ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN CHỮ “PHÚ”


ĐẦU XUÂN
NÓI CHUYỆN CHỮ “PHÚ”

Theo mẫu tự chữ Hán, chữ Phú gồm bộ Miên, chữ Nhất, chữ Khẩu, chữ Điền hợp thành. Theo quan niệm của người xưa, người ta sinh ở đời, có nhà, có đất thì được coi là giàu có

Ngay từ thời cổ, vị tổ của đạo Nho là Khổng Tử đã có quan niệm rõ ràng về sự giàu nghèo. Một học trò hỏi Khổng Tử rằng: "Bần nhi vô xiểm, phú nhi vô kiêu, hà dã?". Khổng Tử trả lời: "Do khả. Vị nhược bần nhi vô oán, phú nhi hiếu lễ giả dã". Nghĩa: "Nghèo mà không xiểm nịnh, giàu mà không khinh người, có được không ạ?". Trả lời: "Được. Nhưng tốt hơn là  nghèo mà không oán, giàu mà yêu lễ nghĩa". Chắt lọc tinh hoa từ câu nói này, trong dân gian chỉ nói vắn tắt:

Bần nhi vô xiểm
phú nhi vô kiêu.
(Nghèo không xiểm nịnh, giàu không kiêu căng).

Chăm chỉ học hành và làm ăn để trở nên giàu có, từ lâu đã trở thành lẽ sống, trở thành đạo lý:
"Bần nhi cần học, khả dĩ lập thân
Phú nhi cần học, ích vinh kỳ danh".
(Nghèo cần học để lập thân; giàu cần học để thêm công danh). Người xưa từng cảm khái:

Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại thâm sơn hữu khách tầm.
(Nghèo giữa chợ đông không ai hỏi; Giàu ở rừng xanh cũng lắm khách tìm)

Giàu thường gắn với sang, còn nghèo thường đi với hèn. Lại bảo:
"Bần tiện bất năng di
Uy vũ bất năng khuất".
 (Nghèo khó lòng không đổi; Uy vũ không khuất phục).

Khi lo làm giàu đừng
"Vi phú bất nhân"
(Đừng vì giàu mà bất nhân).

Lại bảo
"Thanh bần thường lạc
Trọc phú đa ưu".
"Sống nghèo trong sạch thì vui, Giàu mà bẩn đục thì nhiều nỗi lo".

Hướng tới sự giàu sang là quy luật của muôn đời, là cái đích của mỗi con người. Trước đây, mỗi khi tết đến, người ta lại nhờ ông đồ văn hay chữ tốt viết câu đối lên giấy đỏ, dán ở hai cột trước gian giữa của ngôi nhà:

Đa tử đa tôn đa phú quý
Đắc tài đắc lộc đắc vinh hoa.
(Nhiều con, nhiều cháu nhiều phú quý; Được tài, được lộc, được vinh hoa)

Bên câu đối này, người ta còn dán các bức tranh gà, tranh lợn in trên giấy điệp của làng tranh Đông Hồ.

Lâu nay, sự giàu sang còn được thể hiện trong thơ văn và cả trong lối chơi chữ. Có một người giàu lại giỏi chữ ra vế đối: "Cây đu đủ giồng cạnh giàn giàu không, trông phong cảnh ra màu phú túc". Người ra vế đối đã kết hợp tài tình cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh (người viết chữ Phú in trong bài) cho biết, từ xưa đến nay chưa thấy ai đối lại được vế đối này.

Ngày xuân, đôi điều lạm bàn về chữ Phú, mời bạn cùng nghĩ suy, tìm câu chữ đối lại vế đối của người xưa nhé?

Trần Văn Mỹ 
-Bao HaNoiMoi



Nhận xét

Bài đăng phổ biến