KHI TỔNG THỐNG MỸ LẨY KIỀU


KHI TỔNG THỐNG MỸ
LẨY KIỀU

Lẩy Kiều khác bói Kiều, không thử vận hên xui mà thể hiện ước nguyện của mình. Đã ước nguyện thì ước nguyện điều tốt đẹp, nếu không thì… coi chừng vớ lấy điều xui xẻo. Bởi Truyện Kiều có đến 99% câu Kiều xui xẻo. Không xui xẻo sao được khi đời Kiều tan nát từ đầu đến cuối, ngay cả lúc đoàn viên.

Vì thế, khi nguyên thủ Mỹ sang thăm Việt Nam, họ phải thận trọng tìm trong số 1% những câu Kiều sáng sủa để lẩy Kiều.

Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông đã lẩy hai câu Kiều:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.

Năm 2015, khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thủ đô Washington, Phó Tổng thống Joe Biden lẩy hai câu Kiều khác:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.

Còn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra sáng 24.5.2016, Tổng thống Obama kết thúc bài nói chuyện với hai câu:

Rằng trăm năm kể từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi.

Thực ra chả phải họ hiểu biết văn hóa Việt Nam như bọn báo chí ăn mày ngợi ca, chẳng qua là phải tìm hiểu, mượn văn hóa làm cầu nối bang giao. Và tôi hình dung khó khăn lắm mấy gã thư ký của Nhà trắng mới tìm thấy được mấy câu sáng sủa đó.
Nói sáng sủa nhưng thực ra chẳng có gì sáng sủa.

Câu lẩy Kiều của Bill Clinton thuộc câu số 1795, 1796, đoạn nói về tâm trạng Thúc Sinh nhớ Kiều khi Kiều bị bọn Ưng Khuyển bắt cóc về nhà họ Hoạn làm con ở. Có nghĩa là, quan hệ giữa chàng Thúc với Kiều dù có “càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông” thì cũng chỉ là quan hệ xác thịt rất thực dụng và không chừng bị mụ vợ môi răng Hoạn Thư đánh ghen cho đổ vỡ tan tành. Hóa ra anh Bill xem quan hệ với anh như sự thay đổi thời tiết nên chọn cái câu thơ sáng mưa chiều nắng để bày tỏ tình yêu? Mà sáng sủa sao được khi: “Mày ai trăng mới in ngần/ Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”?

Câu lẩy Kiều của Joe Biden thuộc câu số 3121, 3122, đoạn Kiều đoàn viên với chàng Kim. Đoàn viên thì ai cũng nghĩ cả đôi Kim Kiều đều hạnh phúc. Nhưng chẳng có gì hạnh phúc khi chính Kiều nghĩ một đằng, Kim nghĩ một nẻo. Kiều biết rõ phận mình: “Nói chi kết tóc xe tơ/ Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời”. Mà dơ thật khi Kiều đã lăn lóc với bao nhiêu thằng đàn ông ở chốn lầu xanh. Trong khi chàng Kim biết thừa điều ấy, nhưng lẽ nào hắt hủi, đành ngọt nhạt đầu môi vậy: “Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. Hoa tàn mà tươi, trăng tàn mà sáng chỉ có thể là hoa giả, trăng giả. Cho nên “tan sương” hay “vén mây” cũng chỉ là động tác giả cho một sự đoàn viên giả tạo. Nói chung, nếu anh Joe Biden hiểu nghĩa lý sâu sắc của câu Kiều ấy thì có lẽ không dám lẩy trong khi mời khách.

Câu lẩy Kiều của Obama thuộc câu số 355, 356, là câu Kiều sáng sủa nhất trong ngữ cảnh Truyện Kiều. Đó là đoạn chàng Kim “Xắn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai” để Kim Kiều lén lút gặp nhau. Sáng sủa mà vẫn tăm tối, vì đó là phút giây gặp gỡ vụng trộm. Vụng trộm đến mức “Vội vàng lá rụng hoa rơi”… Theo Nho giáo của Thiên triều, sự hẹn hò vụng trộm như vậy là đĩ thõa, đáng bị trừng phạt. Cho nên đó cũng là lúc Kiều cả đêm thao thức cho đến khi “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến nhà chàng Kim với tâm trạng đầy ám thị, sợ hãi và âu lo: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”. Đáng sợ thật! Chẳng nhẽ anh Obama dự cảm cả sự hiểm nguy cho đối tác sau một cuộc hẹn hò.

Hình như cụ Nguyễn Du đã mượn Kiều tiên tri cho vận mệnh dân tộc. Mãi mãi cứ như Kiều trước lầu Ngưng Bích nhìn về tương lai với sự mặc cảm không hóa giải được: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”. Từ đó các cuộc gặp gỡ đều “Vui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai?”.

Nói tóm lại, dù Truyện Kiều có 1% câu thơ sáng sủa thì cũng hàm chứa sự tăm tối, xui xẻo. Mấy ngài nguyên thủ Mỹ muốn tránh cũng không tránh được. Mà tránh sao được khi văn hóa là vận mệnh của một dân tộc, vận mệnh vướng vào định mệnh thì còn đoạn trường lắm thay!

Chu Mộng Long


Nhận xét

Bài đăng phổ biến