Kỳ 115 -LÊ LỢI: GƯƠM MÀI ĐÁ, ĐÁ NÚI PHẢI MÒN VOI UÔNG NƯỚC, NƯỚC SÔNG CŨNG CẠN.


Kỳ 115
LÊ LỢI: GƯƠM MÀI ĐÁ, ĐÁ NÚI PHẢI MÒN
VOI UÔNG NƯỚC, NƯỚC SÔNG CŨNG CẠN

Châu Trà Lân thời kỳ thuộc Minh là vùng đất sinh sống của các sắc dân Thái, Mường, Việt. Nhiều gia đình ở đây có con em là thuộc hạ của tù trưởng Cầm Bành vừa bị quân Lam Sơn đánh bại. Bình Định vương Lê Lợi biết rõ điều đó, trước sau đã nhiều lần căn dặn quân lính không được xâm phạm đến nhân dân, chỉ cố gắng chế phục Cầm Bành, chiếm lấy đất đai mà thôi. Đến khi Cầm Bành bị mưu phản bị giết, những người thuộc hạ cũ đa số được Lê Lợi tha tội. Ngài cố sức an ủi nhân dân, mọi người đều mến phục. Bình Định vương Lê Lợi kén chọn những trai tráng khỏe mạnh, lấy được hơn 5.000 người hạng ưu xung vào đội ngũ quân Lam Sơn. Uy võ và đức độ của Lê Lợi càng thêm lừng lẫy.

Vào khoảng giữa năm 1425, tại nước Minh, vua Minh Nhân Tông chết. Thái tử Chu Chiêm Cơ lên nối ngôi, lấy hiệu Tuyên Đức, sử gọi là Minh Tuyên Tông. Vua mới của nước Minh vẫn kế tục chính sách cố giữ “đất An Nam”, chiến tranh Minh – Việt vẫn tiếp diễn.

Lại nói bọn Phương Chính sau khi trúng kế trá hàng của Bình Định vương, để mất châu Trà Lân vào tay quân ta thì rất cay cú. Phương Chính biết mình bị lừa, giận dữ đem quân tiến đánh. Nhưng thế quân ta đã vững, đánh lui được quân Minh. Phương Chính cùng Sơn Thọ phải dẫn quân rút về thủ thành Nghệ An, chờ đợi viện binh từ Đông Quan xuống phối hợp. Bình Định vương Lê Lợi dẫn quân tiến đóng tại Khả Lưu (thuộc Đô Lương, Nghệ An ngày nay), phủ dụ nhân dân, lập mưu đánh thành Nghệ An. Thế nhưng thành này kiên cố, chưa dễ công phá.

Nhân lúc vua Minh Tuyên Tông vừa lên ngôi, bọn thái giám Sơn Thọ lại viết thư dụ hàng. Quan tướng nước Minh đã rất cố gắng dụ dỗ, mua chuộc Lê Lợi, tỏ ra sẵn sàng bỏ qua chuyện cũ và hứa hẹn về quan tước. Nhưng quân giặc bạo ngược đã lâu ngày, nay chẳng qua thua trận liên tiếp mới phải xuống giọng chiêu an. Bởi thế mà người nước ta trên dưới đã không còn lòng tin được nữa. Vả lại, chí của Lê Lợi không chỉ muốn bản thân được êm ấm, mà là cứu muôn dân, khôi phục giang sơn. Bình Định vương Lê Lợi nhận thư của Sơn Thọ, cho họp các tướng, bàn rằng : “Giặc sai người đến lừa ta, ta nhân chỗ sơ hở của chúng mà lừa lại, chính là dịp này đây”.

Lê Lợi muốn thăm dò tình hình mới sai sứ giả thư từ qua lại day dưa với giặc, cốt là để cho người được ra vào thành Nghệ An mà do thám việc phòng bị của quân Minh đóng giữ thành. Một lần nữa, tướng lĩnh nước Minh lại thua trí của Bình Định vương và đầu não quân Lam Sơn. Sứ ta mấy lần vào thành, đều tích cực quan sát đường đi lối lại và sự bố phòng của quân Minh trong thành. Sau mấy lần thư từ qua lại mà không đạt được mục tiêu gì, Sơn Thọ mới dần hiểu ra mưu kế của quân ta, bèn tuyệt giao và càng chú tâm phòng bị.

Trong thời gian thư từ với giặc, Lê Lợi cho quân đóng chiến thuyền, chuẩn bị lương thực, khí giới. Ngài cho huấn luyện quân lính một cách bài bản các môn võ nghệ, kỹ thuật chiến đấu, các chiến thuật, hiệu lệnh để dùng đánh thành. Tướng giặc vừa tuyệt giao, quân Lam Sơn đã sẵn sàng đội ngũ, voi ngựa thuyền bè chia làm hai đường thủy bộ tiến đánh thành Nghệ An. Tuy nhiên, quân sắp đi thì có tin do thám báo về rằng tướng Minh là Lý An từ thành Đông Quan đem cả quân thủy lẫn quân bộ đến cứu viện thành Nghệ An, voi ngựa rất đông đảo.

Lê Lợi được tin báo, xét rằng tình hình khó mà đánh thành ngay được, bèn họp các tướng bàn rằng: “Quân địch đông, quân ta ít, đem ít đánh đông chỉ ở những đất hiểm là có thể lập được công. Vả chăng binh-pháp nói: "Nhử người tới, chứ không để người dữ tới".”

Từ kế hoạch đánh chiếm thành Nghệ An, bộ chỉ huy nghĩa quân chuyển sang lập mưu đánh diệt quân Minh ở bên ngoài thành trì.

Lê Lợi nói với các tướng: “Trần Trí bị vây khốn đã nhiều ngày, bây giờ có viện binh tới, y tất nhiên ra đánh”. Một thế trận liên hoàn sau đó được bộ chỉ huy nghĩa quân bày ra để đón đánh quân địch tại ngay địa bàn mà quân ta đang chiếm giữ. Các tướng Đinh Liệt, Lê Ninh được lệnh đi đường tắt tiến nhanh đến huyện Đỗ Gia (thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay), tranh chiếm trước địa lợi. Lê Lợi thì đích thân chỉ huy đại quân, chia quân phục sẵn các nơi hiểm yếu, đón đánh quân Minh tại ải Khả Lưu (thuộc huyện Anh Sơn, Nghệ An).

Trần Trí có được viện binh, quả nhiên mở cổng thành dẫn quân đến đánh Khả Lưu, đúng như Lê Lợi tiên liệu trước. Quân của Đinh Liệt và Lê Ninh đụng trận với Trần Trí trước tại Đỗ Gia. Với lực lượng ít ỏi, quân Lam Sơn tại đây chỉ có nhiệm vụ đánh thăm dò, kéo dài thời gian cho quân ở Khả Lưu bố trí lực lượng rồi nhanh chóng rút đi.

Quân Minh vượt Đỗ Gia tiến đến Khả Lưu, dàn quân đối lũy với quân ta, hai bên cách nhau một con sông Lam. Bấy giờ quân Lam Sơn đã hùng mạnh, không còn chênh lệch về quân số nhiều như trước nữa. Trần Trí thấy trận thế quân ta đã vững, bèn cho quân hạ trại, chuẩn bị chiến cụ, thuyền bè vượt sông. Lê Lợi cũng cho quân dựng trại dọc bờ sông, giương cờ gióng trống, phô trương thanh thế. Đêm đến, đèn đuốc quân Lam Sơn sáng rực một khúc sông, thu hút sự chú ý của quân Minh. Trong khi đó, tượng binh và quân tinh nhuệ của ta đã âm thầm vượt sông ở một đoạn sông khác, đi vòng ra phía sau lưng địch mai phục sẵn.

Rạng sáng ngày 17.5.1425 Âm lịch, quân Minh cậy có hạm thuyền hùng mạnh, cứ ồ ạt cho quân vượt sông đánh vào trại quân ta. Một phần lực lượng quân Lam Sơn dàn trận nghênh chiến rồi giả vờ yếu thế, vừa đánh vừa lui dần, dẫn dụ quân Minh vào sâu trong trận địa mai phục. Trần Trí đã nhiều phen thua vì trúng mai phục, nên lần này hắn đã thận trọng hơn trước. Một lực lượng lớn quân Minh vẫn chưa vượt sông mà còn ở bờ phía đông, chờ cho quân tiên phong đánh mở đường, tạo không gian an toàn cho khối hậu quân. Khi thấy quân tiên phong đã trụ vững rồi, Trí mới cho từng tốp nối nhau vượt sông.

Thế nhưng Trần Trí dù đã có phòng bị nhưng vẫn trúng kế quân ta. Khi quân Minh qua sông được chừng một nửa, Bình Định vương Lê Lợi mới phát lệnh tổng công kích. Vẫn là một quan cảnh quen thuộc trong các trận mai phục của quân Lam Sơn, phục binh bốn phía đổ ra vây đánh dữ dội vào đám quân Minh đã vượt sông trước. Quân tiên phong giặc nhanh chóng bị tổn thất nặng, quay đầu chạy ngược về bờ sông. Trần Trí chưa biết xử trí thế nào, thì phục binh của ta vốn đã phục sẵn phía sau trại quân Minh cũng nhất tề xông thẳng ra đánh phá. Quân mai phục của ta đánh vào khối quân của Trần Trí tuy không đông, nhưng đều là tinh binh thiện chiến, đã gây nên sự hoảng loạn về tâm lý cho quân Minh. Trần Trí thua trận nhiều nên sinh nhát vía, chỉ phút chốc gặp quân mai phục, hắn đã cho quân lên thuyền rút lui. Quân Minh tranh nhau lên thuyền, rơi xuống sông chết đuối nhiều gấp mấy lần số bị quân ta giết trong trận.

Tại trận này, theo các sử sách phía ta chép thì quân Minh bị giết và bị chết đuối kể đến hàng vạn tên. Đây có thể coi là một trận đại thắng nữa của quân Lam Sơn sau các trận Bồ Đằng, Trà Lân. Trần Trí thua tại Khả Lưu, lại phải rút về thành Nghệ An mà cố thủ. Quân Lam Sơn đã mạnh lại càng mạnh, giành quyền kiểm soát phần lớn đất đai Nghệ An, dồn quân Minh vào trong thành trì.

Quốc Huy


Nhận xét

Bài đăng phổ biến