BÙI GIÁNG CUỘC ĐỜI NHƯ GIAI THOẠI


BÙI GIÁNG
CUỘC ĐỜI NHƯ GIAI THOẠI

Bùi Giáng điên. Cũng có điên. Nhưng ông sống vui. Cũng thật vui. Kể chuyện ông, người nghe có thể cười cợt hoặc thèm thuồng, tùy ý, nhưng chắc chắn một điều, người ta không dễ gì quên.

Những tư liệu trích từ tập sách “Bùi Giáng trong cõi người ta”, cuốn sách tập hợp các bài viết về “Đười ươi thi sĩ” của các nhà nghiên cứu, do dịch giả Đoàn Tử Huyến chủ biên, đã dựng lên một chân dung Bùi Giáng rõ ràng hơn so với những gì người ta đã biết về ông. 45 bài viết, cả chân dung và phê bình, ghi chép nhiều câu chuyện có thật về Bùi Giáng qua cảm nhận người viết, trong đó nhiều người đã tiếp xúc với ông. Đỗ Lai Thúy là cây bút miền Bắc hiếm hoi có bài viết được tập hợp trong sách, bên cạnh những cây bút miền Nam như Bùi Văn Nam Sơn, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thu Bồn, Thanh Tâm Tuyền…

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, họ hàng của Bùi Giáng, từng viết: “Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc thơ Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giang thì thật vui mà thật khó vậy”. Đó là nhận định rất chính xác, đến nỗi về sau hầu như không ai nói về “Đười ươi thi sĩ” mà không trích dẫn câu nói này. Vậy nên, đọc bình về thơ Bùi Giáng thì cũng thích vừa vừa thôi, đọc chuyện kể Bùi Giáng hồi còn sống, còn rong chơi mới thật là thích.

Vậy sống như Bùi Giáng là thế nào? Khi nói về con người ông, nhiều người bảo ông điên. Điên thật. Ông từng vào nhà thương điên. Nhưng điên chỉ là hình thức thể hiện, sự phản chiếu ra ngoài của suy nghĩ trong ông về cuộc sống. Chính ông cũng đã phát biểu quan niệm về sự sống và cái chết, nhân bình một bài thơ của Huy Cận, bài “Chết”. Bùi Giáng viết: “Chúng ta dường như quên mất rằng mỗi người chỉ có một cuộc sống thật xinh, và cuộc sống đó rất có thể bị những thứ tai hại trong hồn ta làm cho méo mó đi… Tiếc sao! Tiếc sao! Một sự sống quá đơn sơ, chúng ta cứ đời đời quên bẵng”.

Cuộc sống, theo Bùi Giáng, “có thể đổi dạng theo lối tuyệt vô hy vọng, hoặc điên cuồng, hoặc rồ dại. Nhưng cuối cùng, phải nên dìu nó về thể thái thanh thản khiêm tòng”. Ông đã sống một cuộc đời có nhiều khoảnh khắc “thanh thản khiêm tòng”, ấn tượng vẫn lưu lại trong ký ức và những câu chuyện của người thân, bè bạn.
Bùi Giáng rất yêu Huy Cận. Khi Marilyn Monroe chết, ông cảm thán: “Phải chi bình sinh nàng có đọc thơ Huy Cận, ắt nàng chẳng phải nên giận phận gì mà vội ngang tàn tính mệnh như thế” [ 1]. Ông xin chép bài “Nhạc sầu” ra để tặng nàng:

Ai chết đó! Nhạc sầu chi lắm thế…

xong xuôi lại viết: “Nhưng cố nhiên, chép xong rồi thì nên xếp giấy lại, ra đường phố dạo một phen rong chơi… Chẳng nên đăm chiêu dằng dặc. Chẳng nên o bế cái chết”. Khóc than mỹ nhân cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Sau cùng, vẫn là rong chơi. Bùi Giáng đến ngày tóc bạc hom hem vẫn ngày ngày lê la trên vỉa hè Sài Gòn. Cuộc sống với ông là thế. “Nên kiệt tận miên bạc bình sinh để sống cho đậm đà thơ mộng”, vì với ông, nếu không làm thế, thì cuộc sống cũng chẳng khác nào cái chết.

Thời ông đi học, hai bài thơ “Chết” và “Nhạc sầu” của Huy Cận đã gây “chấn động dị thường” trong tâm can. Ông bỏ học, chạy về quê chăn dê. Bao nhiêu thơ làm ra, âm thầm tặng hết cho chuồn chuồn châu chấu. “Làm thơ tặng chú bé con/ Làm thêm câu nữa tặng con chuồn chuồn”. Mấy năm chăn dê chính là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời của thi sĩ, là lúc ông thực sự có “tâm sự u uất”, muốn xa lánh cuộc đời, theo lời người em trai Bùi Công Luân.

Bùi Giáng có vẻ ngoài kỳ lạ, gặp rồi là khó có thể quên. Nhà báo Nguyễn Vạn Hồng kể lại: “Ông ăn mặc lôi thôi lếch thếch, bầy hầy hết chỗ nói”. Nhà thơ Thanh Thảo tả: “Bùi tiên sinh quẩy cái gì đó trên vai, trông nửa như Bồ Đề Đạt Ma, nửa như… bác hành khất”. Bùi Giáng lại có thời gian đi chăn dê ở Quảng Nam từ khoảng năm 1948, tổng cộng khoảng 3 năm, nhưng ông tự bịa là 15 năm, để tương đương với thời gian lưu lạc của nàng Kiều.

Những thông tin trên có thể khiến người đọc hình dung sai về gia cảnh của Bùi Giáng, vì nghe có vẻ… nghèo. Nhưng thực tế là ngược lại. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có ở Quảng Nam, được coi là “một trang công tử”. Năm 1945, Bùi Giáng lấy vợ lần đầu ở tuổi 19, vợ là bà Phạm Thị Ninh xinh đẹp có tiếng, cũng con nhà giàu (nhưng bà sớm qua đời vào năm 1948). Đến khi ông đi chăn dê, cũng là tự bỏ tiền ra mua đàn dê 100 con chứ không phải chăn thuê. Chăn chơi vì yêu dê, không phải để bán hay để thịt vì nhà giàu không cần tiền, theo lời kể của người em rể là Phạm Văn Hòa.

Trong bài viết "Bùi Giáng trong đời tôi", tác giả Phạm Văn Nga, một nhà giáo, kể lại kỷ niệm hồi trẻ gặp gỡ nhà thơ như sau: Năm 1972 tại Sài Gòn, tác giả thấy Bùi Giáng mang một tập sách đến “chào hàng” tại hiệu sách nhưng bị chủ cửa hàng chối đây đẩy. Thấy trong tay ông có hai cuốn “Cõi người ta” và “Hoàng tử bé” của Saint Exupéry còn mới, lại do chính Bùi Giáng dịch, tác giả rụt rè đề nghị mua cho ông. Bùi Giáng chỉ bán nửa giá, bán xong xuôi còn hỏi: “Ê, sao mày không để tiền bao gái, mua sách làm gì?”. Phạm Văn Nga trả lời: “Dạ, tại con thích đọc”.

Thích chí, thi sĩ rủ cậu học trò đi uống rượu, xong còn tặng anh thêm 4 cuốn sách khác của ông, đề tặng như sau: “Kính tặng Ngài Văn Nga”. Ông giải thích: “Tao viết hoa chữ Ngài cho mày bằng Thượng đế vì những thằng mê sách đều xứng đáng là Thượng đế”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng kể một câu chuyện về Bùi Giáng khi đã già. Có lần ông ra đường chơi, đi qua một đám cưới, thấy cô dâu xinh đẹp quá, liền xông vào đuổi theo khiến cô dâu sợ quá chạy té khói, làm loạn cả đám cưới của nhà người ta. Con cháu hay tin, đến lôi ông về. Ông về, nằm được mấy ngày, lại xúi người nhà mở cửa “để tao đi chơi”.

Thơ Bùi Giáng còn gây nhiều tranh cãi về độ hay dở, có những người không tiếc lời ca ngợi, nhưng cũng có những người cho là không ra gì. Nhưng hơn hết, Bùi Giáng không chỉ là thơ. Con người ông với cách sống, cách chơi, cách yêu kỳ lạ luôn khiến người ta cảm thấy thích thú khi nhắc tới. Chỉ qua thơ ông mà biết ông là điều không thể, và cũng không nên. Vì sẽ thiếu. Khi đã biết về ông, ít ai chưa một lần muốn sống như ông. Vui nhưng mà cũng khó.

Pham Mi Ly 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến