MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI [7]-PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA TIẾN SỸ NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC HÀ THANH VÂN.

 
MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI [6]
PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA TIẾN SỸ NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC HÀ THANH VÂN.

     Tôi viết mục này để phản hồi một sô ý kiến của T.S, Nhà Nghiên cứu Phê bình văn học  Hà Thanh Vân (HTV) vừa đăng trên trang của chị ấy có nói về một số nội dung bài viết của tôi.
     Chị HTV là một người tham gia cuộc thi và chị đã được giải ba với bài viết: “Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”.
 
I- VỀ KHÁI NIỆM DÒNG SÔNG TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI.
     Về khái niệm dòng sông gắn bó, nội dung đề thi của VietNamNet như sau: “Những kỷ niệm, hồi tưởng, ký ức, câu chuyện CÓ THẬT của người dự thi về dòng sông quê hương hay bất kỳ một dòng sông nào đó trên đất Việt mà HỌ ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI.”
       Theo tôi hiểu, và theo rất nhiều nhà văn bạn đọc khác tôi hỏi ý kiến, họ đều hiểu dòng sông ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI có thể là dòng sông nơi tác giả sinh ra, dòng sông nơi tác giả từng sinh sống, từng công tác, hay dòng sông gắn với ký ức, kỷ niệm, câu chuyện trong đời tác giả…
       Và, vì vậy, một dòng sông cả đời tác giả mới đặt chân đến lần đầu như một nhà báo đi tìm hiểu để viết bài …không thể coi là dòng sông đã từng gắn bó trong đời.
       HTV cho rằng: “Bản thân tôi thì không cho là như vậy. Tôi cho rằng từ “gắn bó” bị hiểu sai nghĩa. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê làm chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2003 định nghĩa “gắn bó” là “có quan hệ hoặc làm cho có quan hệ về tinh thần, tình cảm khó tách rời nhau” (trang 374). Đây là cuốn Từ điển về tiếng Việt được giới ngôn ngữ học đánh giá là chuẩn nhất hiện nay, là một công trình khoa học do tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Ngôn ngữ học - cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam biên soạn dưới sự chủ biên của GS. Hoàng Phê. Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005. “Từ điển tiếng Việt” xuất bản lần đầu năm 1988, đến nay được tái bản nhiều lần.
     Nói như vậy thì chỉ cần có tình cảm gắn bó với một nơi nào đó, ở đây, cụ thể là một con sông nào đó, đủ sức tạo nên những cảm xúc, cảm thấy lưu luyến, thì người viết đều có thể viết. Cách dùng từ trong thể lệ của Vietnamnet như vậy có nghĩa là hàm ý rất mở, tạo ra không gian sáng tạo cho người dự thi. Cho nên việc cố gò ép khiên cưỡng vào câu chữ để bắt bẻ là một điều không cần thiết.”
        Vâng, định nghĩa cho từ “gắn bó” trong từ điển có thể là như vậy, nhưng trong nội dung thể lệ cuộc thi cụ thể này thì khó có thể hiểu như thế, nếu theo cách hiểu của HTV tất cả các dòng sông không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, tác giả đều có thể nói con sông ấy gắn bó với mình vì mình đã từng nghĩ về nó, học về nó…
   Tôi sẽ gắn bó với cả dòng Sông Amazon ở Nam Mỹ dù cả đời chưa nhìn thấy nó, chưa chạm vào mặt nước của sông.
    Và, nếu tinh thần thể lệ là như vậy, ViệtNam Net không cần viết quá dài dòng, nhấn mạnh đến CÂU CHUYỆN CÓ THẬT và cụm từ HỌ ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI, đơn giản, thể lệ cuộc thi chỉ cần ghi: “Viết về một con sông Việt”.
    Rồi, cứ cho lập luận của HTV là đúng, thì dòng sông Amazon mà tôi viết về nó sao có thể THẬT được bằng những người dân Nam Mỹ từng sinh ra trên con sông đó, tắm nước sông Amazon, từng yêu nhau say đắm trên sông, đẻ con, sống chết với sông.
  Cũng như bài viết của HTV về con sông Đà, nơi lần đầu tiên chị mới đi đến đó, sao có thể GẮN BÓ TRONG ĐỜI hơn con sông của các tác giả khác như sông Gianh với nhà văn Nguyễn Quang Lập, sông Đuống với nhà văn Trần Vi Anh, Sông Nậy với nhà văn Nguyễn Hồng Lam…
    Trong cuộc thi này, có hai tác phẩm được giải chính thức, tác giả đều viết về con sông lần đầu tiên trong đời họ đặt chân tới, bài: “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại’ và “Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”.
 
II- BÀI VIẾT “NGƯỢC DÒNG NHẬT LỆ” VI PHẠM QUY CHẾ THI VÌ VƯỢT 2000 TỪ.
    Tôi đã xem rất kỹ, tôi biết “Ngược dòng Nhật Lệ “ in trên VietNamNet 2 kỳ, nếu tính theo dung lượng in mỗi kỳ chưa vượt 2000 từ. Do sự luộm thuộm của BTC cuộc thi việc đánh số bài, từng phần của bài, và cả việc trao gỉai thưởng không được rõ ràng về bài thi, tác phẩm...
   Thể lệ cũng không thể hiện rõ khái niệm: Tác gỉa, nhóm tác giả, bài, chùm bài…
   Theo thể lệ, có thể hiểu: giải được trao cho tác phẩm trọn vẹn và tác phẩm không được viết quá  2000 từ.
    Nhiều tác giả, gửi nhiều bài thi, như nhà văn Trương Chí Hùng, khi trình bày trên VietNamNet lấy tiêu đề chung là: CHÌM NỔI NHỮNG PHẬN SÔNG, nhưng thực ra là 5 bài thi riêng về sông của nhà văn.  Nhà báo Mai Nam Thắng, có một chùm dự thi gồm 3 bài.
    Và, tôi không bao giờ nói: tác phẩm dự thi Chìm nổi những phân sông, dung lượng vượt 10 ngàn từ, hay tác giả Mai Nam Thắng có bài viết vượt 6000 từ vì các bài viết của họ là những bài thi độc lập, mỗi bài thi là một tác phẩm có thể đứng riêng, không phụ thuộc vào nhau.
    Nhưng “Ngược dòng Nhật Lệ” thì khác, in hai kỳ, VietNamNet đặt tên bài 1, bài 2, nhưng thực ra phải gọi đúng tên là phần 1, phần 2 của một tác phẩm.
     Và, vì vây, tôi đã tính cho MỘT TÁC PHẨM dung lượng bài viết lên đến hơn 3700 từ nên đó là một tác phẩm dự thi phạm quy.
     Với cấu tứ của bài viết, cố tình tách ra làm 2 tác phẩm để nói rằng mỗi bài viết chưa vượt 2000 từ cũng không được: Câu chuyện được tác giả khởi đầu với hình tượng GIỌT NƯỚC: “Hồi bé, tôi thích câu chuyện hành trình của giọt nước: Giọt nước sinh ra từ đại dương…” ….Giọt nước ấy hành trình suốt tác phẩm này, nó chỉ hoàn tất, kết thúc ở phần 2 (ViẹtNamNet-đặt tên bài 2): “Thế là tôi thoả mãn giấc mơ thuở bé, theo hành trình của một giọt nước tìm về cuội nguồn của dòng sông Nhật Lệ, con sông yêu thương của tôi và của biết bao người”
   Ở đây chỉ có một tác phẩm dự thi hoàn chỉnh, không thể tách làm hai tác phẩm độc lập, riêng biệt, đó là tác phẩm NGƯỢC DÒNG NHẬT LỆ và tác phẩm này có dung lượng trên 3700 từ!
   *
  Cũng về số lượng từ theo quy định: Nhiều nhà văn cho rằng “Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt” cũng đã phạm quy. Bài viết này có tổng trên 2200 từ, vượt quy định hơn 200 từ.
  Tôi thì cho rằng sai sót trong phạm vi mấy trăm chữ nên bỏ qua vì nhà văn khi viết bài khó căn chỉnh chính xác từng từ.
   Và, có những dòng không thể thiếu trong mạch cảm xúc.
   Nhưng nhiều nhà văn nói rằng, theo quy chế, thì đó là là một sự chênh lệch lớn về từ.
   Trong lịch sử báo chí Việt Nam, đã có trường hợp bị tước mất giải nhì vì vượt quá quy định có 87 chữ, đó là trường hợp nhà văn Đào Ngọc Vinh trong cuộc thi Cuộc thi Truyện ngắn ĐBSCL năm 2014. Thể lệ quy định 5000 chữ, truyện của Đào Ngọc Vinh 5087 chữ, dư đúng 87 chữ!
   Theo tôi, đây là trường hợp, áp quy chế quá máy móc…
 
III- TÁC GIẢ TÁC PHẨM “NGƯỢC DÒNG NHẬT LỆ”.
Bạn đọc, những người không tham gia cuộc thi như tôi, những người không biết gì về tác giả, về việc bếp núc của BBT, chỉ có thể đọc , xem bài viết trên văn bản.
Ở bản in đầu tiên trên VietNamNet chỉ có tên tác giả TRẦN HỒNG HIẾU, không hề ghi là nhóm tác giả, bắt buộc chúng ta hiểu đúng: tác phẩm chỉ có một tác giả là TRẦN HỒNG HIẾU.
Cũng có những bài thi của nhóm tác giả, như NHỊP ĐIỆU SÔNG LÔ, ViẹtNamNet ngay khi in đã ghi rõ: “Nhóm tác giả: Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng” (xem hình 5-6).
- Khi in sách tác phẩm Ngược dòng Nhật Lệ vẫn ghi: tác giả Trần Hồng Hiếu.
   (Bên Nhịp điệu sông lô in sách ghi rõ: Nhóm tác giả: Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng)
Nhưng khi trao giải thưởng thì công bố: Giải nhì Ngược sông Nhật Lệ: NHÓM TÁC GIẢ TRẦN THỊ HỒNG HIẾU -ĐOÀN XUÂN HOÀNG.
Từ đâu, xuất hiện thêm tác giả: TRẦN XUÂN HOÀNG.
Độc giả, người ngoài cuộc, bắt buộc đọc trên văn bản và ngạc nhiên về điều này.
Tác giả Trần Xuân Hoàng từ đâu ra?
Sự kiện làm cho cuộc thi trở nên không minh bạch, không phải là lỗi của tôi và các độc giả!?
-------------------------------------
P/S:
Tôi xin nhắc lại lần nữa, các tác giả thi không có lỗi. Họ có quyền nhận và giữ giải đã công bố. Các tác giả không hề làm gì sai.
Lỗi ở BTC, BGK cuộc thi.
Và bài viết này cũng nhằm mục đích hướng tới các cuộc thi được tổ chức đàng hoàng, minh bạch. Để người thi, người được giải, độc giả đều vui, đều là người chiến thắng.
Tôi xin lỗi các tác giả vì đã nói tới, hay trích bài các bạn!
ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến