Cổ tích
"Đồng tiền Vạn Lịch" của người Việt kể một lái buôn tên Vạn Lịch rất
giàu nhưng có tính ghen. Lần ấy thuyền buôn đỗ ở một bến vắng, trời rét, có người
đánh giậm đến xin miếng trầu. Thương tình Mai Thị, vợ Vạn Lịch tìm cho miếng trầu
ngon nhất. Nghi ngờ vợ "tư tình" với "trai lạ", Vạn Lịch nổi
giận, cho một thỏi vàng, một thỏi bạc rồi đuổi vợ đi. Thấy vợ
thương người, giúp người, lẽ ra phải khen, ông ta lại mắng chửi. Thế là vô
nhân. Vợ chồng lẽ ra phải "tương kính như tân" (kính trọng nhau như
khách), đây lại đuổi vợ đi. Thế là trái đạo vợ chồng. Từ đó Vạn Lịch cứ luôn gặp
chuyện không may, thua lỗ,... Đấy là ánh hồi quang của cổ tích thần thoại hắt về
rồi đọng lại: ở ác gặp ác! Nhưng ý nghĩa phổ quát thì rộng dài hơn nhiều: cái
quý nhất là hạnh phúc gia đình. Tự mình phá vỡ hạnh phúc, tất sẽ gặp bất hạnh!
Có người vợ quý mà không biết giữ, không biết trân trọng lại ứng xử tàn nhẫn
như thế thì gặp hạn là đương nhiên. Câu chuyện là lời răn đừng như Vạn Lịch,
hãy biết quý trọng vợ mình tức quý trọng cuộc sống và hạnh phúc của chính mình! Sau khi bị
chồng đuổi, Mai Thị gặp lại người đánh giậm, gá nghĩa vợ chồng. Gặp may họ ăn
nên làm ra, được vua ban cho chức tuần ty trên sông. Vạn Lịch kinh ngạc gặp lại
vợ cũ. Mai Thị mát mẻ: "Biết rằng anh vẫn đi buôn/ Em về kiếm chốn nha môn
ngồi tuần/ Dù anh buôn bán xa gần/ Làm sao tránh khỏi cửa tuần em đây". Vô
cùng xấu hổ, ông ta làm giấy kê khai tất cả của cải đem biếu Mai Thị để chuộc lỗi
xưa, rồi đâm cổ tự tử. Mai Thị hối hận. Nàng đem tất cả tài sản của Vạn Lịch
tâu vua xin đúc một thứ tiền gọi là "đồng tiền Vạn Lịch" rồi đem phân
phát cho những người nghèo khổ. Từ đó ca dao có câu hát: "Đồng tiền Vạn Lịch
thích bốn chữ vàng/ Anh tiếc công anh dan díu với nàng bấy lâu"... Ông ta thật
đáng trách vì quá coi rẻ mạng sống chính mình (một mạng người để "chuộc lỗi"
ghen "thường tình"), cũng thật đáng thương vì mất hết, mất của, mất
người. Một ý nghĩa bật ra: cái nền tảng, cái gốc nhân cách con người chính là sự
học để có vốn hiểu biết, là lòng nhân ái, khoan dung, biết ứng xử đúng mực.
Chưa được như vậy, một "tý" là ghen, lại không đủ bản lĩnh vượt qua
cú "sốc" khủng hoảng tinh thần nên Vạn Lịch đã tự chết! Trong văn học
viết thời trung đại về chủ đề này phải kể đến "Người con gái Nam
Xương" nổi tiếng của Nguyễn Dữ. Cái anh chàng Trương Sinh nông nổi tin vào
lời đứa con ba tuổi (Đản) là chỉ có đêm đến thì cha nó mới về, mẹ đi thì cha
đi, mẹ ngồi thì cha ngồi, nên không bao giờ bế nó. Vì trước đó Trương Sinh phải
đi lính trong khi đó, vợ ở nhà có con. Cái ghen bóng ghen gió cứ ấm ức, ngày một
lớn dần để rồi Trương Sinh mắng nhiếc người vợ ngoan (Vũ Nương) những điều tệ hại
nhất về phẩm tiết. Quá uất ức, nàng tự tử... Một tối nọ,
cô đơn, trống vắng, tê tái buồn trong ngôi nhà có người vừa chết, Trương Sinh
đi đi lại lại, bơ vơ, hoang hoải, thì thằng Đản chợt hét toáng lên: "Ba
tôi đến kìa!". Nó chỉ vào cái bóng Trương Sinh trên tường... Chàng ta gục
xuống trong nỗi đau đớn khôn cùng trước sự thật. Thì ra những ngày chàng xa
nhà, vợ lấy bóng của mình nói với con rằng đó là ba nó. Dân gian vẫn nói, vợ chồng
"như hình với bóng"... Trời ơi! Cái ghen đã biến một "nam
nhi" thành kẻ vô tình giết người và bắt đứa trẻ ba tuổi phải mồ côi. Nó có
tội gì đâu! Hai hình tượng
Trương Sinh (văn học bác học) và Vạn Lịch (văn học dân gian) như hai cánh cửa
văn hóa mở ra để người đọc nhìn sâu vào thế giới ghen đen tối của đàn ông. Mang
danh "phái mạnh" thì phải phóng khoáng, độ lượng. Lại còn có tính
ghen thì dễ thành nhỏ nhen, yếu đuối! Ngày
1/11/1604, vở kịch "Othello" của nhà viết kịch William Shakespeare được
công diễn lần đầu tại cung điện Watholl - London. Othello - vị tướng da đen tài
năng của nước Cộng hòa Vơnidơ, làm quen rồi bí mật kết hôn với Desdemona, con
gái của Nguyên lão nghị viện Brabantio. Iago - viên Hiệu úy của Othello, vì
không được đề cử lên chức Phó tướng, tức tối tìm mọi cách phá hoại mối tình
này: xúi giục Brabantio tìm cách bắt Othello ra xử trước Hội đồng Nghị viện về
tội quyến rũ Desdemona. Tạo chứng cứ giả (chiếc khăn) để Othello nghi ngờ
Desdemona có tình nhân (là Cassio). Với bản tính hay ghen, Othello mắc mưu kẻ xấu.
Chàng ra lệnh giết Cassio còn tự tay mình bóp cổ Desdemona đến chết… Sự thật được
sáng tỏ. Bừng tỉnh, bàng hoàng, đau đớn đến điên cuồng, Othello đâm Iago bị
thương, rồi đâm cổ mình tự tử. Là một kiệt
tác, như viên ngọc quý, vở kịch tỏa sáng muôn vàn ý nghĩa khác nhau, muôn vàn
cách cảm nhận khác nhau nhưng chung quy lại vẫn có cái lõi là tình yêu và sự
ghen tuông. Nhưng là "cái ghen đàn ông"! Ngoài để lại
những chuẩn mực kinh điển của kịch cổ điển về hành động thống nhất, kịch tính
cao, kiến tạo mâu thuẫn, giải quyết xung đột…, vở kịch còn là những cách tân ở
sự kết hợp giữa cái thơ mộng với cái khủng khiếp, cái tầm thường với cái cao
thượng… Cho đến nay tác phẩm vẫn còn là một đối tượng nghiên cứu mang tầm thế
giới. Có nhà "Shakespeare học" quả quyết, chỉ khi đàn ông không còn
tính ghen thì nhân loại mới thôi đọc vở kịch. Nhưng vì còn đàn ông là còn tính
ghen, nên vở kịch sống mãi! Có ai là
đàn ông mà không ghen? "Lolita" - tiểu thuyết nổi tiếng nhất của
Vladimir Nabokov (1899-1977) nhà văn Mỹ gốc Nga, phải chăng cũng vì nói về
"cái ghen đàn ông" mà gây nhiều tranh cãi. Đến mức tác phẩm không được
xuất bản ngay tại nước Mỹ. Nhưng đến nay, sách được xuất bản ở gần 40 quốc gia,
xếp vào nhóm 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại... Humbert -
giáo sư văn chương ở Paris, đẹp trai, phong độ, chưa đến "ngoại tứ tuần".
Sống cùng vợ nhưng không yêu vợ mà lại cứ tơ tưởng đến những cô gái "dậy
thì" 12, 13 tuổi. Vì ngày xưa ông ta có một mối tình "thiên đường"
với người yêu là Annabel nhưng nàng đã chết vì bệnh sởi khi mới 12, 13 tuổi. Ấn
tượng tuổi thơ hằn sâu vào tâm lý Humbert trở thành khát vọng khôn nguôi. Vợ bỏ theo
một người đàn ông khác, Humbert chấp nhận lấy bà chủ nhà trọ Charlotte Haze,
không phải vì yêu mà là để được gần gũi với Dolores - con gái ruột 12 tuổi của
Charlotte. Ông gọi Dolores Haze là Lolita và hàng ngày ghi vào nhật ký những
cung bậc cảm xúc với "người yêu". Một ngày vợ ông phát hiện ra bí mật
khủng khiếp. Ngạc nhiên, sững sờ, hoang mang đến phát điên, bà lao ra đường và
bị xe cán chết… Xong việc ma chay, Humbert đến chỗ Lolita (đang sinh hoạt trại
hè) rồi đưa cô đi hết nơi này đến nơi khác… Những nơi họ dừng nghỉ, theo ông,
là "thiên đường". Nhưng
Lolita phải vào viện rồi biến mất một cách bí ẩn. Mải miết kiếm tìm, một hôm
Humbert nhận được thư của Lolita báo cô đã kết hôn và đang mang thai. Humbert vội
vã lao đến. Dù Lolita xấu và già đi nhưng Humbert vẫn một mực yêu. Rủ Lolita
cùng chạy trốn nhưng bị từ chối, Humbert để lại ít tiền cho Lolita rồi tìm tới
nhà Quilty - người đã dụ dỗ người tình của mình và gây án. Humbert bị bắt vào
tù với tội giết người do ghen. Sau đó cả Humbert và Lolita đều chết! Công việc
"giải mã" tiểu thuyết vẫn đang tiếp tục, vẫn đang tranh luận, nhất là
về ý nghĩa giáo dục. Humbert là người tốt hay xấu? Mối tình ấy có là "tấm
gương xấu" cho thanh thiếu niên hôm nay?… Ở mỗi vùng văn hóa, chịu sự khúc
xạ của quan niệm, tập quán, phong tục… mà tiểu thuyết lại cho các cách tiếp nhận
khác nhau. Nhưng hầu như ở đâu cũng có chung nhận xét đó là tiểu thuyết hay,
phân tích tâm lý sắc sảo và chung một "hằng số": cái ghen đàn ông
luôn mang đến tai họa, mà trước hết là cho chính người "đàn ông ghen"
ấy! Có nhiều định
nghĩa về "ghen", nhưng đều thống nhất một nét nghĩa, coi
"ghen" là tâm lý mang tính bản năng với ý thức cao độ về sự sở hữu.
Càng yêu thì ý thức sở hữu càng cao, do vậy ghen trong tình yêu mạnh mẽ hơn.
Chiểu theo ý này thì đàn bà "ghen" nhiều hơn đàn ông. Cũng là quy luật:
phải dựa nhiều hơn vào đàn ông, nên nếu để "mất", đàn bà sẽ thiệt
thòi hơn. Nhưng đàn ông ghen cũng chẳng kém, bằng chứng là cả 4 câu chuyện trên
đều chung hậu quả chết người. Cùng lý do chung: sự ích kỷ dẫn đến mù quáng! Là cái quý
giá nhất, như hoa vậy, tình yêu phải được quang hợp dưới ánh sáng đạo đức và luật
pháp thì mới đẹp và tỏa hương!
Nhận xét
Đăng nhận xét