ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN KHAI BÚT


ĐẦU NĂM 
NÓI CHUYỆN KHAI BÚT

Khai bút đầu Xuân từ lâu đã là một nét đẹp trong văn hóa Tết của người Việt. Theo thời gian, phong tục “minh niên khai bút” ấy như một mạch nguồn chảy mãi, trở thành nếp quen thuộc trong những ngày đầu năm mới, được nhiều người Việt thực hiện với sự trang trọng, tâm thành...

“Khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam ta-một dân tộc từ ngàn đời đã có truyền thống hiếu học. Với người Việt, bút là công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… đồng thời cũng là để tự nhắc nhủ mình, nhắc nhủ người, gửi gắm ước nguyện của mình trong năm mới đến”-Thạc sĩ Chử Lương Đào-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nhấn mạnh.

Nét đẹp văn hóa Việt

Thạc sĩ Chử Lương Đào đón tôi với nụ cười ý nhị và lời chúc của một người trong nghề: ông chúc tôi năm Quý Tỵ có nhiều sức khỏe, đi khỏe, viết khỏe. Sau khi cảm ơn ông (cũng bằng một lời chúc), tôi khe khẽ kéo ghế ngồi, đắm mình trong không gian đặc quánh trầm hương và lặng lẽ nhìn ông rót rượu mời khách. Sự chậm rãi và cẩn trọng trong từng động tác của ông dường như đang khiến xui thời gian muốn chậm lại, không gian thêm rộng ra, trong bời bời xúc cảm. Không để tôi chờ đợi lâu, ông bắt ngay vào chuyện-câu chuyện khai bút đầu xuân đã được tôi đề cập đến trong những cuộc điện thoại trước đó.

Theo thạc sĩ Chử Lương Đào, khai bút đầu xuân từ lâu đã trở thành một phong tục đầu năm của dân tộc, nó gắn chặt với việc học hành, tôn trọng sự học và sự sáng tạo, là một việc làm mang ý niệm tâm linh, ước mong một năm mới thành công, nhiều may mắn sẽ đến với ta và cả những người mà ta yêu quý. Đối tượng khai bút đầu năm thường là các nho sĩ, ông đồ, các nhà thơ, nhà văn và những người cầm bút nói chung; thời gian cho việc khai bút được tính từ sau giao thừa, rộng hơn là trong những ngày đầu năm mới, trong một không gian nghiêm cẩn, trang trọng, bởi vậy, người khai bút phải ăn mặc chỉnh tề và đặc biệt, tâm phải trong sáng, đẹp đẽ.

“Khi khai bút, người ta hay dùng những đại tự để viết, thường là những chữ: Tâm, Phúc, Thọ, Lộc…; hoặc cũng có thể là một vài câu đối, 1 bài thơ ngắn, nếu là thơ do mình sáng tác ra thì sẽ thêm phần ý nghĩa… Đây sẽ được xem như một tôn chỉ sống, một ước nguyện trong năm của người viết”-Thạc sĩ Chử Lương Đào nhấn mạnh. “Vậy năm Quý Tỵ này, đâu là câu thơ hay đại tự mà ông dùng để khai bút?”. “Hầu như năm nào tôi cũng khai bút đầu Xuân, bởi vậy, tôi luôn thấm thía rằng, để có một khai bút hanh thông thì cái tâm phải sáng và phải thực sự có cảm xúc. Khai bút không chỉ là hành động tôn trọng quá trình sáng tạo trong cả một năm tiếp theo của mình mà còn thể hiện sự tôn trọng người khác, đặc biệt là những độc giả yêu mến chữ nghĩa của mình. Năm nay, tôi viết chữ Thứ-với mong muốn, sẽ cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác để xử sự, ứng xử…”.

Gửi gắm ước nguyện của năm

Trong mạch nguồn xúc cảm, thạc sĩ Chử Lương Đào dành thời gian kể cho tôi nghe câu chuyện liên quan đến chữ Thứ-chữ mà ông luôn trân quý, lấy đó làm phương châm sống của mình. Ấy là câu chuyện của Tử Cống-một học trò của Khổng Tử hỏi thầy về lẽ sống, đạo sống ở đời: Tử Cống hỏi thầy: “Có một chữ nào mà có thể suốt đời làm theo nó được không?”. Khổng Tử trả lời: “Chữ Thứ ấy chăng! Điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”. Nghe chuyện, tôi chợt hiểu vì sao ông lại yêu mến và quý trọng chữ “Thứ” này đến vậy. Thì chẳng phải, ở ngay trong chữ “Thứ” ấy, bên trên là chữ “Như”, bên dưới là chữ “Tâm” đó sao!

Đem theo câu chuyện đầy ý nghĩa này của thạc sĩ Chử Lương Đào, tôi tìm gặp nhà thơ Văn Công Hùng-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai. Nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ cùng tôi về việc khai bút đầu năm của mình: “Hai mươi năm rồi, năm nào cũng thế, chiều 30 Tết nào tôi cũng tự tay làm một mâm rượu, gọi vài người bạn thân để có một cuộc ngồi vui vẻ và sau đó thì ngồi khai bút, thường chỉ làm thơ thôi. Những bài như "Chiều cuối năm mưng mưng nắng", "Đêm cuối năm, nghe lá", "Bỗng chiều"... là những ví dụ".

Nhà thơ bộc bạch... "Năm nay, khi cả nhà đi xem pháo hoa, mình ngồi trước máy và gõ, hình như chỉ vài chục phút là xong bài “Liên tưởng này ba mươi”. Nói rồi, nhà thơ đọc cho tôi nghe bài thơ khai bút của mình-một bài thơ có những câu thơ lạ và đầy chất Văn Công Hùng: "Ly rượu cô vào đêm, giao thừa chợt nhiên sớm/ ta trôi vào mê lạc chợt nhiên em/ những niên kỷ trôi phận người lặng lẽ/ mê lạc nào em, ta thấy chợt nhiên mình/ không gió được giao thừa này mê muội phía không mình vòm trời khác mải trôi…”.

Còn đối với tác giả trẻ Lê Vi Thủy, khai bút cũng luôn là một việc không thể thiếu đối với mình. Thủy tâm sự: “Năm nào cũng vậy, không hẳn là một thói quen nhưng đã trở thành thường lệ, đó là vào đêm giao thừa sau khi xem bắn pháo hoa thì tôi đi chùa với gia đình, khi về nhà bắt đầu mở máy tính và viết-viết khi đã mường tượng trong đầu của mình những ý và tứ. Vậy nên, tôi thường khai bút vào rạng sáng ngày mồng một, một ngày mà tôi cho là sự khởi đầu của một năm mới với nhiều điều suôn sẻ và vui vẻ".

Thủy bảo: "Khi cầm bút hay gõ trên bàn phím có thể tôi viết được một bài thơ, hay một đoạn tản văn ngắn ngắn, cũng có thể tôi chỉ viết vu vơ một điều gì đó không đầu không cuối nhưng tôi lại cảm thấy rất vui, và mong muốn luôn giữ được niềm vui này cho suốt cả năm. Tôi hi vọng trong năm mới Quý Tỵ này tôi sẽ gặp được nhiều niềm vui, hạnh phúc. Đây cũng là niềm hi vọng tôi muốn gửi tới tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những độc giả mến yêu của tôi…”.

Thu Huế



Nhận xét

Bài đăng phổ biến