Giai thoại NGUYỄN CÔNG TRỨ

Giai thoại 
NGUYỄN CÔNG TRỨ

    Ông Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778 mất năm 1859, đỗ Giải nguyên, làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù. Ông là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương. Dưới đây là một trong những giai thoại rất mực phong lưu.

      Thuở thiếu thời, lúc còn là học trò nghèo, ông đã rất thích nghe hát ả đào. Gần miền có một ả đào tên Hiệu Thư nhan sắc xinh đẹp lại nổi tiếng hát hay, nhưng tính nết kiêu kỳ. Không phải vương tôn công tử, chưa ai thưởng thức được giọng hát lời ca của cô ta. Ông muốn gần mà không thể gần được, bèn nghĩ ra một kế là đến xin theo Hiệu Thư làm kép. Đàn đáy ông rất hay, mỗi khi Hiệu Thư đi hát đình đám, ông thường cùng một tiểu đồng quảy gánh mang đàn theo sau. 

Một hôm có đám ở huyện bên mời Hiệu Thư sang hát, ông cố ý để quên dây đàn ở nhà. Đi được vài dặm đến chỗ đồng không quãng vắng,ông giả vờ luống cuống. Hiệu Thư gạn gỏi,ông nói: "Vội vàng bỏ quên dây đàn ở nhà, bây giờ biết làm thế nào? " 

Hiệu Thư phàn nàn rồi sai tiểu đồng chạy trở về lấy. Lúc ấy bốn bề vắng vẻ, chỉ còn hai người, ông liền đến ôm lấy, Hiệu Thư chỉ kêu ứ hự… chứ cũng chẳng cự tuyệt nhiếc mắng gì. Sau lần đó, ông bỏ đi không trở lại
nữa.

Hơn mười năm sau, ông làm Tổng Đốc Hải Dương. Gặp ngày sinh nhật, ông mở tiệc ăn mừng, cho tìm ả đào danh ca các nơi về hát. Tình cờ Hiệu Thư lại ở trong đám ca nhi ấy. 

  Ngồi vào chiếu hát, nàng liếc nhìn thấy ông quan trang nghiêm đang cầm roi chầu ngồi trên sập kia chính là anh kép đàn năm xưa đã trêu ghẹo mình ở chỗ đồng không quãng vắng, liền bắt đầu bài hát nói bằng hai câu mưỡu rằng :

Giang sơn một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên ứ hự… anh hùng nhớ chăng?


   Ông nghe hát sực nhớ chuyện cũ, liền ngừng tay trống hỏi:
- À , té ra cố nhân đó ư? 

    Rồi ông đọc luôn một bài thơ rằng:

Liếc trông giá đáng mấy mười mươi,
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười.
Trăng xế nhưng mà cung chưa khuyết,
Hoa tàn song lại nhụy còn tươi.
Chia đời duyên nọ đà hơn một,
Mà nét xuân kia vẹn cả mười.
Vì chút tình duyên nên đằm thắm,
Khéo làm cho bận khách làng chơi.

  Ông hỏi ra mới biết nàng vẫn còn chờ đợi, không chịu lấy ai, liền cưới làm tiểu thiếp. Ông có nhiều vợ, mà đối với vợ nào cũng tỏ ra nặng tình. Tuy nhiên, Hiệu Thư vẫn là người được ông yêu thương thắm thiết hơn cả. 


   Sau đó ít lâu, ông phụng chỉ đem quân dẹp giặc ở vùng Tuyên Quang, Cao Bằng, xông pha nơi lâm sơn chướng khí. Những khi việc quân nhàn hạ, chạnh thương ai phòng không chiếc bóng, vò võ năm canh, ông làm
bài thơ "Tương tư" theo lối "thủ vĩ ngâm" như sau rồi cho người mang về :

Tương tư khôn biết cái làm sao?
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào!
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt, ngờ chân bước
Gió thổi bên tai, tưởng miệng chào
Một nước một non, người một ngả
Tương tư khôn biết cái làm sao?

Hiệu Thư cũng là người đa sầu đa cảm, đọc bài thơ lời lẽ thấm thía như vậy thì không đành lòng ở nhà được. Một hôm ông cùng các tướng đang chỉ huy tập trận ngoài bãi, chợt thấy Hiệu Thư tìm đến. Nghĩ thương nàng đi đường xa xôi vất vả, ông ngâm hai câu thơ :

Đành nhẽ bút nghiên mà kiếm mã,
Thương ôi kim chỉ cũng phong trần.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến