NHÂN TẾT NÓI CHUYỆN “ĂN’
NHÂN TẾT
NÓI CHUYỆN “ĂN’
Ăn là câu chuyện của muôn
thuở. Từ cổ chí kim, hỏi có ai không ăn mà sống được? Tết nhất hội hè, người
ta thường hay tổ chức ăn uống linh đình. Đó cũng là chuyện đương nhiên. Trong
bài này, tôi không có ý lạm bàn về chuyện ẩm thực (ẩm: uống, thực: ăn).
Tôi muốn nhân đây để bàn về một vấn đề liên quan tới ngôn ngữ. Đó là ngữ
nghĩa của tổ hợp từ ăn Tết.
Từ điển tiếng Việt (Viện
Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên) đã thống kê tới 159 tổ hợp có từ ăn đứng
đầu. Dĩ nhiên, các từ này phải có nghĩa xuất phát, nghĩa cơ bản của ăn,
được giải thích là “tự cho vào cơ thể thức nuôi sống”. Ăn cơm, ăn cháo,
ăn cám, ăn cỏ, ăn ráy, ăn khoai,… là ăn các thức ăn cụ thể. Ăn sáng, ăn
trưa, ăn tiệc, ăn cỗ, ăn sam,... nói về việc ăn trong các thời điểm và nghi
thức, kiểu cách khác nhau. Ăn bớt, ăn bẩn, ăn chặn, ăn cắp,… là các lối
“ăn” được coi là xấu, liên quan tới tư cách, phẩm chất của người
ăn,... Miếng ăn quá khẩu thành tàn (tục ngữ) mà!
Tuy nhiên, có một loạt tổ hợpăn mà
nghĩa chung của nó lại được thay đổi lệch sang thành tố sau.
Ví dụ:
- ăn chia: chia phần (giữa những
người, những bên cùng tham gia một công việc nào đó). Tụi mình đã làm ăn
với nhau trước hết ăn chia phải sòng phẳng; ăn cho đều kêu cho
sòng (tục ngữ).
- ăn chơi: chơi bời, tiêu khiển
bằng các thú vui vật chất (và tinh thần). Tay ấy được coi là kẻ ăn chơi
bậc nhất, sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ.
- ăn dỗ: dỗ dành, lừa phỉnh
(để kiếm ăn). Rõ dơ! Người nom thế mà lại đi ăn dỗ trẻ con..
- ăn mặc: mặc hay những vấn đề
thuộc về trang phục nói chung. Hôm nay ngày kị, con nhớ ăn mặc sao cho
chỉnh tề nhé!
- ăn nhậu: nhậu nhẹt, chè
chén. Chiều nào hội này cũng ăn nhậu với nhau đến khuya.
- ăn tiêu: tiêu pha (trong đời
sống). Nhà ấy kiếm ra tiền nhưng ăn tiêu dè sẻn lắm.
v.v.
Ta thấy, nghĩa của các tổ hợp có
ăn trên không có sự hoà kết tương đồng “ăn + x”. Lẽ ra, ăn ở đây phải
mang nghĩa trội nhưng qua quan sát, nghĩa chủ yếu lại rơi vào yếu tố đứng
sau. Chẳng hạn, ăn chia: chia là chính, ăn chơi: chơi là chính, ăn
mặc: mặc (trang phục) là chính,… Lẽ ra, chí ít trong kết hợp 1 + 1 này,
2 thành tố phải ngang bằng về ngữ nghĩa (như nhà cửa, cơm nước, rau cỏ,
hoa trái,…). Vậy mà, “anh chàng” ăn kia lại bị đẩy sang một bên, để
anh chàng đứng sau lấn át. Rõ ràng, đây là các kết hợp “có vấn đề”.
Trở lại với từ ăn Tết mà
chúng ta đang bàn. Tết là “ngày lễ lớn hàng năm, thường có cúng lễ,
vui chơi, hội hè theo phong tục và truyền thống dân tộc”. Ở Việt Nam ta có rất
nhiều tết: Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung
Thu,… Bây giờ lại có thêm nhiều tết nữa: Tết Dương lịch, Tết trồng
cây, Tết người nghèo, …
Dĩ nhiên, nói đến Tết, mỗi người
Việt Nam sẽ nghĩ ngay tới Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết
ta) quen thuộc, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Làm như ba ngày mùa để đâu cho hết,
ăn như ba ngày Tết lấy gì mà ăn; Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết… (tục
ngữ). Tết là dịp người ta chuẩn bị sắm sanh đồ ăn thức uống đủ đầy. Ngày
ba mươi Tết thịt treo trong nhà; Khôn ngoan tới cửa quan mới biết, giàu có ba
mươi Tết mới hay (tục ngữ). Nhưng cao hơn cả là những hoạt động hướng về tổ
tiên, nguồn cội. Tháng Giêng ăn Tết ở nhà. Dù ai đi đâu làm đâu, dẫu
xa đến mấy vẫn lấy tết là một thời điểm cần phải hành hương về quê, đoàn tụ với
người thân, xóm làng. Ở đó có hương hoả, tổ tiên và quê hương nguồn cội của họ.
Theo truyền thống dân gian, cách ứng xử với cha mẹ ông bà là một nét làm nên
chữ hiếu. Con cái có hiếu nghĩa mới thực sự được coi là nên người, được tổ
tiên phù hộ, may mắn, thành đạt...
Tết cũng là dịp người ta đoàn
tụ một cách đầy đủ nhất. Tổ ấm gia đình là nơi ta gửi gắm, sẻ chia nhiều điều
từ điều lớn lao tới điều nhỏ nhặt. Ăn cơm mới, nói chuyện cũ (tục
ngữ). Mỗi khi Tết đến xuân về, những người già, người lớn tuổi thường
nhân dịp con cháu quây quần để “ôn cố tri tân”. Coi đó là một dịp nhắc nhở và
răn dạy các thế hệ hậu sinh. Và các thế hệ hậu sinh này hướng về các bậc cao
niên sinh thành để đáp lễ, bằng các hành động, bằng sự tri ân (biếu tiền bạc,
tặng quà cáp, báo cáo sự thành đạt…). Tết là dịp để mỗi người, mọi người tổng
kết, nhìn lại và suy ngẫm về quá khứ và định hướng cho tương lai.
Rồi cũng nhân dịp Tết, người
ta thường tổ chức các lễ hội mừng xuân: hái lộc, ra chùa cầu may mắn, tham
gia các trò vui mang tính thể thao, như chơi đu, bắt chạch trong chum, bịt mắt
bắt dê, ném còn… Ai đã từng về vùng nông thôn xưa, nhân dịp Tết, sẽ thấy
có rất nhiều đám đông tụ họp, ăn mặc đẹp nhiều màu sắc, vui chơi, nhảy múa
trong tiếng nhạc và tiếng trống rộn ràng. Tháng Giêng là tháng ăn
chơi (tục ngữ) mà.
Như vậy, ăn Tết hình
như không chỉ có “ăn” và “ăn” chỉ là một phần nhỏ làm nên cái Tết. Hương vị Tết
phải là những gì mang nét đẹp tinh thần, có ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng và đậm
chất nhân văn truyền thống. Tết (với nghĩa rộng như trên đã nói) là
thành tố chủ đạo làm nên tổ hợp từ ăn Tết. Tết là thời điểm đặc biệt, và
ý nghĩa của nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mọi người dân Việt Nam. Tết
chẳng riêng ai, Tết mọi nhà / Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên (tục
ngữ).
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH
Nguồn: Tạp chí Từ điển học
& Bách khoa thư
|
|
Nhận xét
Đăng nhận xét