Trà dư tửu hậu là thành ngữ rất phổ biến, nhiều người sử dụng
cả trong lời nói hằng ngày cho tới văn bản viết, song nguồn gốc của thành ngữ
này không phải ai cũng biết. Từ trà và tửu xuất hiện trong tiếng Việt từ thế kỷ 19, đã từng được ghi
nhận trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) của Huình-Tịnh Paulus Của. Song đến nửa
đầu thế kỷ 20 thành ngữ trà dư tửu hậu mới phổ biến dần, cụ thể là trong Việt
Nam thi-văn giảng-luận của Hà Như Chi: "…Những lúc trà dư tửu hậu của hạng
người tinh-thông Hán-học" (NXB Tân Việt 1951, tr.14). Trà dư tửu hậu (茶余酒后) có nguồn gốc từ Hán ngữ, dùng để chỉ thời gian rảnh rỗi sau bữa trà rượu.
Xét về từ nguyên, thành ngữ này xuất hiện lần đầu trong quyển Đấu am thuần· Nữ
hiệu úy của nhà viết kịch Quan Hán Khanh (1241 - 1320) thời nhà Nguyên, một tác
phẩm nói về các hoạt động giải trí dân gian lâu đời có nguồn gốc từ Q.Tiết
Thành, TP.Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông. Ngày xưa, sau Tết Nguyên đán, nông dân thường tiêu khiển bằng trò
"chọi chim cút" khi rảnh rỗi (tức lúc trà dư tửu hậu). Nguồn gốc trò
chơi này bắt nguồn từ thời hoàng đế Huyền Tông nhà Đường. Do có trận chọi chim
cút vào cuối thu đầu đông nên Đấu am thuần còn được gọi là Đông Hưng. Và do mỗi
trận đấu gọi là khuyên (圈: vòng), nên trò này còn được gọi là Am thuần khuyên (Vòng chim cút), một
trò chơi dân gian đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp
thành phố ở Tảo Trang. Ở VN, thành ngữ trà dư tửu hậu rất phổ biến, tuy nhiên có 2 thành ngữ
Trung Quốc khác đồng nghĩa, song người Việt hiếm khi sử dụng, đó là: 1. Trà dư phạn hậu (茶余饭后), dùng để chỉ khoảng thời gian rảnh rỗi, no đủ sau khi ăn uống. Ở đây,
chữ (饭: cơm) thay cho tửu (酒: rượu). Nhìn chung, phạn thường dùng để chỉ "cơm", ví dụ: bạch
mễ phạn (cơm gạo trắng), song hi phạn lại có nghĩa là cháo. Ngoài ra, phạn cũng
có nghĩa là "bữa ăn chính định kỳ trong ngày, chẳng hạn như tảo phạn (bữa
sáng), vãn phạn (bữa tối). 2. Trà dư phạn bão (茶馀饭饱), nói về khoảng thời gian rảnh rỗi, thư giãn sau khi đã no đủ, thường là
sau bữa ăn (bão có nghĩa là no đủ). Ví dụ: "Sau khi ăn uống no đủ, rảnh rỗi
chuyện trò" (Trà dư phạn bão, nhàn thoại gia thường). Thành ngữ này cũng
có nguồn gốc từ "Đấu am thuần· Nữ hiệu úy" của Quan Hán Khanh:
"Sau bữa ăn tối và uống trà, tôi mời bạn bè cũ đến Tần lâu để giải tỏa nỗi
buồn chán" (Trà dư phạn bão yêu cố hữu, tạ quán Tần lâu, tán muộn tiêu sầu). Trà dư phạn bão còn có nghĩa là "dùng trà để giải rượu, tiêu hóa thức
ăn", chẳng hạn như: "Sau khi ăn uống no đủ, đi dạo để tiêu hóa thức
ăn" (Trà dư phạn bão, tản bộ tiêu thực). Có những văn bản cổ liên quan với thành ngữ trà dư phạn bão, bao gồm vở kịch
Mẫu đơn đình· Huấn nữ, còn gọi là Hoàn hồn ký của Thang Hiển Tổ thời nhà Minh,
được viết vào năm 1598. Ngoài ra, có những thành ngữ, tục ngữ liên quan đến trà và phạn song
nghĩa lại hoàn toàn khác, chẳng hạn như trà phạn vô tâm (茶饭无心), một thành ngữ có nguồn gốc từ
quyển Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, nói về việc không thiết tha gì đến ăn uống,
diễn tả tâm trạng chán nản; còn trà lai thân thủ, phạn lai tương khẩu có nghĩa
là "trà đưa tận tay, thức ăn dâng tận miệng", ý nói sống sung sướng,
có kẻ hầu người hạ.
Nhận xét
Đăng nhận xét