Kỳ 114 -TRẬN BỒ ĐẰNG SẤM VANG CHỚP GIẬT MIỀN TRÀ LÂN TRÚC CHẺ TRO BAY


Kỳ 114
TRẬN BỒ ĐẰNG SẤM VANG CHỚP GIẬT
MIỀN TRÀ LÂN TRÚC CHẺ TRO BAY

Theo sách lược mà Nguyễn Chích đề ra, cuối năm 1424 nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu tiến hành kế hoạch tiến vào Nghệ An. Việc đánh hạ thành Đa Căng đã giúp nghĩa quân mở toang con đường tiến về nam. Lê Lợi ngay sau đó đã nhanh chóng tuyển thêm tráng đinh từ trong dân, chỉnh tề đội ngũ, sẵn sàng khí giới, chuẩn bị sẵn lương khô cho đoàn quân nam tiến.

Mục tiêu đầu tiên thuộc Nghệ An mà quân Lam Sơn nhắm đến là châu Trà Lân (hai huyện Con Cuông, Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngày nay). Sở dĩ Bình Định vương Lê Lợi và các tướng lĩnh Lam Sơn lựa chọn nơi này là do nó vừa có vị trí từ trên cao đánh xuống đồng bằng, vừa có thể giúp nghĩa quân kiểm soát toàn bộ vùng rừng núi tây Nghệ An khi chiếm đóng được. Lực lượng địch đóng giữ tại châu Trà Lân khá mỏng, chỉ có khoảng hơn 3.000 ngụy quân dưới quyền chỉ huy của thổ tù Cầm Bành.

Hay tin quân Lam Sơn tiến đánh châu Trà Lân, Cầm Bành lập tức đem quân chặn đánh. Đồng thời quân Minh trong khắp vùng Thanh Nghệ cũng kéo nhau vây đánh để giải cứu Cầm Bành và tiêu diệt nghĩa quân. Từ thành Tây Đô, Tổng binh Trần Trí cùng các tướng Minh là Lý An, Phương Chính, Thái Phúcmở cửa thành đem hàng vạn quân đuổi theo sau đoàn quân Lam Sơn. Đô chỉ huy đồng tri nước Minh là Sư Hựu lúc này ở Nghệ An cũng đem trên dưới 2.000 quân đến hội với Cầm Bành chặn đánh quân ta. Bình Định vương dẫn quân đến núi Bồ Đằng (thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, Nghệ An ngày nay) thì thám binh báo về trước mặt, sau lưng đều có giặc.

 Quân Lam Sơn lại một lần nữa rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch, nhưng bấy giờ lực lượng của quân ta đã khác trước, binh lính từng trải nhiều trận, kinh nghiệm trận mạc cũng đã dày dặn. Phía quân Minh thì cũng không hoàn toàn nắm lợi thế. Giặc tuy trước sau hai mặt tiến đánh nhưng hành quân gấp gáp bị động, quân lính dưới trướng Trần Trí nhiều lần bại trận dưới tay quân Lam Sơn nên cũng đã sinh lòng nhác sợ.

Dù giặc hai mặt tiến đánh nhưng hành tung đã bị quân ta sớm biết được. Lúc này trời đã xế chiều, Bình Định vương Lê Lợi bình tĩnh dàn quân cùng voi ngựa chia đường mai phục đợi sẵn. Bọn Phương Chính tiến trước, trúng vào ổ mai phục. Quân Lam Sơn nhất tề từ các ngã xông ra đánh phá, voi trận giẫm bừa vào hàng ngũ quân Minh. Giặc nối nhau tan vỡ lớn. Quân Lam Sơn chém được các tướng giặc là Đô ty Trần Trung, Chỉ huy vệ Xương Giang Ngũ Vân và hơn 2.000 tên, thu chiến lợi phẩm hơn 100 cỗ ngựa. Trần Trí cùng quân tướng Minh tháo chạy ra thật xa mới định thần lại, thu thập quân binh. Quân Minh từ tướng tới lính càng khiến sợ lối đánh mai phục lợi hại của quân Lam Sơn hơn nữa.

Thắng được trận Bồ Đằng, quân Lam Sơn tạm thời cắt đuôi được Trần Trí và gây cho địch thiệt hại nặng. Kế đến Lê Lợi tiếp tục dẫn quân tiến vào đất của châu Trà Lân, đụng trận với quân của Sư Hựu tại Trịnh Sơn Trang (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Vừa thắng trận trước đội quân đông đảo của Trần Trí, quân Lam Sơn không ngán ngại gì đội quân của Sư Hựu, cứ vỗ mặt đánh trực diện. Quân của Sư Hựu không cầm cự nổi được bao lâu đã thiệt hại hơn 1.000 quân, Thiên hộ Trương Bản bị chém tại trận, chỉ còn số ít bỏ trốn. Sư Hựu một mình đào thoát khỏi chiến địa. Vì hành quân gấp không thể thu mang theo nhiều quân nhu, Lê Lợi cho quân đốt hết lương thảo, khí giới bắt được từ cánh quân của Sư Hựu. Quân Lam Sơn vượt Trịnh Sơn Trang tiến đóng ở sách Mộc. Trần Trí sau trận thua ở Bồ Đằng lại thu thập quân lính bám đuôi quân Lam Sơn. Trí tiến quân đến núi Trạm Hoàng, được tin quân ta vừa diệt gọn cánh quân của Sư Hựu, khiếp vía không dám giao chiến nữa, lui binh về giữ thành Nghệ An.

Điều đó có nghĩa là quân Minh hầu như đã chấp nhận thí mất châu Trà Lân cùng đám ngụy quân của Cầm Bành, để đổi lấy một sự an toàn cho quân Minh và tăng cường phòng thủ thành Nghệ An. Các trận thắng liên tiếp dài từ xứ Thanh sang xứ Nghệ của quân Lam Sơn đã tạo nên một bước ngoặc mới về chiến lược của hai bên. Quân Minh dù vẫn còn đông đảo hơn quân Lam Sơn nhiều, nhưng đã phải chuyển từ chiến lược chủ động tấn công sang chiến lược phòng thủ. Tướng lĩnh giặc giờ đây muốn nhử quân ta chủ động đánh đồn, công thành để chúng có thể dựa vào thành trì, nguồn lương thực dồi dào đã tích lũy thời gian dài để thủ thắng trước quân Lam Sơn. Bởi vì nghĩa quân tuy giỏi đánh nơi rừng núi, giỏi mai phục nhưng chưa quen đánh thành, lương thực khí giới cũng không so bằng quân Minh.

Bình Định vương bấy giờ rất tranh thủ thời gian, tiến lên vây đánh quân của Cầm Bành ở châu Trà Long. Cầm Bành ít quân nhưng nắm giữ địa lợi, rút lên sơn trại cố thủ. Bấy giờ vào tháng Giêng năm 1425, Phương Chính dẫn quân Minh từ thành Nghệ An đến châu Trà Lân, phô trương thanh thế với quân Lam Sơn nhưng không dám tiến đánh vì sợ địa hình đồi núi dễ trúng mai phục, chỉ viết hịch kể tội. Lê Lợi thấy địa hình sơn trại của Cầm Bành khó tấn công, Phương Chính lại đóng quân rình phía sau, bèn chia quân vừa vây chặt Cầm Bành, vừa ghìm nhau với Phương Chính. Lê Lợi lại cùng tướng sĩ ra sức tuyên truyền chính nghĩa, phủ dụ nhân dân trong vùng. Kể cả những người trước theo Cầm Bành, đều được khuyên bảo vỗ về trở lại nghiệp cũ. Nhân dân nô nức theo về, cùng góp quân lương tiếp sức cho nghĩa quân Lam Sơn vây đánh giặc.

Trong thời gian quân ta vây Cầm Bành, đã có nhiều thư từ qua lại giữa ta và quân Minh. Bình Định vương muốn thăm dò ý định của Phương Chính, sai Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trãi viết thư trả lời Phương Chính và khiêu chiến. Thư viết rằng:

“Bảo cho mày nghịch tặc Phương Chính: Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao cho kịp được! Huống chi bây giờ nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc, thế không thể chịu lâu được. Nay mày chỉ nắm đại binh mà nấn ná không tiến, khiến quân lính nhiễm lam chướng dịch lệ mà chết, đó là tội ai? Binh pháp có nói: “Kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều”. Nay mày muốn đánh, thì nên tiến quân giao chiến, để quyết sống mái, đừng làm khổ cho quân sĩ hai nước làm gì.”(trích Quân Trung Từ Mệnh Tập)

Phương Chính là tên tướng thất phu, đọc thư của Nguyễn Trãi rất tức tối nhưng vẫn không dám tiến quân. Chỉ trả lời rằng: “Mày nếu muốn đánh nhau thì hãy ra chỗ đồng bằng đất phẳng”.

Nguyễn Trãi lại viết thư đáp: “Bảo cho mày nghịch tặc Phương Chính: Kể người dùng binh giỏi thì không có đâu là hiểm, đâu là không hiểm, không có đâu là dễ, đâu là không dễ. Thắng hay phụ ở tướng, chứ không ở đất hiểm hay dễ. Vào chỗ hiểm mà dánh nhau không khác gì hai con hổ đánh nhau ở trong thung lũng, giỏi thì được, vụng thì thua. Bởi vậy, đất không có bình thưởng nhất định, trận không có thế thưởng nhất định. Mày nếu không lui, thì phải đem binh ra mà quyết chiến thôi.”(trích Quân Trung Từ Mệnh Tập)

Liên tiếp hai thư khiêu chiến mà quân Minh vẫn chưa dám giao chiến, chỉ chực ở phía sau quân ta. Sơn Thọ lại đem chiếu thư của vua Minh Nhân Tông đến gặp Lê Lợi để chiêu hàng, chiếu viết rằng:

“Ngươi vốn là kẻ lương thiện, từ lâu có lòng thành quy phụ. Nhưng quan ty cai trị không đúng cách, sinh ra nghi sợ rồi ẩn trốn nơi núi rừng, không toại chí nguyện. Nay sau khi đại xá, bỏ hết sai lầm quá khứ, hàm chứa sự canh tân. Đặc cách sai người mang sắc dụ ban cho ngươi chức Tri phủ Thanh Hoá, cai trị dân một quận. Hãy đến nhận chức ngay, để đáp lại sự cứu xét đến lòng thành và bao dung đãi người của Trẫm”(theo Minh Thực Lục)

Lê Lợi nhận chiếu, họp các tướng lại bàn rằng: “Hiện Cầm Bành bị vây khốn đốn, lẽ ra bọn tên Chính phải cấp cứu ngay mới phải, thế mà đến nay vẫn còn dùng dằng quanh co. Đó tất là có ý nhát sợ. Chi bằng ta hãy cứ vờ bằng lòng hòa, để xem tình thế. Trong khi thư từ qua lại độ một tháng, thì ta đã bắt được Cầm Bành rồi”.(theo Đại Việt Thông Sử)

Bàn định xong, Lê Lợi tương kế tựu kế viết thư để vào trong bè, thả xuôi dòng cho Phương Chính và Sơn Thọ: “Chúng tôi muốn trở về Thanh Hóa, nhưng bị Cầm Bành ngăn chặn. Vậy ông cho người tới giải hòa để thông lối về, rất mong”(theo Đại Việt Thông Sử).

Phương Chính xem thư tưởng thật, bèn sai người đưa thư đến cho Cầm Bành, khuyên hòa giải với Lê Lợi. Vậy là giặc đã trúng kế của quân ta. Cầm Bành thủ hiểm hơn 2 tháng trời, lương hết binh mỏi, chỉ còn cầu mong quân Minh đến cứu viện. Đến khi nhận thư của Phương Chính hắn mới biết chắc rằng viện binh sẽ không đến.Quân lính của Cầm Bành lúc này rất bất mãn, tự ý kéo nhau ra hàng. Cầm Bành cùng kế cũng phải mở cổng trại ra hàng. Lê Lợi chấp nhận cho Cầm Bành đầu hàng, lệnh cho quân sĩ: “Tướng giặc đã hàng, mảy may cũng không được xâm phạm. Bất cứ tội to, tội nhỏ, đều xá cho hết.”(theo Lam Sơn Thực Lục)

Quân Lam Sơn bình định được châu Trà Lân, quân dân càng thêm phấn chấn, thế quân càng mạnh. Về sau, Cầm Bành lại sinh lòng khác, cùng thuộc hạ đang đêm trốn đi. Quân ta bắt lại được, Lê Lợi sai đem chém Cầm Bành. Chiến công tại châu Trà Lân đánh dấu một bước phát triển mới của nghĩa quân Lam Sơn. Quân ta đã đủ sức mạnh để đánh lớn với giặc, và có thể hoàn toàn chiếm thế thượng phong. Khí thế của chiến dịch thật như đôi dòng trong Bình Ngô Đại Cáo mà Nguyễn Trãi đã viết :

Bồ Đằng chi đình khu điện xế
Trà Lân chi trúc phá hôi phi
Tạm dịch :
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay

Quốc Huy


Nhận xét

Bài đăng phổ biến