RUN NHƯ DẼ

RUN NHƯ DẼ

1-"Từ điển thành ngữ Việt Nam" (Viện Ngôn ngữ học-Nguyễn Như Ý-Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn hoá-1992)giải thích: "Run như dẽ" Như "Run như cầy sấy" (dẽ là con chim hay ăn giun nên còn gọi là dẽ giun. Đây là hiện tượng chơi chữ, lợi dụng đồng âm giữa "run" và "giun").

2-"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân) thu thập ở cả hai mục từ: 1."sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”)"; 2."run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ "giun" và từ "run" nên mới đặt ra câu này)".

 3-"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (Nhóm Vũ Dung-NXB Văn học-2008), mục "Run như dẽ" hướng dẫn xem: "Run như cầy sấy[Run như dẽ] (cầy sấy: con chó bị ngấm nước lạnh, đứng gần lửa cho khô lông; dẽ: chim nhỏ, sống ở bờ nước, chân cao, mỏ dài, thường ăn giun).Run lên cầm cập vì sợ hãi hoặc vì ướt rét".

4-"Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức" (GS.TS Đỗ Thị Kim Liên chủ biên-NXB Khoa học xã hội-2015) không giải thích nghĩa đen, chỉ giải nghĩa: "Run lẩy bẩy vì quá sợ hãi".

5-"Từ điển tiếng Việt" (Ban biên soạn Chuyên từ điển: New Era) mục"Run như dẽ" chỉ hướng dẫn xem "Run như cầy sấy".

Như vậy, trong 5 từ điển, thì có 3 từ điển không giải thích nghĩa đen. Từ điển của Viện ngôn ngữ cho rằng đây là "hiện tượng chơi chữ, lợi dụng đồng âm giữa "run" và "giun". GS Nguyễn Lân, ban đầu cùng quan điểm với từ điển của Viện ngôn ngữ, sau lại giải thích “dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này”. "Lẫn lộn" và "chơi chữ" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Và điều đáng nói, cả hai cách giải thích đều không chính xác. Thực tế, dân gian nói "Run như dẽ" hoặc "Sợ run như dẽ", chứ đâu có nói "Như dẽ run", hoặc "Sợ như dẽ run"?

Vậy, nghĩa đen của "Run như dẽ" là thế nào?

Theo sách "Chim Việt Nam hình thái và phân loại" (GS Võ Quý-NXB Khoa học kỹ thuật-1981, gọi tắt là "Chim Việt Nam"), chim dẽ giun (hay rẽ,rẽ giun) thuộc bộ Rẽ gồm khoảng 189 loài, 8 họ, phân bố hầu như khắp các nơi trên thế giới. Ở Việt Nam có khoảng 48 loài, phần lớn là những loài trú đông. Trong số 8 họ của 189 loài, thì họ Choi choi là họ cơ bản của bộ Rẽ. Chim dẽ giun (hay rẽ giun) thuộc họ Choi choi.

Tôi đã có nhiều dịp quan sát hình dáng và tập tính của loài chim này. Chim dẽ giun thường tìm ăn ở những thửa ruộng đã cày bừa xong nhưng chưa kịp cấy, hoặc ruộng lúa mới cấy, đặc biệt là ở vụ xuân. Thanh Hoá gọi loài chim này là con choi choi hoặc con thọc trùn [do chim dẽ xọc (thọc) chiếc mỏ dài, thẳng, mảnh khảnh xuống đất bùn tìm bắt giun (trùn)]. Những ruộng có chim dẽ giun đến ăn, thường để lại chi chít các vết mỏ chim trên mặt bùn đặc, tựa dấu muôn ngàn que tăm xọc xuống. Sắc lông "ít sặc sỡ" mà sách "Chim Việt Nam" mô tả về chúng, chính là mầu lông xam xám, pha lẫn chút lấm tấm trắng mốc ở ngực và hai bên cánh.

Nếu chim dẽ đứng náu mình trên mặt ruộng loáng nước, lô nhô vết giun đùn, hoặc bờ cỏ úa, thì khó có thể phát hiện ra chúng. Khi ta bước chân đến nơi mới thấy chúng bay cái “vù”, cực nhanh. Đặc biệt, chim dẽ giun có một tập tính kỳ lạ là thân mình liên tục cử động: đầu gật, đuôi giật, mình thì rung rung theo nhịp bước chân, khiến người ta có cảm giác chúng thường run lẩy bẩy, đặc biệt là khi chim trống quyến rũ chim mái. "Chim Việt Nam" đưa ra chi tiết đáng chú ý về dẽ giun: "Trước thời kỳ làm tổ ở nhiều loài có hiện tượng khoe mẽ, thể hiện lúc bay, tiếng kêu hay dáng chuyển động như múa lúc ở mặt đất." Cũng do đặc điểm thân mình luôn cử động, rung lắc, khi kiếm no mồi thì chạy nhảy, đánh đuổi nhau, nên Thanh Hoá cũng có thành ngữ "Nghịch như thọc trùn" để chỉ bọn trẻ con nghịch ngợm, thọc mạch, không lúc nào chịu ở yên; hoặc "Nhảy như con choi choi", chỉ bọn trẻ con hiếu động, luôn nhảy nhót đùa nghịch.

Trong "Truyện Kiều", đoạn Thuý Kiều báo oán, Nguyễn Du viết: "Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run". Ta có thể hiểu, Nguyễn Du mô tả Thúc lang sợ hãi, run lẩy bẩy như con chim dẽ giun. "Từ điển Truyện Kiều"-Đào Duy Anh giải thích: “Dẽ run: Tức là chim dẽ hay rẽ, người ta cho rằng thứ chim này mình thường run luôn”. Đào Duy Anh viết: “người ta cho rằng…” chứng tỏ ông cũng chưa có hiểu biết thực tế về loài chim dẽ. Nhưng ông biết cái không biết của mình, nên nhờ học hỏi nhân dân, ông đã trở nên biết vậy.

Như thế, “Run như dẽ” hoặc “Sợ run như dẽ” là hai dị bản đồng nghĩa. Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: Run như con chim dẽ giun nó run. Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ gì ở đây, mà trong thực tế có nghĩa đen như phân tích ở trên.

HOÀNG TUẤN CÔNG
4/2016
http://tuancongthuphong.blogspot.com/2016/04/hieu-ung-thanh-ngu-run-nhu-de.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến