BÁNH CHƯNG - BÁNH GIÀY - BÁNH TÀY - BÁNH TÉT
BÀN LẠI TÊN GỌI
BÁNH CHƯNG - BÁNH GIÀY - BÁNH TÀY - BÁNH TÉT
Nói
đến bánh chưng, bánh giày ở nước ta ai mà chẳng biết, bên cạnh là một thực phẩm,
nó còn là vật phẩm biểu tượng có tính thiêng liêng dùng để cúng hiến tổ tiên
trong ngày tết. Chuyện bánh chưng, bánh giày được ghi lại trong sách “Lĩnh
Nam chích quái” (LNCQ), tương truyền do Trần Thế Pháp sưu tập ghi lại từ
thế kỷ XV. Tuy nhiên gần đây, có lẽ do nghi ngờ nguồn gốc mà LNCQ đưa ra, các
nhà nghiên cứu văn hóa còn đi xa hơn trong việc tìm về cội nguồn của việc ra đời
cái bánh ấy. Có thể nói những nghiên cứu ấy cung cấp cho người đọc một cái nhìn
đa dạng hơn về ý nghĩa cũng như thời điểm và nơi ra đời của nó, tựu trung người
ta nghiên cứu về:
1
– Nguồn gốc bánh.
2
– Ý nghĩa từ “Chưng” và các tên liên quan như Giầy – Giày - Dày – Tày - Tét.
3
– Ý nghĩa của bánh thông qua hình thức mà nó thể hiện.
Cùng
trong hướng tìm hiểu các tiêu chí đó, tôi xin bàn lại như sau:
1
–
Nguồn gốc.
Theo
LNCQ thì nguồn gốc Bánh chưng – Bánh giày có từ thời Vua Hùng được ghi lại như
sau:
Vua
Hùng sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền
ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: “Đứa
nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương cho
tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.
...
“Trong
trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn
mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để
tượng trưng cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở
trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công
ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi
quý”.
...
lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu chín tượng
trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào
thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày.
(Nguyễn
Hữu Vinh dịch)
Theo
sách thì câu chuyện này là một trong những câu chuyện của xứ Lĩnh Nam, như vậy
không gian của nó có thể rộng khắp xứ Lĩnh Nam, mà xứ Lĩnh Nam xưa kia ở tận
phía Nam sông Dương Tử nơi cộng đồng dân cư Bách Việt sinh sống, do đó nó có thể
là văn hóa của cả vùng này. Tuy nhiên, nhất định thuở ban đầu nó phải xuất phát
từ một dân tộc nào đó rồi sau mới lan rộng ra. Vậy dân tộc đó là dân tộc
nào? Theo tôi, thì dân tộc nào đã sáng tạo ra Dịch học chính là dân tộc đã
làm nên văn hóa này.
2
–
Về tên gọi bánh Chưng – Bánh Giày – Bánh Tày – Bánh Tét.
Theo
sách LNCQ, bánh Chưng vuông, tượng trưng cho Đất, bánh Giày tròn, tượng trưng
cho Trời, khái niệm âm dương này cũng liên hệ với các tên gọi về sau như Tày,
Tét. Do đó, theo tôi cần phải giải thích các cặp từ ấy phù hợp với triết lí âm
dương (siêu hình), đồng thời vẫn phải nói lên được tính phồn thực của nó (hữu
hình), nếu không hội đủ hai tiêu chí ấy thì khó mà thuyết phục.
Nghĩa từ “CHƯNG”.
Trong Đại
Nam quốc ấm tự vị (1895-1896) tác giả Huỳnh Tịnh Của viết:
1-
Bánh
chưng: Bánh gói bằng nếp hình vuông, còn có tên là địa bính tức bánh tượng
trưng cho đất vuông. Bánh được chưng hấp nên gọi là bánh chưng.
2-
Bánh
chưng: Bánh vuông giẹp giống cái bàn chưn, cũng gọi là địa bính.
Từ
điển Hán Việt của Đào Duy Anh là “đun, nấu cách thủy”
Vương
Lực cổ Hán ngữ tự điển (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2002) đã ghi cho chữ
chưng 烝 một trong
các nghĩa là “dụng hỏa hồng khảo” 用火烘烤, nghĩa
là dùng lửa mà nung.
Như
thế, nghĩa chữ chưng trong bánh chưng không thích hợp với các nghĩa như đã nêu,
trừ nghĩa 2 nhưng không phải với giải thích ấy. Thông thường, người ta hiểu
chưng có nghĩa là làm chín bằng hơi nước, nhưng trong LNCQ viết “Chử nhi
thục chi” có nghĩa là nấu (Chử) chứ không phải chưng. Đồng thời, trên thực
tế, ai cũng biết là luộc hay nấu bánh chứ chưa hề có chuyện chưng bánh chưng,
ngay cả người viết LNCQ cũng hiểu thế nên mới viết là nấu. Như thế, từ chưng
này có thể đã có trước khi người ta mô tả về chuyện chế biến nó.
Ta
có thể phân tích quá trình bằng cách chiết tự chữ chưng 烝. Theo tôi chữ chưng này là một chữ tượng hình mô tả hình ảnh
nấu bánh, người ta đã dùng phép hội ý để ghi lại. Trước hết bên dưới là lửa
= Hỏa, rồi mới đến một gạch ngang tượng trưng cho đáy nồi = Kim, bên trên
là nước = Thủy và trên cùng là một gạch ngang nữa tượng trưng cho nắp
đậy.
Tất
nhiên, đã là nấu bánh thì phải có bánh, cho dù con chữ không thể hiện điều đó,
bánh có lá màu xanh = Mộc, bên trong có nếp và ở giữa là nhụy sau khi nấu
chín thường có màu đất = Thổ. Như vậy con chữ đã nói lên ngũ hành, một
trong những thành phần của dịch học.
Vậy
tại sao gọi là “chưng”? Nếu không phải nghĩa là chưng cất thì từ chưng này có
nghĩa là gì? Có liên quan gì đến đất? Theo tôi, từ Chưng này có nghĩa là
cái Chưn (cái chân). Ta thường nói “Đầu đội trời chân đạp đất” vì cái bánh tên
là chưng, hình vuông tượng trưng cho đất thì nhất định khi đặt tên cho cái bánh
ấy cũng phải có nét nghĩa liên quan đến đất. Cần thấy là triết lí âm dương ban
đầu con người nghiệm từ bản thân mà ra sau đó mới tìm thấy tính phổ quát của nó
trong vũ trụ, cho nên tín ngưỡng phồn thực là tôn giáo đầu tiên của con người.
Chính
vì chưng có nghĩa là chưn = Vuông = Âm nên các từ theo nó như giày, tày, tét phải
là biểu tượng cho dương; đồng thời phải tròn.
Nghĩa
từ GIÀY (Giầy – dày).
Như
LNCQ mô tả “Lại lấy nếp nấu xôi đem giã cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để
tượng trưng cho Trời, gọi là bánh giày” Như vậy, để làm được bánh giày ta
phải qua công đoạn giã, mà giã thì phải dùng chày = Dương, tất nhiên là phải để
xôi trong cối = Âm. Hình ảnh và khái niệm chày cối là tượng trưng cho âm dương,
hình ảnh này cũng được ghi lại trên trống đồng. Sau khi làm thành chiếc bánh rồi
người ta cần một cái tên cho nó, vậy phải đặt tên như thế nào. Tất nhiên, cái
tên ấy phải nói lên được tính Dương và tất nhiên không thoát khỏi khái niệm phồn
thực trong hình thể, cụ thể là cái chày họ đang sử dụng. Từ suy nghĩ đó, họ cần
có một cái tên mà nội tại cái tên ấy phải nó liên quan đến khái niệm chày,
không gì hơn là gộp cả hai việc giã và chày lại thành một âm để đặt tên cho cái
bánh và chữ Giày ra đời theo cách sau đây:
GIÃ
– CHÀY đọc phản thành GIÀY chã (Có lẽ từ CHÃ cũng từ đây mà có). Như
vậy, từ Giày có liên quan đến quá trình chế biến cái bánh tượng trưng cho Trời.
Chính vì vậy, từ Giày cũng mang nét nghĩa của sự giày xéo, chà đạp, làm cho nát
và khi được sử dụng là danh từ này để chỉ cái thứ mà người ta mang dưới chân gọi
là giày cũng mang nét nghĩa này. Giày thì phải ôm lấy chân chứ như âm với dương
vậy.
Nghĩa từ TÀY.
Ngoài
tên bánh chưng – Bánh giày còn có bánh Chưng – Bánh Tày. Vậy chữ Tày nghĩa là
gì mà đi liền với từ Chưng? Ở vùng Phú Thọ và một vài vùng ven Hà Nội hiện nay
vẫn còn gói bánh này gọi là bánh chưng tày hay bánh tày, còn có tên khác là
bánh đòn giống với bánh tét miền Trung và miền Nam. Vậy Tày nghĩa là gì? Theo
tôi, từ Tày là một từ phái sinh từ từ Tay (cánh tay). Vì từ chưng trong bánh
chưng có nghĩa là chưn thì việc nó đi liền với tay là chuyện bình thường, chỉ sự
liên kết chặt chẽ như “Anh em như thể tay chưn” cũng như âm luôn luôn đi liền với
dương vậy.
Tuy
nhiên, trong quá trình sử dụng nó bị trầm hóa, từ tay thành tày và cũng có thể
do ảnh hưởng bởi từ giày trước đó. Chuyện này rất phổ biến đối với người Việt
khi đọc các âm cuối không dấu như Uber = U bờ, Viber = Vai bờ, Toyota = Tô dô
đà. Ngoài ra, sở dĩ tôi cho tày là tay là vì câu chuyện bánh chưng bánh giày
mang ý nghĩa âm dương, dịch lí. Như ta biết căn bản của dịch lí là Thái cực (lí
số = 10) sinh nhị nghi – tứ tượng – Bát quái – 64 quẻ (6+4=10). Ta có thể liên
tưởng 10 ngón chân trên hai bàn chân và 10 ngón tay. Tay chân là một cặp đối
đãi như trên dưới, trong ngoài, phải trái, âm dương.
Nghĩa từ TÉT.
Bên
cạnh các cặp từ Chưng – Giày, Chưng – Tày ta còn có cặp từ khác đó là Chưng –
Tét. Vậy từ Tét trong trường hợp này nghĩa là gì?
Đại
Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của ghi:
“Tét:
Tước ra, xé ra, tách ra ”;
rồi
“Tét bánh: Dụng dây nhợ mà siết đòn bánh ra từ lát, từ khoanh”.
Bánh
tét là bánh có hình tròn dài như bánh Tày và có vai trò như từ Giày – Tày do đó
nó cũng có nghĩa là dương – trời, đối lại với chưng có hình vuông biểu tượng
cho âm – đất. Ta có các từ liên quan như: Tước- Tách – toát – toét đều chỉ việc
dùng một cái gì đó làm cho một vật khác bể ra thành hai hay nhiều phần. Định
nghĩa và ví dụ trên là chính xác nhưng người đọc dễ bị định hướng do cách hiểu
từ tét phải là dùng sợi dây, vì vậy khó mà tìm ra ý nghĩa của nó trong trường hợp
này – Bánh tét.
Nếu
vì bánh bị tét bởi sợi dây mà đặt tên là tét thì nó có liên quan gì đến từ
chưng, mà như ta biết chưng tượng cho đất, giày, tày, tét cho trời, có nghĩa là
cặp từ này phải có mối liên quan chặt chẽ như âm với dương. Theo tôi,
nghĩa của từ này đơn giản đã nằm trong tên bánh - Bánh tét, có nghĩa là cái
bánh dùng để tét, ở đây là tét cái bánh chưng. Như đã nói trên thuyết âm
dương, phồn thực ban đầu xuất phát từ sự chiêm nghiệm bản thân về sau mới thăng
hoa thành triết thuyết, nhưng cho dù có phát triển như thế nào thì khái niệm
ban đầu vẫn là khái niệm căn bản.
Từ
Tét này chỉ có ở miền Trung và miền Nam, có thể sau khi sử dụng Tét thay Tày,
người ta lại sáng tạo nên một cặp từ khác đó là bánh Tày – Bánh Ú. Bánh tày miền
Trung nhỏ chỉ độ bằng gang tay, thường thì hai cái úp vào nhau, có hình hơi
tròn, còn bánh ú thì giống hình cái vú, có lẽ ú là cách nói trại tù vú mà ra,
tượng trưng cho âm. Tày = Dương, Ú = Âm. Bánh ú này có hình dáng giống như bánh
chưng Triệu Khánh – Quảng Đông – Trung Quốc.
3
–
Ý Nghĩa.
Tóm
lại, dù tên gọi và hình dáng khác nhau nhưng rõ ràng ý nghĩa của nó thống nhất.
Đó là nói lên triết lí âm dương, nó không chỉ được biểu thị qua việc làm bánh để
tưởng nhớ tổ tiên mà qua đó khẳng định rằng triết lí này, Dịch học, là sản phẩm
của người Việt.
Ngay
cả các tên bánh: Chưng – Giày - Tày – Tét đều là Nôm cả và đều liên quan chặt
chẽ đến tính phồn thực. Do tính tàn khốc của lịch sử, người Việt không thể nói
ra điều đó trực tiếp được, nên họ tìm mọi cách để ghi lại nguồn gốc của triết
thuyết đó thông qua các hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc
mình như trống đồng, ông Táo, Cóc kiện Trời, Sơn Tinh - Thủy Tinh v.v. Truyện
bánh Chưng và bánh Giày không ngoài mục đích ấy.
VIÊN
NHƯ
Nhận xét
Đăng nhận xét