ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN CHỮ NGHĨA


ĐẦU NĂM
NÓI CHUYỆN CHỮ NGHĨA

Nước ta trong hơn 100 năm qua, theo với thời gian tiếng Việt từ khi có sự "tiếp tay" của mẫu tự Latin và rõ ràng song song với đà tiến hóa của nhân loại ngôn ngữ Việt và gọn hơn là tiếng Việt cũng đã có những thay đổi tích cực và tiến hóa ngày càng tốt đẹp và phong phú hơn.

Về căn bản nước ta vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa của Trung Hoa từ cả hàng ngàn năm, lại đã từng dùng Hán tự làm thứ văn tụ chính thức hàng ngàn năm lẽ tất nhiên trong ngôn ngữ của Việt Nam sự xuất hiện của những từ Hán lâu ngày đã bị Việt hóa trở thành tiếng Hán Việt, nhiều chữ chúng ta "xài" quen đến độ khi "xài" người ta không bao giờ thắc mắc đến nguồn gốc của nó, thí dụ các từ "cư trú", "địa chỉ", "h khẩu" v..v..Cho đến nay chưa có ai làm thống kê để biết chắc rằng trong tiếng Việt chúng ta dùng bao nhiêu chữ Hán. Người Nhật thì họ đã có người làm chuyện này và được biết là người Nhật hiện "xài" chừng 8,000 chữ Hán trong tiếng Nhật. Tôi nghĩ rằng chúng ta có lẽ cũng tương tự như người Nhật và có thể đã dùng cùng khoảng đó hay có khi còn nhiều hơn vài ngàn chưa biết chừng.

Trong hơn nửa thế kỷ gần đây do tiếp xúc nhiều hơn với người Tây phương, nhất là khoảng vài chục năm trở lại đây do hoàn cảnh của đất nước khiến đến nay có đến khoảng 3 triệu người Việt hiện sinh sống rải rác trên 200 quốc gia khắp nơi trên thế giới. Sự tiếp xúc với các ngôn ngữ địa phương trong đó hai thứ ngôn ngữ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới tiếng việt là tiếng Pháp và tiếng Anh. Tiếng Pháp thì đã có một qúa trình "tiếp cận" với người Việt từ cả hơn trăm năm nay lẽ tất nhiên ảnh hưởng của nó với tiếng Việt không phải là nhỏ. Tiếng Anh hiện là thứ tiếng được sử dụng phổ biến và trở nên quen thuộc khắp thế giới từ vài chục năm nay, vả lại số người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài đa số hiện sống ở các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada v..v..Thêm vào đó trong mọi giao dịch quốc tế hiện nay tiếng Anh cũng hiện chiếm thế "thượng phong" khiến người Việt dù đang ở trong nước hay ở ngoại quốc nhiều người thấy có nhu cầu cần biết đọc, biết viết cũng như biết nói tiếng Anh. Hơn thế nữa vì tiếp cận với tiếng Anh khiến nhiều từ trong tiếng Anh đã trở thành quen thuộc khiến mọi người "xài" tự nhiên và hiểu nghĩa ngay nên nó đã "hóa thân" thành tiếng Việt như một số tiếng Pháp khi xưa. thí dụ như tiếng Pháp thì có các từ "sà phòng" hay "sà bông", "xi măng" v..v.. Tiếng Anh thì có các từ như "down" (dùng trong tài chính có nghĩa là "đặt cọc" thường thấy ở Hoa Kỳ), "book" (là đặt mua) dùng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới v..v..

Nhưng dù sao thì ảnh hưởng và sự "xâm nhập" của Hán tự vào tiếng Việt vẫn nhiều nhất và rõ nét nhất và bất cứ ai chỉ cần để ý chút xíu cũng có thể kiếm ra hàng chục từ gốc Hán trong tiếng Việt. Trong phạm vi bài viết này tác gỉa muốn giới hãn trong khuôn khổ chỉ một từ Hán Việt mà gần đây thấy xuất hiện khá nhiều trong các bài viết trên báo chí thậm chí cả những văn kiện hay những lời tuyên bố của các nhân vật đang có chức quyền ở trong nước và trên báo chí và cả những quảng cáo ở nước ngoài. Đó là từ "ấn tượng". Đây là một từ Hán Việt. Nó vốn có nguồn gốc chữ Hán, tức là chữ Tầu. Lật tự điển Hán Việt của học gỉa Đào Duy Anh ra xem thì thấy cụ Đào giải thích như thế này :"ấn tượng là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc", rồi cụ còn chú thích bằng chữ Pháp bên cạnh là "impression".

Bây giờ lật tự điển tiếng Tây ra xem chữ Impression nghĩa là gì thì trong tự điển Pháp Việt của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hi Hàni và do Lê Khả Kế chủ biên in lần thứ Tư năm 1997 tại Saigon thì thấy có tới 6 nghĩa khác nhau như sau:

1/ Ấn tượng thí dụ Faire bonne impression = Gây ấn tượng tốt.
2/ Cảm giác; cảm tưởng Impression de froid = Cảm giác lạnh.
Impression de voyage = Cảm tưởng du lịch.
3/ Sự in; lần in thí dụ Impression des étoffes = Sự in vải.
L'Impressiond'un livre = Sự in một cuốn sách.
La derniere impression d'un livre = Lần in cuối của cuốn sách.
4/ (họa)Lớp màu nền không ghi thí dụ.
5/ (cũ) Dấu thí dụ Impression des pas = Dấu bước chân.
6/ (cũ) Ảnh hưởng không có thí dụ.

Từ Impression trong tiếng Anh cũng viết tương tự như tiếng Pháp; bây giờ chúng ta mở tự điển Anh Việt của cụ Nguyễn văn Khôn ra xem thì thấy cụ giải thích có 5 nghĩa khác nhau như thế này :

1/ Sự in, đóng (dấu v..v..); sự in, ấn loát (sách v..v..)
2/ Dấu in. Vết in (của con dấu v..v..) Impression of boots in the sand = Dấu giầy trên cát.
3/ Dấu, lằn chữ in sau trang giấy.
4/ Số (sách, báo v..v..) xuất bản một lần. Second impression = Lần xuất bản thứ hai.
5/ Cảm tưởng (tốt, xấu đối với người nào). Good, bad impression = Cảm tưởng tốt, xấu. Tell me your impression = Hãy nói cho tôi biết những cảm tưởng của anh.

Trong Tự điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ Học thuộc Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, ấn bản năm 1994 thì có tới 7 nghĩa khác nhau như sau:

1/ Tác động sâu sắc lâu dài vào trí óc và tình cảm của ai. Thí dụ :
His first speech as President made a strong impression on his audiences = Bài diễn văn đầu tiên của ông với tư cách là Tổng Thống đã gây một ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghe.
Create unfavourable impression = Tạo ra một ấn tượng không có lợi.
2/ Ý nghĩ, tình cảm hoặc ý kiến (không rõ ràng hoặc không chắc chắn); cảm giác; cảm tưởng. Thí dụ :
My general impressionwas that he seemed a pleasant man = cảm tưởng chung của tôi là anh ta có vẻ là một con người dễ chịu.
I had the distinct impression that I was being followed = Tôi có cảm giác rõ rệt là lúc đó tôi đang bị theo dõi 
One's first impression of the new headmaster = Cảm tưởng đầu tiên (tức là phản ứng ngay tức khắc) về ông hiệu trưởng mới.
He gives the impression of being a hard worker! = that he works hard = Nó tạo cho người ta có cảm tưởng nó là một người làm việc rất vất vả, tức là có vẻ như là nó làm việc tích cực.
"I always thought you were a nurse" "I wonder that how you got that impression?" = "Tôi vẫn cứ tưởng chi là y tá" "Tôi thắc mắc là tại sao anh lại có cảm tưởng ấy?"
3/ Vẻ ngoài hoặc ấn tượng của ai/cái gì . Thí dụ :
The room's lighting conveys an impression of spaciousness = Cách bố trí ánh sang của căn phòng đem lại một ấn tượng rộng rãi.
4/ Cách bắt chước khôi hài ứng xử hoặc lối nói của một người nổi tiếng. Thí dụ:
The student did some marvellous impression of the teachers at the end-of-term party = Tại cuc liên hoan hết học kỳ, sinh viên đã có những trò nhại các giáo viên rất giỏi.
5/ Dấu do ấn mạnh một cái gì vào một mặt bằng để lại; dấu in; dấu hằn. Thí dụ :
The impression of a leaf in a fossil = Dấu vết của một chiếc lá trong một hóa thạch.
6/ Sự in lại một cuốn sách với nội dung ít hoặc không sửa đổi. Thí dụ :
The fifth impression = In lần thứ năm.
7/ (trong thành ngữ) Be under the impression that ...có ý nghĩ (thường sai lầm) rằng ...Thí dụ:
I was under the impression that you were coming tomorrow = Tôi cứ tưởng rằng ngày mai anh mới tới.

Gần đây ở trong nước dường như "người ta " thích dùng từ "ấn tượng". Cái gì cũng "ấn tượng" hết chẳng hạn khi muốn nói "cô kia ăn mặc rất đẹp" thì người ta nói "cô kia ăn mặc rất ấn tượng". "Cành hoa mai do ông A trang trí ở phòng khách rất ấn tượng". Chiếc xe Ford loại Laser đang bầy bán trong salon kia rất "ấn tượng" v..v.. Tức là cái gì cũng có thể "ấn tượng" được hết !

Nhân ngày đầu năm dở tờ báo "Tân Niên" Việt Luận xuất bản ở Sydney, phát hành khắp nước Úc ra đọc thấy có bài viết về du lịch đó đây của Hoàng Dương. Bài viết có hình đi kèm thu gọn trong một trang báo mà một phần ba cuối trang là quảng cáo của một công ty tài chính; trên đầu trang là phần trình bầy của đề mục. Tất cả (kể luôn cả hình ảnh) thì phần cò lại dành cho bài viết thực sự chỉ hơn nửa trang báo khổ A3 một chút, tức là nếu in vào giấy khổ A4 thì có lẽ chỉ hơn 1 trang một chút hay cùng lắm là một trang rưỡi thì hết. Ấy thế mà tác gỉa đã dùng đến năm (5) lần từ "ấn tượng": lần thứ nhất ngay đầu đề của bài viết, 4 lần sau từ giữa đến cuối bài viết.

Với một bài viết tương đối ngắn như thế mà xài đi xài lại tới 5 lần một từ thì nói theo kiểu mấy cô dạy Việt ngữ ở các trường Việt ngữ chiều thứ Bẩy thì đó là xài điệp ngữ, mà lại xài quá nhiều, nếu nhờ các cô cho điểm nhất định sẽ bị các cô cho điểm thấp là chắc.

Năm chữ "ấn tượng" : ngoài chữ thứ nhất ngay đầu đề của bài viết. 

Chữ thứ hai xuất hiện trong câu "Phải đến lúc đi thăm thú những nơi trong khu phố cổ ở Barcelona tôi mới thấy ấn tượng về thành phố này". 
Chữ thứ ba xuất hiện trong câu "Barcelona còn nhiều kiến trúc khác khá ấn tượng, như Barri Gotic hay La Pedera".
Chữ thứ tư xuất hiện trong câu "Tôi có một ấn tượng rất đẹp khi lên tới sân vận động Olympic Barcelona".
Chữ thứ năm xuất hiện ngay câu cuối bài viết "Barcelona để lại trong tôi một ấn tượng dung dị".

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xem tác gỉa mỗi lần dùng chữ ấn tượng là định diễn tả ý gỉ?

Chữ thứ nhất thấy ngay là nếu không dùng từ ấn tượng ta có thể thay thế bằng chữ "cảm tưởng" và đề tài có thể viết lại là "Cảm tưởng về Barcelona"

Chữ thứ hai có thể giữ nguyên theo nghĩa thứ 3 trong tự điển của Viện Ngôn Ngữ Học ở trên, hay nghĩa thứ hai trong tự điển Pháp việt của nhà xuất bản KHXH ở Hàni.

Chữ thứ ba tôi đoán là tác gỉa muốn diễn tả ý tưởng rằng rất dẹp, đẹp đến độ tác gỉa phải nhớ mãi ! Thế thì trường hợp này dò lại các định nghĩa ghi trên cả 3 cuốn tự điển trên đều không thấy ghi ra, nói khác đi (theo kiểu các cô dây tiếng Việt ở các trường dậy Việt ngữ chiều thứ bẩy) thì phải "phê" là tác gỉa đã dùng "sai" từ. Trường hợp này phải viết là "đẹp", "xuất sắc", "tuyệt đẹp", "tuyệt mỹ", v..v.. chứ chả ấn tượng chút nào hết. Câu viết như vậy phải viết lại là "Barcelona còn nhiều kiến trúc khác khá đẹp (hay khá xuất sắc)".

Chữ thứ tư có thể dùng lại với nghĩa của chữ thứ nhất đã dùng là "cảm tưởng" thay vì "ấn tượng".

Chữ chót thứ 5 thì xài chữ "cảm giác" và câu viết như thế sẽ viết là "Barcelona để lại trong tôi một cảm giác dung dị".

Tóm lại là nếu tác gỉa bài viết hiểu rõ nghĩ của từ mình "xài" thì :

1/ Tránh được cái lỗi rất "sơ đẳng" của bất cứ người viết nào cũng phải tránh là dùng "điệp ngữ" không đúng cách.

2/ Diễn tả ý tưởng một cách chính xác hơn.

3/ Làm cho bài viết hấp dẫn người đọc và trở nên có gía trị hơn.

Đến đây tôi muốn ghi thêm là chính sự sử dụng từ nhất là từ Hán Việt một cách bừa bãi mà rất nhiều người (đa số là ở trong nước) đã vấp phải những sai lầm tương tự như trong bài viết nêu trên. Chúng ta dù đang sống ở trong nước hay ở hải ngoại, dù là nhà báo chuyên nghiệp hay "tài tử", nhà văn, nhà viết kịch v..v.. nói chung là những người ít nhiều có dính đến hoạt động văn hóa, hoạt đông phải "xài" đến chữ nghĩa thì có bổn phận phải "viết cho đúng". Nếu còn hơi mù mờ về nghĩa thì phải lật tự điển ra coi lại. Bởi bài mình viết ra không phải chỉ để cho riêng mình đọc, nhất là đã đem đăng lên mặt báo tức là có mục đích rất rõ ràng là để cho nhiều người đọc thì nhất định là phải viết cho "đàng hoàng", viết cho "đúng" không thể "phóng bút" viết bừa, viết cho "sướng tay" rồi "ai muốn nói sao" cũng mặc. Đó là thái độ thiếu trách nhiệm cần chấm dứt. Bất cứ ai đã đi vào con đường "viết lách" tất phải chấp nhận cái định luật "bất thành văn" này. Trong khi Việt Nam ta chưa có một "Hàn Lâm Viên" về ngôn ngữ để thống nhất việc tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ thì chuyện phải thận trọng của các người viết bài phổ biến trên báo chí, sách vở là điều ai đã tham gia đều phải thận trọng, đừng để lớp trẻ đang học tiếng Việt đang cần được học thứ tiếng Việt trong sáng và chính xác bị rơi vào cảnh u u minh minh không biết đường đâu mà rờ mà theo.

Thanh Văn(Theo lophocvuive.com)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến