ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN CHỮ “PHÚC”
ĐẦU XUÂN
NÓI CHUYỆN CHỮ “PHÚC”
Trong quan niệm cổ truyền của
dân tộc Việt Nam, chữ “phúc” được đặc biệt coi trọng. Nhà có phúc là ước vọng
ngàn đời của dân tộc và là vinh dự lớn nhất của người Việt Nam. Vì lẽ đó, cứ Tết
đến Xuân về, người ta thường viết một chữ “phúc” to trên giấy đỏ, dán ngoài cửa
và xem như một lá bùa cầu chúc điều tốt lành trong năm.
Ước vọng đầu năm mới của người
Việt Nam không thể thiếu chữ “phúc”. Chuyện xưa kể rằng, đời vua Gia Long, có
người lập nhiều công trạng, được nhà vua hỏi muốn xin được thưởng gì? Người đó
thưa rằng: “Hạ thần chỉ muốn xin được một chữ “phúc” thôi ạ”. Vua cười đáp rằng:
“Tiền bạc, chức tước thì ta có thể ban, chữ “phúc” thì chỉ có trời ban mà thôi.
Cả dòng họ ta chỉ nhờ có chữ “phúc” mà vinh hiển nhiều đời”.
Thật vậy, dòng họ nhà Nguyễn đã
lót chữ “Phúc” vào tên của mình. Vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh. Và cũng nhờ
duyên phúc được thần linh mách bảo, kinh đô Huế đã được chọn là đất Phúc Xuân.
Hiện nay, nhiều gia đình thường tìm mua bộ ba tượng “Tam đa”: Phúc, Lộc, Thọ đặt
ở vị trí trang trọng trong nhà.
Chữ “phúc” là từ Hán Việt, người
miền Nam đọc là “phước”. Chữ “phúc” trong giáp cốt văn là hình tượng hai bàn
tay bưng hũ rượu đứng trước bàn thờ. Như vậy, chữ “phúc” được coi là điều tốt
lành do cầu cúng mà có.
Thời nay, dân gian quan niệm
“phúc” là điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà có. Vì vậy, không phải ngẫu
nhiên, trong tâm thức của người Việt từ lâu đã quan niệm “phúc” luôn đi cùng với
“đức”. Chính điều này đã làm sâu sắc thêm triết lý nhân duyên của nhà Phật và
đem lại “màu sắc” tích cực cho hai chữ “họa”, “phúc”. (Họa vô đơn chí, phúc bất
trùng lai).
Chữ “phúc” chính là do con người
tạo ra qua những hành động tốt đầy thiện chí của mình. Nó là những “hạt giống”
tốt được tay người tự gieo trên những mảnh đất mà ta gọi là “phúc điền”; do đó,
người Việt Nam rất chú trọng đến việc làm ơn, làm phúc. Cha mẹ ăn ở phúc đức
cho con cháu được nhờ. Mọi việc làm của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến bản
thân mà còn tới thế hệ mai sau. Nhà có phúc là nhà có được cuộc sống bình yên,
thanh thản, đặc biệt là có hậu vận tốt. Muốn được “đức” phải có “phúc” và ngược
lại, “đức” sẽ đem theo “phúc”, đó là quy luật. Nội dung của “đức” phụ thuộc vào
điều kiện lịch sử xã hội, văn hóa, tôn giáo. Như “đức” của Nho giáo là ngũ thường,
“đức” của Phật giáo là ngũ giới (5 điều cấm), “đức” của Kitô giáo là 10 điều
răn của Chúa, “đức” của chế độ ta, như Bác Hồ đã căn dặn, là “cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư”. Tuy văn chương chữ nghĩa có khác nhau nhưng chung qui,
“đức” ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có chung quan niệm là mưu cầu lợi ích cho
mọi người.
Ngạn ngữ Lào có câu: “Hạnh phúc
là kết quả của những hành vi đạo đức”. Nhân dịp đón Xuân , nhâm nhi ly
rượu nồng, bàn về chữ “phúc”. Hy vọng Xuân mới này chữ “phúc” sẽ đến với mọi
người, mọi nhà trên khắp cả nước. Mong mọi người hãy làm nhiều điều tốt để có một
cuộc sống an lành, hạnh phúc. Xin mạn phép coi đây như món quà Xuân, thay cho lời
chúc phúc đầu năm gửi tới bạn đọc gần xa.
NGUYỄN MINH KỲ
Nhận xét
Đăng nhận xét