MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI [5]-CÁC VỊ BGK ĐÃ VINH DANH SAI GIẢI NHÌ

 
MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI [5]
CÁC VỊ BGK ĐÃ VINH DANH SAI GIẢI NHÌ

    Bài thi “Sông Sài Gòn, sâu dòng lịch sử, rộng lòng nghĩa nhân”  rất mờ nhạt về: “Những kỷ niệm, hồi tưởng, ký ức, câu chuyện có thật của người dự thi về dòng sông quê hương hay bất kỳ một dòng sông nào đó trên đất Việt mà họ đã từng gắn bó trong đời.”, chủ yếu tác giả tả cảnh sông Sài Gòn, viết về sông qua câu chuyện của người khác và tư liệu.
     Phần “Những mong muốn, dự định, ý tưởng của người dự thi để thay đổi cuộc sống bên dòng sông, bằng việc khai thác tiềm năng về cảnh quan, thuỷ hải sản… của dòng sông quê hương.”, tác giả viết với dung lượng khá lớn, nhưng cũng chỉ là liệt kê kế hoạch phát triển sông Sài Gòn từ chính quyền.
    Đinh của bài viết, điểm tựa của bài viết là nhân vật: “hai vợ chồng già, họ chắc đã ngoài 60” là chủ một xe nước, tác giả gặp trong đêm, bên sông Sài Gòn. Nếu không có hai nhân vật này, bài viết sẽ thiếu đi sự dẫn dắt hấp dẫn, sự quan tâm của độc giả. Nhân vật: người đàn ông này “hồi xưa gia đình ở trên đất, rồi biến cố, ông theo ghe xuồng chở hàng đi khắp nơi”. Bà thì vì gia đình làm ăn thất bát, phải bán nhà, xuống ghe ở, lênh đênh cuộc sống trên sông nước. Ông quyết định đi ghe, buôn bán để tìm gặp lại bà. Họ thất lạc nhau 20 năm mới gặp lại. Họ chờ đợi nhau, đều chưa lập gia đình. Cuối cùng họ đã được sống hạnh phúc bên nhau. Họ lên bờ nhưng vẫn sống bên sông Sài Gòn cho gần sông nước.
    Bài thi mở đầu bằng sự mở lời của người đàn ông: “Sài Gòn thoắt cái nhìn không ra” và kết thúc khi tác giả với ông bà bán cà phê ngưng câu chuyện, chia tay nhau...
    Đó là một câu chuyện tình cảm động, gắn với sông nước, gắn với con sông Sài Gòn.
    Đánh giá một bài thi hay, hấp dẫn có thể khác nhau về nhận định của từng người, nhưng xem xét một bài thi về nghiệp vụ báo chí sẽ dễ có sự thống nhất.
    Theo quy chế cuộc thi, các bài viết phải là phi hư cấu: nhân vật, địa điểm, các tình tiết câu chuyện phải là thật.
    Thể lệ cuộc thi quy định về việc chấm giám khảo như sau: “Vòng chung khảo diễn ra từ 2/7/2024 tới 22/7/2024. 20 bài dự thi vào vòng chung khảo sẽ được Hội đồng Ban giám khảo xem xét chấm điểm theo các tiêu chí: TÍNH CHÂN THỰC, tính đại diện và tính sáng tạo (trong ý tưởng và cách kể chuyện).” 
    TÍNH CHÂN THỰC, được coi là tiêu chuẩn hàng đầu của cuộc thi “Câu chuyện những dòng sông”
    Và đó là điều tất nhiên với ký, phóng sự, nhật ký, ghi chép…phi hư cấu. Có thể chục năm sau, thậm chí 30-50 năm sau,  khi ai đó cầm trên tay tập “Chuyện của những dòng sông”, nếu họ muốn tìm một nhân vật, một địa danh nào được các tác gỉa đề cập đến trong bài viết đều có thể tìm được. Qua Quản Lộ- Phụng Hiệp, muốn tìm gặp bà lái đò: Nguyễn Thị Kim Huê thì chắc chắn sẽ tìm gặp được, hoặc ít nhất sẽ được biết: bà đã mất, hay bà đã chuyển chỗ đi nơi khác. Nhưng, nếu người dân khẳng định rằng, ở đây khóm 2, phường 1, thị xã Ngã Năm không có bà Nguyễn Thị Kim Huê nào cả, thì bài ký “Buồn vui bên dòng Quản Lộ- Phụng Hiệp” sẽ sụp đổ.
    Cũng vậy, một nhà hảo tâm nào đó, khi đọc “Ngược sông Rào Nậy”, cảm động, cám cảnh cho cuộc sống của nhân vật Viên và Phong muốn trao cho họ một món quà. Nhà hảo tâm tìm đến Xóm Thanh Lạng, xã Thanh Hoá, Tuyên Hoá sẽ có người dẫn đường cho ông đến được nơi Viên, Phong đang sinh sống. Nhà hảo tâm đến đây và một lần nữa, ông có thể sẽ khóc khi chứng kiến sự mưu sinh khốn khổ của Viên, của Phong…Nhưng nếu đến Thanh Lạng, nhà hảo tâm không tìm được hai nhân vật Viên, Phong thì tác giả Nguyễn Hồng Lam, phải từ bỏ nghề viết báo...
    Trở lại bài thi “Sông Sài Gòn, sâu dòng lịch sử, rộng lòng nghĩa nhân” lẽ ra ngay khi biên tập, báo VietNamNet cần liên hệ ngay với tác giả yêu cầu bổ sung họ tên, địa chỉ... của hai nhân vật ông bà già bán quán nước trong bài viết để đảm bảo tính chân thực của câu chuyện.
   Tác giả đã sơ ý, BBT không bổ sung, thì khi mang ra chấm chung khảo BGK nên căn cứ vào Thể lệ “tính chân thực” nên để bài viết này lại. Một bài viết được giải cao phải là mẫu mực nên không thể chấp nhận một tác phẩm phi hư cấu thiếu đi những thông tin bắt buộc đối với các nhân vật trong bài viết mà nhà báo nào khi đi viết phóng sự, viết ký …đều nhập tâm điều ấy. Đấy thuộc về nghiệp vụ sơ đẳng của một tác giả đi viết bài phóng sự, ký, ghi chép…phi hư cấu.
    Nếu quả thật, có hai ông bà bán quán nước bên sông Sài Gòn, tìm kiếm nhau 20 năm…thì bài thi cũng đáng bị đánh trượt về nghiệp vụ;
    Còn nếu hai nhân vật kia không có thực, nó được tác giả sáng tác ra thì vấn đề sẽ đi rất xa…
*
   Đã có nhiều bài học về nhân vật hư cấu trong báo chí.
    Nổi bật là câu chuyện về nhà báo Stephen Glass người đã hư cấu nhiều nhân vật trong một số bài báo của mình. Stephen Glass không những bị toà soạn sa thải, anh ta phải bồi thường khoảng 200,000 usd cho các báo.
   Nhà báo này sau đó đã đi học luật, lấy được bằng tiến sỹ luật, nhưng năm 2014, vẫn bị toà án California tước quyền cấp bằng luật sư vì “Đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng”, cái tội đặt lợi ích cá nhân lên cộng động của Stephen Glass chính là do nhà báo đã hư cấu ra các nhân vật không thực để bài báo của mình hấp dẫn, nhưng đó là những thông tin không trung thực, lừa dối bạn đọc.
 *
Tôi hi vọng, tác giả không hư cấu hai nhân vật ông bà bán nước với tình yêu đẹp của họ, ngay bây giờ, tác giả có thể cung cấp  họ tên thật, địa chỉ, số điện thoại của ông bà bán nước này, để độc giả ai đó xúc động vì mối tình của họ (hai mươi năm theo sông nước đi tìm nhau) có thể đến gặp để chuyện trò... nhưng cả khi hai nhân vật này là người thực việc thực  thì về nghiệp vụ báo chí bài viết đã không đạt được: TÍNH CHÂN THỰC…Một tiêu chí được cuộc thi đề cao khi xem xét các tác phẩm chung khảo.
     Tôi nghĩ trong trường hợp này, tác giả không có lỗi, tác giả có thể chưa được đào tạo qua các lớp báo chí, chưa nắm chắc về việc viết bài phi hư cấu. Lỗi ở đây là ban sơ khảo và cuối cùng là BGK cuộc thi.
ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN




 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến