VẪN CÒN XUÂN NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI CỤ DÌU

VẪN CÒN XUÂN
NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI CỤ DÌU

Lẳng lặng mà nghe chúng nó la,
La đôi câu đối Cụ tặng Hoa...
-------
Bài viết này xuất phát từ câu chuyện khá ồn ào trên mạng và cả trên báo chí chính thống về tấm ảnh cụ Thợ Dìu chụp chung với Hoa hậu Duyên Lạ và kèm theo đó, là đôi câu đối, mà đa phần, chúng chê là có “vấn đề về chữ nghĩa”.

Đầu tiên, chúng, bọn đểu, quân nhọ mõm, tâng cụ lên hàng “quốc sư”, “bậc thượng căn thượng trí, là cây đa cây đề, là tinh hoa, niềm hãnh diện của học giới nước nhà” để rồi sau đó, độp một phát, hạ cụ xuống hàng “chưa thể gọi là trí thức”. 
Mũi tên thực ra không chỉ nhắm vào cá nhân cụ.
***
Nguyên văn đôi câu đối của cụ Thợ Dìu tặng mỹ nhân, như sau:

Trí như bạch tuyết, tâm như ngọc
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung

Nội dung:
Vế trước, cụ ca ngợi vẻ đẹp tinh thần cháu Duyên Lạ sáng như ngọc, trong như tuyết, hay cũng có thể tùy hiểu cụ so tâm, trí cháu Duyên Lạ ngang với nàng Bạch Tuyết trong câu truyện cổ An Đéc Xen (*). Vế sau, cụ khen vẻ đẹp về hình thể, cháu nhà ta nào kém mợ Dương Quý phi, là một trong tứ đại mỹ nhơn bên Tàu.

Chúng bắt bẻ mấy chữ “trí như bạch tuyết” của cụ, không chỉ thuần túy trên địa hạt chữ nghĩa, mà lại còn vận dụng cả thần kinh học bảo rằng cụ âm mưu xỏ xiên, chê cháu nó chẳng có chút “chất xám” trong đầu. Hoặc sử dụng công thức hóa học vỡ lòng, suy diễn “tuyết” chẳng qua là nước, là H2O. Mà đã là nước thì không màu, không mùi, cũng không có vị. Rồi suy ra rằng cụ định khen, nhưng vì tay nghề non mà hóa thành ra chê cháu nó đầu óc “không màu, không mùi, không vị”.

Thế thì, “phù lưu, thanh thủy” tức là nước lã, mà người ta vẫn dâng cúng hàng ngày lên thần linh, tổ tiên hay người khuất núi hẳn cực kỳ “vô vị”.

Thậm chí, câu ca dao “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hóa ra chẳng có nghĩa mẹ gì hay sao (???).

Thế nhưng câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” thì sao? Cụ Tiên Điền cũng so tinh thần nàng Kiều ngang “nước lã” đó thôi. Tưởng danh tiếng cụ Nguyễn Du đủ để bào chữa cho cụ Dìu? Thì chúng lại khăng khăng, trong hai chữ Tâm Trí, thì “trí” không thuộc phạm trù tinh thần (?),chỉ có “tâm” mới là tinh thần. Cho nên cái sự so sánh của cụ Nguyễn Du thì là đúng, mà sang đến cụ Thợ Dìu thì lại “cực kỳ phản cảm”. Ngoài ra, cũng phải thể tất cho cụ Tiên Điền vì thời ấy, các cụ chưa có khái niệm về môn hóa học và các neuron thần kinh.

Có tay thầy đồ, chắc còn chưa nguôi giận vì vừa bị trượt từ vòng gửi xe ở Văn Miếu mới đây, bèn chê rằng, đôi câu đối của cụ Dìu, vế sau là thuần Hán mà vế trước “Trí như bạch tuyết, tâm như ngọc” thì là Nôm, như vậy là không chỉnh, không chuẩn, không phải phép mần câu đối. Ối giời ôi, trong bảy chữ kia, chắc cậu đồ tưởng chữ “như” là chữ Nôm chăng??? Bố khỉ!

Mà Nôm pha Hán thì đã sao? Chắc hẳn đồ nhà thầy chưa biết đến là đôi câu đối kỳ tài của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, viết mừng một ông người làng làm nhà mới.

Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tích tằng xưng tị ốc
Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm.

Vế trước toàn chữ Hán, vế sau thuần Nôm, mỗi vế có một thành ngữ. Để ý các chữ “thị” (chợ) đối với “làng”, “giang” (sông) đối với “nước”, “địa” (đất) đối với trời, “xưng” đối với “vểnh”, “ốc” (nhà) đối với “tôm”, thậm chí chữ “tị” (còn có nghĩa là mũi), cụ còn đối được với chữ “râu” trong “râu tôm”.

Chê nửa Nôm nửa Hán chán, chúng lại nhao nhao chê cụ Thợ Dìu “đạo” câu thơ của Lý Bạch khen vẻ đẹp Đường Quý phi trong bài “Thanh bình điệu” để làm vế đối  “Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung”!

Vậy thì đây là đôi câu đối cực hay dán trước cửa nhà của cụ Tú Xương:

Vấn chinh phu dĩ tiền lộ
Vọng mỹ nhân hề nhất phương

Vế thứ nhất, nghĩa “hỏi thăm đường nơi người đi chinh chiến”, nguyên là một câu thơ trong bài “Quy khứ lai từ” của Đào Tiềm.

Vế thứ hai, nghĩa là “trông ngóng người đẹp nay ở nơi nao?”, nguyên là một câu trong bài phú “Tiền Xích Bích” của Tô Đông Pha.

Vậy nếu bọn đần độn cứ khăng khăng bảo cụ Thợ Dìu “đạo” thơ Lý Bạch để làm một vế đối thì hóa ra cụ Tú Xương tài hoa còn “đạo” gấp đôi cụ Thợ Dìu.

Cái tài của cụ Tú là lẩy ra được từ thiên kinh vạn quyển ra được hai câu cổ thư để làm ra một cặp câu đối hoàn chỉnh, mô tả tâm trạng mong ngóng khát khao đổi đời của cụ, vào cái thời mà thực dân Pháp còn nô dịch nước ta.

Thế cụ Tú định hỏi thăm và trông ngóng mỹ nhân nào đây? Và “nhất phương” là phương nào? Các nhà cóc nhái ễnh ương có lẽ lại chụp thêm một cái mũ nữa cho cụ Tú, rằng đã đạo văn lại còn mê gái?

Thực ra, cả vế trước câu đối của cụ Thợ Dìu “Trí như bạch tuyết, tâm như ngọc”cũng được cụ “đạo” một phần từ một câu thơ Tàu: "Thư trung tự hữu nhan như ngọc" vốn của Hoa Quảng Sinh, người đời Thanh, viết trong Bạch tuyết di âm. Và mấy chữ “Nhan như ngọc” hay “Mỹ nhân như ngọc” thì đã được nhiều cụ, trong đó có cụ Tam Nguyên Yên Đổ sử dụng trong câu đối (để từ từ dẫn chứng sau).

Như vậy, đôi câu đối của cụ Thợ Dìu tặng em Duyên Lạ, chẳng qua là một lối chơi chữ nghĩa tao nhã truyền thống của các cụ.

Lối chơi này có tên gọi là “tập văn cổ”, có khi chỉ gọi gọn là "tập cổ", không học rộng nhớ dai, đến mức nhập tâm, như các cụ tiền bối nói trên (gồm cả cụ Thợ) tất không làm được. Bọn kia đã ngu lại còn lệch mồm ra chê. Chê, chê cái lỗ đít các cụ đây này!
Đấy là chưa kể, xét công bằng, về mặt chữ nghĩa, thì cụ Thợ Dìu đã từng có những câu đối hay, thậm chí tuyệt hay, mà ngày nay ít người có thể làm được.

Chả còn gì để chê, thì chúng lại chuyển sang chê bài thơ “Thanh bình điệu” của Lý Bạch. Chúng moi ra ở khổ thứ 2 của Thanh Bình điệu có mấy chữ "Vu sơn" nên kết luận là bài thơ "ca ngợi thân xác gợi dục của Dương Qúy Phi sau khi làm tình với Đường Minh Hoàng" ??? Thế thì toàn bộ phần Nhã ca trong Thánh kinh Cựu ước (mà chúng luôn mồm khen nhã) đích thực là một đại dâm thư. Và tên Lý Bạch kia, ngoài tội "phát tán văn hóa phẩm đồi trụy", hẳn còn can thêm tội nhòm trộm hoàng đế "lâm sàng". Chứ không nhòm trộm làm sao biết "thân xác gợi dục của Dương Qúy Phi sau khi làm tình với Đường Minh Hoàng"?

Rồi chúng lại bới ra tì vết trong lý lịch của người đẹp Dương Qúy Phi: "vốn là một dâm phụ, từng là vợ con trai Đường Minh Hoàng, bị vua cha cướp lấy. Dương Qúy Phi với sắc đẹp dục tính đã khiến con nuôi Đường Minh Hoàng là An Lộc Sơn muốn cướp người đàn bà dục tình này nên đã làm loạn, gây chết một phần ba dân số Trung Hoa thời đó…". Chết chết chết, cụ Thợ Dìu có tội lớn là rất bất cẩn trong việc sưu tra lý lịch trước khi làm câu đối. Ừ nhỉ, khó hiểu thật! Sao cụ không chọn Thị Nở mà lại chọn Dương Quý Phi nhỉ ???. Ca này khó, khó quá, nhà cháu chào thua, không bênh cụ được. 

Chỉ xin mách nước cho cụ, lần sau mà cụ còn muốn mần câu đối tặng hoa hôi hoa hiếc thì cứ lấy cmn mợ Giáng Tiên, bà xã chúng tôi, ra làm mẫu cho nó lành!
***

Giờ mới là lúc chỉ cho các cậu các mợ ai mới là kẻ “đạo văn” thật sự.

Hai chữ Thợ Dìu, lấy ở đâu ra?
Xin thưa, là thuần túy ăn cắp của cụ Tô Hoài. Cụ Tô có viết cuốn sách “Giấc mơ ông thợ dìu” mới xuất bản cách đây ít năm. Cụ Tô dùng mấy chữ ông Thợ Dìu để chỉ một ông hành nghề dạy vũ khiêu, à quên dạy khiêu vũ. Ông này có cái sướng là được trả tiền để quanh năm suốt tháng, ôm eo, áp má, lắc mông cùng các bà các em các cháu.

 Phái yếu, phái mạnh, ông dìu tất. Gọi là Thợ dìu thực cụ Tô Thánh quá đi mất, lạy cụ!
Nhưng mà, nhà cháu đoan chắc một trăm phần trăm, cụ Tô cũng “thuổng” hai chữ “Thợ Dìu”. Thuổng từ chính mồm mấy ông thợ dìu hoặc mấy bà con nhang đệ tử ông thợ dìu.

Nhưng từ đời thường, từ sách cũ, giữ gìn cho không bị mai một và đưa lại vào văn chương, như vậy, há chẳng phải là "đạo" hay sao? Hả quân “nhọ mõm”?.

Ghi chú:
Câu chuyện Nàng Bạch Tuyết ... không phải của An Đéc Xen như đã ghi nhầm, mà là của anh em Grim. Nay xin đính chính, nhờ sự huhu của bạn Tuấn Trắng, còm phía dưới.
https://locliec.blogspot.com/2015/03/van-con-xuan-noi-chuyen-cau-oi-cu-tho.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến