NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI


NĂM MỚI  
NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI

Hình ảnh, phong tục ngày tết đã đi sâu vào thơ văn Việt Nam, tỷ dụ như câu đối tết rất quen thuộc với chúng ta:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh

Riêng câu đối đỏ đã trở thành bất hủ qua bài thơ Ông Đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên đăng trong báo Tinh Hoa năm 1936:
….
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay

Câu đối là một sản phẩm văn hoá truyền thống, vừa mang tính cách trí tuệ, lại có màu sắc nghệ thuật.  Vì thế thú chơi câu đối được xem là một giải trí tao nhã, được nhiều tầng lớp dân chúng tán thưởng và yêu chuộng.  Tuy nhiên, từ khi chữ Hán/Nôm trở nên thiếu thông dụng, câu đối có xu hướng dần dần mai một.  Trong nếp sống bận rộn ngày nay, ít người làm câu đối, xin câu đối hay treo câu đối trong nhà.  Nhân dịp tết Quý Tỵ sắp đến, người viết xin cố gắng gom góp các bài viết, tài liệu về câu đối cũng như trí nhớ của mình để cùng người đọc nhớ lại thú chơi câu đối của người xưa.

Nguồn gốc câu đối

Câu đối là một loại văn biền ngẫu (biền: hai ngựa sóng đôi; ngẫu: chăn đôi) tức là văn không có vần mà có đối.  Biền văn (bao gồm đối, phú và văn tế) bắt nguồn từ Trung Hoa và dần dần lan tràn đến một số nước lân cận như Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản.  Câu đối được xem như tinh túy văn hóa chữ Hán.  Người Trung Hoa gọi câu đối là đối liên nhưng tên gọi xưa của nó là đào phù vì họ có phong tục treo tấm bùa (phù) bằng gỗ đào trước cửa nhà để xua đuổi ma quỷ (xem Nguyễn Thừa, 2005). Trong bài Nguyên Nhật, văn hào Vương An Thạch (1021-1086), Tể tướng đời Tống, đã xuống bút “Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật, Tổng ba tân đào hoán cựu phù” (Cả ngàn vạn nhà vừa rạng sáng, cùng thay bùa cũ bằng bùa đào mới).

Biền văn ở Trung Hoa có quá trình phát triển lâu dài và trở nên cực thịnh trong thời kỳ Lục Triều (229-589) với lối cổ thể, theo đó, chỉ cần những cặp câu đối nhau, không cần có sự hiệp vần, cũng không hạn chế số lượng chữ và cách đặt câu (xem Phannguyenquoctu, 2011) . Đến đời Đường (618-907) biền văn đã đi vào khuôn phép với quy luật chặt chẽ.  Thơ Đường luật có thể xem là tổng hợp của vận văn và biền văn.  Trong thơ Đường luật bát cú, mỗi cặp thực (câu 3 và 4) hay luận (câu 4 và 5) đều là một câu đối.  Nhiều bài thơ Đường bát cú, ví dụ như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, có thể xem là bốn câu đối hoàn chỉnh.

Tuy câu đối ở Trung Hoa có nguồn gốc rất lâu đời như nói bên trên, nhưng theo sách Tống sử Thục thế gia, câu đối đầu tiên được ghi lại là do Mạnh Sưởng, chúa nhà Hậu Thục, viết trên tấm gỗ đào vào năm 959 (xem Nguyễn Thừa, 2005):
 
Nguyên bản:
新年納餘慶
嘉節號長春
Phiên âm:
Tân niên nạp dư khánh
Gia tiết hiệu trường xuân
Dịch ý:
Năm mới thừa chuyện vui
Tiết đẹp xuân còn mãi

Câu đối truyền vào Việt Nam như thế nào và câu đối xưa nhất được ghi chép lại của ai là những câu hỏi chưa thấy có nhà nghiên cứu nào đề cập đến.  Tuy nhiên, do ảnh hưởng Trung Hoa, người Việt cũng có lệ treo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Đồ và Uất Luỹ trên hai bên cửa ngõ nhân ngày tết.  Trong bài thơ Nôm song thất lục bát Tứ Thời Khúc Vịnh, nhà thơ Hoàng Sĩ Khải, Thượng thư triều Mạc, đã viết “Chung Quỳ khéo vẽ nên hình, Bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà” (xem Nguyễn Ngọc Tiến, 2011).  Sau này bùa gỗ đào được thay bằng câu đối giấy dán hai bên cửa, vừa xua đuổi ma quỷ lại vừa nói lên ước vọng của chủ nhà. 

Theo nghiên cứu, đến thời Hậu Lê, vào khoảng thế kỷ 15, thú chơi câu đối tết đã trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng khắp kinh đô Thăng Long (xem Nguyễn Ngọc Tiến, 2011).  Câu đối tết treo khắp nơi, từ dinh thự các quan, cửa hàng buôn bán dến nhà dân thường.  Rất nhiều giai thoại về câu đối tết và tài ứng đối đã được ghi nhớ lại trong văn chương bình dân cũng như văn chương bác học.  Tương truyền một năm gần tết Vua Lê Thánh Tông đã vi hành quanh Thăng Long và làm câu đối tết cho anh hốt phân, người thợ nhuộm và bà bán hàng trầu nước.
  
Cũng như văn chương bác học nói chung, câu đối đã trải qua một quá trình Việt hoá lâu dài.  Câu đối thoạt tiên do các bậc túc nho hay các người hay chữ làm bằng chữ Hán.  Đến thời nhà Mạc (khoảng thế kỷ 16), lệnh vua bắt dùng chữ Nôm thay chữ Hán.  Khi nhà Mạc thất thế, chạy khỏi Thăng Long, người ta trở lại dùng chữ Hán vì chữ Nôm khó hơn.  Đến thời nhà Nguyễn, các tác giả lớn như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyến Khuyến có xu hướng làm câu đối bằng chữ Nôm.  Đặc biệt, thi hào dân tộc Nguyễn Khuyến (1835-1909) lại còn mang cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối.  Quá trình Nôm hoá câu đối như vậy có thể tạm xem là chấm dứt với Nguyễn Khuyến.  Đến hậu bán thế kỷ 19, chữ Việt (quốc ngữ) với văn phạm Âu tây trở nên phổ biến.  Một đặc điểm của cú pháp chữ quốc ngữ là lối phân chia đoạn trong một câu, khác với cú pháp tiếng Hán.  Với chữ quốc ngữ và cách ngừng giữa câu, quá trình Việt hoá câu đối có thể xem như hoàn tất.

Tóm lại, câu đối không chỉ là món ăn tinh thần phổ biến cho nhiều tầng lớp dân chúng, mà còn là nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam.  Câu đối được dùng để trang hoàng chốn cung đình, nơi công sở, đình chùa dền miếu và cả nhà dân, nhất là vào những dịp tết, tân gia, quan, hôn, tang, tế.  Những người hay chữ trước đây có phong tục viết câu đối vào sáng mùng một tết.  Sau khi đã làm lễ cúng tế trời đất, gia chủ ngồi xuống viết câu đối bầy tỏ ý nguyện, mong muốn gia đình dòng họ một năm mới an khang, thịnh vượng.  Nếu không tự viết được thì phải đi xin hay mua câu đối tết từ những ông đồ.  Sau một thời gian dài mai một, như đã mô tả trong bài Ông Đồ, tại thủ đô Hà Nội lại xuất hiện tục xin chữ thầy đồ hay nhờ thầy viết câu đối trước Tết.  Đây là một triệu chứng tích cực cho văn hóa chơi chữ và câu đối của người Việt.
Định nghĩa và phân loại câu đối

Câu đối gồm hai câu (gọi là hai vế) đi song nhau, hai vế bằng nhau về số chữ, không vần nhau nhưng phải tuân thủ những quy tắc về cân xứng.  Nếu câu đối do một tác giả làm ra thì gọi là vế trên và vế dưới.  Trong trường hợp này, câu đối thường biểu hiện quan điểm, tâm sự hay tình cảm của tác giả trước một hiện tượng xã hội hay một sự kiện nào đó (có thể đang xẩy ra).  Một số không nhỏ câu dối cũng làm ra để tặng cho người khác.  Nếu câu đối do hai tác giả thì vế nghĩ ra trước là vế ra, vế làm ra sau là vế đối.  Trong trường hợp này câu đối biểu hiện kiến thức, khă năng văn chương chữ nghĩa, sự thông minh nhanh trí và tài ứng khẩu đối đáp của hai tác giả, nhất là tác giả vế đối.

Câu đối có thể làm bằng chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Việt, và nhiều câu đối nổi tiếng pha trộn cả chữ Nôm lẫn tiếng chữ Hán trong cùng một vế hay một vế chữ Hán một vế chữ Nôm (xem những ví dụ trong các phần sau).  Rất nhiều câu đối chỉ truyền miệng hay bàn luận trong văn chương.  Chỉ có một số câu đối, ví dụ như câu đối thờ gia tiên, mừng thọ, chúc tết, vv, là được viết ra với mục đích trang hoàng.  Câu đối chữ Hán/Nôm phải viết theo hàng dọc và treo từ phải qua trái, nghĩa là vế trên treo tay phải, vế dưới treo tay trái (nhìn từ ngoài vào trong nhà).  Câu đối viết bằng chữ Việt vẫn thường viết theo hàng dọc nhưng lại được treo từ trái sang phải, giống như cách viết tiếng Việt  Câu đối tết thường dán ngoài hiên, trên cửa hay trên cột nhà.
Về trang trí câu đối nói chung có ba hình thức:

• Câu đối giấy:  Câu đối tết thường viết trên giấy màu đỏ (như hồng điều, cánh sen) vì màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, phù hợp với không khí thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền.  Nếu nhà có tang thì câu đối thường được viết trên giấy màu vàng hay xanh lục.  Mực viết màu đen nhưng cũng có khi màu vàng.

• Câu đối gỗ: Câu đối gỗ cần chọn loại gỗ tốt (như dổi, vàng tâm, mít) và có nhiều dạng tuỳ theo treo chỗ nào.   Chữ viết có thể chạm khắc, cẩn hay đắp nổi.

• Câu đối đi liền với hoành phi: Những câu đối này xuất hiện nhiều ở các đình, chùa, văn miếu, nhà từ đường.  Chữ có thể khảm trai, xà cừ hoặc thếp vàng.
Căn cứ theo học giả Dương Quảng Hàm (1939) câu đối Việt Nam có thể phân loại theo số chữ và cách đặt câu (tiểu đối, dối thơ, đối phú) hay theo ý nghĩa như sau:

• Câu đối tết (dán nhà, cửa, đền, chùa, vv trong dịp tết)
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
(Nguyễn Công Trứ: câu dối tết làm lúc còn hàn vi)

• Câu đối thờ (treo ở bàn thờ, đền, miếu, chùa, vv tán tụng công đức tổ tiên hay thần thánh)
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ.
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên.
(Mỗi năm có bốn mùa, mùa xuân mở đầu. Người ta có trăm hạnh, hiếu thảo trên hết)
Mở rộng phương tiên, công tế thế cao bằng Thái Lĩnh.
Sống nhờ của phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang.
(Câu đối thờ Tuệ Tĩnh Thiền sư tại đền Bia)

• Câu đối mừng (trong các dịp vui như mừng thọ, thi đậu, đám cưới, nhà mới, vv)
Nhất cận thị nhị cận giang thử địa khả phong giai tị ốc.
Sống ở làng, sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm.
(Nguyễn Khuyến: câu đối viết mừng một anh trưởng chợ trước bị cách chức, sau được phục chức và làm nhà mới vừa gần chợ, vừa gần sông.)

• Câu đối phúng điếu (viếng đám tang)
Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, ví tớ đỡ đần trong mọi việc.
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.
(Nguyễn Khuyến: câu đối khóc vợ)

• Câu đối trào phúng (chế giễu người nào)
Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại.
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi.
(Nguyễn Khuyến: câu đối tặng một người chột mắt mới đỗ khoa thi võ)

• Câu đối đề tặng (tặng người quen hay đề vào chỗ nào)
Hữu khẩu tu ngôn thiên hạ sự.
Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân.
(Có miệng nên nói chuyện thiên hạ
Nghị lực không nhường người xưa)
(Câu đối Tri phủ Hán Dương Ngài Tuấn Mỹ tặng chánh sứ Lê Tuấn sang triều cống nhà Mãn Thanh năm 1868)

• Câu đối tự thuật (dán chỗ ngồi chơi, làm việc kể ý chí, sự nghiệp, vv của tác giả)
Chị em ơi! ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.
Trời đất nhé! gắng một phen này nữa, xếp cung, kiếm, cầm, thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh.
 (Nguyễn Công Trứ: câu đối tự thuật)

• Câu đối tức cảnh (tả chuyện xẩy ra trước mắt)
Giơ tay với thử trời cao thấp.
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài.
(Câu đối thơ của Hồ Xuân Hương)

• Câu đối chiết tự (tách chữ Hán ra từng nét hay từng phần mà đặt thành câu)
Tự (
) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử () là con, con ai con nấy?
Vu (
) là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh () là đứa, đứa nào đứa này?
(Câu đối tương truyền của Trạng Nguyễn Hiền, thế kỷ 13)

• Câu đối tập cú (lấy chữ trong sách hay tục ngữ, ca dao)
Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng.
Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

• Câu đối thách (vế ra oái ăm cầu kỳ khó dối lại)
Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già.
Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng, nó kềnh cổ lại.

Ngoài các loại câu đối nói trên, chúng ta cũng có thể thêm vào câu đối khẩu khí tức là các câu đối dùng sự vật tầm thường nói lên địa vị, phẩm chất phi thường của tác giả.

Nếp giầu quen thói hình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm.
Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng. 

(Theo tương truyền, vua Lê Thánh Tông đề câu đối cho hàng trầu nước, dùng hiện vật của một hàng nước như giầu (trầu), cơi, ấm, nước, bát, hàng (quán) nhưng mang khẩu khí đế vương, trị quốc, bình thiên hạ.)

Quy luật câu đối

Câu đối phải tuân thủ một số quy luật cấu tạo rất chặt chẽ, gò bó từ hình thức đến nội dung.  Về hình thức, hai vế phải đối về chữ (tự loại và thanh).  Về nội dung phải đối ý, kể cả ẩn ý, điển tích hay tức cảnh.  Nếu câu đối thoả mãn những nguyên tắc như vậy thì được gọi là chỉnh đối.  Một câu đối được xem là chuẩn mực mà các bậc túc nho thường nêu ra làm mẫu là câu đối của Trần Hậu Chủ viết khi lên Mang Sơn cùng Tùy Văn Đế (Nguyễn Thừa, 2005):

Nhật nguyệt quang thiên đức.
Sơn hà tráng đế cư.
(Nhật nguyệt sáng đức trời.
Núi sông ơn (vua) nhuần thấm).

Các quy luật cụ thể như sau:

• Số đoạn và số chữ:
Trước thế kỷ 19, văn bản hoàn toàn dùng chữ Hán và chữ Nôm, thi văn không có chữ hoa, dấu ngưng hay dấu nghỉ.  Khi viết hết một câu, tròn một ý thì tiền nhân vẽ một khuyên tròn như chữ ‘o’ (Huỳnh Hữu Đức, 2012).  Do đó, các câu đối không hề có dấu ngừng ở giữa câu.  Sau thế kỷ 19, chữ Việt chúng ta theo cú pháp của phương tây, các chữ hoa, các dấu chấm (.), phẩy (,), hỏi (?), than (!) mới xuất hiện trong câu văn, câu thơ và cả câu đối. Từ đó các câu đối dài, được chia ra làm nhiều đoạn.  Theo lối viết này, mỗi vế có thể có một hay nhiều đoạn, không hạn chế dài ngắn.  Hai vế phải bằng nhau về số đoạn, và số chữ trong mỗi đoạn tương ứng của hai vế cũng phải bằng nhau.

• Đối tự loại:
Theo lối văn Hán Nôm thì thực tự (như trời, đất, cây,  cỏ) phải đối với thực tự; hư tự (như thì, mà, vậy,  ru) phải đối với hư tự.  Theo văn phạm ngày nay, danh/động/tĩnh/trạng từ phải đối với danh/động/tĩnh/trạng từ.   Ngoài ra, tên riêng đối với tên riêng, số lượng đối với số lượng, hình ảnh/mầu sắc/âm thanh đối với hình ảnh/mầu sắc/âm thanh, tục ngữ/điển tích đối với tục ngữ/điển tích, chữ Hán/Nôm đối với chữ Hán/Nôm, vv.

• Đối thanh:
Thanh bằng (chữ có dấu huyền hay không dấu) đối với thanh trắc (chữ có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã) và ngược lại.  Nếu không đối được như thế thì chữ cuối mỗi đoạn tương ứng của hai vế (đặc biệt là chữ cuối của hai vế) phải bằng/trắc đối với trắc/bằng.  Lưu ý là nếu câu đối do một tác giả làm ra thì chữ cuối vế trên phải là thanh trắc (nhưng luật này không áp dụng cho vế ra).  Ví dụ như
Ngói đỏ lợp nghè (B), lớp trên đè lớp dưới (T).
Đá xanh xây cống (T), hòn dưới nống hòn trên (B).

• Đối ý:
Hai vế phải cân ý nhau từng chữ, từng đoạn và toàn vế.  Có hai loại đối ý:

Thuận đối: hai ý thuận chiều nhau, ví dụ như
Lợn cấn ăn cám tốn.
Chó khôn chớ cắn càn.

Nghịch đối: hai ý đối chọi nhau, ví dụ như
Trời sinh ông Tú Cát!
Đất nứt con bọ hung!

Đối ý rất khó nhất là trong các trường hợp vế ra có hàm ý, điển tích, thành ngữ, vv.  Hơn nữa,  đối ý rất khó trong trường hợp tức cảnh.  Nếu vế ra dựa trên một sự kiện có thực hay vừa xẩy ra thì vế đối cũng phải như vậy.  Tả một cảnh tượng không có thực hay không đang xẩy ra  để đối với một sự kiện có thực hay đang xẩy ra thì vế đối không thể gọi là hay và có giá trị được.  Một ví dụ là câu đối sau:

Đường thượng tụng kinh sư sử sứ.
Đình tiền túy tửu phụ phù phu.
(Trên bục đọc kinh sư sai quan.
Trước sân say rượu vợ dìu chồng.)

Vế ra tương truyền do Vua Lê Thánh Tông làm ra khi đến thăm một ngôi chùa làng, quê của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, trong lúc sư cụ đang tụng kinh mà rớt quạt.  Vẫn tiếp tục tụng, sư cụ lấy tay ra hiệu cho chú tiểu cúi xuống nhặt nhưng một vị quan tùy tùng của Vua đã nhanh tay nhặt cho sư.  Vế đối của Trạng Lương Thế Vinh làm ra sau khi ông bảo lính hầu mời vợ đến và lấy cớ say rượu, xin phép Vua cho vợ dìu mình về.  Có lẽ các nhà biên soạn đã thêm thắt chuyện kêu lính hầu về mời vợ Trạng, mục đích là để minh họa cho vế đối của Trạng.  Nếu không như thế thì vế đối của Trạng là vu vơ, mơ hồ, không dựa vào một sự kiện nào trước mắt cả.
Nghệ thuật làm câu đối

Những câu đối độc đáo hay có giá trị là những câu đối vận dụng tài tình các lối chơi chữ, đặt câu.  Một nguyên tắc chung của các câu đối hay là phải có nhiều nghĩa.  Như đã thảo luận bên trên, một số vế đối khó là do tức cảnh hay có điển tích, thành ngữ, chiết tự, vv trong đó.  Ngoài ra các mỹ từ pháp căn bản như tượng hình, tượng thanh, mầu sắc cũng làm câu đối trở nên hấp dẫn hơn.

Bình thường một câu dối thật hay phải sử dụng một hay vài lối chơi chữ.  Chúng ta có thể điểm qua một vài kiểu chơi chữ chính trong câu đối Việt Nam như sau. 

• Dùng chữ nhiều nghĩa
Vì nước phải lên rừng, đánh  mãi nước nguồn, đâm ngã nước.
(Câu đối kháng chiến chống Pháp.   Ba chữ nước có ba nghĩa khác nhau.)
Mày ăn dân.
Dân ăn mày.
(Hữu Loan: câu đối trào phúng tham quan)

Cô gái Hơ Mông bên bếp lửa.

• Dùng chữ đồng âm dị nghĩa
Ruồi đậu mâm xôi đậu.
Kiến bò đĩa thịt bò.

• Dùng chữ đồng nghĩa dị âm
Cái cứt gì cũng phân, mà phân thì như cứt!
(Thi sĩ Thanh Tịnh: câu đối trào phúng thời bao cấp)

• Dùng một chữ lập đi lập lại
Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt.
Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.
(Tương truyền vế ra của người thợ rèn và vế dối của Lê Văn Hưu nhân dịp Lê Văn Hưu muốn xin người thợ rèn một cái dùi đóng sách.)

• Dùng nhóm chữ cùng khái niệm/dối tượng
Chợ Đồng Xuân bán bánh trung thu, đông thì đông nhưng không bán hạ.
Người miền đông làm nhà đất bắc, tây thì tây vẫn dựng kiểu nam.

• Dùng cách nói ngược
Quan tham đi tham quan, càng quan càng tham, càng tham lại càng quan.
(Trần Huy Thuận, vế ra không cần giữ luật trắc cho chữ cuối vế)
Bác bôi tôi không bằng tôi bôi bác!
(Tú Sót.  Ngoài nói ngược còn cả lối dùng chữ hai nghĩa.)

• Dùng chữ nói lái:
đây là kỹ thuật khá phổ thông và dôi khi rất tục.
Kia mấy cây mía.
Có vài cái vò.
(Vua Tự Đức)

Tán vàng lọng lá che đầu nhau đỡ khi nắng cực.
Thuyền rồng mui vẽ vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo.

Trai Thủ Đức năm canh thức đủ.
Gái Đồng Tranh sáu khắc đành trông.

Ngậm tiền thì hám.
Ngậm hàm thì tiến.
(Phạm Xuân Phụng. Tuy phạm luật trắc bằng nhưng rất hóm hỉnh.)

•  Dùng điệp âm đầu
Luồn lọt lên lương, lỗi lầm lấp liếm, luật lệ làm lơ, lũ lọc lường luôn lẩn lút.
Phe phẩy phè phỡn, phân phối phập phù, phạm pháp phởn phơ, phường phản phúc phải phanh phui.
(Đàm Tiếu)

• Dùng tiếng nước tây phương
Hai chân duỗi thẳng đơ.
Sáu cô ngồi xúm xít.
(Nguyễn Xuân Lạc.  Tiếng Pháp deux, đọc hơi giống chữ ‘đơ’, là số hai và six, đọc hơi giống chữ ‘xít’, là số sáu.)

• Dùng phép toán
Ba ba đã chín.
Cát cát đầy xe.
(Nhà thơ Nguyễn Bính)

Vế trên vừa hiểu là thịt con ba ba đã chín vừa có thể suy ra ý 3 lần 3 là 9. Vế dưới vừa hiểu là xe chở cát đã đầy, lại có thể suy ra quatre (tiếng Pháp, đọc hơi giống chữ ‘cát’, là số 4) lần quatre là seize (tiếng Pháp, đọc hơi giống chữ ‘xe’ là số 16).

• Dùng chữ có hàm ý, ẩn ý
Con ơi con! Những mong con kinh sử dùi mài, ơn phụ mẫu nỡ dứt tình xương thịt.
Chàng hỡi chàng! Sao bội ước hải sơn chan chứa, nghĩa phu thê càng đứt cả ruột gan.
(Nguyễn Khuyến: câu đối phúng điếu làm cho một người láng giềng làm nghề bán thịt, khóc chồng và con trai chết cùng một lúc.)

• Dùng thành ngữ, tục ngữ
Đất chẳng phải chồng, đưa gởi thịt xương sao lợi!
Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng?
Câu đối sử dụng được câu tục ngữ “Sống gửi thịt, chết gửi xương” nói về người con gái đi lấy chồng tức là trao thân gởi phận cho chồng, khi sống cũng như khi chết. Thế thì nay chết đi sao lại đem xươ
ng thịt mà gởi cho đất? Đất có phải là chồng đâu (xem Việt Phương, 2009)?

Các câu dối thú vị

Các vế ra thú vị, hóc búa chưa được chỉnh đối có rất nhiều trong văn học Việt Nam.   Có vế biết tác giả, có vế tác giả khuyết danh, rất nhiều vế do người đời truyền tụng, thực hư chưa rõ ràng.  Nổi bật trong lĩnh vực thách đối là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748), một người nổi tiếng rất hay chữ Hán, Nôm.  Theo khẩu truyền của dân gian, Bà đã ra rất nhiều vế tức cảnh rất hóc búa, đặc biệt là các giai thoại liên quan đến Cống Quỳnh.  Nổi tiếng nhất có lẽ là vế

Da trắng vỗ bì bạch

mà tương truyền Bà đã ra khi Cống Quỳnh đòi vào xem Bà tắm.  Cống Quỳnh đã phải chịu thua, và từ đó tới nay vẫn chưa có ai đối được.  Những vế đối lưu truyền như “Trời xanh màu thiên thanh”, “Quạ vàng đội kim ô”, “Rừng sâu mưa lâm thâm”, “Con thầy bắt sư tử”, vv đều không chỉnh về tức cảnh, chữ tượng hình tượng thanh, luật bằng trắc và ý tứ hóm hỉnh, hơi tục của vế ra.

Một hôm Bà đang ngồi bên cửa sổ thì Cống Quỳnh đến thăm. Bà liền ra vế
Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song

và Cống Quỳnh cũng bí, không đối lại được.  Lần khác, Bà Điểm gặp Cống Quỳnh đi theo Bà lên phố Mía Sơn Tây.  Bà đứng lại chờ Quỳnh tới đọc một câu thách đối
Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.
Cống Quỳnh lại phải chào thua lần nữa, vì câu thách đối ra toàn là mía, đường, mật, kẹo, nên không thể kiếm ra chữ để đối lại.

Một giai thoại khác là thách đối kén chồng.  Vì Bà Điểm nức tiếng tài sắc vẹn toàn, cho nên nhiều văn nhân có ý muốn đến thử tài và cầu hôn, nhưng tất cả đều chịu thua và rút lui.  Theo kể lại, khi một văn nhân tài hoa dến thăm, Bà Điểm người hầu bưng một khay trầu mời khách, trên khay trầu để sẵn một vế đối:

Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang.
Nghĩa đen câu này là trước sân gió nhẹ (thiếu nữ) thoảng phất cây cau (tân lang) nhưng nghĩa bóng theo cách đồng âm là trước sân, người con gái (thiếu nữ) mời chàng rể mới (tân lang).  Khách đến thăm thấy câu thách đối khó quá, nên đành rút lui, không dám ở lại trêu Bà nữa.

Vua Tự Đức có ra một vế hóc búa, đến nay cũng chưa có ai đối được:
Không vô trong nội nhớ hoài.
(Không là vô, trong là nội, nhớ là hoài)

Tết Mậu Dần 1998, Nhạc sĩ Trọng Bằng ra vế khá hóc hiểm:
Đêm ba mươi, chơi với cọp, bóp lưng hổ, nhổ răng hùm, túm tai gơ, tu cạn dần, gần ông mãnh.
(Ông ba mươi, cọp, hùm, tai gơ (tiger), dần, ông mãnh đều là những tên gọi khác của hổ.)

Trong dân gian còn lưu truyền rất nhiều vế ra thách đối hóc hiểm chưa có vế chỉnh đối.  Một số vế ra mà tác giả khuyết danh như sau:
Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương phụ tử.
(Phụ tử hồi hương có nghĩa là cha con về quê và cũng là tên của hai vị thuốc bắc.)

Nem chả ngon, chả ngon.
(Nhóm chữ cùng ý niệm, chữ ‘chả’ hai nghĩa và lập đi lập lại.)

Con cá đối nằm trong cối đá.
(Tức cảnh, tượng hình và nói lái.)

Mẹ đội thúng me, em e nặng mẹ
(Tức cảnh, lập đi lập lại và đánh vần.)

Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả,
(Lập đi lập lại, nói ngược, chữ cuối đoạn đầu là chữ đầu đoạn cuối và chữ ‘cả’ hai nghĩa.)

Cô gái Quần Lạc đi chợ Lạc Quần, bán lạc mua quần, trở về quần lạc.
(Tên riêng, nói ngược, lập đi lập lại và ‘lạc quần’ hai nghĩa.  Quần Lạc và Lạc Quần là hai địa danh có thật thuộc tỉnh Nam Định).

Cô Lan bán giấy cửa Đông, kẻ Nam người Bắc, chưa vừa lòng cô!
(Chiết tự, nhóm chữ cùng khái niệm và ẩn ý.  Lan viết bằng tiếng Hán gồm chữ môn (cửa) và đông.  Vế ra không nêu hướng Tây, ám chỉ Cô Lan chỉ vừa lòng người Tây.)

Gái tơ chỉ kén ngài quân tử.
(Nhóm chữ cùng khái niệm về dệt may)

Con gái bên đông lấy chồng bên tây, cứ giữ lòng ngay, chớ hề nam bắc.
(Nhóm chữ cùng khái niệm về phương hướng)

Vào vụ đông trường nam bón phân bắc trồng khoai tây, sang xuân hạ quyết tâm thu hàng tấn củ.
(Nhóm chữ cùng khái niệm về phương hướng và mùa màng)

Chị Hươu đi chợ Đồng Nai, ghé qua Bến Nghé ngồi nhai khô bò
(Tên riêng, nhóm chữ cùng khái niệm)

Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem, chả muốn ăn
(Ngoài các chữ hai nghĩa như dò, chả, nhóm chữ cùng khái niệm như thịt, mỡ, dò, nem, chả, lại còn câu thành ngữ “trơn như mỡ”.)

Cơm chẳng có canh, chỉ có cơm, cá cơm, cốt cá cơm, cá chấm cá.
(Vế ra tả một bát cơm, một bát mắm cá và một đĩa cá gồm bốn chữ cơm và bốn chữ cá.)

Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi?
(Vế ra rất thú vị vì có tên riêng, nói lái và lập đi lập lại.)

Các giai thoại về tài ứng đối

Trong lịch sử Việt Nam không thiếu gì người giỏi tài ứng đối, ví dụ như Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Vũ Công Duệ, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, vv.  Tuy nhiên, theo sách sử thì thiên tài ứng đối số một Việt Nam quả là Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1280-1346).  Những vế đối tương truyền của Ông khi đi sứ nhà Nguyên năm 1308 như sau

• Khi qua cửa ải trễ (vế ra rất hóc búa vì có bốn chữ quan và ba chữ quá)
Quá quan trì quan quan bế nguyện quá khách quá quan.
Tiên đối dị đối đối nan thỉnh tiên sinh tiên đối.
(Tới cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa.
Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước)

• Tại triều đình nhà Nguyên (vế ra tỏ vẻ kiêu ngạo của một nước lớn và mục đích đe dọa của Vua Nguyên)
Nhật hỏa vân yên bạch đán thiêu tàn ngọc thố.
Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng.
Trăng là cung, sao là tên, chiều tối bắn rụng mặt trời.)

• Khi du hành với phái bộ nhà Nguyên bị ngã xuống hố (vế ra dùng toàn tên người có thật ghép lại)
Can mộc hoành cừ lục giả tương như tự đạo.
Đại đình an thạch vọng chi nghiễm nhược thái sơn.
(Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng.
Đình to, đá vững, nhác nom như thể núi cao.)
(Can Mộc là Đoàn Can Mộc; Hoành Cừ là tên hiệu của Trương Tải; Lục Giả, Lạn Tương Như và Giả Tự Đạo đều là nhân vật có thật.  Đại Đình là một biệt hiệu của Thần Nông, An Thạch tức Vương An Thạch; Vọng Chí là người đời Hán; Nghiễm Nhược và Thái Sơn chưa biết là ai).

Trong lịch sử nước Việt, có những câu đối đã đẫm cả máu nữa.  Khi Thám hoa Giang Văn Minh (1573-1638) đi sứ sang Bắc Kinh, vua Minh Tư Tông Chu Do Kiếm (Sùng Trinh) đã đưa ra vế đối rất ngạo mạn

Đồng trụ chi kim đài dĩ lục (Trụ đồng đến nay rêu đã phủ xanh)
có ý gợi lại chuyện trụ đồng Mã Viện.  Giang Văn Minh đã lập tức trả đũa bằng vế đối lấy ý từ chiến thắng của dân ta trên sông Bạch Đằng
Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng tự  xưa, máu vẫn còn đỏ).

Nghe xong, Vua Minh uất giận, bèn sai giết Giang Văn Minh nhưng cho đưa quan tài về nước.  Vua Lê Thần Tông đến bái linh cửu và ban tặng câu  “Sứ thần không làm nhục lệnh vua, xứng đáng làm anh hùng muôn thưở!”

Rất nhiều người đều biết đến giai thoại đối đáp giữa hai nhân vật lịch sử (vốn có quen biết nhưng không cùng chí hướng) Đặng Trần Thường (1759-1813) và Ngô Thì Nhậm (hay Ngô Thời Nhiệm) (1746-1803).  Trong thế thắng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế

Ai công hầu ai khanh tướng vòng trần ai ai dễ biết ai?

Trong thế bại, Ngô Thời Nhiệm khẳng khái đối lại:
Thế chiến quốc thế xuân thu gặp thời thế thế thời phải thế!

Tuy đối rất chỉnh, Ngô Thời Nhiệm vẫn bị Đặng Trần Thường sai người đánh đến chết.  Có nhà nghiên cứu cho rằng vế ra của Đặng Trần Thường có một chữ trần (tên lót) còn vế đối của Ngô Thời Nhiệm có đến hai chữ thời (tên lót), như thế là vế đối chưa chỉnh (Huỳnh Hữu Đức, 2012).  Vì thế có thuyết còn cho vế đối lại thật ra là
Thế chiến quốc thế xuân thu gặp thời thế thế nào vẫn thế!

Dùng nghệ thuật câu đối để chế giễu, thậm chí đả kích, là một thói quen của dân Việt.  Truyền thuyết bà Đoàn Thị Điểm đối đáp sứ nhà Thanh là một ví dụ điển hình.  Lần ấy, bà Điểm đóng giả cô gái bán hàng.  Nhác thấy cô hàng nước xinh tươi, một tay sứ bộ nhà Thanh mỉa mai bỡn cợt:

An Nam nhất thốn thổ bất tri kỉ nhân canh? (Nước Nam có một tấc đất không biết bao nhiêu người cầy?)
Không chút nao núng, bà Đoàn Thị Điểm đối lại ngay:
Bắc Triều chư đại phu giai do thử đồ xuất! (Tất cả đại nhân nước Tầu đều từ đó mà ra cả!)

Một giai thoại khác kể rằng thời thực dân có một viên cố đạo già người Pháp, rất thông thạo tiếng Việt và tiếng Hán, Nôm.  Trong một lần ngự yến ở tòa khâm cùng Vua Duy Tân, viên cố đạo muốn thử tài thông minh của nhà vua trẻ mới mười hai tuổi này, đồng thời cũng để thăm dò thái độ chính trị của ngài, bèn ra một vế chiết tự rất hóc búa và ẩn ý rất xấc xược:

Rút ruột vua tam phân thiên hạ.
Chữ vương , là vua, nếu bỏ đi một nét đọc thì thành chữ tam, ngụ ý nhắc đến việc chánh phủ thực dân Pháp chia nước ta ra làm ba.

Sau một hồi ngẫm nghĩ, vua Duy Tân thong thả đối lại:
Chặt đầu tây tứ hải giai huynh!
Chữ tây 西 nếu bỏ đầu thì thành chữ tứ, ngụ ý bốn bể đều là anh em, nước Nam quyết không cho kẻ thù chia cắt!  Vế đối rất đỗi thông minh (tuy chưa hoàn toàn chỉnh đối) và vô cùng khí phách của nhà vua trẻ làm viên cố đạo đau điếng mà đành cười gượng.

Trên đây là những giai thoại ứng đối có tính cách ‘lịch sử’.  Ngoài ra trong văn chương truyền khẩu cũng như văn chương bác học còn lưu truyền rất nhiều giai thoại ứng đối khác của Cống Quỳnh, Nguyễn Hoè, Nguyễn Công Trứ, vv.

Những giai thoại câu đối không đúng

Cao Bá Quát (1809–1854) là thiên tài văn chương Việt Nam vào đầu thế kỷ 19.  Sau cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại, các tác phẩm của Ông đã bị triều đình nhà Nguyễn cho thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành, nên đã bị thất lạc rất nhiều.  Hiện vẫn còn tồn tại nhiều giai thoại liên quan đến nhân cách và văn tài của Cao Bá Quát, tuy rằng hầu hết các giai thoại này đều thiếu căn cứ hay chưa được xác minh. Một giai thoại chắc chắn không đúng là truyền thuyết cho rằng Cao Bá Quát là tác giả của câu đối:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm.
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
(Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ.
Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai.)

Thật ra, đây là câu đối do Tri phủ Hán Dương Ngài Tuấn Mỹ tặng Phó sứ Nguyễn Tử Giản trong đoàn sứ bộ Vua Tự Đức phái sang triều cống nhà Thanh năm 1868.  Sự kiện này được ghi chép trong Yên thiều Bút lục của Nguyễn Tử Giản (1823–1890).  Tuy các nhà nghiên cứu tiền bối đã công bố tài liệu từ năm 1972 (xem Nguyễn Khôi, 2006), nhiều người, nhiều sách báo, kể cả sách giáo khoa vẫn tiếp tục tương truyền câu đối trên là của Cao Chu Thần tiên sinh!

Một giai thoại không có thật khác liên quan đến tài ứng đối của Cao Bá Quát khi còn rất trẻ.  Tương truyền khi Vua Minh Mạng ngự chơi đền Trấn Võ, lính cận vệ phát hiện Quát đang tắm dưới hồ bèn gọi lên.  Cao Bá Quát giả bộ sợ hãi không kịp mặc quần áo cứ trần như nhộng xin chịu trói.  Vua Minh Mạng thấy thế cho là hỗn láo vô lễ thì quở mắng. Quát nói mình là học trò, thật tình không biết lối Vua đi, xin Vua tha tội.  Nhân thấy dưới hồ có con cá lớn đuổi bắt cá bé, Vua Minh Mạng tức cảnh đọc rằng:

Nước trong leo lẻo, cá đớp cá.
Cao Bá Quát đối luôn:
Trời nắng chang chang, người trói người.

Cũng có người vì mến phục chí khí Cao Bá Quát mà phao lên rằng trong nhà ngục, Ông có làm câu đối:
Một chiếc cùm lim chân có đế.
Ba vòng xích sắt bước còn vương.

Hoặc trước khi thụ án chém, Cao còn ngâm:
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp.
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.

Đây cũng là những truyền thuyết sai sự thật vì

 theo chính sử, Cao Bá Quát bị đội suất Đinh Thế Quang bắn chết tại trận chiến vùng Yên Sơn năm 1854.

Trong những câu đối của Cao Bá Quát lưu truyền trong dân gian và văn học, có hai câu rất có thể do Ông làm ra.  Câu đối thứ nhất tự thuật tình cảnh và tâm sự của Cao Bá Quát khi bị triều đình đuổi khéo về làm Giáo thụ ở Quốc Oai năm 1850.

Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái.
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm nửa đười ươi.

Để nêu rõ ý nghĩa của cuộc nổi dậy Mỹ Lương, tương truyền Quốc sư Cao Bá Quát đã cho thêu hai dòng chữ lớn trên lá cờ, đó là:

Bình Dương Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn.
Mục Dã Minh Điều hữu Võ Thang
(Ở Bình Dương và Đồ Bản không có vua tốt như Nghiêu, Thuấn.
Thì ở Mục Dã, Minh Điều phải có Võ Vương, Thành Thang nổi dậy.)

Nguyễn Khuyến và câu đối

Nói tới câu đối mà không nhắc đến Tam nguyên Yên Đổ là một thiếu sót lớn lao.  Như đã đề cập bên trên, đại thi hào Nguyễn Khuyến đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc Việt hóa câu đối.   Khoảng gần 50 (tức là hơn hai phần ba tổng số) câu đối của Cụ hiện còn lưu giữ được viết bằng chữ Nôm với nhiều ca dao, tục ngữ trong đó (Nguyễn Ngọc Tiến, 2011).  Trong văn học sử chưa thấy một một ông quan Tổng đốc nào gần gũi người dân như vậy.  Cụ làm làm câu đối cho đủ mọi hạng người, nào là người láng giềng, bà thông gia, anh thợ rèn, chị thợ nhuộm, chị hàng thịt, anh trưởng chợ, ông quan võ, vv.  Những câu đối này đầy mầu sắc văn hoá nhân bản, thật hay, thật đẹp mà không kém phần dí dỏm, sâu sa.  Cụ xứng đáng là bậc Thầy trong tài sử dụng ngôn ngữ Việt Nam. Tương truyền Tam nguyên Yên Đổ làm câu đối rất nhanh.  Chuyện kể một ông lão hàng xóm của Nguyễn Khuyến bảo người con kiếm một cơi trầu sang thưa với Cụ để xin một câu đối về dán ở bàn thờ ông bà.  Nguyễn Khuyến ngồi bên nhà đã nghe rõ cả nên khi con ông lão láng giềng qua, cụ bảo ngay:  “Ta không cần phải suy nghĩ gì nữa vì câu đối ấy chính lão nhà anh đã làm rồi, để ta đọc lại cho mà chép nhé

Kiếm một cơi trầu thưa với cụ.
Xin đôi câu đối để thờ ông.
Ngoài những câu đối đã dẫn, một số câu đối của Cụ còn được truyền tụng như sau.

• Cho anh hàng thịt:
Tứ thời bát tiết canh chung thuỷ
Ngạn liễu đôi bồ dục diểm trang
(Bốn mùa, tám tiết, luôn chung thuỷ
Rặng liễu, gò bồ, muốn điểm trang)
Hai vế đối có những hình ảnh phù hợp với nghề đồ tể như bát tiết canh, đôi bồ dục.

• Cho vợ anh thợ nhuộm khóc chồng:
Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.
Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Câu đối nói lên mối tình thắm thiết của người vợ khóc chồng, mà lại có hầu hết mầu sắc của nghề nhuộm: thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh.

• Viếng anh thợ rèn chết trẻ:
Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp?
Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
Than, rèn, cặp, bễ, đe, loi là những dụng cụ cần thiết trong nghề thợ rèn.

• Cho một cô đầu thờ Bà Trùm
Giàu làm kép, hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ.
Cá kể đầu, rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con.
Kép, đầu, tống táng, tình tang, phách, đàn là những chuyên từ trong nghề hát ả đào.

Là nhà thơ nông dân, Nguyễn Khuyến rất bất bình với bọn tham quan hay đám xu thời.  Chuyện kể rằng năm ấy ở làng Cổ Ngựa, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, tỉnh Nam Định chuẩn bị khánh thành đề thờ Thánh Mẫu, có cử người đến xin chữ Nguyễn Khuyến.  Vốn căm ghét bọn quan lại làng này về tội nhũng nhiễu dân, Cụ viết:

Mỹ nhân như ngọc hành vũ hành phong anh linh mạc trắc.
Tế thế kì âm hộ dân hộ quốc thương lại vô cung.
(Người đẹp như ngọc, làm gió làm mưa, thiêng không lường hết.
Âm đức cứu đời, giúp dân giúp nước, ơn lớn vô cùng.)

Ý tưởng của đôi câu đối thoạt nghe qua tưởng như rất nghiêm chỉnh, nhưng chỉ cần chuyển cách ngắt câu về sau chữ thứ năm của đầu mỗi vế thì ý nghĩa câu đối thay dổi hẳn!

Trong một câu đối khác, Tam nguyên Yên Đổ nêu đích danh đám xu thời (xem Trần Huy Thuận, 2010):
Có hay chi “cõng rắn cắn gà nhà”, phong lưu chú Bát, phú quý dì Tư, mây nổi đã từng qua trước mắt.
Thôi đừng có “rước voi giày mả tổ”, sự nghiệp bà Bông, thơ từ ông Húng, gió bay đành lẽ gác ngoài tai.

Chú Bát: ẩn danh của Nguyễn Trọng Kim, thường gọi là Thương Kim vì y làm Thương biện Hà Nội, đi lại với Tây, nên chúng cho hàm “bát phẩm bá hộ”.

Dì Tư: tên thật là Trần Thị Lan, lấy người Hoa Kiều là chú Hồng ở Hải Phòng, sau lấy người cố đạo phá giới là Croibier Huguet (còn gọi là cố Hồng).  Cô Tư Hồng buôn gạo lậu thuế bị bắt, nói dối là đem phát chẩn, được bọn thực dân đề nghị với triều đình phong cho thị hàm “Tứ phẩm cung nhân”.

Bà Bông: vợ kế của Hoàng Cao Khải. Sự nghiệp bà Bông: có người cho là nhà thơ ám chỉ việc Hoàng Cao Khải làm tiểu phủ sứ đánh cụ Đề Thám, mất ấn, sau phải sai vợ đến ở trong trại một lãnh tụ là Thân Đức Luận để đánh lừa lấy trộm ấn về.
Ông Húng: tức là Phạm Văn Toán, sản xuất rau húng, nhờ khéo nịnh Tây mà leo lên đến chức tổng đốc Nam Định.  Ông Húng dốt chữ nhưng lại sính làm thơ.
Câu đối xuân và tết

Mùa xuân và ngày tết là đề tài chính vả lớn nhất cho câu đối.  Vì câu đối mừng xuân và tết quá nhiều, người viết xin phép chỉ chọn một số câu tiêu biểu để kết thúc bài viết. Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu tết qua con mắt và tâm hồn của các danh sĩ nước Việt:

Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào.
Hồ Xuân Hương (1772-1822)

Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng tết.
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là xuân.
(Đuột giời: thẳng tuốt lên trời; ri: thế này; rứa: thế nọ, thế ấy. Đây là các từ địa phương Nghệ Tĩnh.) Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái tết.
Uớc gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.
Nguyễn Khuyến (1835-1909)

Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó.
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo.
Nguyễn Khuyến (1835-1909)

Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết.
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa xuân.
Trần Tế Xương (1870-1907)

Bốn nghìn lần: xuân hạ thu đông vạn vật loanh quanh vòng lẩn quẩn.
Ba ngày tết: xôi dê rượu thịt muôn dân hì hục chén no nê.
Khái Hưng Trần Khánh Dư (1896-1947)

Phần lớn các câu đối trên có ít nhiều tính cách tiêu cực, làm ra trong buổi xã hội giao thời và khi các tác giả lâm vào cảnh kinh tế khó khăn.  Những câu đối tết khác thường mang ý nghĩa tích cực, mô tả phong tục ngày tết nhiều hơn.  Một vài câu đối tết (tác giả khuyết danh) được lưu truyền khá rộng rãi như sau:

Đêm ba mươi nghe tiếng pháo nổ… đùng!... Ờ ờ... tết.
Sáng mùng một ra chạm niêu đánh... cộc!... À à... xuân.

Ðắp gốc cây cao, tết đến thắp hương thơm đèn sáng.
Khơi nguồn nước mát, xuân về dâng trái ngọt hoa thơm.

Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà, rượu rót đôi ly, nghe lời chúc.
Mồng một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ, trà dâng ba chén, nhận lì xì.

Những câu đối xuân chữ Hán lưu truyền trong dân chúng thường chỉ mang ý nghĩa chúc tụng năm mới.  Vài ba ví dụ tiêu biểu như sau:

Thiên tăng tuế nguyệt niên tăng thọ.
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.
(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ.
Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà).

Xuân phong xuân vũ xuân quang hảo.
Tân tuế tân niên tân sự đa.
(Gió xuân mưa xuân ánh xuân đẹp.
Năm mới tuổi mới nhiều chuyện hay.)

Sổ điểm đào hoa tri vãn tuế.
Nhất hương địa bánh báo tân xuân .
(Vài bông đào nở hay năm hết.
Một mùi hương bánh báo xuân về.)

Ngày xuân cũng là lúc người ta cảm nhận tốt nhất vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc nghìn thu mà tổ tiên trao gửi lại (Nguyễn Thừa, 2005):

Thiên thu tuế nguyệt thiên thu mỹ.
Vạn lý giang sơn vạn lý xuân.
(Ngàn năm thu đến ngàn thu đẹp.
Vạn dặm giang sơn vạn dặm xuân.)

Có câu đối xuân được khắc trên cung điện Huế ví khí sắc mùa xuân với vận nước:

Bách hoa thổ diễm xuân phong noãn.
Vạn chúng cánh tân quốc vận xương.
(Trăm hoa nhả đẹp gió xuân ấm.
Vạn nhà thêm mới vận nước lên.)

Ngày nay người Việt sinh sống khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn giữ tục làm câu dối tết.  Người viết xin kết thúc bài viết bằng ba câu đối tết tha hương.  Câu thứ nhất khẳng định người Việt uống nước nhớ nguồn.  Câu thứ hai nhắc nhở các món ăn dân dã và nỗi nhớ quê.  Câu thứ ba là câu đối trào phúng, mô tả một phần nào áp lực của cuộc sống nước ngoài.

Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người không mất gốc.
Lung linh ánh lửa, dù xa quê cũ chẳng quên nguồn.

Hột mít sượng lùi tro nướng, thoang thoảng mùi chè thiu, đờ đẫn mơ màng xuân đất mẹ.
Khoai lang sùng nhúng bột chiên, đậm đà vị mứt mốc, thẫn thờ tưởng nhớ tết quê cha.
(Xin lưu ý người viết tự ý thay đổi thứ tự hai vế đối cho hợp luật trắc bằng.)

Tết với chả Xuân, sáng mì gói tối mì gói, sợ vợ buồn ngán mà không bỏ, nuốt vội để mà no.
Dậu rồi thì Tuất, xưa kéo cày nay kéo cày, lo chủ đuổi mệt chẳng dám ngưng, làm nhanh không mất việc.

Trần Nam Bình
 (Sydney)
---------------------------
Tài liệu tham khảo
Dương Quảng Hàm (1939), Việt Nam Văn Học Sử Yếu, in lại lần thứ 10 năm 1968, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hoà, Sài Gòn.
Huỳnh Hữu Đức (2012), “Mạn đàm về câu đối”, Huỳnh Hữu Đức Bút Hiệu Quên Đi, 2/12, truy cập tại http://huynhhuuduc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=10680:mn-am-v-cau-i&catid=37:vn-bien-kho&Itemid=2
Nguyễn Ngọc Tiến (2011), “Thú chơi chữ và câu đối”, Hanoimoi Online, 9/2, truy cập tại http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/444854/bai-4-thu-choi-chu-va-cau-doi
Nguyễn Khôi (2006), “Câu đối “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có phải của Cao Bá Quát?”, 5/12. truy cập tại http://newvietart.com/index4.108.html
Nguyễn Thừa (2005), “Mùa xuân nói chuyện câu đối”, NetCoDo, 25/2, truy cập tại http://www.hue.vnn.vn/vanhocthica/2005/02/60691/
Phannguyenquoctu (2011), “Biền ngẫu”, Trường THPH Số 1 Tư Nghĩa, 8/3, truy cập tại http://87tunghia.4rumer.com/t462-topic
Trần Huy Thuận (2010), “Câu đối và trào phúng bằng nghệ thuật câu đối”, Diễn Đàn Kiến Thức Học Tập Suốt Đời, 22/11, truy cập tại http://diendankienthuc.net/diendan/ngon-ngu-hoc-ung-dung/32491-cau-doi-va-trao-phung-bang-nghe-thuat-cau-doi.html
Việt Phương (2009), “Vài giai thoại về những câu đối hóc búa”, Viet Phuong, 10/3 truy cập tại
http://sonthan.blogspot.com.au/2009/03/vai-giai-thoai-ve-nhung-cau-oi-hoc-bua.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến