CÂU THƠ NÊN NGHĨA


CÂU THƠ NÊN NGHĨA

Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) có tên thực là Tư Thành, lúc còn niên thiếu thường gọi là hoàng tử Hiệu. Ông rất thông minh và chăm học. Các môn kinh sử, luật, lịch, thi, họa, ông đều tinh thông. Đặc biệt ông rất chuộng văn học.
Tương truyền, một buổi chiều mùa hạ, hoàng tử Hiệu đi hóng mát trên bờ sông đào vùng Tống Sơn (Thanh Hoá) tình cờ gặp một cô gái đang vo gạo ở một bến nọ. Cô gái nhan sắc tuyệt vời, khiến hoàng tử không sao bỏ đi được. Đứng tần ngần hồi lâu, hoàng tử liền đọc bỡn một câu thơ rằng:
Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả ...
Câu văn của hoàng tử tuy còn bỏ lững, nhưng ý nghĩa đã quá rõ ràng. Cô gái nghe xong vẫn cứ cúi đầu làm thinh. Mãi lúc cắp rá gạo ra về, cô mới ngoái cổ đáp lại:
Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hẵng lo cho …
Câu này cũng bỏ lững, thiếu chữ như câu trên nhưng nghĩa cũng rõ lắm. Ý nói đời đang loạn lạc, làm thân nam nhi nên ra tay giúp đời trước đã, rồi sau có nghĩ đến chuyện mình hay chuyện ai hẵng hay.
Nghe lời cô gái, hoàng tử càng thêm yêu mến bội phần. Sau đó, hỏi dò mới biết đó là cô Ngọc Hằng con một vị quốc công, mẹ vì bị tình phụ nên đưa cô đến ở vùng này làm ăn. Từ đó, hai người thường gặp nhau luôn.

Sau này, khi hoàng tử lên ngôi thì Ngọc Hằng trở thành hoàng hậu của nhà vua.
[st]


Nhận xét

Bài đăng phổ biến