CÙNG TÚ RUA và CỬ TẠ
CÙNG TÚ RUA và CỬ TẠ
Cũng trong giai thoại về câu đối,
nhân đây tôi nhắc chuyện này như một nén nhang thắp tặng linh hồn hai vị thuộc
giới văn nghệ đã khuất. Đó là hai nhà thơ trào phúng Tú Rua và bác Cử Tạ vốn là
hai nhân vật nằm trong hai câu đối của tôi. Chuyện xảy ra vào cuối thập niên 80
khi tôi và Lê Dụng (con trai cố nhạc sĩ Hoàng Việt) đến nhà Tú Rua chơi. Nhà
thơ trào phúng Tú Rua vừa là chủ tiệm may đắt khách vừa là một cộng tác viên đắc
lực của báo Văn Nghệ TP nơi Lê Dụng công tác.
Trong lúc trà dư tửu hậu chén tạc
chén thù ông chủ tiệm may Tú Rua cao hứng phán một câu “Nghe đồn Bùi Chí Vinh
có khả năng ứng tác về ca từ thi phú cổ điển. Vậy ông có ngon làm hai câu đối
nói về chí khí của Tú Rua tôi trong sáng như sao Tua Rua trên bầu trời đêm thì
tôi sẵn sàng đãi ông và Lê Dụng suốt một ngày khắp các quán Sài Gòn”.
Lời phán của Tú Rua như một tiếng
sét đánh ngang mày. Mà đã là sét đánh thì nháng lửa và tung tóe như sao. Bất
giác tôi liên tưởng đến bác Cử Tạ phụ trách mục “Ôn Cố Tri Tân” trên báo Long
An cuối tuần thường hay bốc thuốc Đông Y ở khu Ông Tạ. Tôi nháy mắt với Lê Dụng
như một nhân chứng và xuất khẩu thành…hai câu đối như sau:
TÚ RUA “rua” SAO RUA
CỬ TẠ tạ ÔNG TẠ
Tôi thấy Lê Dụng khoái trá còn
Tú Rua lặng người. Trong ba từ “rua” của vế trên thì chữ “rua” thứ nhì là tiếng
Pháp có nghĩa là “bắt tay”. Tương tự trong ba từ “tạ” của vế đáp thì chữ “tạ”
thứ nhì thuộc tiếng Hán có nghĩa là “vái chào”. Và kết quả là chúng tôi say xỉn
quắc cần câu như thế nào có lẽ các bạn cũng hình dung ra được.
Cũng trong thập niên 80 tôi thường
xuống khu Ông Tạ giao du với gia đình nhà văn Lưu Ngũ và các hảo hớn anh chị sống
ngoài vòng pháp luật ở khu vực đó. Lưu Ngũ xuất thân là cựu trung úy Biệt Động
Quân của quân đội Sài Gòn sau giải phóng đi học tập cải tạo và trở thành nhà văn
bất đắc dĩ nhờ đoạt giải văn học thành phố năm 1976 – 1977 với truyện dài VŨNG
LẦY. Anh chán ghét chiến tranh đến mức độ chỉ muốn làm con người, nhưng làm con
người giữa thời đại “bo bo” và “xuyên tâm liên” thì quả khó làm sao. Trong một
đêm nhậu đã đời với những kẻ “Đảng nghi ngờ, nhân dân chú ý” chúng tôi đã đi
lang thang trên đường phố chỉ toàn xe đò chạy bằng than, nhìn thấy những chiếc
xích lô kiếp ngựa thồ mà phu xe toàn là cựu chiến binh bộ đội lẫn quân đội chế
độ cũ, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy những giọt lệ ứa ra từ các mệnh phụ phu
nhân, các tiểu thư nghèo khổ phải “đứng đường” đón khách kiếm tiền độ nhật. Bài
thơ SINH NGHI HÀNH mở đầu một giai thoại truyền khẩu sau này ra đời từ đó:
SINH NGHI HÀNH
Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thật
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành
Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa, ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thúy Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hóa lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành
Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói “đói quên nghi kỵ”
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh
BÙI CHÍ VINH
Nhận xét
Đăng nhận xét