THƠ TỨ TUYỆT BÌNH DÂN


THƠ TỨ TUYỆT BÌNH DÂN

Ngày xưa, chỉ giới nho sĩ mới dùng thể thơ Tứ tuyệt. Tuy nhiên, đôi khi giới bình dân cũng có dùng thể loại này để làm thơ hài hước. Xin giới thiệu 3 bài:
1.
VỊNH CÁI CỐI XAY

Trời đất sinh ra cái cối xay
Thớt dưới nằm lặng, thớt trên xoay
Xoay đi xoay lại, mòn đi cả
Trồi lên một cái bằng cổ tay

(Cái bằng cổ tay là cái trục cối xay)

Hai bài sau chắc là tác phẩm của người Nghệ Tĩnh:
2.
VỊNH CON ONG BÙ

Con gì kêu vù vù
Ờ ra con ong bù
Cái giống eo lưng rứa mà độc
Đằng trốc không cắm, cắm đằng khu

(Phương ngữ Nghệ Tĩnh: Con ong bù: ong bầu –_Trốc_: đầu, phần trên (như trong thành ngữ: Ăn trên ngồi trốc.Trốốc – đọc như trốt, âm nhẹ – là cái đầu trong phương ngữ Thừa Thiên trở ra Bắc Trung bộ) – Cắm có nghĩa là “cắn”, và cũng có nghĩa là”cắm vào” – Khu: đít, hậu môn.
3.
Một anh chàng nọ bắt được con ếch đem biếu bố vợ. Có người mượn lời mẹ anh ta,làm thơ mắng rằng:

Con ếch tháng 10 béo quá ga
Đem cho bọ cấy, nỏ cho choa
Mồ cha cái đứa bất nhân rứa
Biết lộ vô, không biết lộ ra

(Phương ngữ Nghệ Tĩnh: Ga: gà – Bọ cấy: bố vợ – Nỏ: không, chẳng – Lộ: vừa có nghĩa là “cái lỗ”, vừa có nghĩa là “chỗ” (lộ mô: chỗ nào). “Biết chỗ vô không biết chỗ ra” là một thành ngữ nói về người khù khờ).

Dùng từ lỗ ra để chỉ người mẹ và từ lỗ vô để chỉ người vợ thì quả là rất “độc”!

NHẤT TIẾU



Nhận xét

Bài đăng phổ biến