưu trưởng Trung đoàn 876) cùng một chiến sỹ thông tin và ba trinh sát lên khu vực E2 và E5 nắm tình hình địch; đội hình do anh Bùi Minh Đệ chỉ huy.
 
Đến nơi thì trời sáng, các chiến sỹ không thể về được bởi địa hình cơ động lộ rất rõ về hướng địch, chỉ một tiếng động nhỏ là địch sẽ nã pháo, đạn ngay lập tức.
 
Các anh phải nằm tại đây đến tận đêm 16, rạng ngày 17/3/1985. Trong khi đó, do lương khô và nước các anh mang theo cũng đã cạn, anh Bùi Minh Đệ ra lệnh tấn công mở đường máu rút xuống để không bị chết đói, chết khát...
 
Trận đánh đồi Đ3 vào ngày 12/7/1984 khiến gần 600 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 876 hy sinh là một trong những ký ức không thể nào quên đối với anh Kim và các đồng đội may mắn trở về sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
 
Ký ức “Đồi thịt băm” tại Mặt trận Vị Xuyên 1984
Ngày 28.4.1984 trên Mặt trận Vị Xuyên, quân bành trướng Trung Quốc được chi viện thêm hỏa lực và đạn pháo, bắn kiểu "nhà giàu không tiếc của", liên tục tấn công vào các trận địa phòng ngự của ta. Do tương quan lực lượng chênh lệch, đến ngày 30.4.1984, Trung Quốc đã chiếm được các điểm cao 1509, 772, 685, các bình độ 300 – 400, 226, 233. Ta phải lùi xuống những vị trí thấp hơn để tiếp tục phòng ngự và chiến đấu.
 
Trước tình hình trên, cuối tháng 6.1984, Quân khu 2 quyết định tổ chức tiến công giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng. Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định mở chiến dịch mang bí danh MB84. Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện chiến dịch MB84 ở Mặt trận Vị Xuyên. Trong đó, trung đoàn 876, Sư đoàn 356 đánh cao điểm 772; Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đánh cao điểm 233; Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đánh cao điểm 1030...
 
Sư đoàn 356 đã hành quân vào các vị trí trên chiến trường Vị Xuyên. Cho đến tận chiều tối 11.7.1984, sau bữa cơm chiều, ông Quyền cùng đồng đội mới được phổ biến kế hoạch chiến đấu. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 2 đêm đó là hành quân chiếm lĩnh trận địa, chờ lệnh nổ súng, đánh chiếm lại cao điểm Đ1 của 772 mà quân Trung Quốc đang chiếm đóng. Cùng tham gia trận đánh điểm Đ1, tiểu đoàn có thêm sự hỗ trợ của 6 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 17, có nhiệm vụ phá bãi bom mìn của địch, mở cửa cho bộ đội xung phong tấn công.
 
Chỉ huy chung toàn hướng và trực tiếp chỉ huy phân đội mở cửa là đại úy tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Bùi Minh Đệ.
 
Phối hợp cùng trận đánh trên hướng Vị Xuyên, còn có Tiểu đoàn 3 đánh cao điểm Đ3, Tiểu đoàn 1 đánh cao điểm Đ2, 772. Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 149 đánh cao điểm 685. Một bộ phận của Tiểu đoàn 3 được cắt ra, phân công đánh luồn sâu không cho quân Trung Quốc phản kích từ hướng 1509 xuống. Và Đại đội 7 của Tiểu đoàn 2 nằm tại cao điểm 800, bảo vệ sở chỉ huy đồng thời sẵn sàng chi viện cho các hướng khi cần thiết.
 
18 giờ ngày 11.7.1984, lệnh tập trung, chuẩn bị hành quân cơ động vào chiếm lĩnh trận địa được phát ra, các chiến sĩ nhanh nhẹn chuẩn bị súng đạn, tư trang. Ai nấy đều phấn khích, hào hùng khí thế, sôi sục trước giờ xung trận.
 
18 giờ 30, cả đoàn quân di chuyển khỏi điểm cao 468 hướng sang 600, rồi tụt xuống khe cụt chân của 772, nối đuôi nhau bì bõm lội qua suối. Đêm đó, trời mưa nặng hạt, tối đen như mực, chính vì vậy nên yếu tố bí mật vẫn được đảm bảo.
 
20 giờ 30, lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa bắt đầu. Ông Quyền cùng các đồng đội lăm lăm tay súng, vai khoác ba lô, tải đạn, đội mưa nối đuôi nhau trèo lên lên dốc đứng điểm cao 772. Tận mãi đến 2 giờ 30 phút rạng sáng ngày 12.7, mọi người đã vào đến từng vị trí ém quân và ổn định trận địa của mình.
 
Mưa tạnh, một thoáng tĩnh lặng đến rợn người, xung quanh là một màu đen của màn đêm phủ kín, đâu đó chỉ nghe tiếng xì xào của lá rừng pha thêm vài tiếng côn trùng rinh rích, bầu không khí căng thẳng nhưng không kém hồi hộp. Bỗng có một ánh chớp, rồi tiếng sấm phát ra ì ầm, như báo hiệu một trận chiến tàn khốc sắp sửa xảy đến.
 
Tầm 4 giờ ngày 12.7.1984, giữa màn sương đêm u tịch… tất cả đều chốc lát tan biến bởi tiếng nổ của pháo bắn căn chỉnh tọa độ, bầu trời rực sáng. Đó cũng là hiệu lệnh bắt đầu của một cuộc tấn công lên điểm cao 772, “Đồi thịt băm” trong ký ức những người lính Việt Nam tại Vị Xuyên.
 
Rạng sáng 12.7.1984, các hướng của ta đồng loạt nổ súng tiến công. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị, nắm tình hình và đánh giá đối phương chưa đúng, cộng với sự bất lợi về địa hình, hỏa lực quân Trung Quốc quá dày đặc, đạn pháo như mưa, cho nên các cánh quân không thể chiếm lại được các điểm cao như kế hoạch đã đặt ra.
 
Ác liệt nhất diễn ra ở cao điểm 772, mà mũi chủ công là trung đoàn 876. Cao điểm 772 là một vách núi dựng đứng, không lớn lắm, bao quanh là thung lũng nhỏ. Quân Trung Quốc trút xuống 772 hàng trăm ngàn đạn pháo các loại, như đổ đất đá xuống hố, thì không có cách nào chống đỡ nổi.
 
Trận đánh trên “Đồi thịt băm”
Đúng 4 giờ ngày 12.7.1984, mặt đất rung chuyển, chớp lửa chói lòa, cỏ cây đất đá rơi ầm ầm. Quân bành trướng Trung Quốc nhanh chóng phản pháo, trút đạn như mưa lên các sườn của cao điểm 772. Ông Quyền cùng đồng đội tai ù đặc vì tiếng pháo nổ, những cột lửa đỏ rực.
 
Lúc đầu lệnh nổ súng chưa phát ra, các chiến sĩ chỉ biết núp xuống trong những công sự vừa đào cách đấy ít phút, giữ cho thân mình khỏi bị những mảnh đạn văng phải. Nhưng pháo địch bắn càng lúc càng nhiều hơn, ta bắn một thì chúng bắn mười. Có vẻ như quân bành trướng Trung Quốc đã phát hiện ra hướng tấn công của Sư đoàn 356, chúng căn chỉnh và dội pháo thẳng vào đội hình các chiến sĩ đang ẩn nấp bên những sườn dốc của cao điểm 772.
 
Tình hình có vẻ xấu đi, đã bắt đầu có thương vong và hy sinh, đâu đó có tiếng gọi cứu thương, những công sự được các chiến sĩ đào sẵn trước trận đánh cũng bị đạn pháo cày xới tung tóe.
 
Trời đã tờ mờ sáng, cùng với những ánh chớp lửa, sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ vài mét, nhưng cựu binh Phạm Ngọc Quyền vẫn kịp nhìn thấy xung quanh là những đoạn chiến hào vỡ nát, anh em đồng đội thương vong, bê bết máu. Bên phải của ông, một chiến sỹ tên Minh (pháo thủ số 2 của đội cối 60) bị thương vào bụng trái, chỉ kịp thều thào vài tiếng rồi lịm hẳn. Ông Quyền giật khẩu cối, nằm tựa lưng vào mé chiến hào bắn trả lên trên. Tuy nhiên, ông mới chỉ bắn được tầm 5 quả thì lập tức bị phản đạn hất tung, cả người và khẩu cối văng ra xa.
 
Chưa kịp nhận ra mình có bị thương hay không, chỉ thấy đau ê ẩm cả người, ông Quyền lồm cồm bò dậy, tiếp tục nhặt lấy khẩu AK gần đó bắn về phía trước. Trong một thoáng chốc, ông nghe thấy tiếng thét của đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Bùi Minh Đệ: “Xung phong” phát ra ở gần đó, rồi liên tiếp những bóng đen nhảy ra khỏi chiến hào tiến lên đỉnh núi.
 
Phạm Ngọc Quyền không thể xông lên được, vì bên sườn phải bỗng có từng loạt đạn rít lên veo véo, bay ngang qua trước mặt. Ông nhận ra là từ lèn đá 685, những ánh chớp cứ hắt ra từ nơi đó dội thẳng xuống đội hình Tiểu đoàn 2. Phía dưới, rất nhiều đồng đội hy sinh nằm la liệt, và một trung đội của Sư đoàn 356 đang bắn trả kịch liệt lên lèn đá.
 
Lúc này, pháo Trung Quốc có vẻ như đã lắng xuống, nhưng đạn cối, và đủ các loại đạn khác của địch trên đỉnh 772 lại bắt đầu dội xuống ầm ầm, nhiều hơn trước. Quân địch bắn kiểu như không bao giờ sợ hết, đạn dược là vô tận. Tiến không được, lùi không xong, một suy nghĩ thoáng qua trong đầu Phạm Ngọc Quyền: “Chả lẽ mình cứ nằm ở đây chờ chết hay sao?”.
 
Ngay tức khắc, ông nhặt lấy một quả lựu đạn đưa nhanh lên miệng giật chốt, tung về phía trước, rồi cầm khẩu AK lao nhanh về hướng bên phải, mấy đồng đội ở gần đấy cũng đang chĩa súng bắn xối xả lên đỉnh núi. Tuy nhiên, bỗng có một tiếng nổ đanh phát ra ngay bên cạnh mình, cùng quầng lửa đỏ rực bốc lên, ông Quyền tối sầm mặt mũi, đổ gục xuống và không còn nhận biết gì nữa.
 
Trong trận đánh ấy ở Mặt trận Vị Xuyên, các trung đoàn của ta đều bị tổn thất lớn, hàng trăm cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh, có cả cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Chiều 12.7, Bộ tư lệnh Mặt trận phải cho các đơn vị chuyển sang phòng ngự.
 
Ngày nay, cao điểm 772 qua hơn 30 năm đã phủ một màu xanh mướt. Nhìn từ xa không thể nhận ra được những dấu tích của trận chiến khốc liệt năm xưa. Chúng tôi tỏ ý định đi thực địa, nhiều người xung quanh ngăn lại, một phần vì đồi dốc hiểm trở, phần khác vì còn rất nhiều bom mìn găm lại ở đấy, có thể phát nổ, gây nguy hiểm bất cứ lúc nào.
 
Nhiều cựu binh cho biết, ở điểm cao đó, vẫn còn rất nhiều đồng đội của họ ngã xuống, chưa thể quy tập về được. Mỗi năm vào tháng tư đến tháng Bảy, quay trở lại chiến trường xưa cũ, họ cảm thấy anh linh các chiến sĩ vẫn đâu đó quanh đây. Câu chuyện hơn 30 năm trước vẫn in hằn trong tâm khảm, tựa như một giấc mơ mới ngày hôm qua, nhưng là giấc mơ có thật. Đó là nỗi đau khôn nguôi của những cựu chiến binh trở về sau cuộc chiến.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến