NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN THƯ PHÁP
NGÀY XUÂN
NÓI CHUYỆN THƯ PHÁP
Trung Hoa đã từng là một trong
năm nền văn minh thế giới cổ đại và cũng là nơi chữ viết ra đời đầu tiên. Cũng
do đó, ở Trung Hoa nghệ thuật thư pháp đã ra đời rất sớm và rất phát triển.
Trải qua quá trình phát triển
lâu dài đó, thư pháp Trung Hoa đã có hệ thống lý luận phê bình, có các thuật ngữ,
có tính kế thừa, có tính sư phạm. Từ đó, thư pháp Trung Hoa vừa là nghệ thuật vừa
là bộ môn khoa học (thư pháp học). Họ đã tạo cho chữ Trung Hoa (chữ Hán) có 5
cách viết: Chữ Khải, chữ Lệ, chữ Thảo, chữ Hành, chữ Triện.
Lý luận thư pháp Trung Hoa còn tạo
ra cách cầm bút, tư thế viết, hình thành 10 nét bút cơ bản là nét ức (nhấn mạnh),
nét lương (nâng bút lên), nét đốn (dè dặt), nét tỏa (nét hạ xuống), nét từ (chậm
lại), nét hoàn (nét trờ lại, hồi đầu..)
Thư pháp Trung Hoa còn có chương
pháp là cách sắp xếp, bố cục trong một bức thư pháp, sắp xếp chữ với chữ, hàng
với hàng, các hình thù bản thư pháp. Tất cả các yếu tố đó tạo nên bức thư pháp
hoàn chỉnh như một bức họa đem giá trị thẩm mĩ đến người dùng. Chính vì giá trị
mĩ thuật đó mà người ta mua, người ta xin, trao tặng nhau và treo ở nhà, ở đình
chùa, ở chỗ trang trọng nhất.
Dân tộc Trung Hoa đã sản sinh ra
những nhà thơ kiệt xuất được gọi là thánh thi như Đỗ Phủ, Lý Bạch... thì cũng sản
sinh ra các nhà thư pháp kiệt xuất được gọi thánh thư như Chung Diêu (151- 230)
thời Hán, Vương Hiến Chi (344-386) nhà Tấn, Tô Thức hay còn gọi là Tô Đông Pha
(1037-1101) đời Tống... Vương Hiến Chi có bức thư pháp Lan Đình tự được gọi là
“Thiên hạ đệ nhất hành thư”. Rất tiếc vua Đường Thái Tông, Lý Thế Dân (627-650)
mê quá mà bắt quần thần chôn theo khi chết, do đó bức thư pháp tuyệt vời ấy chỉ
còn trong kí ức nhân loại. Trong Truyện Kiều có tình tiết sau khi hành hạ chán
chê cho bõ cơn ghen, Hoạn Thư đã cho Kiều ra Quan âm các ở vườn sau
để giữ chùa viết kinh. Một lần ra thăm, thấy Kiều viết chữ đẹp quá, Hoạn Thư đã
thốt lên: Khen rằng bút pháp đã tinh/ So vào với thiếp Lan Đình nào thua.
Người viết thư pháp ngoài năng
khiếu phải có lòng đam mê để có thể khám phá ra thế giới bí ẩn của chữ nghĩa, mới
cảm nhận được cái huyền diệu của nó, phải khổ công, phải nặng nợ thì mới thành
công, mới có thể thổi hồn vào con chữ làm cho nó trở thành rồng bay phượng múa
rồi tự nó sẽ bay bổng trong tâm hồn người xem.
Thư pháp dần trở thành nghệ thuật,
giúp con người nâng cao hiểu biết, giáo dục tình cảm đạo đức tâm hồn, bồi dưỡng
cái đẹp. Như vậy, nghệ thuật thư pháp có đủ 3 chức năng: nhận thức, giáo dục,
và thẩm mĩ như các bộ môn nghệ thuật khác. Nhà thư pháp cũng được coi là nghệ
sĩ.
Do hoàn cảnh về địa lý và lịch sử,
Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc về văn hóa. Chữ Hán được truyền
vào Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Các tri thức phong kiến đã sáng tạo ra chữ
Nôm, dùng chữ Hán ghi âm Tiếng Việt.
Chữ Hán vào Việt Nam thì thư
pháp Trung Hoa cũng du nhập vào. Nhiều học giả như Lê Quý Đôn đã bàn về thư
pháp. Do học chữ Hán và thư pháp Trung Hoa mà hình thành đội ngũ các cụ đồ Nho
viết chữ, cho chữ, viết hoành phi, câu đối, và di tích các bức thư pháp đó còn
lưu lại ở các đình chùa miếu mạo, nhà thờ, và ở các gia đình
Thế kỷ 17, đạo Thiên chúa được
truyền vào Việt Nam. Các giáo sĩ phương Tây, muốn cho việc truyền đạo được thuận
lợi đã dùng hệ chữ cái La tinh ghi âm Tiếng Việt tạo nên chữ Quốc ngữ. Từ đó chữ
Quốc ngữ được hoàn thiện dần và phổ biến.
Có chữ Quốc ngữ, nhiều người Việt
Nam đã nghĩ ngay tới việc viết sao cho đẹp. Thư pháp chữ Việt cũng ra đời từ
đó.
Trước hết, thư pháp chữ Quốc ngữ
tiếp thu tinh hoa thư pháp Trung Hoa. Các dạng chữ viết trong hình vuông, hình
tròn đã ra đời. Tuy nhiên chữ Quốc ngữ khác xa so với chữ Hán, do đó thư pháp
Trung Hoa vận dụng vào thư pháp Việt không nhiều.
Người Việt đã suy nghĩ thử nghiệm
sáng tạo ra nhiều kiểu chữ phù hợp với chữ cái La tinh. Rất nhiều cách viết chữ
đã được tạo ra, đẹp, hấp dẫn, mang đầy đủ yêu cầu của một bức thư pháp được
công chúng tiếp nhận và hoan nghênh.
Để viết chữ Việt, người Việt đã
dùng bút lông của Trung Quốc và kết quả rất tốt. Nhà thơ Đông Hồ là người đầu
tiên có bức thư pháp Tiếng Việt viết bằng bút lông. Ngoài ra, người Việt còn tạo
ra nhiều loại bút từ tre, gỗ, nứa, sắt để viết chữ cũng rất đẹp. Kết hợp với
tinh hoa cây bút lông, đường bút của người Việt có thể tạo ra những nét chữ đầy
nghệ thuật, khi to, khi nhỏ có khi thật mảnh mai, uyển chuyển, uốn lượn, có khi
lại vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát, rắn rỏi sắc cạnh. Những nét chữ đó tạo nên nhịp
điệu, sắc thái, linh hồn cho bức thư pháp.
Thư pháp, với chức năng đưa cái
đẹp của chữ nghĩa đến công chúng, nâng cao năng lực thẩm mĩ và tầm văn hóa của
con người, chắc chắn sẽ còn phát triển.
Lê Văn Bài
Nhận xét
Đăng nhận xét