NĂM MỚI NÓI CHUYỆN XIN CHỮ


NĂM MỚI
NÓI CHUYỆN XIN CHỮ

Không biết từ cái đời thuở nào, rộ lên trò xin chữ cho chữ…

    Chắc là từ thời lâu lắm rồi, dưới quê họ thích xin chữ của một ông đồ làng nào đó về, trang trí nhà cửa và để giả vờ ngẫm nghĩ về cái sự học hoặc về cái gọi là đời người. Vậy ta nói về ngày xưa trước…

    Ngày xưa, có lẽ cả làng được một ông thầy dạy học, mà người làng trọng vọng lắm. Dân ta trọng cái chữ, nói trắng ra, không phải là trọng tri thức mà là trọng quan chức. Ngày xưa người ta chỉ nghĩ đến cặp đối lập “quan – dân”, không dân thì quan, không quan thì dân. Muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó thì phải học lấy cái chữ, sau này đỗ đạt làm quan, tuyệt nhiên không ai nghĩ rằng phải trở thành nhà khoa học, dùng tri thức để xây dựng kinh tế. Tất nhiên dân ta vẫn có một điểm tốt: đó là coi cái chữ như một thứ để nâng cao giá trị văn hóa, giá trị con người, vậy nên cũng tuyệt nhiên không khinh bỉ tầng lớp trí thức.

    Quay lại với ông thầy đồ trong làng, ông sẽ kiêm việc dạy học và việc… cho chữ. Nông dân ít học, họ cũng không biết thầy nào giỏi thầy nào kém cả, cứ thấy ông nào dữ đòn thì cho con vào học. Nhà nào có chữ nghĩa, có điều kiện thì khá hơn, thầy kém quá thì lấy lá chuối lót tay mà dắt thầy ra cửa. Việc học may ra ở kinh thành thì được quy củ. Nghĩ thì cũng biết, chuyện cho chữ nó ra sao. Người ta thì cứ xin chữ, có khi mang về để thờ trong nhà, nhưng mà ông thầy đồ ấy viết sai hay đúng, viết xấu hay đẹp thì… mù tịt! Những người đánh giá được chữ thì đã chả đi xin mấy ông đồ làng.

Bây giờ thì nói chuyện ngày nay…

    Ngày nay, Tết đến là dân tình đổ ra Văn Miếu để xin chữ. Thời Sự VTV1 vừa đưa tin, có nhà khăn gói đi từ Bắc Ninh lên chỉ để xin được cái chữ về treo. Vừa nhìn mặt “ông đồ” ở Văn Miếu, ông bố tôi đã thốt lên: “Ơ cái ông này bố biết, ông này thì học hành gì đâu mà ra đây cho chữ!” Chữ của ông thì méo mó lệch lạc, mà bốc phét thì hay lắm. Chữ “Đạt” là phải thế này thế này… chỗ này phải ngóc lên, chỗ này phải mổ xuống… Tiên sư nhà thầy, nghe là thấy thầy chẳng biết cái chữ gì, chỉ chém gió lấy tiền người ta là giỏi!

    Mà dân ta có cái tệ, là cứ thấy ông nào dài râu, bạc tóc, thì đến xin, cho rằng những ông đó viết mới đẹp, mới chuẩn, chữ mới nhiều. Có nhiều ông, đầu tóc bạc phơ, chẳng qua cũng là cái bằng cử nhân tiếng Hán, thậm chí còn chả học hành gì, Tết đến cứ vận cái bộ áo the khăn xếp ra mà hù dọa thiên hạ. Dân thì không biết chữ Hán là nhiều, ông có viết sai viết đúng cũng chẳng biết, cứ thế mà mang về treo, ra chiều quý giá lắm, rồi mang ra (giả vờ) ngẫm nghĩ cái cuộc đời điên đảo này, cho rằng chỉ có ta và ông đồ vừa cho chữ là thanh cao. Tôi nói chẳng ngoa, nếu thiên hạ có cho tôi và các ông ấy 5 bồ chữ, thì tôi xin 4 bồ rưỡi, các ông ấy cộng lại dùng nửa bồ, mà còn dùng sai! Tôi đã từng nghe một ông cụ giảng giải vanh vách… sai cho các cháu vây quanh nghe, tôi có vào góp ý, nhưng ông cụ nhất quyết không nghe, tôi cũng đành thôi, chứ chẳng lẽ bảo cụ về tra lại từ điển của cụ Đào Duy Anh hay Thiều Chửu, rồi tra thêm tự điển thư pháp nữa, xem ai đúng ai sai. Nói vậy rồi lại bảo mình hỗn láo, cậy khôn, nên tôi cũng im miệng đi cho cụ đỡ mất Tết!

    Dân ta thì cũng sính chữ quá lắm, đến mức không biết chữ nhưng vẫn cứ sính chữ, rồi sính chữ đến mù quáng, không còn phân biệt được đâu là huyền cơ tinh túy, đâu là những lời khoác lác bùi tai của các ông đồ. Cái sự háo hư danh của dân ta, thì thực không để đâu cho hết. Mình thì không biết chữ, nhưng xin chữ về (đúng ra là mua về) treo trong nhà rồi thì ra vẻ mình cũng võ vẽ ít chữ nho, sâu sắc lắm, nhìn thấu nhân sinh lắm! Cũng vì cái thói háo danh ấy, mà mỗi ông đồ già ngồi vỉa hè Văn Miếu cũng kiếm tiền chục triệu mỗi Tết, không cần chữ đẹp lời hay, chỉ cần bốc phét giỏi. Cho dù là ông đồ “xịn” đi chăng nữa, thì một ngày viết vài trăm bức, cũng chẳng thể nào có nổi mấy tác phẩm ra hồn, chứ đừng nói mấy ông đồ dởm!

    Sự yêu con chữ, thể hiện ở nhiều nơi, nhưng không thể hiện ở Văn Miếu trong mấy ngày Tết được. Ấy là tôi mới tạm nói đến chuyện viết đúng – viết sai, chưa nói đến chuyện viết đẹp – viết xấu!

Những ngày đầu năm mới, hàng ngàn người đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tham quan, thắp hương và xin chữ cầu may.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến