5-Phong thủy Kinh thành Huế: Thanh Long - Bạch Hổ ở đâu?

 
5-Phong thủy Kinh thành Huế: 
Thanh Long - Bạch Hổ ở đâu?
Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng hai hòn đảo cồn Hến (Bộc Thanh) và Dã Viên là thế tay ngai "tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ". Có đúng như vậy?
Cồn Hến - Dã Viên là Thanh Long - Bạch Hổ ?
Theo TS Phan Thanh Hải, hai hòn đảo nổi trên sông Hương ở hai phía (sau này thường gọi là cồn Hến và cồn Dã Viên) chầu vào tạo nên thế tay ngai rất đẹp chính là tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ của Kinh thành Huế.
Phong thủy Kinh thành Huế: Thanh Long - Bạch Hổ ở đâu ? - Ảnh 1.
Cồn Hến nhìn từ trên cao-B.N.L
Hai hòn đảo này trước đây chỉ được người dân gọi nôm na là cồn cát, chưa thấy có tên gọi về mặt hành chính.
Theo tác giả Khiêm Minh, trong bài Từ vườn Dữ Dã đến cồn Dã Viên (Báo Thừa Thiên-Huế, ngày 7.8.2021), cồn Dã Viên là một dải đất nổi lên giữa sông Hương, phía bên phải Kinh thành Huế. Trước đây, cồn có lúc thuộc địa phận làng Phú Xuân, khi thì thuộc làng Dương Xuân, ngày nay thuộc P.Phường Đúc quản lý.
Tên gọi chính thức Dã Viên (được dân gian rút gọn từ tên gốc Dữ Dã viên) có từ năm Tự Đức thứ 21 (Mậu Thìn 1868), khi vua cho giải tỏa 7 hộ dân sống trên cồn, đền bù hậu hĩ và cấp nơi ở khác để họ dời đi, lấy đất lập một khu vườn ngự cốt để nhà vua đến thưởng ngoạn trong những lúc "khó ở".
Vua Tự Đứccũng cho dựng bia khắc bài ký đề cập việc đặt tên khu ngự uyển này.
Tác giả Khiêm Minh trong bài viết trên cũng cho rằng mặc dù chỉ là một cồn nhỏ nhưng nhờ sứ mệnh hữu Bạch Hổ (cùng tả Thanh Long - cồn Hến) trong chức năng phong thủy của Kinh thành Huế mà nơi đây trở nên nổi tiếng.
Cùng với Dã Viên, cồn Hến cũng là một cồn đất nhỏ được bồi phù sa theo năm tháng trở thành một đảo nhỏ ở hạ nguồn sông Hương. Hiện nay, cồn Hến có diện tích 23,8 ha thuộc địa phận P.Vỹ Dạ, TP.Huế.
Theo nhiều tài liệu cổ mà nhà nghiên cứu Văn Đình Triền (ở P.Vỹ Dạ, đã mất) khảo cứu được trong cuốn Vỹ Dạ chí lược, cho biết ban đầu mảnh đất mọc lên giữa sông Hương này có tên là "xứ cồn cạn". Trước đây khi đêm về, người dân thường đốt đèn đuốc sáng rực cồn Hến để bắt tôm cá nên nơi này còn được gọi là cồn Soi.
Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725 - 1738), xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân có ông Huỳnh Tương được biết đến là người đầu tiên đến làm nghề cào hến. Cũng từ đó cái tên cồn Hến xuất hiện và nghề cào hến, chế biến hến trở thành kế sinh nhai chính của người dân nơi đây. Ngày nay, trên cồn Hến có hơn 1.000 hộ dân với 4.500 nhân khẩu cư trú.
Đâu là Thanh Long - Bạch H thực sự ?
Kiến giải trên được nhiều nhà nghiên cứu mặc nhiên thừa nhận dù trên thực địa và các cứ liệu lịch sử không hề có chi tiết nào gọi cồn Hến và Dã Viên là Thanh Long - Bạch Hổ. "Nói cồn Hến là Thanh Long và cồn Dã Viên là Bạch Hổ là chưa đầy đủ", TS Đoàn Trung Hữu cho biết.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu trên thực địa và thật thú vị khi tại địa bàn TP.Huế có hai điểm được triều Nguyễn dựng bia định danh Bạch Hổ và Thanh Long đều không thuộc về cồn Dã Viên và cồn Hến.
Cụ thể, bia cầu Bạch Hổ nằm ngay chân cầu Bạch Hổ (cầu nhỏ bắc qua sông đào Kẻ Vạn). Cầu vốn được dựng bằng gỗ khoảng năm Mậu Thìn 1808, đời vua Gia Long. Ban đầu, công trình này mang tên cầu Bạch Hổ. Tới đời vua Minh Mạng, cầu được đổi tên là cầu Lợi Tế. Cầu hiện nay được làm bằng bê tông, rộng 6,8 m, dài 24,7 m, ngay đầu đường Kim Long, dọc tuyến đường ven sông Hương, xuyên qua P.Kim Long, dẫn tới chùa Linh Mụ.
Sách Đại Nam nhất thống chí, bản đời Tự Đức, do Phan Trọng Điềm dịch và Đào Duy Anh hiệu đính (NXB Thuận Hóa, Huế, 1992) cũng có ghi chép: "Cầu Lợi Tế: trước gọi là cầu Bạch Hổ, năm Minh Mệnh thứ 20 đổi tên hiện nay". Hiện tại ngay chân cầu còn tấm bia Lợi Tế kiều bằng đá thanh, cao 98 cm kể cả phần đế, hiện còn nguyên trạng. Bia có khắc dòng lạc khoản: Minh Mạng nhị thập niên Kỷ Hợi ngũ nguyệt cát nhật tạo.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện tại cầu Lợi Tế đang được đầu tư mở rộng, tấm bia Lợi Tế kiều đã được di dời về Cung An Định và sẽ dựng lại sau khi cầu hoàn thành.
Trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: tập san Đô thành hiếu cổ) năm 1933 công bố thiên khảo cứu La Citadelle de Hué - onomastique (Kinh thành Huế - địa danh) của Léopold Cadière đã ghi nhận về cầu Lợi Tế: "Trước kia, đây là cầu Bạch Hổ, tức Cọp Trắng. Mãi tới nay, mặc dù có tấm bia đá khắc tên cầu Lợi Tế do vua Minh Mạng đặt, dân chúng vẫn gọi là cầu Bạch Hổ" (bản dịch).
Còn bia Thanh Long kiều cũng được khắc vào bia đá, dựng ở chân cầu Thanh Long (hay cống Thanh Long), hiện nằm cuối đường Huỳnh Thúc Kháng, đầu đường Đào Duy Anh.
Từ hai căn cứ thực địa này, chúng tôi đưa ra giả thiết, có thể Bạch Hổ của Kinh thành Huế là cả vùng đất của Kim Long, vốn là xứ vương phủ của các chúa Nguyễn thời trước, đã phát triển phồn thịnh. Còn Thanh Long chính là cuộc đất ở khu vực phố cổ Bao Vinh mà dưới thời chúa Nguyễn cũng là một thương cảng phát triển. Hai khu vực phát triển bậc nhất của Thuận Hóa lúc bấy giờ chính là Bạch Hổ và Thanh Long của Kinh thành Huế.
Theo TS Đoàn Trung Hữu, giả thiết trên có phần hợp lý, nhưng cũng chưa thấu đáo trong con mắt phong thủy. Theo TS Hữu, Thanh Long - Bạch Hổ của một cuộc đất Kinh thành là cả khu vực rộng lớn hai bên Kinh thành. Theo đó, cánh Bạch Hổ bao gồm phạm vi cả dãy Trường Sơn phía bên phải, và cánh Thanh Long bao gồm cả vùng rộng lớn phía bên trái từ sông Đông Ba, Gia Hội, Bao Vinh ra đầm phá Tam Giang và hướng tới Biển Đông.
Kiến giải này được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế) làm rõ thêm ở bài sau.
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến