NGÀY XUÂN PHIẾM CHUYỆN “NGHỆ NGỮ”!
NGÀY XUÂN
PHIẾM CHUYỆN “NGHỆ NGỮ”!
Tiếng
Việt ta vốn rất phong phú, sinh động, đa âm tiết. Mỗi vùng miền trên cả nước
thường có chất giọng khác nhau, song từ địa đầu phía Bắc cho đến đất mũi Cà
Mau, mọi người dân đều có thể dễ dàng giao tiếp. Bởi vậy không có gì lạ khi Lưu
Quang Vũ say đắm, thốt lên: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và
mềm mại như tơ” (Tiếng Việt). Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, nhà thơ
Phạm Tiến Duật từng ngồi sau vô-lăng vào Nam ra Bắc, ông đã không giấu nổi sự
ngạc nhiên khi đi qua tuyến lửa khu Bốn: “Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để/
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru” (Gửi em, cô thanh niên xung phong).
Tuy
nhiên, đối với người nước ngoài, khi tiếp cận với tiếng Việt, học và nghiên cứu
về nó, quả thật không dễ dàng. Nhiều người đã thốt lên, rằng: “Phong ba bão táp
chẳng bằng ngữ pháp Việt Nam”. Ấy là mới nói đến tiếng Việt phổ thông, chứ chưa
đụng đến phương ngữ. Có bao nhiêu vùng miền là có bấy nhiêu vùng ngôn ngữ khác
nhau, tiếng vùng nào cũng trọng, cũng quý. Nằm trong tiếng Việt, tiếng Nghệ lại
càng bội phần gian nan. Nói đúng ra là giọng nói hay cách phát âm riêng có của
người Nghệ, nhưng xin được gọi “tiếng Nghệ” cho giản tiện.
Giống
như cuộc sống muôn màu, ngôn ngữ cũng luôn vận động và phát triển. Trong quá
trình tiếp biến, dường như “Nghệ ngữ” vẫn còn bảo lưu được nhiều từ Việt cổ.
Giọng Nghệ vốn “nhẹ như đeo đá”, vừa có lắm thổ âm, lại nhiều thổ ngữ. Vậy nên
người lạ nghe và hiểu được là điều vô cùng khó khăn.
Đến
việc dịch “Nghệ ngữ” ra tiếng phổ thông, mọi người thường đùa, ít nhất cũng
phải là “cử nhân tiếng Nghệ” thì may ra. Điều ấy không có gì lạ, khi nhà nghiên
cứu Ninh Viết Giao dày công bỏ ra mấy chục năm trời, chuyên tâm sưu tầm làm nên
bộ sách “Kho tàng ca dao xứ Nghệ” 2 tập, ngót cả ngàn trang in.
Xưa
nay, người Nghệ vốn ưa trào lộng, nên bất cứ chuyện gì họ cũng có thể khôi hài,
nói lái hoặc chơi chữ để rồi cười phá lên với nhau. Âu cũng là một cách sống
lạc quan, bỡn cợt trước gian nan, để vượt lên tất cả. Thế nên, không lạ khi các
o thanh niên xung phong ở Thạch Kim đã tinh nghịch “khai” quê mình là “Thạch
Nhọn”. Và cái làng biển ở một vùng quê nghèo lập tức nổi tiếng trong thơ của
Phạm Tiến Duật. Chỉ một lần trong chói lóa chớp bom, hay mờ tỏ trong ánh sáng
đèn dù, cũng đủ để người ra trận nhớ mãi. Để rồi sau chiến tranh, thi sĩ tài
hoa và các o thanh niên xung phong đi tìm nhau với tình cảm thương mến, cảm
phục.
Còn nhớ
hồi cuối năm 1975, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh to
vật. Nhưng hóa ra cái sự nhập này chỉ là một anh nghèo đèo thêm một anh khổ.
Khi được hỏi về sự kiện này, mấy anh dân Hà Tĩnh thường gật gù: Nỏ có chi mô,
“vinh dự” hết mà! Câu này chỉ các “Nghệ nhân” mới luận ra được cái thâm ý. Thì
ra, nhập tỉnh, thành Vinh là tỉnh lỵ của Nghệ Tĩnh. Theo đó, các cơ quan, công
sở ở thị xã Hà Tĩnh đều phải chuyển hết ra Vinh.
Từ “dự”
trong “Nghệ ngữ”, có nghĩa là “giữ” (dấu ngã nói thành dấu nặng), tức là thành
Vinh “nắm giữ” hết! Cách nay gần 20 năm, khi một số xã mạn đông nam huyện Nghi
Lộc được tách ra để thành lập thị xã Cửa Lò, thúc đẩy phát triển dịch vụ du
lịch biển. Đùng cái, nơi thì lên phường lên phố, nơi vẫn còn lầm lụi xóm, thôn.
Người Nghi Lộc nói trạng, như rứa là “Lộc” thì đi mà “Nghi” ở lại!
Tiếng
Nghệ nặng là một nhẽ, nhưng có nhiều thổ ngữ rất lạ tai, cách phát âm mất dấu
khiến cho người nghe… ngơ ngác. Nói về sự khó, người ta thường nhắc đến giọng
Nghi Lộc. Một huyện với gần 30 xã mà nghe đâu có cả trăm vùng phát âm khác
nhau. Nhiều cứ liệu cho rằng, từ thời nhà Trần có khá nhiều tù binh Chiêm Thành
được đưa về quản thúc ở vùng Chân Phúc (nay là Nghi Lộc). Rất đông trong số
quân binh ở lại lập nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cái, tạo nên sự phong phú về
chất giọng. Chỉ với riêng tiếng Nghi Lộc, thì ngay cả những “Nghệ nhân” giỏi
chưa chắc đã “dịch” nổi, chớ đừng nói chi đến người ngoại tỉnh. Bó tay luôn!
Ở Hà
Tĩnh có hai xã Đức An, Đức Dũng cũng phát âm gần như vùng Nghi Lộc. Hồi ở
trường cấp 3 Trần Phú (nay là PTTH) tôi học cùng nhiều bạn ở đây. Một lần đến
giờ vật lý, thầy gọi một bạn quê Đức An (nay là bác sĩ) lên hỏi bài. Bạn tôi
đứng dậy nói như bắn liên thanh: “Lặc… lặc lè mót đẹ lạng…” (Lực… lực là một đại
lượng…). Cha mẹ ui, cả lớp bò ra mà cười. Thầy giáo lắc đầu: Em nói chi mà như
gà mổ mo rứa? Nói chậm thôi, phải rèn tập cho quen chớ!
Ngày
nay, lan truyền chuyện dân Nghệ “rành” nhiều “ngoại ngữ” nhất nước… Một anh
chàng trai chén mít xong, cầm cả búi xơ liệng ra sông, rồi xổ ra một tràng:
“Quýt-xơ-măng-công-soa!”. Ngỡ đâu tay này giỏi tiếng Pháp, nhưng hóa ra đó chỉ
là cách nói lái cụm từ “quăng-xơ-mít-qua-sông” mà thôi.
Nhiều
gã trai xứ Nghệ học hành đỗ đạt đều “bám trụ” ở Thủ đô và lấy vợ người Bắc. Thành
thử, trước khi đưa người yêu, hoặc vợ về quê, chàng nào cũng dành ra một khoảng
thời gian để luyện “Nghệ ngữ”, song chẳng ăn thua. Bởi thực tế khi tiếp xúc mới
thấy không bõ bèn gì, chỉ như muối bỏ sông, bỏ bể vậy. Do vậy, mới sinh ra
nhiều chuyện bi hài, dở cười, dở khóc. Một cô vợ vừa về đến quê
chồng, bà con lối xóm bu lại hỏi: “O-ni-du-ai?”. Cô gái Hà thành mắt tròn, mắt
dẹt, dân quê giỏi tiếng Ăng-lê dữ? Báo hại, ông chồng phải dịch, câu ấy hỏi “cô
này là dâu con nhà ai”. Vô nhà, chưa kịp ấm chỗ, đã lại nghe mấy chàng thanh
niên líu ríu: “Mi-đi-ga-chi?” (Mày đi ga nào?) rồi “Choa-đi-ga-si!” (Chúng tớ
đi ga Si). Nghe vậy, thì rõ là tiếng Nhật rồi còn gì!
Chuyện
kể hồi cuối thập niên 50 (thế kỷ XX), một anh bộ đội miền Nam tập kết ra đóng
quân ở xứ Nghệ, đem lòng yêu say đắm một cô gái bản địa. Tình cảm giữa hai
người tới hồi đằm thắm thì song thân của cô gái biết chuyện. Ông bố cho rằng,
“trai khôn lấy vợ, gái ngoan gả chồng”, nên không lăn tăn gì. Nhưng bà mẹ thì
lo ngại con gái lấy chồng xa, miền Nam còn dưới ách của Mỹ - Diệm chưa biết sao
đây, nên bà cương quyết từ chối. Cô gái bèn dẫn người yêu về thưa chuyện cùng
bố mẹ. Thấy mẹ của người yêu không chấp nhận, chàng lính tuy buồn, song vẫn giữ
thái độ đúng mực. “Tụi con thương nhau thiệt tình. Ba mẹ đồng ý gả thì con… dui
(vui) nhiều, nếu không thì con cũng… dui!”. Trong “Nghệ ngữ” tiếng “dui” vừa là
danh từ (chỉ cái dùi), lại vừa là động từ, chỉ việc “khoan, dùi lỗ”.
Nghe
vậy, bà mẹ sảng hồn, liền khều lang quân xuống bếp “hội ý”. Thôi ông ơi, gả đi
cho rồi. Thằng Tư nói như rứa tức thị là hắn “dui” con nhỏ rồi còn chi? Chẳng
cần nghĩ ngợi nhiều, ông bố gật đầu cái rụp. Nhờ chuyện bất đồng ngôn ngữ mà
đôi trẻ nên duyên, bền chặt…
Sự phức
tạp của tiếng Nghệ đã được vận dụng có hiệu quả trong chiến
tranh. Nhiều người biết Trung tướng Lê Nam Phong, quê ở Quỳnh Lưu,
Nghệ An, là người có cả một kho chuyện. Thời đánh Mỹ, ông từng là Sư trưởng một
sư đoàn chủ lực chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Sau nhiều cuộc càn lớn, địch bắt
được nhiều bức điện mật của ta. Sư đoàn trưởng bèn chỉ thị cho cánh thông tin
chọn 2 chiến sĩ quê Nghi Lộc ở hai đầu dây, dùng tiếng Nghi Lộc đàm thoại qua
vô tuyến để truyền đi mệnh lệnh chiến đấu tới các đơn vị. Đối phương rà bắt
được sóng vô tuyến của ta, song chúng nổi điên vì không biết “vi xi” (VC) đã sử
dụng ngoại ngữ gì, mà không tài nào dịch nổi! Các chuyên gia mật mã của địch
cũng bó tay vì không sao giải mã được nội dung cuộc đàm thoại ấy. Mới đây, có
dịp hầu chuyện cụ Phong (91 tuổi), tôi gợi lại chuyện cũ, vị tướng chiến trận
rung đùi cười vang: “Chuyện trạng ấy mà!”.
NGUYỄN MINH NGỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét