NHỮNG “HẠT SẠN” TO TRONG SÁCH NGỮ VĂN LỚP 7

NHỮNG “HẠT SẠN” TO TRONG SÁCH
NGỮ VĂN LỚP 7


Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Kí, tấm gương về nghị lực học của nhiều thế hệ học trò được nhắc đến trong ví dụ là... anh Nguyễn Ngọc Kí

Theo đó, trong chương trình sách ngữ văn 7 hiện hành có nhiều tác phẩm văn không phù hợp với thời đại, lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh; phần Làm văn và bài tập có nhiều sai sót nên cần sớm được điều chỉnh, thay đổi.

Ở chương trình học kì 1 có quá nhiều thơ của những nhà thơ nổi tiếng đời Đường và những bài thơ được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm theo thể thơ Đường.

Học sinh phải tiếp cận với 13 tác phẩm và đoạn trích (trong đó có 8 tác phẩm và đoạn trích thơ Đường luật của văn học Việt Nam và 5 tác phẩm thơ Đường của Trung Quốc). Đây là những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam và Trung Quốc nhưng rất khó tiếp cận được cái hay, cái đẹp bởi trình độ lớp 7 và thời đại khác xa.
Chẳng hạn như những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường: Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) (trang 109), Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) (trang 123), của Lí Bạch, Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư) (trang 125) của Hạ Tri Chương, Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Mao ốc vị thu phong sở phá ca) (trang 131 - 132), của Đỗ Phủ.

Tác phẩm Bánh trôi nước (trang 94) và đoạn trích Sau phút chia li (trang 91) lại càng không phù hợp với trình độ của học sinh khiến các em khó cảm nhận được thân phận “bảy nổi ba chìm ”, “rắn nát” để cảm thương sâu sắc cho thân phận phụ nữ cũng như trân trọng vẻ đẹp trong trắng, son sắt của họ. Học sinh càng không thể cảm nhận được nỗi sầu chia li, tố cáo chiến tranh phi nghĩa cũng như niềm khát khao hạnh phúc của người chinh phụ.

Ở chương trình học kì 2 cũng có nhiều bất cập. Văn bản Có hiểu đời mới hiểu văn (Theo Nguyễn Hiến Lê, Hương sắc trong vườn văn) (trang 44-45) nên đưa vào chương trình THPT, nhất là trình độ lớp 12. Trong bài Cách làm bài văn lập luận chứng minh có dẫn chứng về đề bài Có chí thì nên như sau: “Ví dụ như anh Nguyễn Ngọc Kí bị bại liệt cả hai tay, phải tập viết bằng chân mà tốt nghiệp tốt nghiệp đại học” (trang 48).

Cách xưng hô (anh) và chỉ mới nói “tốt nghiệp đại học” thì chưa đúng. Nhiều học sinh khi lấy dẫn chứng (kể cả những học sinh THPT khi lấy dẫn chứng về nghị lực sống) “bê” y nguyên lời này mà không biết đó là nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Kí, tấm gương về nghị lực học của nhiều thế hệ học trò. Khi hỏi, nhiều học trò nói rằng, thấy sách viết như vậy nên viết theo.


Đề Văn khiến nhiều học sinh ngán ngẩm

Rồi có đề văn: “Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. 
Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Em hãy viết bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em”. (trang 59).
Đề văn này hỏi điều gì trong lúc ý kiến của bạn ấy đúng rồi, ý kiến bạn có sai đâu sao phải “thuyết phục phục bạn ấy theo ý kiến của em”? Ý kiến này muốn phê phán những người “gần đèn vẫn đen” và ngợi ca những người “gần mực vẫn sáng”, đâu phải bạn cho rằng câu tục ngữ sai mà thuyết phục bạn.

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng là câu tục ngữ được người xưa đúc kết từ kinh nghiệm sống, là bài học quý báu cho chúng ta. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp gần mực vẫn sáng mà gần đèn vẫn đen. Ý kiến của bạn ấy dùng từ “chưa chắc” có nghĩa là có những ngoại lệ.

Ở bài Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích có văn bản Lòng nhân đạo 
(Theo Lâm Ngữ Đường, Tinh hoa xử thế), đoạn mở đầu viết: “Lòng nhân đạo tức là lòng biết thương người. Thế nào là biết thương người và thế nào là lòng nhân đạo?” (trang72). Một câu hỏi khiến người ta không thể nào hiểu nổi

Sách ngữ văn THCS và THPT hiện nay quá nhiều bất cập. Kiến thức nặng, nhiều bài quá lạc hậu và xa rời thực tế.

Thái Hoàng


Nhận xét

Bài đăng phổ biến