TẾT NÓI CHUYỆN CHƠI CHỮ NGÀY XƯA


TẾT NÓI CHUYỆN CHƠI CHỮ NGÀY XƯA

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

 Ngày trước, không có Tivi chạy đầy đường,chẳng có nhạc Hiphop, mỗi gia đình thường thường bậc trung có bộ phản vuông được trịnh trọng kê giữa nhà, dù nó choáng chỗ ghê gớm,nhưng chính sự choáng chỗ ấy là cái sự “ chãnh” của gia chủ,là biết chơi, là có nhà năm gian, hay chí ít cũng tam gian tứ vị ,và cũng là người lịch lãm hay có chút chữ, hoặc biết trọng cái chuyện chữ nghĩa.Thường khi nhà có giỗ chạp, hay lúc trà dư tữu hậu các cụ khăn đen áo dài ngồi tứ trụ, giữa là bộ kỹ trà hoặc mâm rượu thịt. Và không dễ gì chuyện đám tiệc lại ít người, nhưng chỉ có 4 cụ được ngồi ở đó gọi là chiếu giữa, còn lại thì chỉ dám mon men, xớ rớ gần đó để nghe, hay để châm thêm mồi, rượu hoặc thay ấm trà. Thế mới biết ngày xưa, người Việt nam ít có cơ hội để học hành, cho dù ngày ấy, các cụ đồ không thu học phí,mà chỉ dạy cho xóm giềng hay bà con,và thù lao thì tùy hỉ, kẻ con gà trống, người mớ gạo nếp, có kẻ lại con cá khô, gọi là trả công thầy.Thế mà người ta lại hay chữ tới mức dùng chữ nghĩa để mà chơi.Ấy là cái chuyện CHƠI CHỮ . Những câu đối của một thời còn lưu truyền trong sách vỡ chính thống, hay cả trong truyền miệng dân gian quả là một kho tàng văn chương của tiền nhân, đáng để chúng ta trân trọng lắm thay.

 Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho, cả hai bên nội ngoại,bên cạnh chuyện chữ nghĩa thì các cụ nhà tôi sống chính bằng nghề làm thầy,cũng dính tới chuyện Nho nhe, là thầy thuốc Bắc và thầy địa lý, tuổi thơ tôi quá nhiều những bữa hầu hạ cho các vị nên còn nhớ như một thứ ký ức khó quên.Cái bộ phản bằng gỗ Mít và bốn cây cột nhà cho tới bây giờ còn in hằn dấu ngồi và dấu tựa lưng của những người đã khuất lâu rồi . Cứ mỗi lần nhà Ngoại tôi có việc, là y rằng lại có bốn người ngồi từ rất sớm,chuyện cúng kính không làm bận lòng, mà các cụ cứ bộ lòng, chai rượu ngồi bàn chuyện chữ nghĩa. Ngày đó cũng không có cái máy chém (quạt trần)hay cái quạt xoay rồi gió đâu chạy theo đó cho mát. Nhóc con như tôi cầm cái quạt bồi bằng giấy dó, chạy quanh quạt hầu , nhờ như vậy mà tôi nghe chút chút, và đâm ghiền. Nhưng dù là hủ nho, đồng nghĩa với phong kiến, tôi vẫn nhìn nhận rằng các cụ rất dân chủ và văn minh.Dân chủ thế nào?Bốn vị ngồi phản vuông chiếu giữa không phải là già nhất ở đó, có nghĩa không phải sống lâu lên lão làng như cái xã hội tôi đang sống trong thế kỹ 21 hôm nay, mà là các vị có tài, tài ở đây là hay chữ. Bằng chứng có một số cụ già hơn, râu tóc bạc phơ, nhưng có mời cũng không dám ngồi, kể cả vai vế trong gia tộc có lớn hơn cũng ngồi chiếu bên.Chỉ vì yếu cái Chữ. Quả là chốn trọng dụng nhân tài.Còn văn minh là trong câu chuyện, có khi chữ dùng đụng chạm tới nỗi đau của ai đó, hay phạm tên, phạm húy, nhưng mà hay thì vẫn vui vẽ xuê xoa, khi xong tiệc ra về không ai cay cú với ai tới mức tìm cách rữa hờn, chứ nói chi tới móc chó lữa hay còng số tám ra mà dọa, quả học lùi lại cái sự dân chủ, văn minh của các cụ còn lâu chán.

 Có một lần, tôi nghe ngoại tôi kể lại một câu chuyện,là chuyện thật hoàn toàn, trong làng có một bà cũng đã góa già, làm mới một cái khóm thờ, nhưng không biết chữ gì ghi chính giữa cho hay và trịnh trọng, ý nghĩa. Nhân có ông thầy đi qua bà mời vào xin chữ. Nễ tình, ông thầy cho hai chữ Bách Hòa, trăm sự hòa thuận, nghe ra thì quá ư là hay, bà đem giấy hồng đơn, mài dùm thỏi mực nhờ thầy viết luôn cho tiện.Lại một hôm khác, ngoại tôi đi ngang nhà, chỗ bà con nên bà nhờ ngoại tôi xem giúp thầy viết chữ gì?Ngoại tôi đọc và hỏi bà có biết chữ gì đây không? Đây là hai chữ Bách Hòa, chỗ nầy thờ Bách Hòa, là thờ Bà Hoách, là thờ bà đó( bà ta tên Hoách). Khi đó bà chủ nhà té ngữa mà không giận được còn phì cười, bà còn sống mà đã thờ hóa ông thầy chơi… ngạo.

 Những câu chuyện tương tự trong tàng thư cổ Việt nam thì không thiếu, cả chuyện quốc gia đại sự, cho tới chuyện gái trai chọc ghẹo nhau,( ngày nay gọi là tán tỉnh)chuyện ra các vế đối với nhau không chỉ là văn chương bác học của những vị đỗ đạt hay chữ nghĩa cùng mình, Hán rộng tới mang tai, mà người bình dân cũng thường dùng với nhau mỗi khi có dịp, để hiểu được tinh thần và bản sắc người Việt.

 Thời xưa, chuyện quốc sự của Việt nam thường chỉ dính với Tàu,ỷ mạnh rồi xâm lược và muốn đồng hóa dân tộc Việt.Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, quân Tàu xâm lược thuở ấy còn liêm sĩ và hiểu biết gấp bao nhiêu lần hơn các vị hiện nay, nhỗ ra rồi liếm lại, hay chưa nói đã nuốt lời, giữa đôi bên, chiến tranh thúc ép, nhưng nhận một câu đối hay, dù cay cú, cũng tôn trọng nhau mà hòa giãi hoặc rút quân, thế mới biết, lời nói quan trọng nên có câu:Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy,chứ không phải câu: Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Nói thích sự thật, chuộng sự thật, mà tay chỉ làm sự giả, hay xúi tả hữu làm sự lưu manh, người xưa không có.

 Sử chép lại rằng, có ông Mạc Đĩnh Chi, đi sứ sang Tàu,trời mưa gió ông trễ mấy ngày mới tới Ải Nam quan, người Tàu đóng cổng không cho qua và ra câu đối, nếu đối được thì sẽ mở. Ra đối rằng:

 Quá quan trị, quan quan bế,nguyện quá khách quá quan.
( Qua ải chậm,cửa ải đóng , mời quá khách qua ải)ông đối lại rằng:

 Xuất đối dị, đối đối nan,thỉnh tiên sinh tiên đối..
( Ra đối dễ, đối lại khó,xin tiên sinh đối trước)

 Đó chỉ là một ví dụ chuyện câu đối,và hiệu quả của nó với những người có học, và biết trân quí giá trị của sự học,nhưng thường những câu đối chính thống lại không hay, hoặc dí dõm như tinh thần trào phúng của người Việt,sống trong một đất nước , một môi trường bị đô hộ của người Tàu, nhờ tính trào phúng lạc quan độc đáo mà trường tồn.Nói tới câu đối, không thể không nhắc tới bà Đoàn thị Điểm, một phụ nữ tài hoa, mà nhiều phen ngạo như Trạng Quỳnh còn bó tay.Có lần bà Điểm đang tắm, trạng Quỳnh biết nhưng cố ghẹo,đòi vào cho bằng được, bà thì dãy nãy kiên quyết,bèn ra điều kiện là nếu đối được thì cho vào, câu ấy như sau:

 Da trắng vỗ bì bạch

 Khi vỗ vào da thì có tiếng bì bạch, mà hai chữ da trắng của tiếng Việt là chữ bì bạch của chữ Hán, Quỳnh ngọng không đối được đành tiu nghĩu rút êm.Nguyên trạng Quỳnh ở nhà cụ Bảng là thân phụ bà Điểm,nên có lần hai người cùng ngồi trong nhà cách nhau bức vách, trông ra sân từ hai của sổ, bà đọc ngay cho Quỳnh một câu mà Quỳnh đành chịu:

 Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.

 Quả ngày xưa nhiều chuyện thi vị qua cái kiểu chơi chữ,còn ngày nay cũng tương tự thì có bài hát rằng:”…ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình khoét vách chui sang…”

 Một lần khác Quỳnh lên Phố Mía thuộc Sơn tây chơi về, gặp bà Điểm liền ra câu đối:

 “Lên phố mía,gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.

 Thật quá tài tình nên trạng đành ngậm miệng, theo người viết không chừng thuở ấy hai người cũng thầm cảm nhau lắm, nhưng vì khúc mắc thế nào nên anh chị hay dùng câu chữ mà nhắc hay trách khéo nhau không chừng.Bỡi khi Quỳnh đang bí thì bà Điểm lại bồi tiếp hai câu làm cho Quỳnh còn biết xin hàng mà thôi:

 “Trời mưa đất thịt trơn như mỡ ,giò đến hàng nem,chả muốn ăn.

 Chữ giò ở đây thật lắm nghĩa, giò là chân(cặp giò) cả là dò( tìm đường) mà lại là giò chả, một món ăn của người Việt,cố đánh cho anh chàng gục luôn tại trận bà tiếp:

 “ Bà nứa đi võng tre,đến khóm trúc thở dài hi hóp.

 Không chừng chính anh Quỳnh dò dè bà Điểm, nhưng vì sở học và linh lợi còn kém bà nên bị bà cho de chăng? Để rồi nghe đồn sau đó, anh Quỳnh mớm cho anh chàng nào đó một câu làm bà Điểm thua mà chịu lấy làm chồng.Nhưng giai thoại về bà Điểm không chỉ chuyện sau tấm phên với anh Quỳnh, mà có lần bà được Vua cho giả làm cô lái đò đưa sứ Tàu sang sông,tình cờ sứ Tàu xả hơi ( đánh rắm) vừa ngựơng với cô lái, anh ta ra đối: Sấm dậy Nam bang ( sấm làm dậy cả xứ Nam, ý là Việt nam thời bấy giờ)Không chịu thua, bà Điểm ra mạn thuyền, phạch…(không rõ thời ấy bà mặc cái gì, quần hay là cái một ống đi kèm áo tứ thân)ra đái xè xuống nước sông rồi đọc :”Vũ tuông Bắc quốc”có nghĩa cả đối ý và đối chữ cùng với chơi cho biết tay,sấm mà dậy Nam bang thì mưa tuông bên xứ Bắc( ý chỉ nước Tàu, phía Bắc nước Việt). Lần khác cũng bà Điểm, cũng sứ Tàu, lần nầy bà đóng vai cô hàng nước, sứ đi qua hàng trêu ghẹo:

 An nam nhất thốn thổ,bất tri kỷ nhân canh.
(xứ An nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày0

Bà đối lại rằng:
Bắc quốc đại trượng phu,
giai do thử đồ xuất.
(Các trượng phu xứ Bắc, cũng từ chỗ đó mà ra cả)
Quả là đau hơn hoạn.

 Chuyện nhắc tới bà Điểm mà chỉ một chiều nói anh Quỳnh thua thì không phải phép,anh Quỳnh tìm cách đến với bà là hai năm rõ mười, nhung vì than thế hai bên chệnh lệch, bà là con cụ Bảng, danh gia, cụ từng hạnh họe anh Quỳnh khi đứng trước ngõ nhà cụ trông vào, hạch anh cho chừa cái tật ngấp nghé cô Điểm.

 Thằng quỉ ôm cái đấu, đứng cửa khôi nguyên.

 Quỳnh ứng khẩu đọc luôn:
 Con mộc dựa cây bàng, dòm nhà bảng nhãn.

 Khôi nguyên là người đỗ đầu,nhưng chữ Khôi tách ra thì một bên có chữ quỉ, một bên có chữ đẩu( đẩu là cái đấu)trong câu có ba chữ quỉ, đấu , khôi vào một chữkhôi.

 Bảng nhãn, là đỗ dưới trạng nguyên,chữ bảngtách ra một bên có chữmộc , một bên có chữ bàng, trong câu của Quỳnh có đủ ba chữ mộc,bàng, bảng vào một chữ bảng.

 Chẳng nghe ai nói vì sao biết thóp như vậy mà anh Quỳnh lại được vào ở nhà cô Điểm là chuyện lạ,cái thời mà nam nữ thụ thụ bất thân ấy mà cụ Bảng không run cho anh ta tá túc, dù biết đem mỡ để miệng mèo thì cũng lạ lắm. Vì anh Quỳnh không chỉ thua mà cũng có lần thắng, và cũng táo tợn không kém thời nay.

 Có một lần tối trời, Quỳnh lẻn vào phòng riêng cô Điểm, chui vào màn nằm trước dựng”cột bườm”lên.Cô Điểm vào vô tình” sờ” phải, biết Quỳnh nghịch mới ra một câu đối :
 Trướng nội, vô phong phàm tự lập.
(trong màn không gió mà dựng bườm)

Quỳnh liền đối lại rằng:
Hung trung, bất vũ thủy trường lưu
(trong bụng không mưa mà nước chảy xiết)

Cô Điểm lại đọc luôn câu khác:
Cây xương rồng,giồng(rồng) đất rắn, long vẫn hoàn long.

Thì Quỳnh lại đáp:
Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử.

 ha ha ha…quả là cao thủ kỳ phùng.

 Chuyện trào phúng văn chương mà không ghé thăm Hồ Xuân Hương hay cụ Tú Xương là một khuyết điểm của bất cứ ai nhắc tới chuyện văn học Việt nam ,trong chuyện Chơi chữ hai vị cũng không chịu kém ai,. Ta thử lướt qua hai vị nầy trứơc khi tới với một số những câu đối độc đáo khác.

 Thuở trước Chiêu Hổ có quen biết với Xuân Hương, do ông đi làm quan lâu ngày, bà gửi thư cho ông. Ông Hổ đáp lại có hai câu:

Nay đã mần cha thằng xích tử
Rầy thì đù mẹ cái hồng nhan .


 Nhận thư bà tức quá viết lại gửi cho ông Hổ như sau:
Mặc áo giáp , dãi cài chữ đinh,mậu, kỷ, canh khoe mình rằng quí.

 Ông Hổ cũng chẳng vừa, đối lại bà:
Làm đĩ càn, tai đeo hạt khảm,tốn , ly , đoài khéo nói rằng khôn.

 Quả kẻ tám lạng người nữa cân, bên lấy thập nhị chi làm đối, bên lại lấy tám phương trong Chu dịch làm vế đối.Cũng tiếp chuyện Chiêu Hổ và Xuân Hương, có lần ông tới chơi, chờ mãi nhà trên, sốt ruột ông đi xuống, qua sân thì vướng áo quần bà phơi, khi giáp mặt bà ra câu đối :

 Tán vàng, tán tía, che đầu nhau khi nắng cực.

 Thì Chiêu Hổ đối lại rằng:
Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo.

 Ngày xuân, bà còn viết câu đối tết dán trước nhà, câu đối tết như sau:
Tối ba mươi, khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vươngbồng quỉ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ bế xuân vào.

 Còn cụ Tú làng Vị xuyên thì sao?Nường Xuân Hương thì là phụ nữ, ở không cũng nhiều vì nường có chút chữ nghĩa, nên chẳng chịu bằng long ai, và ai cũng sợ nường nên bài thơ câu đối có phần thanh, tục. Cụ Tú thì lại thiếu cái món khoa bảng mà không phải là người dỡ, nhà thì nghèo, vợ con đùm đề mà thích chơi ngông, câu dán tết của cụ rằng:

 Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi.

 Hay để giúp cho cô hang bán cau, góa chồng mà còn trẻ đẹp:

 Thiếp vì lòng trắng không thay hạt
Khách muốn môi son phải mượn màu.

 Trong cuộc sống xã hội có muôn vàn sự việc, mà cần phải dung tới câu đối, vì đó là truyền thống dân tộc, cả những người không hề biết chữ, khi có việc cũng cố xin đôi câu đối, để ghi nơi đình chùa, miếu mạo. Câu chuyện sau đây là một ví dụ.Có một chiếc thuyền đánh cá xứ Quảng nam bị bão, chết mất mười người đàn ông, bỏ lại mười người vợ,tất cả mới chung nhau làm một miếu thờ chồng chung, khi khánh thành, nhờ cụ Trần Quí Cáp, người Quảng nam, có tham gia phong trào Duy Tân xin đôi câu đối, cụ phóng bút viết rằng:

 Chích bóng gương loan, một thảm, một sầu, mười bực tức.
Gẫy con chèo quế, ba chìm, bảy nỗi, chin linh đinh.

 Thật là tài tình và ý nghĩa, vế trên tả đầy đủ nỗi khổ đau của mười góa phụ, mất chồng. Vế dưới,tả đủ sự bất hạnh của những người ngư dân, nấht là chết nước, vì chết nước thường dân gian hay có câu ba chìm bảy nỗi chin linh đinh là vậy.

 Bên cạnh những hàng tên tuổi và có tính văn chương bác học, thì câu đối cũng là một phương tiện cho giới bình dân, khuyết danh, người Việt chúng ta thích thơ phú hò vè, hẵn câu đối cũng là một cách tế nhị trong đời sống mọi mặt của xã hội

 Ngày trước có lần trùng tu đền Cổ loa, có người ra câu dối rằng:
Thúy Kiều đi qua cầu,nhác thấy chàng Kim lòng đã Trọng

 Kiều vừa là tên riêng nhân vật của Nguyễn Du,lại là chiếc cầu,Kim Trong là tên của người yêu nàng Kiều, mà khi tách ra để hai nơi lại có nghĩa khác, câu nầy không có người đối, cho tới mãi sau, có một người lữ khách đi ngang, thấy câu đối còn bỏ trống, người ấy mới đối lại một câu rằng:

 Trọng Thủy nhòm vào nước,thoáng nhìn nàng  Mỵ mắt rơi Châu.

 Câu đối rất chỉnh, cả một điển tích và một mối tình như câu trên, cũng đối cả chữ từng vị trí trong vế đối.

 Người Việt, thường rảnh rỗi ba ngày tết, dù ngày xưa, dân ta cũng nghèo, nhưng vì truyền thống có câu, có đói cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa, nên ngày tết thường đi chúc tết, thăm viếng nhau, chén trà, chung rượu ngồi hàn huyên sinh ra đối,một vài câu đối khuyết danh, không chỉnh lắm, nhưng cũng nói ra rằng chuyện chơi chữ không chỉ giới hay chữ:

 Tết có gì, cũng viết loài viết soài, cũng chữ hoài, dửng với họ ra điều học hiệc
 Xuân thì chơi, nào câu đối câu điếc, nào pháo nào phiếc, chán cho đời cái sự  Tết tung

 Hay như một cái nghề nghiệp người ta cũng mựon ra làm chuyện đối với nhau,dường như giai đoạn văn học ấy nước Nam thịnh chuyện đối chữ, hãy xem bà thợ Nhuộm khóc chồng, mà tôi nghĩ rằng đây là một người khác thấy bà thợ nhộm khóc chồng nên tức đối:

 Thiếp kể từ lá thắm se duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ
 Chàng ở dưới suối vàng có biết,vợ má hồng con răng trắng ,tím gan tím ruột với trời xanh.

 Quả là tài tình hết chỗ,thiếp đối với chàng, còn lại toàn là màu với màu của nhà thợ nhuộm,e rằng thời buổi bây giờ, chữ nghĩa cùng mình,máy móc xử lý thong minh không dễ mấy ai dễ mà ra vế đối hay như vậy. Cả chuyện một đám dốt, mà vô tình cũng được câu đối hay. Đó cũng là chuyện ngày tết,có năm tên hương lý đi tết quan,tính toán mãi không biết làm sao cho tiện, và lợi, bèn xúm nhau bàn rằng,một người đi thì tốn quá nhiều, chi bằng năm người chung lại mà tết quan,nhưng tốn thì phải tìm cách gỡ gạt, nên hẹn nhau đi vào buổi trưa, thế nào quan cũng phải mời cơm, có rượu , có thịt, thì cũng đỡ bữa.Trưa hôm đó, lũ hương lý tới nhà quan như dự tính. Bao năm làm quan, quản lý bọn cấp dưới nầy quan cũng nhão nhoẹt rồi, nhưng phải bấm bụng chơi khăm chúng một mẽ. Quan lấy thực tế trên ra liền vế đối:

 Bay sống văn lợi giấy.

 Nghe câu đối thì thấy quan cũng chẳng giõi gì, chỉ là nói thực rằng lũ bây mà sống viết văn cũng lợi giấy, ý chỉ là quá hà tiện.Quan mà đã vậy thì hương , lý của quan lại giõi gì? Chúng hoảng hốt bèn tính rằng,đã đi chung thì đối cũng chung, mỗi tên một chữ:

 Tên đầu tiên chữ Bay thì đối chữ Tung(tung bay) tên kế tiếp thì Sống đối với Chết(sống chết)tên thứ ba thì Văn đối với Điển ( văn điển, điển văn chương chứ không phải nghĩa trang Văn điển ngoài Hà nội)tên thứ tư thì đối Lợi với Tốn(ý nói lợi với hao tốn) tên thứ năm lấy Giấy đối với Tờ( tờ giấy) khi ghép lại thì câu đối như sau:

 Bay sống văn lợi giấy
Tung chết điển tốn tờ.

 Quá tuyệt, khi lái lại là : Tết chung đỡ tốn tiền, quan đành mời ăn trưa và hết sách.

 Còn khá nhiều câu đối rất hay, có những câu chưa có người đối đặng. Có cô gái thấy người con trai chọc ghẹo mình cũng ra câu đối, dù chỉ là chuyện dân dã mà thôi, như câu:

 Con cá đối nằm trong cối đá.

Anh chàng không vừa vẹn gì đối lại rằng:
Chim vàng lông đậu ở vồng lan
g

 Anh đà dối đặng e nàng chẳng ưng.

 Có một câu đối thật tuyệt vời mà cho tới nay, chuyện câu đối chỉ còn rãi rác, mà tôi chưa thấy ai đã đối được, đó là:

 Hai cha con thầy thuốc về quê, gánh một mớ hồi hương, phụ tử.

 Đây là câu đối toàn chữ quốc ngữ, mà lại là chữ Hán, vì đoạn đầu, hai cha con thầy thuốc về quê, gánh một mớ. Toàn là quốc ngữ, còn hai từ kép phía sau là tên hai vị thuốc Bắc, nhìn qua thì là hai cha con ông thầy thuốc về quê gánh hai vị thuốc với tên đó. Ngặt nỗi tên hai vị thuốc ấy lại dịch theo chữ Hán là cha con(phụ tử) và về quê( hồi hương) có lẽ bao đời chưa có người đối được, câu nầy chỉ một mình đi vào văn học sử mà không có ứng đối.

 Còn nhiều và nhiều lắm, mà trong giới hạn bài báo không thể viết hết,ngày xuân, giãi khuây một chút để ôn cố tri tân,mà hiểu rằng cha ông chúng ta, cái chữ dù trước là học của Tàu, nhưng cái nghĩa thì không chịu thua kém họ mà còn có khi hơn, thế mới biết, không chỉ trong đánh giặc chống ngoại xâm phương Bắc mới là truyền thống lẫy lừng của dân tộc. Mà trong văn chương, bao phen, bao Trạng của nước Việt đã làm giặc Tàu cũng khiếp không kém bày binh bố trận. Ôn cố tri tân mới tiếc rằng hào khí dân tộc bị nhạt nhòa, bị khiếp nhược, mà làm người dân thấy vừa tủi nhục vừa hờn căm, với giai đoạn lịch sử tăm tối của dân tộc, thất buồn thay cũng kiếp một con người, mà ai vinh, ai nhục, lịch sử có công minh hay bị bóp méo vì một âm mưu tiểu nhơn.

 Viết tới đây, nhìn cái đồng hồ Tây của vợ chồng Nghị Quế thấy đã hai giờ sáng, vươn vai nhìn vào giường thấy bà vợ già nằm ngủ ngáy khò khò, nhớ lại rằng còn sót một câu thời ông Tây sang đô hộ Việt nam, dù buồn ngủ cũng ráng viết ra cho trot.Đó là:

 Tám giờ, xe lửa huýt
Hai cẳng, nằm ngay đơ

 Đó là bà vợ tôi đang ngủ,Tám là số tám, cói xe lửa huýt, cũng là số tám theo tiếng Tây huýt là tám.hai là số hai, hai cẳng, ngủ thì nắm ngay đơ lại trùng với chữ đơ tiếng Tây là số hai.Xin cảm ơn bạn đọc và tòa soạn, tôi cũng hai cẳng nằm ngay ĐƠ đây.

 Du Lam


Nhận xét

Bài đăng phổ biến