NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CHỮ NGHĨA
NGÀY XUÂN
NÓI CHUYỆN CHỮ NGHĨA
Có nhiều bạn trẻ ngày nay thắc mắc:
Tại sao người ta lại nói ngày tư ngày Tết và Tết nhất là
gì, ý nghĩa ra sao? Và còn nhiều câu Hán-Việt liên quan đến ngày Tết mà giới trẻ
ngày nay không hiểu. Chữ Tết là do chữ “Tiết” mà ra. Ngày xưa một năm chia ra
làm hai mươi bốn tiết: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh
minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập
thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu Phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tiết, Đại
tiết, Đông chí, Tiểu hàn và Đại hàn. Kể từ năm 1911, người Trung Quốc quy định
âm lịch ra làm bốn tiết. Người nông dân cũng nương vào đấy để làm ruộng theo từng
mùa: lấy Tết Nguyên Đán làm xuân tiết, Tết Đoan Ngọ làm hạ tiết, Tết Trung Thu
làm thu tiết và lấy ngày Đông chí làm đông tiết. Một năm cứ tuần tự như vậy mà
trôi qua nên người ta gọi là tự tiết. “Tự tiết” là tiếng Hán sau được gọi nôm
na là ngày tư ngày Tết, hoặc tư Tết và vắn tắt là Tết.
Ngày Tết còn gọi là chánh đán, xuân nhật, hoặc tiết nhật. Hai chữ “tiết
nhật” sau nói trại thành Tết nhất và đặc biệt Tết nhất còn có thêm ngụ
ý than thở đối với việc lo toan vất vả ngày chuẩn bị Tết hoặc ngụ ý châm biếm.
Trần Tế Xương đã dùng hai chữ này trong bài Sắm Tết như sau:
Tết nhất năm nay khéo thật là!
Một mâm mứt rận mới bày ra.
Xanh đồng thắng lại đen rưng rức
Áo đẹp bò ra béo thực thà...
Nói đến ngày Tết thì phải nói đến ngày ba mươi Tết mà tên chữ gọi
là trừ nhật tức là cái ngày trừ hết cái cũ để thay bằng cái mới.
Nguyên tục bên Trung Quốc xưa, cứ về chiều tối hôm ấy người ta dùng một trăm
hai mươi đứa trẻ độ chín, mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi vừa
đánh để trừ đuổi ma quỷ nên gọi là trừ tịch. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có câu đối như
sau:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mùng một lỏng then tạo hóa,
mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào.
Còn ở nước ta mỗi phường mười em, mười lăm em hoặc năm, ba em kết hợp lại với
nhau thành “Phường súc sắc súc sẻ”. Từ Nghệ Tĩnh vào Nam người ta gọi là “phường
sắc bùa”. Em đi đầu cầm một ống nứa hay tre dài, trong đựng mấy đồng xu, vừa đi
vừa xóc thành tiếng “súc sắc”. Một em đi sau cầm mấy nén hương. Các em đi chúc
Tết các gia đình, đến trước cửa nhà em đi đầu gõ ống nứa xuống đất rồi đồng ca
những câu vè:
Xúc xắc xúc xẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào
Bước lên gường cao thấy con Rồng
ấp
Bước xuống gường thấp thấy con Rồng
chầu
Bước ra đằng sau thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm
Ông sống một trăm thêm năm tuổi
lẻ
Vợ ông sanh đẻ những con tốt
lành
Những con như tranh, những con
như rối...
Đến đúng nửa đêm hôm ba mươi, sang ngày mùng Một là lễ đón giao
thừa.
Tục ngày xưa tin rằng có mười hai vị Hành khiển luân phiên coi việc nhân gian:
hết năm cũ, sang năm mới thì ông thần nọ bàn giao công việc cho ông thần khác
nhận việc ấy. Vị Hành khiển nào cũng có tên riêng với vương hiệu hay còn gọi là
“đương niên chi thần” và mỗi vị có một vị phán quan làm phụ tá, Hành khiển
có ông Thiện, có ông Ác dâng sớ trên giáng họa cho dân: hạn hán, lụt lội, mất
mùa… cho nên lễ cúng lúc nửa đêm giao thừa, cúng để tiễn ông cũ và đón ông mới
(tống cựu nghinh tân). Cũng trong tục xưa, người ta lễ cúng đốt pháo tre để trừ
ma:
Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế
Phù đào vạn hộ cánh tân xuân
(Pháo trúc nổ ran, năm cũ chạy/
Đào đem xuân mới đến muôn nhà)
Sang đến sáng mồng Một đầu năm âm lịch là Tết Nguyên Đán (Nguyên là đầu
tiên, Đán là buổi sáng). Người ta cũng gọi là nguyên nhật tức là ngày
đầu tiên trong năm. Các nhà nho thường khai bút trong giờ linh thiêng ấy.
Hoàng Duy
Biểu diễn hát sắc bùa Bến Tre
Nhận xét
Đăng nhận xét