LƯỠI CON NGƯỜI TA DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?


LƯỠI CON NGƯỜI TA DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?

Những cuốn từ điển tiếng Việt nhiều sai sótmang tên NXB Thanh Niên vẫn bày bán công khaitại Nhà sách FAHASA -Ảnh: HTC
“Từ điển tiếng Việt thông dụng dành cho học sinh, sinh viên” (Ngọc Hằng - Kỳ Duyên, NXB Thanh Niên 2016) viết: “LƯỠI (danh từ) miếng thịt ở trong miệng dùng để nếm”. Sách này không nói rõ đó là “miếng thịt” lợn, hay thịt bò. Tuy nhiên, cứ theo đây, thì ngoài chứng câm điếc bẩm sinh, thì người ta bị câm, hay nói ngọng, hoàn toàn không phải do trong mồm không ngậm “miếng thịt”, hay “miếng thịt” ấy ngắn, dài thế nào. Nói cách khác, nếu thiếu đi “miếng thịt” mà từ điển tiếng Việt mang tên NXB Thanh Niên mô tả, thì người ta vẫn nói được như thường, chỉ mỗi tội không nếm được mà thôi.

          Nghĩa là chứng câm không liên quan gì đến lưỡi!

          Dĩ nhiên, đây là cách giảng sai của hai tác giả Ngọc Hằng - Kỳ Duyên. Chúng ta có thể tham khảo một số cách giải thích đúng của các cuốn từ điển khác:

          - “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “lưỡi d. 1 bộ phận mềm trong miệng, dùng để đón và nếm thức ăn, và ở người còn dùng để phát âm : thè lưỡi liếm ~ lắc đầu lè lưỡi ~ lưỡi không xương nhiều đường lắt léo (tng)”.
          - “Việt Nam tân từ điển” (Thanh Nghị): “lưỡi • dt. Bộ phận ở trong miệng dùng để nếm, để nói <> Lưỡi không xương nhiều đường lắt-léo (Tng)”.

           “Từ điển tiếng Việt thông dụng dành cho học sinh, sinh viên” (Ngọc Hằng - Kỳ Duyên, NXB Thanh Niên 2016) là một trong rất nhiều cuốn từ điển mang tên NXB Thanh Niên, có những sai sót rất nghiêm trọng, mà chúng tôi đã từng chỉ ra trong ba bài viết đăng trên báo “Nông Nghiệp Việt Nam” và báo “Người Lao Động”, vào đầu năm 2017. (Ví như: “giao phối” nghĩa là “kết hôn”; “giao cấu” nghĩa là “lấy nhau”...).

Từ điển tiếng Việt (được cho là) mạo danh NXB Thanh niên hiện bày bán tại Nhà sách Tiền Phong (TP Thanh Hoá) -Ảnh: HTC
Theo Nhà xuất bản Thanh Niên, thì đây là những cuốn từ điển mạo danh. Nghĩa là Nhà xuất bản Thanh Niên không hề cấp phép xuất bản. Còn theo Ban biên tập các báo “Nông Nghiệp Việt Nam” và “Người Lao Động”, thì ngay sau khi các báo đăng bài phản ánh sự việc (trước Tết Nguyên đán), cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra để làm rõ vấn đề. Thời điểm này, chúng tôi e rằng, bọn phạm pháp sẽ mau chóng tẩu tán, nên đã phải chuẩn bị đối phó bằng cách củng cố, lưu giữ thêm một số chứng cứ. Tuy nhiên, sự đề phòng, lo lắng của chúng tôi chẳng khác nào lo trời sập! Bởi đã gần 2 tháng trôi qua, những cuốn từ điển “mạo danh” này vẫn bày bán công khai ở các nhà sách như FAHASA, Nhà sách Tiền Phong, Nhà sách Việt Lý... (TP Thanh Hoá). Trong khi, thủ phạm làm sách giả, mạo danh Nhà xuất bản Thanh Niên, nhằm vào đối tượng học sinh, sinh viên để moi tiền, huỷ hoại sự trong sáng của tiếng Việt, vẫn bặt vô âm tín.

          Lẽ nào vụ làm giả hàng ngàn cuốn từ điển tiếng Việt này sẽ chìm vào im lặng và quên lãng?

 HOÀNG TUẤN CÔNG
25/2/2017

Nhận xét

Bài đăng phổ biến