NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN CHỮ


NGÀY TẾT
NÓI CHUYỆN CHỮ

Cùng với tiến trình sáng tạo văn minh của loài người, việc có chữ viết là một giá trị vĩ đại, nhưng chữ cũng bị “hàm oan” khi bị lạm dụng.

Bí ẩn chữ viết của những nền văn minh

Khi Bonaparte mới 29 tuổi, chưa được làm Tổng tài thứ nhất (thực chất là Hoàng đế), đã có công lớn với nhân loại khi đưa về Pháp “Đá Rosetta”. Tình cờ, khi đào chiến hào ở pháo đài Julien, gần TP. Rashid (Rosetta) phía đông Alexandria, Ai Cập vào tháng 8.1799, chiến binh Pierre Francois Bouchard thấy một phiến đá màu đen khắc kín chữ.

Ngay lập tức, phiến đá được đưa về Alexandria để các nhà khoa học đi cùng quân Thập tự nghiên cứu. Họ thấy, văn bản trên cùng viết bằng chữ tượng hình; văn bản ở giữa gần giống chữ Ả Rập; văn bản dưới cùng đọc được, viết bằng chữ Hy Lạp cổ, là một sắc lệnh năm 196 TCN nhân danh Hoàng đế Ptolemy V (204 - 180 TCN), ban hành ở Memphis (hiện còn phế tích cách Cairo 19km về phía nam, bên bờ tây sông Nile).

Các nhà khoa học tin rằng ba văn bản có nội dung như nhau, để khám phá nội dung hai văn bản còn lại, họ in nhiều phiên bản và đưa cùng “Đá Rosetta” về Pháp. Năm 1814, Bonaparte (lúc này là Hoàng đế Napoleon I) sau cuộc xâm lăng Nga, đại bại dưới tay Nguyên soái Kutuzov và liên tiếp thua trận ở Châu Âu. Liên minh phong kiến Châu Âu chiếm Paris, buộc Napoleon thoái vị và đày ra đảo Elba (Địa Trung Hải).

Binh lính Anh được lệnh đã đưa “Đá Rosetta” về Anh, vì từ khi phát hiện, tin tức về bảo vật lưu giữ những bí mật lớn lao hơn 1.400 năm của Ai Cập cổ đại đã lan truyền khắp Châu Âu. Khỏi phải nói các nhà khoa học Châu Âu đã dốc sức như thế nào để giải mã bí ẩn hai văn tự kia, nhưng cánh cửa ngôn ngữ vẫn đóng chặt trước mặt họ.

Chữ trên “Đá Rossetta”.
Khi tìm thấy “Đá Rosetta” thì một người Pháp là Jean Francois Champion mới 8 tuổi, ông may mắn sống cùng những người say mê nghiên cứu Ai Cập và đam mê này đã truyền cảm hứng cho ông. Năm 13 tuổi, Champion đã học tiếng Hy Lạp, Latin, Do Thái cổ, Ba Tư... Champion nung nấu ý chí phải đọc được những văn tự bí ẩn kia và không hiểu sao ông “tin” rằng văn tự thứ hai là chữ Coptic.

Do ảnh hưởng văn hóa giữa người Sumer và người Akkad cùng sống trên vương quốc Assyria (miền bắc Iraq hiện nay) đã hình thành thời kỳ tiền chữ viết khoảng Thiên niên kỷ (TNK) IV TCN. Người Sumer lại sáng tạo ra chữ viết đích thực vào TNK thứ 3 TCN, là chữ tượng hình nhưng dùng hình vẽ chỉ âm tiết kết hợp với hình vẽ khác để phân biệt khái niệm (gọi là chữ hài thanh). Ví dụ: Vẽ bàn chân với âm na là “đi”, với âm ba là “đứng”; vẽ cái cày cạnh người là “người đi cày”.

Chữ hài thanh làm khoảng 2.000 chữ tượng hình. Họ còn sáng tạo ra chữ tiết hình, đầu nét to, cuối nét nhỏ, được truyền bá cho các dân tộc Babilon, Assyria, Akkad... và các tộc người ở Tây Á. Chữ tiết hình được viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái và khoảng 1.500 năm TCN là ngôn ngữ của các văn bản ngoại giao. Đến TNK thứ II TCN, thành Uganit ở miền bắc Phoenicia (Li Băng ngày nay) dựa vào chữ tiết hình đặt ra 29 chữ cái, trong khi miền Nam Phoenicia lại phát kiến 24 chữ cái từ chữ tượng hình Ai Cập và dần chiếm ưu thế nên trở thành ngôn ngữ chính của nước này.

Chữ Phoenicia đặt dấu ấn lịch sử vì từ nó sinh ra chữ Hy Lạp và Latin hiện nay: Chữ cái Phoenicia đầu tiên là alpha (con bò), chữ thứ hai là beth (cái nhà) là hai chữ Hy Lạp alpha và beta; hệ Latin cũng lấy hai chữ này làm đầu dãy alphabet…

Bonaparte trước tượng Nhân sư, tranh của Jean Leson Gérôme.
Khi chữ viết trở nên khá rộng rãi ở Ai Cập, từ chữ này lại phát sinh kiểu chữ khắc đơn giản hơn được cho là chữ viết của các thầy tế và giới bình dân. Các “biến thể” này viết trên giấy cói lại dễ dàng hơn, được gọi là chữ Demotic. Thay đổi này không làm mất đi chữ tượng hình, đặc biệt ở các đền đài và văn bản được coi là chính thống. Cũng do cộng sinh văn hóa trong thời kỳ dài Ai Cập Ptolemaios và La Mã, chữ Demotic biến đổi, dựa trên 24 chữ cái Hy Lạp cùng một số ký tự Demotic, thành ngôn ngữ Coptic, mô phỏng âm thanh nhưng không phải ngôn ngữ Hy Lạp.

Có lẽ vì thế mà “Đá Rosetta” ngoài chữ Hy Lạp cổ, còn có hai văn bản bằng chữ tượng hình và chữ Coptic? Champion “tin” văn bản thứ hai là chữ Coptic - một ngôn ngữ pha trộn - không phải là vô căn cứ.

Khi bắt đầu “dịch” hai văn bản bên trên của “Đá Rosetta”, Champion linh cảm chữ Coptic kết hợp biểu ý (mỗi ký hiệu kết hợp với một âm tương ứng với một ý, ví dụ: Con mắt và làn sóng (nước) nghĩa là khóc) lẫn tượng âm (mượn âm thanh, mỗi ký hiệu tương ứng với một âm tiết, ví dụ: Bó hành tương ứng với âm xum). Champion nhờ bạn bè ở Ai Cập gửi cho những bản sao văn bia ở các công trình kiến trúc cổ của nền văn minh này. Đầu tiên, ông đọc được tên các danh nhân Hy Lạp và La Mã như Alexandria, Jules Caesar, Cleopatre, Augustus, Nero, Ptolemee và các Pharaon Ai Cập, Thoutmosis, Ramses...

Rồi ông tìm ra ký hiệu các chữ cái cơ bản và đọc được tất cả các ký hiệu. Khi làm chủ hoàn toàn chữ Ai Cập cổ, ngày 14.9.1822, Champion công bố phát hiện của mình. Ông được Chính phủ CH Pháp cử quản lý các bộ sưu tập Ai Cập ở bảo tàng Luvre. Năm 1827, khi khảo sát Ai Cập, ông đi dọc sông Nile và đọc tất cả những văn bia ở mọi cung điện, đền đài, lăng mộ các triều đại Pharaon. Champion càng vĩ đại hơn khi TK V, Gherapolon, một nhà khoa học Ai Cập dày công nghiên cứu nhưng không đọc được chữ Ai Cập cổ và TK XVII, một số người khác cũng thất bại.

Muộn hơn, chữ viết của Ấn Độ xuất hiện vào thời kỳ văn hóa Harappa (thời kỳ văn minh lưu vực sông Ấn, đầu TNK III - giữa TNK II). Người Ấn đã trải qua các chữ Kharosthi, Sanskrit, Prakrit; từ chữ Brahmi và Devavagari lại đặt ra chữ Pali (Nam Phạn)... Nhà bác học Pháp Laplace viết: “Có 10 chữ mà viết được đủ các số. Bậc thiên tài nhất thời cổ đại Acsimet và Apollonios cũng không phát minh ra... thì người Ấn tài tình đến thế nào”.

Người Trung Quốc có chữ viết từ thời Thương (Ân - TK XVI - XVII, TCN) nhưng không thống nhất. Thời Tần, Lý Tư kết hợp lại thành chữ Tiểu triện, sau thay đổi thành chữ Lệ, rồi chữ Chân, đến chữ Hán ngày nay. Tiếng Việt cổ được cho là nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ phương Tây dùng tiếng Latin phiên âm tiếng Việt cổ TK XVII mà có.

Hiện thời, khoảng 6.500 ngôn ngữ đã “chết”, trong đó nhiều tiếng “chưa” đọc được, nhân loại đang dùng khoảng 3.000 ngôn ngữ và nhiều tiếng nguy cơ thất truyền.

Xin đừng “nhân danh” cái chữ!

Lan man chuyện “Đá Rosetta” chỉ là muốn nhắc lại chữ là chìa khóa để mở cửa nền văn minh. Thế nhưng ở ta đang lắm “bệnh” phải trị mà bệnh “nhân danh” chữ nghĩa đã vào cao hoang, khó chữa. Mỗi năm có khoảng 1.500 vụ làm giả giấy tờ, hồ sơ, từ Giấy ra viện cho đến Bằng đại học, từ viết tay đến ứng dụng công nghệ vi tính cao, làm tổn thất khoảng 1.250 tỉ đồng.

Có từ giả chữ ký (là dạng đặc biệt của chữ viết) của người ghi số đề đến cả Thủ tướng, hay “gõ trống qua cửa nhà sấm”, ký giả cả chữ ký của lãnh đạo Viện Khoa học Hình sự (cơ quan giám định chữ viết) và Giám định viên chữ viết. Tuy thiệt hại vật chất lớn nhưng cũng chỉ là “trộm chó, bắt gà” so với chuyện đạo chữ; thay nghiên cứu, tư duy tổng hợp, trích dẫn bằng “tầm chương trích cú”, sao chép, vay mượn, học xa rời thực tế nên học xong không “dùng” được; rồi nhan nhản những cuộc thi vì “thành tích” hay loạn tiến sĩ, bởi những chuyện này làm hỏng nhiều thế hệ.

Ai cũng biết, thay đổi hình thức không thay đổi được nội dung, thế mà khi chữ Quốc ngữ (sử dụng 27 ký tự Latin), đơn giản, tiện lợi, dễ học, dễ nhớ, đang yên lành thì người ta lại “cách mạng” nó bằng đưa chữ e nên đầu dãy alphabet, với lý do khó nghe hoặc mới đây có người muốn già trẻ, lớn bé học lại từ đầu vì thay đổi quá nhiều mặt chữ! Nếu những thay đổi này làm tiếng Việt thành ngôn ngữ lớn như tiếng Anh hay Pháp thì làm quá đi chứ!?

Hai nhà cách tân song thời, Fukuzawa Yukichi ở Nhật và Nguyễn Trường Tộ ở ta đều cho rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, nhưng những cách này chắc chắn không “dạy” cho tư duy con người khá lên được!

NGUYỄN VĂN


Chân dung Jean Francois Champion.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến